Xung quanh đề xuất bổ sung "quyền được chết" vào dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi:

Làm gì khi “sống không bằng chết?”

Thứ Ba, 05/05/2015, 10:00
Vừa qua, trong văn bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được trình lên lãnh đạo Bộ Y tế, Vụ Pháp chế đã đề xuất bổ sung "quyền được chết" cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh nhân sống thực vật không còn hy vọng cứu chữa.
Đề xuất này chắc chắn sẽ nhận được nhiều ý kiến đồng thuận, nhưng cũng sẽ gặp phải không ít những phản ứng trái chiều…

Nỗi khổ của người trong cuộc

Bác sĩ Sơn, bạn tôi (tên của một số nhân vật trong bài đã được thay đổi) có người cha năm nay 76 tuổi. Ba năm trước, ông bị một cơn nhồi máu não trầm trọng và hậu quả là ông sống thực vật cho đến nay. "Ba tôi không còn nhận thức được gì nữa. Ngày qua ngày, ông nằm mê man, bất động. Việc nuôi ăn phải dùng ống đặt thẳng vào dạ dày. Tiêu, tiểu không tự chủ…".

Bác sĩ Sơn săn sóc cha rất chu đáo. Anh thuê hẳn một người chỉ với nhiệm vụ duy nhất là hàng ngày, ngoài việc đổ thức ăn nghiền nát vào ống theo giờ giấc đã định, thì việc còn lại là lau rửa, thay đổi tư thế nằm cho ông cụ trên tấm nệm nước tuần hoàn nhưng 6 tháng gần đây, vùng xương cụt, hai bên mắt cá chân ông cụ đã xuất hiện những vết loét.

Sơn nói: "Nhìn thấy cảnh ấy, gia đình tôi ai cũng đau xót. Tuy không nói ra nhưng mọi người đều nghĩ cái chết chính là sự giải thoát cho thể xác ba tôi, cũng như giải thoát về mặt tâm lý cho cả nhà".

Thế nhưng, ai sẽ là người đứng ra quyết định cho ông cụ chết? Ngần ngừ một lát, Sơn nói tiếp: "Về chuyện này, anh đừng viết… Mà thôi, anh viết cũng được vì đây không phải là trường hợp của riêng cá nhân tôi, gia đình tôi, mà còn là của nhiều người có thân nhân mắc bệnh nan y, và y học đã khẳng định không thể chữa khỏi".

Theo lời Sơn, để có một cái chết êm ái, một ai đó sẽ tiêm thuốc ngủ cho ba anh rồi tiếp theo là thuốc có tác dụng làm tim ngừng đập, phổi ngừng thở...

Tuy nhiên, vì luật pháp nước ta vẫn chưa cho phép có được "cái chết nhân đạo" nên hành vi của người tiêm thuốc mặc nhiên là "cố ý giết người" dù rằng người bệnh còn sống nhưng coi như đã "chết", còn thân nhân người chết - những người đã đồng ý cho người nhà mình được chết - là "đồng lõa".

Nếu cái chết nhân đạo được hợp thức hóa, sẽ có những người bệnh nan y xin được chết.

Sơn nói: "Có thể việc giúp cho ba tôi chết sẽ không ai hay biết vì bè bạn, hàng xóm láng giềng đều hiểu là ba tôi đã nằm liệt mấy năm nay. Bây giờ ông cụ chết thì cũng là lẽ tự nhiên. Nhưng về mặt pháp lý, tâm linh, tín ngưỡng, gia đình tôi không ai dám và cũng không thể làm…". Rồi Sơn kết luận: "Tưởng là dễ, chứ chết khó lắm, anh à!".

Tréo ngoe sợi dây oan

Nghe câu chuyện của bác sĩ Sơn kể khiến tôi nhớ lại một trường hợp khác: Chín năm trước, một cặp vợ chồng ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ đến tòa soạn tìm tôi, đưa tôi lá đơn tố cáo về một vụ "giết người" mà thủ phạm không ai khác hơn là đứa em trai út của người vợ.

Theo lời chị này thì ba chị mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, bệnh viện trả về chuẩn bị lo hậu sự. Về nhà chưa được 1 tháng, một bữa đứa em trai út của chị "tự động rút ống thở ra" rồi khoảng nửa tiếng sau đó, ba chị từ trần? Người chồng khẳng định: "Nó giết ông già vợ tôi là để hưởng tài sản. Nhờ nhà báo điều tra, lên tiếng giùm chứ để ông già chết oan ức quá".

Hai hôm sau, tôi xuống địa phương nơi cư ngụ của cặp vợ chồng kia. Hỏi thăm hàng xóm láng giềng và tất cả những người trong gia đình, mới hay từ ngày ở bệnh viện về, ông cụ đau đớn dữ lắm.

Anh Phi - người con út, nói: "Mê đi thì thôi chứ hễ lúc nào tỉnh, ba em lại quằn quại, rên la, mọi loại thuốc giảm đau đều vô tác dụng vì khối u đã di căn vào phổi, vào xương, vào ruột. Ổng cứ năn nỉ em, năn nỉ mấy bà chị em là cho ổng chết".

Một người hàng xóm của anh Phi, kể thêm: "Mỗi lần tôi qua thăm, ổng đều kêu tôi nói với mấy đứa con là cho ổng chết, chứ sống mà đau đớn thế này, ổng chịu không nổi".

Thế rồi một bữa, người chị cả của Phi mời 3 chị em trong gia đình lại, hỏi ý kiến về việc "cho ba đi theo nguyện vọng của ổng". Sau khi trao đổi, tất cả đều đồng ý. Phi kể tiếp: "Vì là gia đình nên không ai nghĩ tới việc lập văn bản, ký tên". Gần đến giờ đã chọn, cả 4 người con quỳ xuống vái lạy cha, xin cha tha thứ rồi sau đó, họ để bình oxy cạn hết mà không thay bình mới chứ không phải là "rút ống thở".

Việc khai tử, tang ma diễn ra bình thường vì chính quyền xã đều biết rõ bệnh lý của ông Năm - cha anh Phi. Chị cả anh Phi - là chị Châu, nói: "Cái chết của ba tôi là sự giải thoát cho ông vì chẳng những bệnh tình đã không chữa được, nhưng ông vẫn phải chịu những cơn đau khủng khiếp từng ngày, từng giờ".

Vậy thì sao lại có đơn tố cáo? Tìm hiểu thêm, tôi được biết khi phát hiện mình bị ung thư gan, ông Năm làm di chúc, chia cho 3 người chị của Phi mỗi người một mảnh đất 400m2. Riêng Phi, vì là con út - lại là trai nên ngoài đất, anh còn được thừa hưởng căn nhà để làm nơi thờ tự.

Do làm ăn thất bại nên vợ chồng người chị thứ hai của Phi đã bán miếng đất được chia. Lúc ông Năm chết rồi sau khi chôn cất xong, vợ chồng họ gặp Phi, yêu cầu Phi phải cắt 200m2 cho họ vì "mày đã được nguyên cả cái nhà!".

Phi giải thích: "Nồi da xáo thịt, đau lòng lắm. Em nói với anh chị là phần của anh chị, cha đã chia rồi. Giờ nếu khó khăn, em sẵn lòng cho ở nhờ - bao lâu cũng được chứ cắt đất chia nữa thì em không cắt. Trước khi gửi đơn tố cáo tới chỗ mấy anh, vợ chồng chị ấy đã đưa đơn lên xã nhưng qua xác minh, tìm hiểu, chính quyền nói không có cơ sở để kết luận là em giết cha".

Ở nước ngoài, người "chết nhân đạo" được ghi rõ ngày, giờ và cách chết.

Việc Phi "giết cha" như vậy là xong, và vợ chồng người chị thứ hai của Phi thôi không "tố cáo" nữa sau khi cả gia đình họp lại, phân tích thiệt hơn. Tuy nhiên, nếu luật cho phép "cái chết nhân đạo" thì liệu có cái lá đơn tố cáo động trời này?

Muốn chết đâu phải dễ?

Theo định nghĩa của y học, cái chết của con người được chia làm 2 giai đoạn: Đó là chết lâm sàng và chết thực thể. Chết lâm sàng nghĩa là tim ngừng đập, phổi ngừng hô hấp nhưng não vẫn hoạt động - biểu hiện bằng sóng điện não. Người chết lâm sàng vẫn có khả năng "cải tử hoàn sinh" nếu được cấp cứu kịp thời, hoặc cơ chế  sinh học trong cơ thể đột nhiên kích thích tim, phổi hoạt động trở lại.

Còn chết thực thể là tim, phổi ngừng hoạt động, trên điện não đồ cũng không còn thấy những sóng xung động (gọi là chết não). Tuy nhiên, có những trường hợp đã chết thực thể, nhưng nhờ sự can thiệp tích cực của y học nên tim phổi người đó hoạt động trở lại nhưng não thì không, và người đó rơi vào tình trạng "sống thực vật" - nghĩa là sống nhưng hoàn toàn không nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh.

Một bác sĩ thuộc Khoa Săn sóc đặc biệt (ICU), Bệnh viện Chợ Rẫy, nói: "Trong quá trình làm việc, tôi đã từng chứng kiến khá nhiều bệnh nhân phải sống đời sống thực vật sau tai biến mạch máu não hoặc sau chấn thương sọ não. Đối với họ thì chẳng nói làm gì vì họ có biết, có tự hoạt động gì được nữa đâu! Nhưng với gia đình họ, sẽ là những chuỗi ngày gian nan, vất vả trong nuôi dưỡng, chăm sóc".

Bác sĩ Nguyễn, giảng viên Bộ môn Ngoại gan mật, Đại học Y Dược TP HCM, nói thêm: "Nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối phải trải qua những ngày tháng cuối đời vô cùng đau đớn. Họ thậm chí lạy chúng tôi để xin được chết nhưng chẳng ai dám giúp họ. Đó là chưa kể những người nghèo không bảo hiểm y tế, không tiền mổ, không tiền hóa, xạ trị, phải xin về nhà để chờ chết nên con đường dẫn đến cái chết của họ rất kinh khủng. Lúc đó, nếu như được phép thực hiện "cái chết êm ái" thì có lẽ sẽ an ủi họ phần nào".

Những người bệnh ấy trở về nhà, và nếu thời gian "sống" càng kéo dài thì lòng thương cảm của thân nhân dần dà được thay thế bằng sự cam chịu - lâu dài dẫn đến dửng dưng và thậm chí nếu điều kiện kinh tế khó khăn thì có người còn coi đó là một gánh nặng. Thế nhưng với bối cảnh xã hội hiện nay, không bác sĩ nào dám khuyên người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân nên chọn cách ra đi thanh thản, và lại càng không có bác sĩ nào dám tiếp tay cho mong muốn của người bệnh dù họ biết rằng "cái chết nhân đạo" là sự giải thoát nhân đạo nhất.

Chị Duyên, giám đốc một công ty kinh doanh phần cứng máy tính, trụ sở ở quận Bình Thạnh, kể: "Phát hiện mẹ tôi bị ung thư tử cung, tôi đưa bà sang Singapore với hy vọng sẽ chữa lành. Tuy nhiên, sau khi thăm khám tỉ mỉ, bác sĩ cho biết ung thư tử cung là ung thư thứ phát, còn khối ung thư nguyên phát thì nằm ở dạ dày, và giai đoạn này thì không còn mổ xẻ được nữa mà chỉ hóa trị nhằm hạn chế sự di căn".

Sau đợt hóa trị, chị Duyên đưa mẹ trở về TP HCM. Chị nói trong tuyệt vọng: "Trí óc mẹ tôi vẫn còn rất minh mẫn, nhưng cơ thể thì giống như bị xé nát bởi những cơn đau. Bà tiêu, tiểu tại chỗ. Mặc dù chúng tôi thường xuyên làm vệ sinh cho bà nhưng đến gần giường bà, vẫn thấy mùi tanh tưởi, hôi hám. Em trai tôi một bữa dẫn bạn gái tới thăm thì sau lần đó, tụi nó chia tay vì cô bé kia sợ về làm dâu, sẽ phải "hầu" bà mẹ chồng này".

Một năm, 2 năm trôi qua, sau nhiều đợt hóa trị, riết rồi cảm xúc trong chị Duyên bắt đầu chai lì, nhất khi là tài sản lần lượt ra đi theo những liều thuốc thì chị buông xuôi "tới đâu hay tới đó". Nhiều lần, người mẹ chỉ mong cho mình được chết để khỏi làm khổ con cái.

Sống thực vật là nỗi đau của thân nhân người bệnh.

Chị Duyên nói: "Không phải là tôi không thương mẹ. Chẳng đêm nào mà tôi không rơi nước mắt khi chứng kiến những cơn đau của bà. Nhưng để bà sống khổ sở như vậy thì được gì vì bác sĩ đã nói việc hóa trị chỉ để kéo dài thêm một thời gian thôi. Nếu Nhà nước cho phép chết nhân đạo, tôi biết chắc mẹ tôi sẽ ký tên xin được chết ngay lập tức".

Ở nhiều quốc gia, khái niệm "quyền được chết" đã và đang được xem xét một cách nghiêm túc, khoa học dù nó gây ra những tranh cãi rất gay gắt. Theo định nghĩa, đó là quyền của người thành niên, đang ở trong tình trạng không thể giải quyết về mặt y học - chẳng hạn như mắc bệnh nan y giai đoạn cuối, sống đau đớn, hoặc sống đời sống thực vật và muốn được chết nhanh chóng.

Một số nước như Hà Lan, Bỉ, Mỹ, Lucxembourg, Argentina, Hàn Quốc… công nhận "quyền được chết" của công dân với nhiều tên gọi như "chết nhân đạo", "chết êm ái", "an tử", "trợ tử"…, và ban hành những  đạo luật riêng về chuyện này, chẳng hạn như "Luật chết", "Luật điều trị vô ích".

Việc thực hiện "cái chết êm ái" phải đảm bảo những điều kiện chặt chẽ dưới sự giám sát của hội đồng y khoa. Năm 2002, Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa việc "trợ tử" và mỗi năm, có khoảng 2.500 đến 3.000 ca nằm trong trường hợp này, chiếm khoảng 2% tổng số tử vong.

Nước Bỉ cũng hợp pháp hóa cái chết nhân đạo vào năm 2002, trong khi ngay từ thập niên 40 của thế kỷ trước, Thụy Sĩ đã cho phép "chết hỗ trợ".

Tại Anh, nhiều năm nay nước này đã thảo luận về việc sửa luật để hợp pháp hóa cái chết êm ái.

Ở bang Washington, Mỹ - là bang thứ 4 sau bang Oregon, Vermont và Montana - cho phép thực hiện "cái chết nhân đạo" đối với những bệnh nhân mắc phải các bệnh hiểm nghèo mà thời gian sống không còn quá 6 tháng. Theo đó, họ có quyền yêu cầu bác sĩ tiêm thuốc cho mình "ngủ vĩnh viễn" và bác sĩ không được phép từ chối. Người được hưởng quyền ấy phải đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi và phải là cư dân của bang...

Để có quyền "chết êm ái", người bệnh phải thể hiện mong muốn "được chết" bằng lời nói trong hai lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày, đồng thời phải viết ra giấy khi có hai người chứng kiến mà một trong hai người đó không phải là người thân, người thừa kế, hay điều dưỡng đang chăm sóc họ.

Riêng với những người sống trong tình trạng hôn mê thì theo quy định của Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ, ban hành năm 2006, mỗi bang tự quyết định có hay không việc chấp nhận áp dụng "cái chết nhân đạo" cho những đối tượng này…

Xuân Hòa
.
.