“Những bà mẹ hành động” trong phòng thí nghiệm phóng xạ kỳ lạ

Thứ Tư, 24/08/2016, 08:15
Cách đây 5 năm, một trận động đất kinh hoàng khởi phát từ ngoài khơi Nhật Bản đã gây nên cơn sóng thần tấn công nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ngôi nhà của Kaori Suzuki nằm gần đó. Do lo ngại cho sức khỏe con cái, Kaori Suzuki cùng với một số bà mẹ khác có sáng kiến thành lập một phòng thí nghiệm trong nhà bếp gia đình để đo mức độ phóng xạ. Điều thú vị là không ai trong số những người phụ nữ làm việc ở đây là nhà khoa học!

Họ chỉ là những phụ nữ bình thường làm đủ mọi nghề như chuyên viên chăm sóc sắc đẹp, thợ làm tóc hay nhân viên văn phòng… cùng nhau thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên gọi "Tarachine" để đo mức độ ô nhiễm phóng xạ trong thành phố Iwaki, nằm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima chừng 50km. Phòng thí nghiệm của Kaori Suzuki chủ yếu thu thập dữ liệu bức xạ gamma từ 2 chất đồng vị caesium 134 và 137. Còn 2 đồng vị phóng xạ Strontium 90 và tritium chỉ mới được đưa thêm vào danh sách hồi tháng 4-2015.

Giám đốc phòng thí nghiệm Kaori Suzuki trình bày danh sách kết quả phân tích: "Đây là mức strontium 90 đo được trên mẫu khô cá mòi Niboshi lấy từ tỉnh Chiba. Nấm có mức phóng xạ cao hơn. Chính quyền đã có lệnh cấm người dân tiêu thụ nấm dại. Thế nhưng, mọi người vẫn cứ phớt lờ lệnh cấm và cứ thoải mái hái lượm nấm dại để ăn".

Kaori Suzuki hiện tại dành nhiều thời gian hơn ở phòng thí nghiệm.

Suzuki kể thêm: "Mới đây, chúng tôi mới dò thấy chúng khi chúng phát ra tia beta. Những công cụ chuyên biệt rất cần thiết cho công việc song không có khả năng sở hữu chúng". Tuy nhiên, nhờ vào tiền quyên góp của nhiều người mà phòng thí nghiệm của Suzuki mới được trang bị đầy đủ.

Tarachine công bố những kết quả phân tích hàng tháng trên Internet, đồng thời tư vấn mọi người tránh tiêu thụ những thực phẩm bị ô nhiễm phóng xạ cao cũng như những nơi chúng mọc trong tự nhiên. Cách đây 5 năm, Kaori Suzuki không biết chút gì về phóng xạ, bà chỉ dành thời gian của mình để chăm sóc con cái và dạy yoga. Nhưng trận động đất ngày 11-3-2011 đã làm thay đổi mọi thứ.

Suzuki thừa nhận: "Tôi cảm thấy rất lo ngại vì trước đó bản thân không hề có chút hiểu biết gì về phóng xạ. Đúng lúc trận động đất bắt đầu, tôi cảm thấy có điều gì đó đã xảy ra cho nhà máy điện hạt nhân. Điều đầu tiên tôi làm là đổ đầy xăng cho chiếc ôtô. Tôi không thể nào quên được khoảnh khắc kinh khủng đó".

Đội ngũ nhân viên Tarachine bao gồm các bà mẹ trẻ làm việc trong phòng thí nghiệm.

Chính quyền Nhật Bản nhanh chóng cho sơ tán khu vực xung quanh nhà máy - mọi cư dân trong bán kính 20km bắt buộc phải rời đi nơi khác, còn những người sống cách nhà máy 30km có thể ở lại. Mặc dù sống bên ngoài khu vực cấm, song Kaori Suzuki và gia đình cô cũng di chuyển về miền Nam. Mọi con đường lúc đó chật ních xe cộ và những trạm xăng bắt đầu cạn khô nhiên liệu.

Suzuki nhớ lại: "Gia đình chúng tôi không trở về nhà cho đến giữa tháng 4-2011 và không biết có quán cà phê nào còn an toàn không nữa. Nhưng vì chồng tôi là người quản lý doanh nghiệp với 70 nhân viên, cho nên chúng tôi bắt buộc phải trở về nhà".

Mặc dù các mức độ phóng xạ ở Iwaki được thông báo công khai là hoàn toàn thấp, song "kẻ thù vô hình" vẫn luôn ám ảnh mọi người. Những cuộc trò chuyện giữa bạn bè với nhau về trẻ em, thực phẩm và thời trang nhường chỗ cho đề tài mới - phóng xạ.

Kaori Suzuki nói: "Người ta không nhìn thấy, ngửi thấy hay cảm thấy nó, thế nên đó là lý do phải lo sợ. Nói chung, người dân không biết thực phẩm nào còn an toàn để ăn, trong khi đó Fukushima là vùng đất trồng trọt, người dân ở đây thích ăn thực phẩm do tự tay họ trồng và mọi người trong cộng đồng đều có lệ hay san sẻ thực phẩm cho bạn bè và láng giềng. Đó là căn nguyên của sự lo sợ. Những bà mẹ trẻ rất lo lắng về thực phẩm cho con cái ăn hàng ngày".

Điều đó thúc đẩy Kaori Suzuki thành lập nhóm mang tên "Iwaki Action Mama" cùng với một số bà mẹ khác trong khu vực.

Đầu tiên, họ tổ chức những cuộc biểu tình chống năng lượng hạt nhân và họ nhận thấy mức độ cần thiết phải học hỏi về kỹ thuật đo lường phóng xạ. Họ bắt đầu tiết kiệm tiền và góp lại 600 USD để mua trên Internet thiết bị đầu tiên- máy đếm Geiger - dụng cụ dò và đo cường độ bức xạ ion hóa.

Trở ngại xuất hiện khi tài liệu hướng dẫn viết bằng tiếng Anh trong khi không ai trong số những bà mẹ này biết ngoại ngữ này! Nhưng với sự giúp đỡ nhiêt tình từ các chuyên gia và giáo sư đại học, họ kiên trì học tiếng Anh và tổ chức những cuộc hội thảo.

Chẳng bao lâu sau, họ biết mọi thứ về becquerel - đơn vị được sử dụng đo phóng xạ trong hệ thống đo lường quốc tế, ký hiệu là Bq - và sievert (đơn vị đo liều lượng phóng xạ). Họ gặp gỡ nhau tại nhà hàng và các quán cà phê để cùng đối chiếu các kết quả học tập. Cuối cùng vào tháng 11-2011, họ quyết định thành lập một phòng thí nghiệm. 

Họ tiến hành quyên góp tiền bạc để mua dụng cụ đắt giá đầu tiên - trị giá 3 triệu yen (26.400 USD) - được thiết kế đặc biệt để đo mức ô nhiễm phóng xạ trên thực phẩm. Phòng thí nghiệm được đặt tên là Tarachine - dựa theo tên một nhân vật nữ mạnh mẽ trên sân khấu Nhật Bản thường nói bằng ngôn ngữ của các chiến binh Samurai. Suzuki bộc bạch: "Chúng tôi cảm thấy như đang ở trên mặt trận. Khi ra trận, chiến binh phải biết làm gì".

Toàn cảnh nhà máy Fukushima Dai-ichi nhìn từ trên không.

Hiện nay, Tarachine có 12 nhân viên và có thêm nhiều công việc khác phải giải quyết. Ngày càng có thêm nhiều người tích cực mang thực phẩm, mẫu đất, cỏ và lá cây trồng ở vườn nhà mình đến phòng thí nghiệm của Kaori Suzuki để xét nghiệm ô nhiễm phóng xạ. Các kết quả phân tích sau đó được công bố trên Internet cho mọi người xem.

Ban đầu, phòng thí nghiệm cung cấp kết quả chỉ sau 3 hay 4 ngày, song càng về sau dịch vụ càng trở nên phổ biến đến mức nơi đây không đáp ứng kịp thời gian nhanh như mọi người mong đợi nữa. Giáo sư Hikaru Amano, giám đốc điều hành kỹ thuật phòng thí nghiệm, cho biết: "Hiện nay, chúng tôi nhận được quá nhiều yêu cầu đến mức kết quả chỉ có thể được công bố sau 3 tháng".

Giáo sư Amano thú thật ông quá đỗi ngạc nhiên khi một nhóm các bà mẹ có thể học hỏi để đảm nhận công việc cực kỳ tinh tế như thế. Và cũng do sự ra đời của Tarachine mà người dân bắt đầu thấy không tin tưởng vào dữ liệu báo cáo ô nhiễm hạt nhân do chính quyền và Công ty Điện Tokyo (Tepco) - cơ quan điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima - cung cấp.

Hiện nay ở Nhật Bản đã mọc lên khoảng 100 "phòng thí nghiệm công dân", song Tarachine vẫn nổi bật hơn hết bởi vì nơi đây giám sát cả 2 tia gamma và beta, và cũng do phòng thí nghiệm nhận xét nghiệm bất cứ thứ gì mà người dân muốn - cho dù đó là củ cà rốt trồng ở vườn nhà hay mẫu bụi từ máy hút bụi trong gia đình. Chính quyền Nhật Bản thường xuyên ghi nhận thông số phóng xạ từ những điểm cố định trong tỉnh Fukushima, và cũng kiểm tra thực phẩm cung cấp cho thị trường - ví dụ như mọi loại gạo xuất xứ từ Fukushima đòi hỏi phải trải qua kiểm tra ô nhiễm phóng xạ trước khi phân phối.

Nhưng "Nếu người dân muốn biết mức độ ô nhiễm strontium và tritium trong vườn nhà mình, thì chính quyền không thực hiện xử lý đo" - Suzuki nói- "Còn nếu người dân quyết định tự kiểm tra, thì họ phải bỏ ra đến 250.000 USD (2.200 USD) để xét nghiệm. Thông thường thì người dân không có tiền để trả cho mức giá quá cao như thế. Chúng tôi cung cấp dịch vụ mà mọi người có thể dễ dàng tiếp cận. Tarachine chỉ thu mức phí nhỏ: chưa đến 2.000 yen (17 USD)!".

Ngoài ra, Tarachine cũng tổ chức các khóa huấn luyện và giúp trang bị công cụ cho bất cứ ai muốn tự mình đo ô nhiễm phóng xạ. Suzuki nói: "Một số bà mẹ khác đo ô nhiễm phóng xạ các mẫu đất trong trường học. Họ thật sự có kỹ năng để làm điều này".

Tarachine cũng đặc biệt quan tâm đến sức khỏe con trẻ, các bà mẹ mở một phòng bệnh nhỏ cho phép các bác sĩ từ khắp nơi trên đất nước Nhật Bản đến định kỳ khám miễn phí ung thư tuyến giáp cho trẻ em địa phương. 6 tháng sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima, 166 trẻ em ở tỉnh Fukushima được chẩn đoán mắc phải hay nghi ngờ ung thư tuyến giáp.

Tháng 6-2011, Giáo sư Shunichi Yamashita ở Đại học Y khoa ở Fukushima lãnh đạo cuộc điều tra sức khoẻ quy mô về hậu quả của phóng xạ đối với sức khoẻ con người. Cuộc điều tra của Giáo sư Shunichi Yamashita được chia ra làm 2 giai đoạn: lần thứ nhất đối với 38.114 trẻ và lần thứ hai mở rộng đối với 42.060 trẻ khác. Tuy nhiên, giáo sư không tiết lộ độ tuổi và giới tính của số trẻ được xét nghiệm tuyến giáp trong cuộc điều tra thống kê.

Mặc dù vậy, Edwin Lyman - nhà vật lý làm việc cho Hội liên hiệp các khoa học liên ngành (UCS), tổ chức chủ trương an toàn hạt nhân - cho rằng việc không phát hiện thấy những dấu hiệu ung thư trong các nghiên cứu điều tra "không có nghĩa là bệnh ung thư không hiện diện ở Fukushima và cũng không có nghĩa là không có gì để quan ngại".

Trong khi thảm hoạ ở Fukushima đang lùi dần vào quá khứ, nhiều người dân Nhật Bản vẫn còn lo ngay ngáy về sức khoẻ của mình và cũng không mấy tin tưởng vào sự bảo đảm an toàn từ các nhà khoa học hàng đầu trong nước. Chính quyền Nhật Bản cũng đã triển khai chương trình nghiên cứu dài hạn đầu tiên để phân tích những tác hại do thảm hoạ hạt nhân. Tổng cộng khoảng 2 triệu người dân trong khu vực Fukushima sẽ được theo dõi chặt chẽ trong vòng 30 năm tới.

Những người bị ảnh hưởng phóng xạ nhận được bảng câu hỏi chi tiết cùng với xét nghiệm tuyến giáp thường xuyên và scan toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, khoảng 360.000 trẻ em dưới 18 tuổi được kiểm tra tuyến giáp 2 năm 1 lần cho đến 20 tuổi và sau đó là 5 năm 1 lần. Chính quyền Fukushima đã cho phân phối những thiết bị theo dõi phóng xạ cho 280.000 trẻ tiểu học và học sinh trung học.

Nhiều trẻ chỉ được phép chơi đùa bên ngoài khoảng 2 hay 3 giờ/ngày. Các trường học cũng tiến hành bóc bỏ tầng đất phía trên của sân chơi để giảm bớt nguy cơ độc hại và Bộ Y tế Nhật Bản cũng cung cấp cho các thầy cô sách cẩm nang về phóng xạ.

Đối với những cha mẹ muốn cho con cái họ tạm rời khỏi môi trường địa phương trong thời gian ngắn, Tarachine cũng tổ chức những chuyến nghỉ hè đến miền nam Nhật Bản.

Cuộc đời của Kaori Suzuki thật sự thay đổi hẳn kể từ năm 2011: "Tôi chỉ là một bà mẹ bình thường, hạnh phúc với cuộc sống của mình. Nhưng kể từ sau thảm họa, tôi dành nhiều thời gian hơn ở phòng thí nghiệm, từ sáng đến tối. Tôi thừa nhận đôi khi bản thân cũng muốn nghỉ ngơi  song công việc quá quan trọng bởi vì chúng tôi cung cấp một loại hình dịch vụ mang tính sống còn. Nếu anh muốn đầu óc được thanh thản sau một sự cố khủng khiếp như Fukushima, thì tất nhiên tôi tin rằng anh cũng phải làm những gì mà chúng tôi đang làm mà thôi".

Duy Minh (tổng hợp)
.
.