Miệt mài truy tìm đồng loại… ngoài thiên hà

Thứ Sáu, 08/06/2018, 14:47
Trước đây 4 thập niên người ta từng bắt được một tín hiệu khả nghi, sau đó lại bao trùm sự im lặng tuyệt đối… Nhưng cũng như hàng thế kỷ nay, công cuộc truy tìm những nền văn minh khác ngoài hành tinh luôn là đề tài "nóng hổi" trên địa cầu.

Những lời đề nghị "kỳ cục" nhất liên quan đến sự sống ngoài hành tinh, lần lượt được khởi sự bởi 3 nhà khoa học hàng đầu của thế kỷ XIX. Đầu tiên nhà toán học Đức Carl Friedrich Gauss (1777-1855) đề xuất ý tưởng: thiết lập giữa các cánh rừng mênh mông tại Trung Á những đường trống rộng và phẳng, với các điểm giao nhau tạo dáng dấp của một hình tam giác đều; còn sát bên rìa mỗi đường cạnh tam giác là một hình vuông "đính kèm".

Trên diện tích của cả tam giác lẫn các hình vuông đều được trồng lúa mì, để màu vàng của lúa chín sẽ làm nổi bật các hình tượng từ xa. "Hiển nhiên không một người sao Hỏa có trách nhiệm nào, lại bỏ qua những mặt phẳng khổng lồ diễn đạt định lý Pythagore bất hủ ấy", C. Gauss giải thích. Còn theo nhà thiên văn học người Áo Joseph Johann von Littrow (1781-1840), thì tốt hơn nên đổ dầu hỏa tràn khắp mặt đại dương, rồi đốt chúng lên vào buổi đêm khiến người ngoài địa cầu… dễ dàng mục kích(!).

Phi thuyền không gian Mariner 4 với sứ mệnh quan sát sao Hỏa.

Cuối cùng là đề nghị của kiến trúc sư người Pháp Charles Garnier (1825-1898): cần thiết kế một chiếc gương cực lớn hướng lên sao Hỏa, với các chùm ánh sáng phản chiếu lần lượt được gửi đi theo dạng mã ký tự Morse… Rồi đột nhiên huyền thoại về người hàng xóm vô danh cùng Hệ Mặt trời buộc phải chấm dứt, sau những chuyến bay thám hiểm liên hành tinh thành công của giới khoa học thế kỷ XX.

Một sự thật đã được "giải mã": trong Thái Dương hệ của chúng ta không tồn tại một nền văn minh có sự sống tương tự như Trái đất nào khác. Thế còn ngoài khoảng không vũ trụ bao la với khoảng cách nhiều năm ánh sáng thì sao?

Sau vụ phi thuyền không người lái Mariner 4, mang biệt danh "Người quan sát sao Hỏa" mất tích một cách bí ẩn hơn nửa thế kỷ trước, số đông công chúng ưa khám phá trong đó có không ít các nhà khoa học lại bắt đầu khơi lên sự nghi hoặc, rằng phải chăng gần sao Hỏa đang tồn tại một dạng "Tam giác quỷ không gian" nhân tạo nào đó?

Và phải chăng người sao Hỏa vẫn "tình cờ" hiện diện, và tiêu khiển bằng cách "trêu ngươi" những "sáng kiến kỹ thuật đỉnh cao" của người Trái đất; hoặc là đích thân Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã cố tình làm "đảo lộn" công cuộc khảo sát của mình, giúp vơi đi những "mặc cảm đến phát ngượng" của kiến thức nhân loại về các khoảng không vũ trụ cận kề(?!).

Tuy nhiên đa phần giới khoa học không gian am hiểu, vẫn luôn một mực phủ nhận sự tồn tại của một nền văn minh quá gần chúng ta như "người sao Hỏa"; cũng như tỏ ý hoài nghi trước lượng thông tin dồn dập về sự xuất hiện của các vật thể bay không xác định (UFO), thường bắt cóc người Trái đất lên "xét nghiệm" trên các con tàu - đĩa bay siêu đa năng "chạy bằng vận tốc ánh sáng" của họ.

Nhưng tầm nhìn của tri thức con người dần thay đổi khi bước qua giới hạn của Hệ Mặt trời, hay nói đúng hơn là giới khoa học nghiêm túc đã chấp nhận rằng đây - đó trong Thiên hà của chúng ta, cũng như ngoài dải Ngân hà bao la đang song song hiện diện nhiều nền văn minh phát triển khác nhau.

Ngay từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước, những dàn ăng ten công suất mạnh nhất của NASA đã được huy động nhằm "truy lùng" bất kỳ một thông điệp ngoài hành tinh nào. Còn trên một rặng núi cao thuộc Puerto Rico - lãnh thổ hải ngoại của Hoa Kỳ, "chảo" viễn vọng âm Arecibo có đường kính 305 mét luôn "dỏng tai" thường trực suốt nhiều năm nay, ngóng lên muôn vàn vì sao trên bầu trời rộng bao la. Tại châu Âu những thiết bị tương tự cũng đã được dựng lên ở Italia…

Nhưng làm sao có thể phân biệt chính xác một tín hiệu vô tuyến phát ra ngẫu nhiên từ khoảng không vũ trụ, khác với tín hiệu nhân tạo được cố ý truyền đi? "Trên cơ sở giả thuyết, rằng một nền văn minh khác cũng có trình độ phát triển công nghệ tương tự như chúng ta, đương nhiên họ phải thừa biết, rằng sóng vô tuyến chính là phương thức giao tiếp nhanh nhất trong không gian - nhà vũ trụ học gạo cội Gavril Grueff, thuộc Đại học Tổng hợp Bologna (Italia) diễn giải - Tín hiệu nhân tạo có thể phân biệt khỏi tín hiệu tự nhiên dựa trên xuất xứ của dải băng tần".

 Để có thể tiết kiệm được tối đa thời gian tìm kiếm, các viễn vọng kính của NASA tập trung chĩa lên các "lãnh địa vũ trụ", ứng với những vùng có xác suất phát hiện nền văn minh lạ cao nhất. Đó chính là các ngôi sao và hành tinh đang ẩn chứa những "giá trị thú vị", hoặc là nơi quy tụ các vì sao với mật độ dày đặc.

Và, cũng chính từ một trong những chùm sao "đầy khả nghi" giữa trung tâm Thiên hà, một tín hiệu độc nhất vô nhị cho đến tận hôm nay đã được người trái đất ghi nhận: trong năm 1977, một tín hiệu rất mạnh, mạnh nhất trong suốt cả quá trình 8 năm miệt mài "dỏng tai" lên trời nghe ngóng trước đấy,  đã được viễn vọng kính của Trường Đại học Tổng hợp tiểu bang Ohio (Hoa Kỳ) thu nhận và ghi lại.

Có đúng là tín hiệu nhân tạo không? Các nhà khoa học vẫn chưa "dám" khẳng định, bởi tín hiệu tương tự chẳng thấy lặp lại nữa - bất chấp mọi khả năng truy tìm suốt 4 thập niên qua hướng lên khoảng không vũ trụ tương ứng, nơi từng phát xuất bức "thông điệp" ngoài hành tinh đầy bí ẩn.

Đương nhiên là chẳng có lời lý giải nào có thể mang tính thuyết phục thỏa đáng, giúp khẳng định thêm cho sự hiện hữu của thứ tín hiệu "đậm nét nhân tạo" ấy. Rào cản lớn nhất chính là sự "bặt vô âm tín" của luồng âm thanh cực đại hi hữu không lặp lại!

Trần Hồng (theo Panorama)
.
.