Nghìn lẻ kiểu ứng dụng UAV

Thứ Bảy, 29/09/2018, 07:32
Thiết bị bay không người lái (UAV) đang đổi mới các ngành kinh doanh cũ và còn tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Cho dù được sử dụng trong ngành truyền thông hay nông nghiệp, UAV cũng chứng tỏ được khả năng làm những điều không thể tin nổi.

Tới nay, các doanh nghiệp phần lớn sử dụng UAV trong quay phim và chụp ảnh, đặc biệt là với mục đích tiếp thị. Nhưng cũng có nhiều ứng dụng công nghệ UAV khác khiến người ta ngạc nhiên. Từ nông nghiệp cho tới tiếp cận internet, UAV là một công cụ đa mục đích sử dụng, khiến người ta phải hình dung lại nhiều thứ trong thế giới xung quanh.

Ông Brian Opp, giám đốc phát triển kinh doanh không gian vũ trụ thuộc Sở Thương mại Bắc Dakota, nói: "Tôi không biết liệu UAV sẽ là thứ thay đổi thế giới hay không nhưng chắc chắn là UAV có quá nhiều ứng dụng thương mại có ảnh hưởng tích cực".

Giao hàng, đồ ăn bằng UAV giúp các công ty giảm chi phí đáng kể.

Còn ông Joshua Larson, sáng lập công ty tư vấn UAV Breakover Services nhận định: "Công nghệ này có thể được sử dụng để làm bất kỳ điều gì".

Chẳng hạn như trong nông nghiệp, nông dân có thể hưởng lợi từ UAV theo nhiều cách. UAV không chỉ giúp nông dân tiết kiệm tiền bằng cách giúp họ xác định sớm cây trồng không phát triển, kiểm kê cây trồng, mà còn giúp họ lập bản đồ và nghiên cứu đất nông nghiệp, hệ thống tưới tiêu.

Trong từng trường hợp, sử dụng UAV giúp giải quyết nhanh gọn công việc mà không tốn thời gian. Nhờ công nghệ tiến bộ nhanh, quá trình giám sát cánh đồng chỉ đòi hỏi cảm biến hình ảnh đa phổ và UAV cỡ nhỏ, từ đó giúp giảm chi phí và giúp nông dân hiểu rõ tình trạng mùa màng để đưa ra các quyết định hiệu quả hơn. Đối với gia súc, UAV giúp giám sát đàn để nông dân xử lý kịp thời nếu có gia súc thất lạc, bị thương hoặc đang sinh con cần trợ giúp. Ngoài ra, UAV có thể được trang bị để phun thuốc trừ sâu, rắc phân bón hoặc tưới nước.

Các công ty kiến trúc và nhà thầu xây dựng cũng đang hưởng lợi từ việc sử dụng UAV. Giống như các chuyên gia bất động sản, kiến trúc sư có thể sử dụng hình ảnh và video về một bất động sản để tạo phối cảnh 3D của công trình mà họ định xây.

Thông qua chụp ảnh vị trí định phối cảnh kiến trúc từ trên cao, kiến trúc sư có thể tạo các ý tưởng thế giới thực cho dự án. Khả năng này là không thể thiếu đối với quá trình cho ra một thiết kế chính xác và hợp với bối cảnh.

UAV giúp đơn vị xây dựng có thể cập nhật thường xuyên tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư và các bên có liên quan. Sẽ rất mất thời gian nếu phải tới công trường hoặc cử ai đó đi chụp ảnh. Còn với UAV, công việc đó sẽ được hoàn thành trong nháy mắt.

UAV giúp giảm thương vong cho công nhân tại công trường xây dựng vì họ không cần phải leo trèo để lấy số đo bằng tay hoặc thực hiện các hoạt động mà UAV có thể làm hộ. Ngã là nguyên nhân gây ra 39% trường hợp tử vong tại công trường xây dựng.

Dịch vụ giao hàng bằng UAV có lẽ là một trong những ứng dụng hiển nhiên nhất. Mặc dù vẫn chỉ mang được hàng nặng tối đa 25kg kể cả bản thân UAV, nhưng giao hàng bằng thiết bị này vẫn là một ứng dụng hứa hẹn.

Ele.me, dịch vụ giao thức ăn thuộc tập đoàn Alibaba, đã được chính phủ Trung Quốc cho phép sử dụng UAV để giao thức ăn trên một số tuyến được định sẵn. Có 17 tuyến tất cả và đều nằm ở ngoại ô Thượng Hải. Công ty Ele.me cho biết khách hàng có thể nhận đồ ăn trong vòng 20 phút. Ele.me hi vọng hình thức giao hàng mới này sẽ cắt giảm chi phí và giảm ô nhiễm, thúc đẩy kinh tế địa phương tăng trưởng.

Với tập đoàn Amazon, dù một số người còn hoài nghi về tính khả thi của dịch vụ giao hàng bằng UAV có tên Prime Air, nhưng triển vọng nhận hàng từ UAV ngay trước cửa nhà sẽ ngày càng gần hơn trong bối cảnh công nghệ tiếp tục phát triển. Prime Air là hệ thống chuyển hàng cho khách trong 30 phút hoặc ít hơn bằng UAV. Theo Amazon, hình thức này sẽ nhanh hơn, an toàn và hiệu quả hơn.

Ngân hàng Deutsche Bank cho rằng tự động hóa giao hàng sẽ là cơ hội giảm chi phí tuyệt vời nhất cho Amazon. Nó có thể giảm chi phí tới 80% trong giao hàng cho khách. 47% người được hỏi ở Mỹ cho biết rất quan tâm tới hình thức giao hàng này. Tỷ lệ ở giới trẻ còn lên tới 72%.

Giao hàng bằng UAV đặc biệt tiện lợi với những khu vực khó đi lại hoặc tiếp cận bằng đường bộ.

Trong cứu nạn khẩn cấp, UAV có thể mang tới các phương tiện cứu sống mạng người như thuốc men, thiết bị y tế cho nạn nhân bị cô lập trong các thảm họa.

Một lĩnh vực nữa ngày càng sử dụng nhiều UAV, đó là truyền thông. Trước đây, những bức ảnh chụp từ trên không chỉ có thể do các tập đoàn báo chí lớn thực hiện vì chỉ có họ mới đủ tiền để có một chiếc trực thăng đưa phóng viên lên không trung chụp ảnh. Giờ đây, ngay cả những tờ báo nhỏ và phóng viên địa phương cũng có thể dễ dàng quay phim, chụp ảnh từ trên cao phục vụ bài viết, mang tới góc nhìn mới lạ cho bạn đọc.

UAV cũng có thể tới những khu vực chật hẹp, gần mặt đất mà trực thăng không thể hi vọng tiếp cận. Nhờ UAV, phóng viên có thể tiếp cận hiện trường nguy hiểm một cách an toàn.

Ngoài các ngành phổ biến trên, UAV còn được sử dụng trong quân sự, giám sát và bảo tồn môi trường, giáo dục, truy cập internet không dây…

Tờ Business Insider dự báo doanh thu từ bán UAV sẽ đạt 12 tỷ USD vào năm 2021. Giao hàng bằng UAV sẽ tăng gấp 4 trong 5 năm tới nhờ cạnh tranh giá ngày càng gia tăng và công nghệ ngày càng hiện đại.

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đang nới lỏng dần các hạn chế trước đây với thiết bị này. Tháng 5/2018, FAA đã chấp nhận 10 trong 150 chương trình UAV trên khắp nước Mỹ. 10 chương trình này đều có đối tác với chính quyền cấp địa phương, cấp bang giúp FAA có thể giám sát. FAA cũng có các quy định mới đơn giản hóa quá trình sử dụng UAV cho mục đích thương mại. Ví dụ, FAA không yêu cầu người vận hành UAV phải có bằng phi công. Nhiều doanh nhân ca ngợi động thái này là bước tiến để mở rộng UAV thương mại vì yêu cầu bằng phi công là trở ngại lớn nhất cho nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh UAV. 

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.