Mỹ - Anh: Máy bay do thám chống tội phạm gây tranh cãi về quyền riêng tư

Chủ Nhật, 28/12/2014, 09:50
Công ty Các hệ thống Giám sát liên tục (PSS) của Mỹ phát triển một hệ thống giám sát phát hiện tội phạm sử dụng công nghệ máy bay không người lái - gọi là "gián điệp trên bầu trời" - được triển khai mạnh mẽ trong những cuộc chiến mới đây ở Iraq và Afghanistan. Trong khi lực lượng cảnh sát rất phấn khích trước hiệu quả của công nghệ do thám thì các nhà hoạt động nhân quyền lại coi đây là mối đe dọa nghiêm trọng cho quyền riêng tư của công dân được hiến pháp quy định.

Sau phát súng nổ, nạn nhân gục chết, cảnh sát được báo động nhưng hung thủ đã biến mất tăm! Những vụ giết người như thế xảy ra như cơm bữa trên đất Mỹ, nhưng nếu không có sự hợp tác của nhân chứng thì cảnh sát rất khó buộc tội hung thủ. Công ty PSS giới thiệu một sản phẩm công nghệ có thể giúp ích hữu hiệu cho lực lượng cảnh sát. Máy bay do thám không người lái (UAV) của PSS ghi nhận mọi thứ diễn ra trên mặt đất trong khu vực trải dài 40km.

Hệ thống camera trên chiếc Hawkeye II của PSS.

Được trang bị 12 camera, dữ liệu hình ảnh giống như bản đồ "Google Earth" được UAV của PSS thu thập sẽ được gửi về trung tâm phân tích của công ty để xử lý. Ross McNutt, cựu sĩ quan Không quân Mỹ về hưu và chủ tịch PSS, cho biết: "Độ phân giải không đủ cao để hiện rõ đối tượng là ai, và đó chỉ là một điểm chấm xám trên màn hình". Nhưng, một điểm nhỏ cũng đủ để những chuyển động của đối tượng được theo dõi một cách chính xác trong thời gian 6 giờ liền UAV hoạt động trên không.

UAV của PSS hoạt động ghi hình từ trên không và truyền dữ liệu về trung tâm phân tích của công ty.

Khi PSS phóng UAV lên bầu trời Compton, bang California, vào đầu năm 2012 trong thời gian 9 ngày, máy bay ghi hình được những kẻ giết người, những vụ cướp và nhiều tội phạm khác. Nhờ vào dữ liệu hình ảnh mà PSS cung cấp, cảnh sát và chuyên gia phân tích có thể "nhìn thấy" được thời điểm tội phạm diễn ra. Sau đó, cảnh sát theo dõi được nghi phạm vào trước và sau thời điểm này.

UAV do thám tội phạm được sử dụng ở Anh.

Trong khoảng thời gian thử nghiệm UAV trong một số khu vực - bao gồm Dayton, Ohio, Compton và thành phố Juarez của Mexico - PSS đã ghi nhận được 34 vụ giết người. Không chỉ nhìn thấy tội phạm mà UAV của PSS cũng quan sát đường phố và mọi hoạt động hàng ngày của người dân ngay cả trong vườn nhà riêng! Tuy nhiên, việc nhấn mạnh rằng những cận cảnh thu được có độ phân giải thấp của PSS vẫn không đủ sức xoa dịu những nhà hoạt động coi công nghệ của công ty này như là mối đe dọa cho quyền riêng tư của công dân Mỹ.

Jennifer Lynch, nữ luật sư trưởng Tổ chức Ranh giới Điện tử (EFF), tuyên bố: "Hệ thống của PSS không chỉ xâm phạm sự riêng tư của công dân, việc theo dõi mọi hoạt động trong các cộng đồng cũng đặt ra mối đe dọa cho nền dân chủ". Khi cảnh sát thử nghiệm hệ thống PSS ở Compton năm 2012, công chúng không được thông tin. Lynch nói thêm: "Cũng như hành động bí mật giám sát các sinh viên Hồi giáo vô tội của Sở Cảnh sát New Yord đã khiến người dân không tin tưởng cảnh sát". Trong khi đó, giới chức PSS cam đoan họ có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các chuyên gia phân tích với "chính sách bảo vệ quyền riêng tư.

Chuyên gia phân tích của PSS.

Một số cơ quan chính quyền và lực lượng cảnh sát Anh hiện cũng đang tăng cường sử dụng các hệ thống máy bay được điều khiển từ xa (RPAS) trong việc phát hiện tội phạm, song hành động này cũng được cảnh báo là bất hợp pháp nếu như các công ty an ninh lưu giữ hay sử dụng dữ liệu do thám một cách tùy tiện. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền và nghị sĩ phe đối lập Anh yêu cầu mở một cuộc điều tra toàn diện về việc sử dụng RPAS.

Rachel Robinson, nữ quan chức của tổ chức nhân quyền hàng đầu Anh Liberty, tuyên bố: "Việc chính quyền và tư nhân sử dụng máy bay gián điệp không người lái làm gia tăng sự lo ngại về tính hợp pháp của công nghệ có chức năng xâm lấn này. Chúng ta cần biết những ai đang gián điệp chúng ta trong bóng tối".

Nhóm giám sát việc sử dụng UAV trong Nghị viện Anh (APPG) cũng cảnh báo việc sử dụng UAV để do thám là bất hợp pháp và không phù hợp với những quy định về quyền riêng tư theo Công ước Nhân quyền châu Âu. Tháng 9/2014, báo The Independent tiết lộ có hơn 300 tổ chức - bao gồm vài lực lượng cảnh sát - được cấp phép vận hành UAV trên không phận nước Anh.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ Anh từ chối khẳng định việc Cơ quan tình báo phản gián MI-5 hay bất cứ cơ quan an ninh mật nào khác ở Anh có sử dụng loại RPAS này. Theo APPG, hệ thống sinh trắc học và camera hồng ngoại được sử dụng trên UAV ở Anh có khả năng thu thập một số lượng lớn thông tin cá nhân chưa từng có từ trước đến nay.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng bày tỏ mối lo ngại về việc gia tăng sử dụng công nghệ UAV trong thời gian gần đây và đang xem xét một chính sách cũng như tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân mới có tính ràng buộc chặt chẽ hơn đối với việc sử dụng UAV để áp dụng cho toàn khối Liên minh châu Âu (EU). Các nghị sĩ Anh cũng kêu gọi chính quyền nước này xem xét một số biện pháp cần thiết - bao gồm, một hệ thống "biển số" dành riêng cho UAV, một cơ sở dữ liệu để cung cấp thông tin công khai về tổ chức vận hành, sứ mạng của UAV và thông tin được thu thập.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.