Hệ thống phòng thủ tên lửa của Moscow

Thứ Ba, 15/09/2020, 21:34
Việc xây dựng và phát triển các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Moscow và khu công nghiệp Trung ương Nga, và trước đây là thời Liên Xô, bắt đầu vào năm 1968. Theo ý tưởng ban đầu, hệ thống phòng thủ chống tên lửa được sử dụng để phòng thủ trước các cuộc tấn công nhiều đợt tên lửa đạn đạo được phóng từ Thế giới thứ ba.

Hệ thống phòng thủ này cũng có thể bảo vệ thủ đô Moscow của Liên Xô khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa phóng từ tàu ngầm ở ngoài tầm kiểm soát. Việc xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa hai lớp mới sau đó kết thúc vào năm 1989. Ngày 17/2/1997, Tổng thống Nga ký lệnh đưa hệ thống phòng thủ tên lửa vào tình trạng trực chiến.

Hệ thống phòng thủ nâng cấp theo yêu cầu

Hệ thống chống tên lửa đầu tiên do Liên Xô phát triển là A-35, hệ thống này được đề xuất nghiên cứu chế tạo vào năm 1959 và mãi đến tận năm 1978 mới đưa vào hoạt động. Khả năng tác chiến của hệ thống A-35 là vô cùng hạn chế vì nó chỉ có thể đối phó với 6 đến 8 cuộc tấn công của tên lửa liên lục địa.

Năm 1959 do lực lượng tên lửa liên lục địa chưa mạnh thì hệ thống A-35 còn có thể miễn cưỡng đối phó được nhưng đến thập niên 1970, lực lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đã phát triển với quy mô lớn thì khả năng chống tên lửa của A-35 thực sự chỉ là “lấy gậy chống trời”.

Đầu những năm 1970, Liên Xô ước tính rằng ít nhất có 60 đầu đạn hạt nhân tương đương với 1 triệu tấn thuốc nổ đang nhằm vào Moscow, số lượng này lớn gấp 10 lần khả năng tác chiến của hệ thống A-35. Song song với sự ra đời của tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân thì mối đe dọa đã tăng lên rất nhiều.

Trong bối cảnh này, tháng 6 năm 1975 Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã quyết định triển khai một hệ thống tên lửa chống đạn đạo thế hệ mới có tên là A-135. Hệ thống chống tên lửa A-135 được trang bị hai hệ thống tên lửa: Một loại tên lửa đánh chặn tên lửa trong khí quyển có tên là 53T6, còn một loại tên lửa đánh chặn tên lửa ngoài tầng khí quyển có tên là 51T6.

Tên lửa chống tên lửa 53T6 thuộc hệ thống A-135 của Nga.

Lúc đầu tình báo phương Tây gọi tên lửa 51T6 là SH-11 sau đó đổi thành ABM-3 Gore. Tên lửa 51T6 là loại tên lửa hai tầng lớn được lắp đặt trong một bệ phóng tiêu chuẩn hoặc được bắn từ giếng ngầm giống như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Động cơ chính của tên lửa được trang bị động cơ đẩy mạnh để tăng nhanh tốc độ tên lửa. Giai đoạn thứ hai là động cơ nhiên liệu lỏng với một buồng đẩy duy nhất và 4 động cơ điều chỉnh.

Cấu hình rắn/lỏng này có thể giúp động cơ thứ cấp dễ điều khiển hơn, điều này không chỉ đảm bảo năng lượng đánh chặn cao ở giai đoạn cuối mà còn cho phép kiểm soát tốt lực đẩy, nhờ đó cải thiện khả năng cơ động của tên lửa.

Để tiết kiệm nhiên liệu, động cơ thứ cấp có thể được tắt và đốt lại, điều này là không thể đối với động cơ nhiên liệu rắn. Trong quá trình thiết kế, tên lửa còn tăng cường khả năng chống bức xạ bởi vì theo yêu cầu thiết kế có thể có một vụ nổ hạt nhân trong môi trường tác chiến của tên lửa 51T6, hoặc là tên lửa xâm nhập vào trong môi trường vụ nổ hạt nhân. 

Trước khi phóng, trung tâm chỉ huy đã tải vị trí gần đúng của tên lửa mục tiêu vào hệ thống dẫn đường quán tính của tên lửa đánh chặn 51T6. Hệ thống dẫn đường quán tính được sử dụng để điều khiển đường bay trong giai đoạn đánh chặn nhanh ban đầu. Ở giai đoạn đánh chặn cuối, tầng 2 của tên lửa được cơ động đến vị trí mục tiêu thông qua hướng dẫn của radar chiến đấu Don-2NP. Tên lửa đánh chặn 51T6 không sử dụng chế độ dẫn đường đầu cuối bởi vì đầu đạn hạt nhân tương đương 10.000 tấn mà nó mang theo có đủ lực sát thương trong khoảng cách rất lớn, tầm bắn hiệu quả của tên lửa 51T6 là 350 km.

Tên lửa đánh chặn ngoài tầng khí quyển 53T16 tương tự như tên lửa đạn đạo  chiến thuật được sử dụng bởi hệ thống tên lửa S-300V. Ban đầu phương Tây gọi nó là SH-08 sau đó đổi tên thành ABM-3 Gazelles. Đây là một tên lửa một tầng hình nón với động cơ đẩy thể rắn, tốc độ bay tối đa của 53T6 là hơn 10 Mach.

Tên lửa 53T6 cũng có thể được đặt trong bệ phóng hoặc phóng từ giếng ngầm. Sau khi rời bệ phóng tên lửa lập tức bay đến mục tiêu với đường bay ngắn nhất bằng sự điều khiển khí động học. Vỏ ngoài của tên lửa đánh chặn 53T6 sử dụng hợp kim nhôm-titan chất lượng cao và có lớp chịu nhiệt đặc biệt để đề phòng tên lửa bị đốt cháy khi bay với tốc độ cao trong khí bầu khí quyển. 

Hệ thống tên lửa S-300V của Nga.

Đạn tên lửa có tầm bắn hiệu quả 80 km, giống như 51T6, 53T6 cũng được trang bị đầu đạn nhiệt hạch AA-84 tương đương một megaton (Mt). Khi trạm radar không thể phân biệt được đầu đạn thật và đầu đạn giả nó sẽ phóng ra “đầu đạn sương mù”.

“Đầu đạn sương mù” bay đến tiếp cận mục tiêu, các mục tiêu này bao gồm đầu đạn thật và đầu đạn giả cũng như các mảnh vỡ giai đoạn cuối của tên lửa đạn đạo tấn công. Theo tính toán của chuyên gia, khi kích nổ đầu đạn hạt nhân thì có khoảng 10%  cư dân sẽ bị chết. Xung điện từ do vụ nổ sẽ làm tê liệt tất cả các hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc và các kênh chỉ huy hoạt động trong khu vực. Khu vực ô nhiễm uranium-239 là 200 km2.

Tuy nhiên, không giống như 51T6, 53T6 sử dụng radar quản lý vận hành riêng gồm hai radar, một radar mảng theo dõi tên lửa và mục tiêu, trong khi radar còn lại cung cấp dữ liệu chỉ huy cho tên lửa.

Các vụ phóng thử tên lửa đã được thực hiện từ cuối những năm 1970, bao gồm cả việc phóng hai tên lửa đánh chặn vào ngày 18 tháng 6 năm 1982.

Hệ thống A-135 khi Liên Xô tan rã

Sự tan rã của Liên Xô năm 1991 có tác động không nhỏ đến hệ thống phòng thủ A-135. Do ngân sách quốc phòng giảm mạnh, nhiều công việc quan trọng của hệ thống đã buộc phải dừng lại và mạng lưới các hệ thống cảnh báo sớm rơi vào tình trạng hư hỏng.

Có một số nước cộng hòa trong thành viên Liên Xô cũ vẫn cho phép Nga tiếp tục sử dụng các trạm radar trong lãnh thổ của mình nhưng riêng Latvia một mực đòi tháo dỡ các trạm radar vì chúng có hại cho môi trường.

Do thiếu vốn, nhiều phòng thiết kế bị giải tán và việc thiếu chi phí mua sắm đã khiến nhiều hạng mục của hệ thống A-135 không được sử dụng. Mặc dù như vậy, sau mấy năm đối phó, đến đầu những năm 1990, hệ thống phòng thủ A-135 vẫn được đưa vào sử dụng với một số khả năng tác chiến của nó. 

Bản đồ phân bố các trạm radar cảnh báo sớm trong hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 ở khu vực Moscow.

Tạp chí “Quan sát quân sự độc lập” của Nga  viết rằng không ai trong quân đội Nga có thể làm rõ liệu hệ thống này có phát huy tác dụng khi tác chiến hay chỉ là duy trì trạng thái hoạt động. Tuy nhiên, theo một số phương tiện truyền thông thì do không đủ kinh phí hệ thống phòng thủ này đã không được sử dụng và thậm chí chính quyền đã xem xét không kích hoạt hệ thống. Theo một số chuyên gia, thiết bị của hệ thống A-135 chỉ thỉnh thoảng mới được vận hành bởi vì việc đóng hoàn toàn thiết bị khổng lồ này chỉ có một ý nghĩa duy nhất là nó đã chết nhưng phía quân đội vẫn muốn khôi phục và kiểm tra xem nó còn sống hay không.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người phản đối việc triển khai  hệ thống tên lửa đánh chặn mang đầu đạn hạt nhân ở xung quanh Moscow. Một số nhà phê bình chỉ ra rằng nếu một đầu đạn hạt nhân AA-84 phát nổ trong quá trình đánh chặn thì 10% người dân ở Moscow sẽ bị chết và một khu vực 200 km2 sẽ bị ô nhiễm.

Dư luận cũng chỉ trích việc chi phí bảo trì hệ thống quá cao với hơn 30 tỷ ruble đã được chi vào năm 1993. Một số người yêu cầu hệ thống A-135 nên chỉ được trang bị đầu đạn phi hạt nhân. Ngoài ra, một số nhân viên quân sự Nga tin rằng nên ưu tiên duy trì và cải thiện mạng lưới cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo, điều này quan trọng đối với an ninh quốc gia hơn là hệ thống tên lửa chống đạn đạo. 

Nga đã lên kế hoạch thử nghiệm tên lửa chống tên lửa tầm trung 53T6 trước năm 1993 nhưng kế hoạch này bị trì hoãn đến năm 1999 do không đủ kinh phí.

Tháng 2/1999, các chuyên gia của lực lượng phòng thủ tên lửa đã tiến hành thử nghiệm loại tên lửa đánh chặn này tại bãi thử Saresa 20.

Vụ thử thành công, thiết bị kích nổ tự động đã bắn trúng tên lửa được chỉ định trong không gian. Mục đích chính của cuộc thử nghiệm là kéo dài thời gian phục vụ của hệ thống này thêm 10 đến 12 năm nữa. Nếu cuộc thử nghiệm không thành công thì các tên lửa đánh chặn sẽ được thay thế  bằng tên lửa mới.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2 của Nga.

Người ta ước tính rằng việc thay thế bằng tên lửa mới sẽ cần ít nhất 1 tỷ ruble vào thời điểm đó. Trong quá trình thử nghiệm tên lửa chống tên lửa 53T6, ông Vladimir Yakovlev, khi đó là Tổng tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược tuyên bố rằng cấu hình của hệ thống A-135 sẽ không thay đổi trong tương lai gần nhưng họ vẫn đang nghiên cứu cấu hình tương lai của nó. Theo ông, cách để hiện đại hóa hệ thống trong tương lai là đưa vào các yếu tố mới hoặc cải tiến các thiết bị hiện có.

Theo các chuyên gia, công việc kiểm tra và bảo trì hiện đang được thực hiện để duy trì khả năng tác chiến của hệ thống A-135. Tên lửa đánh chặn và các trạm radar trinh sát đã được sửa chữa và đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Radar sẽ được sửa chữa định kỳ theo kế hoạch để kéo dài tuổi thọ. Cơ số đạn tên lửa đánh chặn không giảm, phần mềm và thiết bị máy tính được cập nhật dần dần để làm cho nó có khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ khi có lệnh. Ý định hồi sinh hệ thống A-135 của Nga có thể đã được chứng minh với lý do là Nhà Trắng không ngừng tìm cách xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu đắt tiền với ý tưởng tiêu diệt tên lửa đạn đạo từ khi chúng rời bệ phóng.

Đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga chỉ có thể tiêu diệt các đầu đạn đang tiếp cận, thật khó để biết liệu đó là điều tốt hay xấu khi đưa hệ thống A-135 trở lại hoạt động.

Nguyễn Đình Thiêm (theo “Xinhuanet.com”)
.
.