Khám phá kho "vũ khí hiện đại" của Iran

Thứ Ba, 19/01/2021, 20:11
Trong 2 ngày 13 và 14-1, quân đội Iran đã tiến hành cuộc tập trận tên lửa tầm ngắn tại Vịnh Oman mang tên Eghtedar-99. Trong bối cảnh Tehran vừa tuyên bố nâng mức làm giàu uranium lên 20%, cuộc tập trận đã khiến Mỹ và phương Tây lo ngại nhất là khi công nghệ quốc phòng Iran ngày càng phát triển với những vũ khí hiện đại vượt bậc.

Chiến hạm IRIS Makran

Hãng tin CNN cho hay, đây là cuộc tập trận được tổ chức thường niên của Tehran nhưng năm nay, nó lại nổi bật bởi sự hiện diện của tàu sân bay trực thăng mới "made in Iran" mang tên IRIS Makran. Đài truyền hình nhà nước cho biết, chiến hạm IRIS Makran nặng 121.000 tấn và là tàu quân sự lớn nhất của Iran với chiều dài 228 mét (748 feet), rộng 42 mét (138 feet) và cao 21,5 mét (70 feet). Ngoài vai trò là bệ phóng nổi cho 5 máy bay trực thăng quân sự, IRIS Makran còn có thể đóng vai trò như một tàu hậu cần hỗ trợ các tàu chiến trong hạm đội với khả năng chở tới 100.000 tấn nhiên liệu và nước ngọt.

Tàu sân bay trực thăng mới "made in Iran" mang tên IRIS Makran. Ảnh: AP.

Một tờ báo của Iran đưa tin, IRIS Makran trước đây là một tàu chở dầu nhưng đã được sửa chữa, thay thế để hỗ trợ hậu cần, thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn, triển khai lực lượng đặc biệt, bổ sung và vận chuyển vật tư, hỗ trợ y tế, có đầy đủ các thiết bị thu thập, xử lý thông tin và hoạt động như một căn cứ trên biển của quân đội Iran. Đặc biệt, chiến hạm này có thể hoạt động liên tục mà không cần vào cảng trong vòng 1.000 ngày. Đoạn video do quân đội Iran công bố hôm 14-1 còn cho thấy máy bay trực thăng chở lính biệt kích Iran tới IRIS Makran trong khuôn khổ cuộc tập trận.

"Bằng cách tổ chức cuộc diễn tập này, chúng tôi có thể đánh giá khả năng phản ứng kịp thời với các mối đe dọa tiềm tàng từ kẻ thù và cải thiện hiệu suất của chúng tôi thông qua việc giải quyết các điểm yếu và phát huy điểm mạnh", Đô đốc Hamzeh Ali Kaviani, người đóng vai trò là phát ngôn viên của cuộc diễn tập cho biết.

IRIS Makran có vai trò là bệ phóng nổi cho 5 máy bay trực thăng quân sự.

Tiêm kích không người lái

Trong khi đó, tờ Drone cho hay, hồi đầu tháng 1, Iran cũng lần đầu tiên tập trận với hàng trăm máy bay không người lái (UAV). Những chiếc UAV này thực hiện nhiệm vụ trinh sát các mục tiêu cố định và di động, trên đất liền cũng như trên biển, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công giả định bằng súng máy, bom và tên lửa dẫn đường, trong đó có cả các sứ mệnh tấn công tự phá hủy. Giới chức quân đội Iran tiết lộ, thế hệ UAV này có tên UAV Karrar- một bản sao của Beechcraft MQM-107 Streaker do Iran tự chế tạo.

"Điểm khác biệt của UAV Karrar là nó như một máy bay đánh chặn và có thể được sử dụng để tấn công theo kiểu tự phá hủy, đâm thẳng vào máy bay đối phương đang lao tới. UAV Karrar cũng có thể cất cánh từ bệ phóng di động", hãng CNN đưa tin và cho biết loại vũ khí này đã được các nhà khoa học quân sự Iran nghiên cứu chế tạo từ năm 2010. Khi đó, UAV Karrar được phóng từ một bệ đặc biệt và được trang bị tên lửa không đối không do Iran sản xuất. UAV Karrar thế hệ gần đây nhất của Iran sử dụng động cơ phản lực có tốc độ trên 800km/h và đã được sửa đổi từ vai trò là UAV mục tiêu thành UAV ném bom, mang theo một cặp tên lửa chống hạm nặng 112,5kg, một quả bom dẫn đường bằng GPS nặng 225kg hoặc một tên lửa hành trình cỡ nhỏ.

Ngoài hệ thống vũ khí tấn công mạnh mẽ, UAV Karrar mới của Iran còn được trang bị động cơ phản lực với tầm tác chiến lên đến 1.000km hoặc bay liên tục trong 8 giờ. Hãng thông tấn Fars News còn tiết lộ rằng, hồi tháng 4 năm ngoái, quân đội Iran đã được trang bị cùng lúc 12 UAV của 3 loại gồm UAV Karrar, UAV Ababil-3 và một UAV phản lực đa năng chưa rõ định danh.

UAV Karrar - một bản sao của Beechcraft MQM-107 Streaker do Iran tự chế tạo.

Tàu chiến bí ẩn

Cũng trong cuộc tập trận hồi đầu tháng 1, các chuyên gia quân sự quốc tế còn để ý tới một tàu chiến chưa từng được tiết lộ của Iran. Theo các hình ảnh bị rò rỉ, tàu chiến này có thể được thấy tại Shahid Darvishi gần Bandar Abbas, nơi một số tàu chiến cao cấp của Iran được chế tạo. "Không ai biết tên hay định danh của tàu chiến này. Điều này là không bình thường vì Hải quân Iran rất tự hào về khả năng đóng tàu chiến và tàu ngầm. Tàu chiến này có vẻ như có hai thân tàu được đóng cạnh nhau và giống thiết kế của tàu hiệu ứng bề mặt. Nguyên mẫu tàu chiến hiệu ứng bề mặt là tàu lớp Skjold của hải quân Na Uy. Nhưng tàu ở Iran khác là có thân tàu dốc. Chưa rõ liệu con tàu mới này có phải là tàu tên lửa hay không", hãng Navalnews cho hay.

Cho đến nay vẫn chưa có một hình ảnh nào về tàu chiến bí mật của Iran. Trong ảnh là dàn tàu chiến hiện có của hải quân Iran.

Tên lửa đạn đạo Qasem Soleimani

Hồi tháng 8-2020, trong một buổi trưng bày thuộc khuôn khổ Ngày Công nghiệp quốc phòng, Iran đã ra mắt một tên lửa đạn đạo mới được đặt theo tên của Chỉ huy Lực lượng Quds Qasem Soleimani, người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ trước đó 7 tháng. Trong sự kiện được truyền hình nhà nước phát sóng, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami đã báo cáo cụ thể về tên lửa đạn đạo mang tên Qasem Soleimani và tên lửa hành trình Abu Mahdi (tên này được đặt theo tên của Phó chỉ huy dân quân Shia của Iraq Abu Mahdi Muhandis, người đã bị giết cùng với tướng Soleimani gần Baghdad). Tên lửa Qasem Soleimani có tầm bắn 1.400 km, trong khi tên lửa Abu Mahdi Muhandis bắn trúng mục tiêu ở cự ly 1.000 km. "Các tên lửa và đặc biệt là tên lửa hành trình rất quan trọng với chúng tôi. Việc tăng tầm bắn của chúng từ 300 km lên 1.000 km trong chưa đầy 2 năm qua là một thành tựu lớn", Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định.

Thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ cho thấy, Iran hiện đang sở hữu một kho tên lửa đa dạng với ít nhất 8 loại tên lửa tấn công tầm bắn từ 300 km đến 2.500 km, có thể vươn tới hầu hết căn cứ quân sự của Mỹ tại Trung Đông.

Xe bọc thép chủ lực Karrar

Karrar (tên tiếng Anh là Striker) là một loại xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) được phát triển và thiết kế hoàn toàn bởi ngành công nghiệp quốc phòng Iran. Chiếc xe tăng này lần đầu tiên được ra mắt công chúng vào tháng 8-2016. Đoạn video từ Đài Truyền hình Iran "Telewebion" được đăng tải trên YouTube cho thấy, xa chiến chủ lực Karrar trong quá trình thử nghiệm trên sa mạc. Vào tháng 3-2017, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Hossein Dehghan đã dự lễ khánh thành dây chuyền sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực Karrar mới tại khu liên hợp công nghiệp thiết giáp Bani-Hashem ở hạt Dorud, Lorestan.

Karrar MBT - một loại xe tăng được phát triển và thiết kế hoàn toàn bởi ngành công nghiệp quốc phòng Iran.

Karrar MBT dựa trên khung gầm của chiếc T-72 do Liên Xô sản xuất nhưng lắp tháp pháo mới. Thiết kế của xe tăng này dường như rất giống với xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS do Nga sản xuất. Theo Thiếu tướng về hưu Vladimir Bogatyrev, Karrar MBT là bản sao của T-90MS do Nga sản xuất, cải tiến tiên tiến nhất của dòng T-90 nhưng nó sử dụng một số tính năng của xe tăng M1 Abrams của Mỹ và Challenger 2 của Anh.

Chẳng hạn, Karrar MBT được trang bị tháp pháo nòng trơn 125 mm, ống hút khói và ống dẫn nhiệt. Pháo có thể bắn tất cả các loại đạn tiêu chuẩn như đạn phá hoại ổn định bằng vây xuyên giáp (APFSDS), chống tăng nổ cao (HEAT) và nổ phân mảnh cao (HEF) và tên lửa chống tăng dẫn đường. Ở đáy nòng súng được gắn một ống bọc kim loại đa giác có một loạt các lỗ nhỏ để làm mát không khí cho nòng súng. Hệ thống này có thể cung cấp khả năng ổn định tốt hơn cho súng chính khi bắn khi đang di chuyển. 

Tháp pháo được trang bị bộ nạp đạn tự động dạng băng chuyền gắn trên sàn tháp pháo và cả trên thành sau của tháp pháo. Trang bị vũ khí thứ hai của Karrar MBT bao gồm một trạm vũ khí điều khiển từ xa được trang bị súng máy 7,62 mm được gắn ở phía sau cửa hầm chỉ huy. Nó bao gồm một kính ngắm ngày/đêm, một máy ảnh nhiệt và một máy đo xa laser. Mỗi bên có ba ống phóng lựu đạn khói ở hai bên trên đỉnh tháp pháo.

Cách bố trí chung của Karrar MBT tương tự như các xe tăng của Nga, được chia thành ba khoang, trong đó khoang người lái ở phía trước thân xe, tháp pháo ở trung tâm. Karrar MBT được bảo vệ bằng một lớp áo giáp mới với ERA (áo giáp phản ứng nổ) ở phía trước thân xe và tháp pháo, giúp bảo vệ khỏi năng lượng hóa học và động năng. Nóc tháp pháo được bảo vệ bằng lớp giáp bổ sung và mỗi bên được lắp các mô-đun giáp composite cách nhau. Để tăng khả năng bảo vệ xe tăng trước các mối đe dọa từ RPG (lựu đạn tên lửa), phần sau của tháp pháo và thân xe được bao phủ bởi lớp giáp lồng dây.

Karrar MBT được trang bị bộ trợ lực mới giúp tăng tốc độ và khả năng di chuyển trong mọi điều kiện địa hình. Hệ thống treo thanh xoắn ở mỗi bên bao gồm sáu bánh xe chạy không tải ở phía trước, đĩa xích dẫn động ở phía sau. Để tăng phạm vi hoạt động của xe tăng, hai thùng phuy nhiên liệu diesel 200 lít có thể được bổ sung ở phía sau thân xe.

Chi Anh
.
.