Khảo cổ học Mông Cổ lâm nguy

Thứ Ba, 27/03/2018, 16:33
Lịch sử và khảo cổ học của Mông Cổ, mà nổi tiếng nhất là những di chỉ có liên quan đến đế quốc có biên cương lớn nhất trong lịch sử thế giới dưới thời Thành Cát Tư Hãn, tất cả đều có tầm quan trọng toàn cầu.

Nhưng giờ đây những di chỉ này lại đang đối mặt với những mối hiểm họa chưa từng thấy do biến đổi khí hậu và nạn cướp phá các di chỉ cổ xưa, cùng sở thích sưu tầm đồ cổ của giới nhà giàu thế giới. Biến đổi khí hậu và cướp bóc là 2 vấn đề nghe có vẻ không liên quan đến nhau. Nhưng các điều kiện khí hậu và môi trường ngày càng xấu đi đang làm mất đi các bãi chăn thả gia súc và gây tổn thất thu nhập cho những người chăn thả gia súc du mục ở Mông Cổ.

Khi mà chăn thả gia súc không còn thuận lợi thì một bộ phận người Mông Cổ bắt đầu nghĩ cách tìm ra những khoản khác để bù vào mức thu nhập của họ, tìm ra những cách thức kiếm tiền mới. Và một trong số cách thức đó chính là tìm kiếm các kho tàng cổ xưa để bán chúng trên thị trường cổ vật chợ đen.

Cổ vật chảy máu do cướp bóc

Trên khắp đất nước Mông Cổ mênh mông cho dù nơi đó là đồng bằng, hoang mạc hay núi cao thì đều có rải rác những gò địa táng nhân tạo đánh dấu cho những nơi chôn cất của người xưa. Hình thức địa táng này được bắt đầu ngay từ thời kỳ Đồ Đá Mới (cách đây từ 6.000 đến 8.000 năm), và những gò mộ đá đơn giản thường có kích thước bằng cái bàn trong nhà bếp.

Những tấm bia đá cổ xưa báo hiệu các khu mộ táng được chôn cất, chúng là mục tiêu của bọn trộm mộ.

Trong những gò mộ đá này thường có hài cốt và vài xương thú. Qua thời gian, các gò địa táng ngày càng lớn hơn, rộng hơn (có một số gò địa táng dài hơn 400m) và nhiều khu địa táng cũng phức tạp hơn khi nó chôn theo hàng ngàn con ngựa hiến tế, nhiều dụng cụ, cỗ xe ngựa, thảm trang trí, các khu nhỏ để an táng gia đình và cuối cùng là kho báu (vàng, trang sức và châu ngọc).

Đối với người Mông Cổ, những khu địa táng này nhằm nhắc nhở người đương thời về tổ tiên xa xưa và một sự gắn kết thể chất đối với di sản văn hóa vô giá của cha ông. Mông Cổ có những lý do đanh thép trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa của họ. Nhưng với kiến thức luật pháp lỏng lẻo và rất khó thực thi nhiệm vụ bảo vệ di sản trong một không gian rộng lớn với khá ít người và ngân sách eo hẹp khiến cho luật thì có nhưng khó triển khai hiệu quả. Dĩ nhiên, luật không thể bảo vệ di sản văn hóa Mông Cổ từ biến đổi khí hậu.

Hành vi cướp bóc các di chỉ khảo cổ học ở Mông Cổ đã diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài. Các nhà khảo cổ trong vùng đã chia sẻ về các phát hiện của họ, như những bộ xương có kèm các công cụ bị gãy vỡ được chế tác từ xương hươu nai trong các ngôi lăng mộ hoàng gia có niên đại 2000 năm ở miền Trung Mông Cổ.

Những khu di chỉ kém may mắn này đã bị sụp đổ do địa tầng cát bên trên mộ bị sụp xuống hầm mộ bởi nạn đào mộ lấy châu báu. Việc này diễn ra không lâu sau khi những vị vua băng hà và được đem đi an táng. Và gần đây nhiều hố chôn đã được đào trực tiếp trên khắp Mông Cổ.

Một số ngôi cổ mộ có niên đại hơn 3.000 năm, cho thấy rằng nạn trộm mộ ngày nay đang gia tăng. Với những tên trộm mộ tay ngang thì bất kỳ khối đá nào cũng có thể tiềm ẩn châu báu và vì thế nhiều nấm mồ được quật lên chỉ bởi vì lý do này. Thậm chí nhiều nấm mồ còn không có cả xương người lẫn xương thú.

Mối bận tâm của giới khảo cổ học về những khu an táng này lại nằm trong thông tin mà họ đang nghiên cứu, và khối lượng cổ vật đó lại trở nên vô giá trên các thị trường cổ vật chợ đen. Và giới khảo cổ học đang đau đáu tìm ra cách dạy cho bọn trộm rằng cổ mộ là di sản quý và cần phải nên tránh xâm hại.

Năm 2017, khi làm việc ở miền Bắc Mông Cổ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra hàng trăm địa điểm khảo cổ có dấu hiệu bị đánh cướp bao gồm một nghĩa địa cổ 800 năm tuổi, nơi có chứa ít nhất là 40 khu an táng. Mỗi một ngôi mộ trong số 40 mộ này đều bị hủy hoại bởi bọn trộm để săn tìm kho báu. Những bộ hài cốt, và những món đồ tạo tác linh tinh như cung tên, mũi tên và quần áo thời xưa nằm rải rác trên mặt đất.

Dù đã tồn tại suốt hơn 800 năm trong lòng đất, nhưng những loại cung tên, mũi tên và các mảnh quần áo khó mà còn giữ nguyên trạng khi lên bề mặt đất chỉ trong 1 năm. Đó là còn chưa đề cập đến sự mất mát các hiện vật quý giá (vàng, bạc và châu ngọc) khi những tên trộm cổ mộ quyết định giữ bên mình.

Săn lùng xác ướp

Các nhóm khảo cổ học hiện đang tất bật làm việc để chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những tên trộm cổ vật nhất là nạn cướp phá các xác ướp quý hiếm trong vùng thường là mối quan tâm lớn trong nước Mông Cổ và hải ngoại.

Năm 2017 đã diễn ra việc triển lãm 2 xác ướp cổ xưa cùng các món đồ tùy táng quý giá tại Bảo tàng quốc gia Mông Cổ, 1 trong số 2 xác ướp đã được thu hồi lại từ tay bọn đào mộ bởi sự đồng lòng tác chiến giữa các nhà khảo cổ học và lực lượng cảnh sát. Mặc dù không rõ thứ hạng xã hội của 2 xác ướp cổ, tuy nhiên những món đồ tùy táng chôn theo 2 xác ướp này đã cho thấy rõ sự đa dạng, nghệ thuật và tỉ mỉ.

Đây là kết quả của một quá trình xác tự lưu giữ lâu đời theo lẽ tự nhiên, và không hoàn toàn có dấu hiệu can thiệp như những xác ướp ở Ai Cập cổ đại. Một số xác ướp Mông Cổ được bảo bọc hoàn hảo trong các môi trường khí hậu khô trong các hang động và những khu mộ trên các vách núi đá. Số khác là những xác ướp băng, người chết được đặt xuống dưới đất và nước tự nhiên sẽ thấm vào hầm mộ và từ từ đóng băng lại, đây quả là một giải pháp bảo quản hoàn hảo nhờ môi trường.

Cả 2 môi trường bảo quản xác ướp trong hang động và đóng băng đã vô tình giúp cho các món đồ tạo tác và bản thân xác được lưu giữ nguyên vẹn trong suốt hàng ngàn năm. Những cách bảo quản thể độc đáo này đã để lại nguyên vẹn các mô người như da, tóc, quần áo và thảm trang trí, đồ tạo tác bằng gỗ và tàn tích của thực vật và muông thú có liên quan đến khu chôn cất.

Khi những tên trộm mộ không thể lần vào những nơi này, và khi biến đổi khí hậu làm tan băng cùng những thay đổi môi trường diễn ra theo những cách thức khác nhau, thì các nhà khảo cổ học đang chạy đua để xác định vị trí, và bảo quản những gì mà họ khai quật được.

Nhưng với rất ít cơ sở hạ tầng, ngân sách eo hẹp và không được đào tạo chuyên biệt để xử lý những món đồ tìm thấy, thế cho nên ở đây làm xuất hiện mối bận tâm về cơ chế bảo quản lâu dài. Nhiều nỗ lực để cung cấp các cơ hội đào tạo, sự hợp tác quốc tế với các chuyên gia xác ướp và cơ sở hạ tầng cùng tiện nghi được cải thiện đã đang diễn ra, nhưng cũng khi đó các bộ sưu tập khảo cổ lại rất mỏng manh và chúng không đủ thời gian để được thay thế.

Nguyễn Thanh Hải
.
.