Loài dơi không bị mù như thiên hạ vẫn tưởng

Thứ Ba, 23/02/2016, 07:05
Ai cũng biết là dơi bay khỏi tổ ra bên ngoài kiếm mồi nhờ khả năng định vị trong không gian, một nguyên lý mà mọi thế hệ tàu ngầm xưa nay đều áp dụng.

Chúng phát ra các âm siêu tần nhằm xác định vật cản, nếu sóng âm phản lại nhanh nghĩa là chướng ngại vật hay con mồi đang ở trước mặt; ngược lại nếu bước sóng phản lại chậm hoặc hầu như không phản hồi thì vật cản vẫn còn ở đằng xa. Dựa vào tính năng nói trên nên nhiều người cho rằng loài dơi bị mù bẩm sinh, hay có hệ thị giác kém phát triển.

Nhưng khoa học đã chứng minh hoàn toàn không phải vậy. Bất cứ con dơi nào cũng không chỉ sử dụng duy nhất năng lực định vị thuần túy, mà còn kết hợp với sự quan sát từ đôi mắt trong khi bay lượn. Với loài dơi thường ăn hoa quả thì hệ thị giác của chúng rất phát triển, với vị trí ngay trên đầu.

Riêng với loài ăn côn trùng lại có cặp mắt nhỏ hơn, thường được dùng để xác định cao độ so với mặt đất, đánh giá kích thước con mồi hay vật cản, cũng như định hướng lúc đang bay tìm mồi. Ngoài ra, đôi mắt tinh tường còn giúp dơi nhận biết mức độ ánh sáng, phân biệt rõ ngày và đêm để chọn thời điểm đi săn thích hợp.

Quang Long (tổng hợp)
.
.