Khai thác titan ở Bình Thuận: Lợi nhuận "ăn" vào môi trường
- Lo ngại ô nhiễm phóng xạ từ khai thác titan
- Khai thác titan ở Bình Thuận: Sai phạm bắt nguồn từ buông lỏng quản lý5
Hiệu quả kinh tế khiêm tốn
Theo công bố quy hoạch, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo tỉnh Bình Thuận có gần 600 triệu tấn. Đây chỉ là con số phỏng đoán, chưa có cơ sở khoa học vì chỉ mới dừng ở mức điều tra cơ bản về địa chất mà chưa có các nghiên cứu về khả năng kỹ thuật, công nghệ khai thác, chế biến. Nhiều nhà khoa học cho rằng, "Tài nguyên" và "trữ lượng" là hai khái niệm khác nhau về bản chất. Chỉ có đánh giá trữ lượng mới cho con số chính xác.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Trưởng Ban chiến lược và KHCN - Tập đoàn Công nghiệp than -khoáng sản Việt Nam) cho rằng, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường thăm dò trữ lượng titan ở Bình Thuận ước khoảng 599 triệu tấn, trị giá khoảng gần 139 tỷ USD là tính "cua trong lỗ". Bởi lẽ theo kinh nghiệm của thế giới, với 100 tấn tài nguyên khoáng sản rắn thì trung bình thu được 2,7 tấn khoáng sản thương phẩm.
Khai thác titan ở Bình Thuận. |
Do vậy, nếu tính theo quy hoạch thì khi thành thương phẩm chỉ đạt 3,7 tỷ USD. Trong đó lợi nhuận đạt được là 17%, tương đương gần 64 triệu USD. Giả sử 599 triệu tấn titan này được khai thác hết trong vòng 50 năm thì sẽ thu được lợi nhuận bình quân là gần 1,3 triệu USD/năm. Nếu tính thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% thì ngân sách mỗi năm thu được chỉ là 0,32 triệu USD. Trong khi đó những mất mát từ khai thác từ titan là khá lớn, chưa thể đong đếm được.
Ông Phan Đình Nhã, Viện Tư vấn phát triển cho biết, bình quân mỗi năm tổng thu nộp ngân sách từ titan đạt trung bình từ 0,5 đến 1% so với tổng thu ngân sách tỉnh Bình Thuận. Nếu đem so sánh kinh tế thì doanh thu từ du lịch; năng lượng gió, mặt trời cao gấp 2,9 lần so với doanh thu khai thác chế biến tittan.
Mặt khác, việc phát triển du lịch sẽ khai thác tài nguyên lâu dài; phát triển rừng trên cồn cát gắn với du lịch sinh thái ở Bình Thuận sẽ ứng phó được với biến đổi khí hậu vốn là nhu cầu cấp bách của toàn cầu trong vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay cũng như trong tương lai. Trong khi đó khai thác titan thì tài nguyên khoáng sản mất đi, ô nhiễm nguồn nước, mất cảnh quan, sa mạc hóa… và cản trở các ngành kinh tế tiềm năng khác.
Bình Thuận rất có thế mạnh về năng lượng tái tạo và ngành "công nghiệp không khói". Bởi nơi đây có từ 2.660 đến 2.700 số giờ nắng/năm; tốc độ gió ở độ cao từ 60-80m đạt 6-8,5m/s (phân bổ trên diện tích 64.700ha); có tổng số chiều dài "mặt tiền" bờ biển là 24,58km, cao gấp 10 lần so với tỷ lệ của thế giới và 2,5 lần của Việt Nam.
Năng lượng tái tạo, công nghiệp không khói không chỉ thân thiện với môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tính bình diện chung của thế giới, công nghiệp không khói đóng góp 10% GDP (cao hơn ngành dầu khí), sử dụng lao động cao gấp 3 lần ngành tài chính - ngân hàng, 4 lần khai thác tài nguyên khoáng sản và 6 lần so với công nghiệp chế tạo. Đặc biệt, thu nhập để lại cho địa phương là từ 70-75%, trong khi các ngành công nghiệp khác chỉ từ 25-30%. Do vậy nếu thay thế khai thác titan bằng các dự án kinh tê ë- xã hội khác thì sẽ mang đến hiệu quả hơn nhiều.
Diện tích bị chồng lấn giữa quy hoạch titan và 33 dự án khác với diện tích 4.576ha đã gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng đó là vấn đề khó khăn nhất hiện nay của tỉnh. Bởi các dự án bị chồng lấn phải giẫm chân tại chỗ, chưa thể cấp đất cho doanh nghiệp được giao dự án. Điểm đặc biệt là ở khu vực quy hoạch titan thì rất thuận lợi trong việc phát triển điện gió, điện mặt trời… vốn là thế mạnh của Bình Thuận.
"Khai thác titan không hiệu quả bằng các dự án kinh tế - xã hội khác. Nếu so với 1ha làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì hiệu quả hơn 1ha khai thác titan. Với cách khai thác; quy trình công nghệ khai thác, chế biến sâu sa khoáng titan nâng cao giá trị thương phẩm như hiện nay thì không đóng góp nhiều cho ngân sách"- Ông Hùng nhấn mạnh.
Khai thác "đúng quy trình" thì chỉ có lỗ
Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất nước. Ở khu vực ven biển, nguồn nước ngọt càng khan hiếm, chỉ đủ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu hoa màu. Thế nhưng cũng chính tại khu vực này là nơi tập trung của titan trong lòng đất. Khai thác titan thì rất cần nhiều nước và không tránh khỏi ô nhiễm. Muốn có nước để khai thác, muốn xử lý triệt để ô nhiễm môi trường thì doanh nghiệp khai thác chỉ có lỗ.
Một nhà máy chế biến titan. |
Tiến sĩ Hoàng Thị Thanh Thủy (Đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh) là chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu đánh giá tác động tổng hợp do hoạt động khai thác và tuyển quặng titan trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận". Nghiên cứu cho biết, do đặc thù của thân quặng ilmenit ở Ninh Thuận (cũng giống như tỉnh Bình Thuận) là cát quặng nguyên khai của hệ tầng Phan Thiết có thành phần thạch anh là chủ yếu, hàm lượng khoáng vật quặng (ilmenite) rất thấp nên ở công đoạn tuyển thô, công nghệ bắt buộc là phải tuyển thủy lực để tách được phần quặng ra khỏi phần thạch anh, không thể áp dụng các "giải pháp khô" khác như tuyển từ, tuyển điện vì không khả thi.
Không thể sử dụng nước biển do có nguy cơ nhiễm mặn, sử dụng nguồn nước dưới đất cũng không được phép, vì nguy cơ tháo khô giếng của dân do hạ thấp mực nước ngầm. Do đó, với lượng nước yêu cầu là 4-5 m3 nước/m3 cát quặng, tỷ lệ tuần hoàn rất thấp (56% trong tầng cát xám, 34% trong tầng cát đỏ) doanh nghiệp chỉ có thể khai thác vào mùa mưa nhưng phải đầu tư chi phí không nhỏ để xây dựng các hệ thống trữ nước và dẫn nước.
Và theo tính toán thì ngay cả vào mùa mưa, khả năng các nguồn nước mặt có thể cấp cũng chỉ đáp ứng tối đa 36% lượng nước nhu cầu nên doanh nghiệp sẽ thua lỗ từ 7.000-10.000 đồng/m³ cát quặng tùy cự ly mua nước ngọt đưa từ nơi khác đến. Chi phí đầu tư hệ thống xử lý sẽ là khá lớn, chỉ tính riêng chi phí xử lý dầu trong nước thải đã là 8.000.000 đ/m³.
Chưa có bất kỳ một phân tích tài chính nào đã được thực hiện tính được cụ thể các tổn thất về tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm và phục hồi môi trường khi khai thác titan. Nguy cơ thất thu cũng là một vấn đề cần được quan tâm.
Hiện tại, cơ quan chức năng chỉ quản lý được việc khai thác, chế biến titan qua các báo cáo. Thực tế, doanh nghiệp khai thác bao nhiêu và nộp thuế có đúng với sản lượng khai thác hay không, đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp kiểm tra.
Các quốc gia "sống chủ yếu dựa trên xuất khẩu tài nguyên" bao gồm cả Việt Nam, mặc dù có lợi trước mắt nhưng thiệt hại về lâu dài là không lường được khi cảnh quan và môi trường bị thay đổi hoàn toàn, lãng phí tài nguyên do chỉ xuất thô, khi công nghiệp nội địa phát triển thì nguồn tài nguyên cũng không còn...
Vì khai thác "đúng quy trình" chỉ có lỗ nên các doanh nghiệp khai thác titan đã "ăn" vào môi trường, bỏ qua khâu xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường. Đó đã là một thực tế diễn ra tại Bình Thuận. Theo quy định, sau khi khai thác xong mỏ phải tiến hành hoàn thổ, phục hồi môi trường, trả lại thảm thực vật.
Công việc này đòi hỏi đầu tư nhiều kinh phí và công sức, nên các công ty khai thác titan thường thực hiện một cách sơ sài, mang tính đối phó. Một số khu vực khai thác xong đã san ủi mặt bằng, trồng lại rừng phi lao, nhưng nhìn chung phần lớn diện tích cồn cát sau khai thác titan chỉ còn là đồi trọc. Tại mỏ Bàu Dòi (diện tích 181ha), trước đây là rừng phi lao chắn cát của huyện Hàm Tân, sau mấy chục năm khai thác quặng, rừng phi lao đã bị triệt phá hoàn toàn.
Diện tích trồng mới chỉ được khoảng 30% diện tích mỏ nhưng cây sống rất còi cọc do không còn lớp mùn giữ nước. Ở những nơi chưa hoàn thổ, địa hình trở thành những hố sâu hàng chục mét xen lẫn các đụn cát cao ngất, khi có gió thổi cát bay mù mịt vào tận khu dân cư ở phía tây cách đó chỉ vài kilômét.
Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Đặng Trung Thuận (Đại học Quốc gia Hà Nội; chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam) cho biết, qua khảo sát cho thấy, khai thác titan lộ thiên sẽ phải đào hố sâu, đổ cát thải thành đống dẫn đến mất cân bằng về địa hình. Lớp cát lẫn sét trên tầng khai thác bị nóng khô sẽ bay về phía tây. Nếu khai thác đồng loạt, trên diện rộng thì cát sẽ bay về phía Quốc lộ 1A lấp ruộng, vườn nhà dân như từng xảy ra ở Quảng Bình.
Còn theo PGS. TS Đoàn Văn Cánh, giảng viên cao cấp Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Chủ tịch Hội Địa chất thủy văn Việt Nam thì khai thác mỏ cũng đồng nghĩa với việc phải đánh đổi phá hủy nhiều cảnh quan môi trường trên đất như thảm thực vật rừng gắn với phong cảnh thiên nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan vùng ven biển…
Thay đổi địa hình diễn ra nhiều nhất ở các khu vực có khai thác lộ thiên, các bãi đổ thải đã tạo nên những khu đồi cao nhân tạo 200 - 300m. Việc đổ đất đá thải tạo tiền đề cho mưa lũ bồi lấp các sông suối, các thung lũng và đồng ruộng phía chân bãi thải và các khu vực lân cận. Khi có mưa lớn thường gây ra các dòng bùn di chuyển xuống vùng thấp, vùng đất canh tác, gây tác hại tới hoa màu, ruộng vườn, nhà cửa…
Từ cơ sở trên, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng như các nhà khoa học kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, đưa các diện tích dự án thăm dò, khai thác titan không phù hợp, chồng lấn với 33 dự án vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và hoán đổi cho các doanh nghiệp khai thác titan đã được cấp phép ở vị trí khác.
Trong thời gian rà soát phải tạm dừng việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản titan. Đối với các dự án đã được cấp phép khai thác, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra toàn diện để kịp thời xử lý các sai phạm để không xảy ra sự cố môi trường và các sai phạm khác.