Hiểm họa ô nhiễm nhựa đe dọa trái đất
Điều này có nghĩa là mảnh nhựa đầu tiên được tạo ra vẫn còn tồn tại cho tới tận ngày nay. Sau hơn 100 năm xuất hiện, nhựa phế thải đang trở thành mối nguy hại lớn nhất, với những hậu quả khủng khiếp đối với môi trường, hệ sinh thái biển và hơn hết là sức khỏe con người.
Thức tỉnh nhân loại
Theo thống kê, từ năm 1950 đến nay, thế giới đã sản xuất khoảng gần 9 tỷ tấn nhựa. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2 tỷ tấn nhựa được con người sử dụng, còn 7 tỷ tấn nhựa kia đang tồn tại dưới dạng rác thải nhựa và rác tái chế. Trong đó, cần phải nói đến khối lượng rác khổng lồ chưa được xử lý đang nằm sâu trong lòng đất hay các đại dương. Trên thực tế, chỉ dưới 1/5 tổng lượng nhựa trên thế giới được tái chế, mặc cho nhiều quốc gia và doanh nghiệp đang tìm giải pháp để tăng con số này lên.
Nhựa phế thải đang trở thành mối nguy hại lớn nhất, đe dọa môi trường, hệ sinh thái biển và sức khỏe con người. |
Một nghiên cứu gần đây tại Mỹ cho thấy khoảng 93% người Mỹ có BPA (Bisphenol A - chất dùng trong chế tạo nhựa polycarbonate) trong cơ thể. Nhiều hạt nhựa nhỏ bị các vật nuôi trong trang trại hoặc các loại sinh vật biển ăn phải, sau đó cũng tự nhiên có mặt trong chuỗi thức ăn của con người.
Ngoài ra, quy trình sản xuất nhựa cũng gây rất nhiều tác hại tới môi trường. Từ việc khai thác nguyên liệu đến sản xuất ra sản phẩm, sự phát thải của các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm cả không khí lẫn đại dương. Không chỉ là vấn đề môi trường hay sức khỏe con người, việc khắc phục ô nhiễm rác thải nhựa cũng gây tổn thất nặng nề cho kinh tế do phải tiêu tốn cho công tác làm sạch và tẩy độc. Theo ước tính, các nước thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) chi 1,3 tỷ USD mỗi năm để giải quyết ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa.
Các quốc gia thuộc nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã đồng ý với cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa, đồng ý tăng công suất tái chế nhựa lên 50%. Trên thế giới, châu Âu là khu vực đi đầu trong nỗ lực giảm dần sử dụng đồ nhựa khi Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất cấm nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần và tái chế toàn bộ bao bì nhựa vào năm 2030. Các nước EU cũng hưởng ứng nhiệt tình khi nhiều thành phố, siêu thị hay nhà hàng nói "không" với vật dụng nhựa xuất hiện ngày càng nhiều tại "lục địa già".
Tại Nam Mỹ, Chile đã trở thành quốc gia đầu tiên thông qua lệnh cấm dùng túi nilon sử dụng một lần. Colombia đã giảm 35% mức tiêu thụ túi nilon sau khi đánh thuế đối với loại túi nilon to, trong khi thay đổi thiết kế nhằm sản xuất loại túi có thể tái sử dụng. Đối với châu Á, Hàn Quốc ban hành Luật thúc đẩy tiết kiệm và tái chế tài nguyên cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần ở bếp ăn tập thể, hay Luật Quản lý môi trường biển yêu cầu xây dựng Kế hoạch Quản lý rác thải biển.
Trong khi đó, Indonesia huy động quân đội tham gia cuộc chiến chống rác thải nhựa với cam kết tới năm 2025 giảm 70% lượng chất thải nhựa trên biển, còn Thái Lan áp thuế với túi nilon và sản xuất túi nilon có khả năng tự phân hủy.
Những ý tưởng độc đáo
Cùng với những nỗ lực đến từ giới lãnh đạo, các nhà khoa học đã tìm ra những cách thức mới để góp phần xử lý rác thải nhựa dư thừa. Ý tưởng biến nhựa thành nhiên liệu lỏng cao cấp được đại học California (Mỹ) đề xuất nhờ sử dụng kỹ thuật phân giải polyethylene - loại rác nhựa phổ biến nhất hiện nay.
Kỹ thuật sử dụng chất xúc tác hóa học tách nguyên tử hydro trong hợp chất, khiến các nguyên tử carbon buộc phải liên kết với nhau. Nhưng ngay khi liên kết, chất xúc tác lại bẻ gãy nó, khiến carbon lại liên kết với hydro. Quá trình này lặp lại liên tục, giúp thay đổi được cấu trúc của polyethylene thành dầu diesel, hay thậm chí là xăng. Ngoài ra, phương pháp mới này chỉ yêu cầu nhiệt độ 175OC, thay vì 400OC, nhờ vậy giảm tiêu thụ nhiên liệu trong quá trình sản xuất.
Chưa hết, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang nghiên cứu loài sâu bột ăn nhựa có thể giúp giảm lượng rác thải nhựa. Theo đó, ấu trùng của bọ cánh cứng Tenebriomolitor có thể sống bằng cách ăn xốp cách nhiệt và một số loại nhựa khác vì trong ruột của chúng có chứa nhiều loài vi sinh vật có khả năng phân hủy polyethylene. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, sâu bột có khả năng tiêu thụ 34-39mg xốp cách nhiệt mỗi ngày - tương đương khối lượng một viên con nhộng.
Chúng biến đổi nhựa thành CO2, sinh khối và chất thải có thể bị phân hủy bởi vi khuẩn. Việc tìm ra loài côn trùng có khả năng phân hủy nhựa một cách an toàn, cũng như những hiểu biết về cơ chế hoạt động của ruột sâu bột, có ý nghĩa quan trọng đối với việc tìm ra cách phân hủy rác thải nhựa hoặc tạo ra các loại nhựa dễ dàng bị phân hủy bởi vi khuẩn.
Một sáng kiến thú vị khác liên quan đến việc sản xuất nhựa sinh học từ rơm rạ hay mùn cưa, đáp ứng được mọi yêu cầu của các loại nhựa thông dụng hiện nay nhưng lại rất an toàn, có thể dùng một hay nhiều lần, thân thiện với môi trường và phân hủy nhanh. Các nhà khoa học Anh đến từ đại học Warwick đã chỉnh sửa lại một số gene có trong rơm rạ, nhằm tăng tốc độ chuyển đổi xử lý thực vật thành chất liệu nhựa sinh học.
Cụ thể, họ đã sản xuất nhựa sinh học từ chất lignin (chất gỗ), có thể là mùn cưa, một loại vật liệu tự nhiên giúp cho thân cây có thể đứng vững. Sau đó, họ tiếp tục chưng cất đường để hoàn thiện sản phẩm nhựa, thay vì việc dùng dầu hỏa (một loại nhiên liệu hóa thạch) để làm nhựa. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng chỉnh sửa gene của vi khuẩn Rhodococcusjostii, một loại vi khuẩn sinh sống trong lòng đất có nhiệm vụ phân hủy chất gỗ lignin rất nhanh.
Hiện nay, thế giới đánh giá rất cao dự án phát triển những viên gạch sinh thái Ecobrick - sản phẩm được làm hoàn toàn từ nhựa, với mục đích tái chế rác thải nhựa trở thành vật liệu xây dựng.
Việc phát triển Ecobrick mạnh mẽ tại Phillipines đã biến nơi đây thành ngọn cờ đầu trong phong trào đáng tuyên dương này, và từ đó Liên minh Ecobrick toàn cầu hình thành, lan rộng ra các nước châu Phi, châu Mỹ và gần đây nhất là Indonesia. Theo các chuyên gia, việc chế tạo gạch Ecobrick cực kì đơn giản khi bất kì hộp đựng bằng nhựa nào cũng có thể dễ dàng biến thành một viên gạch khi được lấp đầy bởi nhựa phế thải.