Người hùng thầm lặng trong thảm họa Titanic

Thứ Hai, 27/04/2015, 17:55
Ngày này cách đây 103 năm, con tàu Titanic của Anh đã va vào tảng băng trôi rồi chìm xuống đáy biển Đại Tây Dương, mang theo sinh mệnh của hơn 1.500 con người. Vào đêm tàu lâm nạn, có một phụ nữ đã đặt tính mạng của người khác lên trên tính mạng của mình, nỗ lực chèo thuyền cứu sinh đưa họ đến nơi an toàn. Đó là nữ Bá tước xứ Rothes, người hùng thầm lặng trong thảm họa Titanic.

Nữ Bá tước xứ Rothes sinh vào ngày Giáng sinh năm 1878. Tên thánh của bà là Lucy Noel Martha nhưng thường được gọi là Noel. Bá tước Evelyn, chồng bà, có một chiếc thuyền nên bà Noel biết cách chèo thuyền và biết cách cầm bánh lái – một kỹ năng mà hầu như ít phụ nữ nào biết.

Bà Bá tước Noel lên tàu Titanic cùng bố mẹ, em họ của chồng và người hầu gái và là một trong những hành khách giàu có nhất trên tàu. Khi tàu Titanic đâm vào tảng băng trôi đêm 14, rạng sáng 15/4, bà Noel được lệnh lên thuyền cứu sinh cùng các phụ nữ và trẻ em khác. Trong khi các hành khách nữ hoảng loạn, chỉ duy nhất bà Noel giữ được sự bình tĩnh.

Thủy thủ Able Seaman Thomas Jones nhận thấy bà bá tước mạnh mẽ không khác gì một người đàn ông, thậm chí còn hơn. Điều đó thể hiện qua cách bà tự trèo sang thuyền, qua giọng nói điềm tĩnh, quả quyết mà bà trấn an mọi người.

Nữ bá tước xứ Rothes.

Nhận thấy người phụ nữ này có thể giúp mọi người bình tĩnh, ông Jones đã đề nghị bà quản lý số hành khách gồm toàn phụ nữ, trẻ nhỏ đang hoảng sợ và hai người đàn ông không phải là thủy thủ. Khi thủy thủ Jones nhận ra bà biết về thuyền, ông đã cho bà bá tước cầm bánh lái.

Trong lúc nữ Bá tước Noel điều khiển con thuyền, dạy người khác cách chèo thuyền hoặc an ủi họ, bà đều hướng tâm trí nghĩ về hai con trai nhỏ đang yên ấm ở nhà, cầu nguyện sẽ được gặp lại các con. Mãi về sau, bà mới biết rằng, đúng vào rạng sáng 15/4, từ Scotland xa xôi cách đó cả nghìn cây số, con trai cả Malcolm 10 tuổi của bà đã đột ngột thức giấc, run rẩy và sợ hãi kêu lên: “Mẹ đang gặp nguy hiểm! Mẹ rất lạnh”.

Lúc con tàu Titanic chìm dần theo chiều thẳng đứng, trên thuyền số 8 nổ ra một cuộc tranh cãi về việc nên chăng quay lại đón thêm người đang vùng vẫy giữa làn nước lạnh giá. Nhiều người sợ rằng thuyền của họ sẽ bị lật khi nhiều người cố trèo lên hoặc sức hút của Titanic sẽ kéo thuyền xuống đáy. Chính bà Noel, thủy thủ Jones cùng 2 hành khách khác là người tìm cách thuyết phục họ quay lại cứu thêm người vì thuyền của họ có thể chở thêm chừng ấy người nữa. Thế nhưng, khi đa số không đồng ý, thuyền số 8 đã không quay lại.

Bà Noel bị ám ảnh hàng năm trời vì không thể nào quên được những tiếng thét khủng khiếp, tuyệt vọng của những người đang dần bị đại dương rộng lớn nuốt chửng. Dù vậy, bà vẫn cố gắng an ủi và trấn tĩnh hành khách trên thuyền. Bà nói chuyện bằng tiếng Pháp với một cô gái 17 tuổi tên là Josefa de Satode Peasco, người đã chọn Titanic để đi hưởng tuần trăng mật.

Nữ Bá tước cũng chỉ cho một hành khách tên là Gladys Cherry cách cầm bánh lái để người này có thể thay phiên điều khiển thuyền qua đêm dài lạnh lẽo lênh đênh giữa đại dương. Khi mọi người trên thuyền sắp từ bỏ hy vọng được cứu sống, bà và Gladys đã vực dậy tinh thần cho họ bằng cách hát. Họ vừa hát vừa chèo thuyền.

Cuối cùng, khi bình minh chưa kịp đến, khi ngay cả bà Noel cũng rơi vào tuyệt vọng, bà chợt nhìn thấy từ phía chân trời có một ánh sáng le lói, rồi một ánh sáng nữa. Bà nhận ra đó là ánh sáng từ con tàu tên là RMS Carpathia. Họ chèo bằng toàn bộ sức lực, họ ngừng hát và bắt đầu cầu nguyện.

Kỷ vật mà thủy thủ Jones gửi tặng cho bà Noel.

Thủy thủ đoàn Carpathia đã gọi bà Noel là “Nữ Bá tước nhỏ bé can trường” vì sự dũng cảm của bà khi ở trên thuyền cứu sinh, vì những gì bà đã hỗ trợ những hành khách kiệt sức khi họ lên tàu Carpathia. Bà lấy chăn khâu thành quần áo cho họ, bà làm phiên dịch cho những người không hiểu ngôn ngữ của nhau, bà tìm thức ăn và thuốc men mà không giây phút nào nghĩ đến bản thân mình. Bà giúp bác sĩ trên tàu chăm sóc trẻ nhỏ, bà luôn bên cạnh cô gái người Pháp đang hoảng sợ tột độ và đòi tự tử.

Còn với Josefa, cô gái 17 tuổi vừa mất chồng mới cưới, bà Noel là người duy nhất mà cô có thể bấu víu… Ba ngày sau, tàu Carpathia đã đi qua tượng Nữ thần Tự do vào New York. Lúc đó, nhiều người đã òa khóc.

Vài tuần sau, nữ Bá tước Noel đã về quê nhà ở Scotland. Bà mua một chiếc đồng hồ bỏ túi bằng bạc khắc dòng chữ “Ngày 15/4/1912, từ nữ Bá tước xứ Rothes”. Bà đã gửi nó cho thủy thủ Jones và cám ơn ông vì tất cả những gì ông đã làm.

Ông Jones cũng gửi cho bà một số 8 bằng đồng lấy từ mũi thuyền cứu sinh chở họ và được gắn vào giữa một miếng gỗ hình tròn. Trên mảnh gỗ, ông đề ngày tháng con tàu Titanic chìm cùng tên của ông. Ông cũng gửi cho nữ bá tước một bức thư ca ngợi lòng dũng cảm của bà.

Bà Noel và ông Jones trao đổi thư từ cho đến khi bà qua đời năm 1956 ở tuổi 76. Ông Jones qua đời năm 1967 ở tuổi 87. Bà Noel cũng nhận được một chiếc nhẫn thạch anh từ cô gái Josefa mà bà đã vỗ về trên thuyền cùng bức thư cảm ơn. Họ cũng đã giữ liên lạc cho đến khi bà Noel qua đời.

Thật khó tin nhưng bà Noel không bao giờ nói về thảm họa Titanic khi bà về nhà. Mãi cho đến khi bà qua đời, con cháu bà mới phát hiện ra những kỷ vật nói trên khi dọn dẹp căn phòng của bà. Lúc đó, họ mới biết đến lòng dũng cảm và đức tính quên mình vì người khác của bà trong cái đêm định mệnh đó.

Dương Thùy (tổng hợp)
.
.