Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ đi về đâu?
Hành động cương quyết của ông Trump
Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu được thông qua tại hội nghị lần thứ 21 của Liên Hiệp Quốc về chủ đề này tại Paris (Pháp) năm 2015. Thỏa thuận đặt mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu xuống mức 0 vào năm 2050 hoặc muộn hơn. Tổng cộng, có 187 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký vào thỏa thuận này.
Quyết định từ phía Washington ngay lập tức vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ. Người phát ngôn Điện Kremlin gọi đây là sự xâm phạm “nghiêm trọng nhất” đối với Hiệp định Paris, phía Nhật Bản thì bày tỏ sự thất vọng đối với Mỹ.
"Tạo ra một xã hội khử carbon là một vấn đề cấp thiết và động thái của Mỹ là rất đáng thất vọng", Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi phát biểu trước báo giới sau quyết định của Mỹ. Đáng chú ý, hai ngày sau khi Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định, Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra tuyên bố chung tái khẳng định “kiên quyết ủng hộ” Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Tuyên bố chung Pháp-Trung được đưa ra nhấn mạnh Paris và Bắc Kinh coi tiến trình thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là “không thể đảo ngược” và là “kim chỉ nam” cho các hành động mạnh mẽ vì khí hậu, điều đó cho thấy một mặt trận thống nhất sau khi Washington chính thức rút khỏi hiệp định này.
Quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Trump cũng gây phân hóa sâu sắc tại Mỹ. Theo một số ước tính, nhiều tiểu bang, thành phố và doanh nghiệp, chiếm hơn một nửa trọng lượng nền kinh tế Mỹ, cũng như dân số liên bang, khẳng định tiếp tục tuân thủ các cam kết trong Hiệp định Paris, trái ngược với chính quyền trung ương. Tất cả các ứng cử viên tổng thống chủ chốt của đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử sơ bộ đều tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ trở lại với Hiệp định Paris nếu giành thắng lợi, ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1-2021.
Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. |
Trên thực tế, quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu chỉ chính thức có hiệu lực sau một năm nữa, tức là vào ngày 4-11-2020, một ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Do vậy, chính tân Tổng thống Mỹ mới là người quyết định Mỹ có ở lại với Hiệp định Paris hay không.
Chỉ cần tân tổng thống gửi một công văn chính thức đến Liên Hiệp Quốc yêu cầu trở lại với Hiệp định Paris, thì 30 ngày sau quyết định sẽ có hiệu lực. Nếu ông Trump tái đắc cử, chắc chắn, nước Mỹ sẽ ở ngoài Hiệp định Paris trong ít nhất 4 năm.
Chỉ EU “làm gương” là chưa đủ
Trước quyết định của ông Trump, nhiều chuyên gia bắt đầu đặt câu hỏi về tương lai của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Có thể thấy, hiện nay, các nước ký kết Hiệp định đang phải đối mặt với bài toán khó trong việc thực hiện những cam kết được đưa ra. Theo một chuyên gia về môi trường, việc thực hiện cam kết giống như “vấn đề lương tâm” hơn là mang tính ràng buộc pháp lý.
Mới đây, một bản phúc trình của các chuyên gia về khí hậu hàng đầu thế giới có tên là “Sự thật đằng sau các cam kết về khí hậu”, được tổ chức Quỹ Sinh thái phổ quát công bố cho thấy phần lớn những cam kết mà các nước đưa ra trong Hiệp định Paris về cắt giảm khí thải là “không đủ”.
Trong bản đánh giá toàn cầu đầu tiên về mức độ thực hiện cam kết của các nước này, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các nước hành động vẫn chưa đủ để có thể làm chậm lại biến đổi khí hậu và một số nước phát thải lớn nhất vẫn sẽ tiếp tục phát thải. Theo phúc trình, hơn một nửa phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đến từ 4 nước: Trung Quốc (26,8%), Mỹ (13,1%), Ấn Độ (7%) và Nga (4,6%).
Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc đều đưa ra cam kết giảm cường độ phát thải CO2 trên mỗi đơn vị GDP cho đến năm 2030 và cả hai nước đều có thể thực hiện được cam kết này nhưng vấn đề là lượng phát thải CO2 của họ vẫn tiếp tục tăng trong vòng một thập niên sau đó do nhu cầu phát triển kinh tế.
Về phía Mỹ, mặc dù chính quyền cựu Tổng thống Obama đã cam kết cắt giảm 26-28% trong tổng lượng phát thải của Mỹ nhưng Tổng thống Donald Trump đã rút lại cam kết này và bãi bỏ các quy định liên bang quan trọng nhằm kiểm soát phát thải nên các chuyên gia đánh giá hành động của Mỹ là “không đủ”. Trong khi đó, Nga không hề đưa ra cam kết nào.
Theo phúc trình, chỉ EU với 28 nước, chiếm 9% lượng phát thải là “có hành động quyết liệt đối phó với biến đổi khí hậu”. EU dự kiến sẽ cắt giảm 58% lượng phát thải của họ cho đến năm 2030 so với mức năm 1990, mặc dù cam kết họ đưa ra trong Thỏa thuận Paris chỉ là “cắt ít nhất 40%”. Cam kết của tất cả các nước còn lại, vốn chiếm 32,5% lượng phát thải toàn cầu, dựa trên điều kiện là phải có sự hỗ trợ kỹ thuật và ngân quỹ từ các nước giàu với số tiền 100 tỷ USD hằng năm, trong khi Mỹ và Australia đều đã ngừng đóng góp cho quỹ này.
Tiến sĩ James McCarthy, giáo sư hải dương học tại Trường Đại học Harvard và là đồng tác giả của bản phúc trình, nói: “Dựa trên phân tích kỹ lưỡng của chúng tôi về những cam kết khí hậu, sẽ là ngây thơ khi hy vọng các nỗ lực hiện nay của các chính phủ sẽ làm chậm đáng kể sự biến đổi khí hậu. Việc không giảm triệt để và nhanh chóng sự phát thải sẽ dẫn đến thảm họa môi trường và kinh tế từ biến đổi khí hậu do con người gây ra”.
Trong khi đó, ông Robert Watson - cựu Chủ tịch của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu và cũng là đồng tác giả bản phúc trình, nói: “Đơn giản là các cam kết này quá ít, quá chậm”. Như vậy, có lẽ, Hiệp định Paris chỉ nên là kim chỉ nam để hướng tới chứ không phải để thực hiện trong thời điểm 5-10 năm nữa. Nếu chỉ có các nước EU “làm gương” là chưa đủ cho một mục tiêu toàn cầu.