Một loài chim có sừng quý hơn cả ngà voi đang bị đe dọa

Thứ Ba, 10/11/2015, 11:05
Các nhà khoa học cảnh báo loài chim quý hiếm có tên gọi tê điểu hay chim hồng hoàng mỏ cát (helmeted hornbill) sở hữu phần mỏ sừng cứng như sắt sống trong những khu rừng mưa vùng Đông Nam Á đang bị đe dọa. Mỏ sừng của loài chim được đánh giá có giá trị cao gấp 3 đến 5 lần ngà voi và bị buôn bán bất hợp pháp dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.

Chim hồng hoàng mỏ cát cân nặng 3kg, có cục u cứng bằng keratin hay chất sừng (một protein dạng sợi) kéo dài từ phần phía trên mỏ cho đến xương sọ. Chiếc “mũ sắt” này chiếm 11% trọng lượng cơ thể con chim.

Chim hồng hoàng mỏ cát.

Ở châu Phi và châu Á có hơn 60 loài chim mỏ sừng khác nhau song sừng của chúng đều rỗng bên trong, duy chỉ có hồng hoàng mỏ cát là sở hữu cục sừng đặc và cứng như sắt nguội. Hồng hoàng mỏ cát sử dụng sừng làm công cụ để đào tìm côn trùng trong những thân cây mục, song chim đực dùng nó để chiến đấu. Loài chim sống ở Malaysia và Indonesia, thường tập trung nhiều trên các đảo Sumatra và Borneo. Indonesia là nhà của 30 loài chim mỏ sừng, trong đó có 3 loài đặc hữu. Do đó, Indonesia được coi là quốc gia quan trọng nhất thế giới trong sứ mạng bảo tồn loài chim quý.

Đầu chim mỏ sừng được chạm khắc nghệ thuật.

Chim hồng hoàng mỏ cát thường ăn trái cây và các loại hạt, làm vương vãi các hạt giống khắp nơi cho nên được nông dân gọi là “nhà nông của các khu rừng”. Chim có sải cánh đến 2 mét, được phủ bộ lông hai màu trắng – đen và quanh cổ họng là mảng da trần trụi. Chúng nổi tiếng sống bí mật với tinh thần cảnh giác cao độ cho nên người ta thường chỉ nghe được tiếng kêu hơn là nhìn thấy chúng tận mắt. Có lẽ chúng đề phòng con người do hàng ngàn con bị bọn săn trộm giết chết mỗi năm chỉ để lấy phần đầu có “mỏ sắt” bán sang Trung Quốc.

Từ năm 2012 đến 2014, có đến 1.100 chim hồng hoàng mỏ cát tịch thu được từ bọn buôn lậu chỉ riêng ở tỉnh Tây Kalimantan của Indonesia. Nhà điểu học về loài này, Yokyok Hadiprakarsa, đánh giá có khoảng 6.000 con chim bị giết mỗi năm ở khu vực Đông Nam Á. Vì giá trị quá cao của mỏ sừng chim hồng hoàng so với ngà voi mà bọn săn trộm bắt chấp nguy cơ bị chính quyền bắt giữ và tống giam. Mỏ sừng được coi là chất liệu tốt để chạm khắc do có bề mặt trơn láng trên nền màu vàng óng nhờ các chất nhờn bảo vệ tiết ra từ tuyến phao câu có tác dụng làm lông mịn và không thấm nước. Chim thường dùng đầu để xoa chất nhờn này lên bộ lông, chân và bàn chân của chúng.

Trong hàng trăm năm qua, sừng chim hồng hoàng mỏ cát được giới thợ thủ công Trung Quốc sử dụng để sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị cao phục vụ cho giới giàu có và quyền lực nước này. Nghệ nhân Nhật Bản cũng chạm khắc mỏ sừng của loài chim với nhiều hình ảnh tinh xảo thành những núm nơi dây thắt lưng kimono của nam giới. Nhiều món đồ tinh xảo làm từ mỏ sừng chim vượt biển đến nước Anh và trở thành thời trang của giới quý tộc nước này vào thế kỷ XIX.

Giới chức Indonesia bắt giữ được hàng trăm đầu sừng chim hồng hoàng.

Noriku Tsuchiya, người quản lý khu vực Nhật Bản trong Nhà Bảo tàng Anh Quốc, cho biết: “Một số văn bản ghi chép mỏ sừng chim hồng hoàng được dành để tặng cho tướng quân Nhật Bản. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ XX, chim hồng hoàng mỏ cát trở nên hiếm hoi do hậu quả của nạn săn trộm”. Phần đầu sừng của chim cũng được người Ấn Độ ưa chuộng để tạo thành đồ trang trí cho quần áo.

Hiện nay, tình trạng buôn bán mỏ sừng loài chim vẫn tiếp tục diễn ra ngấm ngầm khó kiểm soát do giá trị của nó khoảng 6.150USD/kg – tức đắt gấp 3 lần ngà voi. Nạn tàn sát voi và tê giác để lấy ngà và sừng được kiểm soát tốt, song số phận của chim hồng hoàng mỏ cát đang bị đe dọa trầm trọng vì chưa được chính quyền quan tâm bảo vệ đúng mức.

Yokyok Hadiprakarsa cảnh báo: “Nếu không được ai lưu tâm đến, loài chim này sẽ có nguy cơ tuyệt chủng trong nay mai”. Loài chim có giá trị cao về mặt văn hóa trong hàng  ngàn năm qua bởi vì nó được đánh giá là “vật đem lại may mắn” đối với người Kalimantan và người Dayak trên đảo Borneo tin con chim chuyên chở linh hồn người chết sang thế giới bên kia. Họ coi chim là sứ giả thiêng liêng của Thượng đế và người thầy về lòng chung thủy trong hôn nhân. Do đó, giết chim hồng hoàng mỏ cát là điều cấm kị. Nhưng không chỉ nạn săn trộm đe dọa tính mạng loài chim sinh sản chậm này mà môi trường sống của chúng cũng đang bị thu hẹp dần. Do nhu cầu dầu cọ ngày càng tăng cao ở phương Tây, những người trồng cây cọ thẳng tay xâm lấn những khu rừng mưa ở châu Á.

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Singapore đánh giá hai đảo Borneo của Malaysia và Sumatra của Indonesia đang mất gần 3% diện tích rừng mưa ở vùng đất thấp mỗi năm. Do đó, loài chim “đang được xếp loại cận đe dọa và cần được giám sát cẩn thận nhằm tránh số lượng chim suy giảm trong tương lai” - theo Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN). Công ước Quốc tế về buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) quy định hành vi buôn bán bất cứ bộ phận nào của các loài chim này đều là bất hợp pháp. Cơ quan Điều tra môi trường, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại London, Anh, cho biết các trang mạng xã hội như Facebook đang tạo điều kiện dễ dàng hơn cho cho sự chia sẻ thông tin và mua bán trực tuyến chim hồng hoàng mỏ cát.

An An (tổng hợp)
.
.