Nhiều đe dọa an toàn thông tin mạng xuất hiện

Thứ Năm, 28/02/2019, 12:37
Công ty cung cấp các dịch vụ bảo mật, an ninh mạng hàng đầu thế giới Trend Micro Incorporated đã đưa ra cảnh báo rằng năm 2019 nhiều khả năng sẽ chứng kiến nhiều cuộc tấn công mạng biến hóa hơn. Theo đó, tin tặc sẽ tiếp tục khai thác các lỗ hổng hiện có, kết hợp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn để lừa đảo hay đánh cắp thông tin cá nhân vì mục đích lợi nhuận.

Dường như, các sự cố bảo mật lớn trong không gian mạng năm 2018, và dự báo về vô số mối đe dọa mới sẽ tạo nên cơn bão an toàn thông tin cho một năm 2019 đầy biến động.

Tấn công trực tuyến

Theo Trend Micro, các cuộc tấn công bằng hình thức lừa đảo trực tuyến sẽ phát triển mạnh trong năm nay. Cụ thể, tin tặc sẽ giả dạng các YouTuber, Vlogger và Streamer nổi tiếng với vài triệu người theo dõi để lừa đảo người dùng bằng cách gửi tin nhắn chứa liên kết độc hại yêu cầu họ tải về. Máy tính của nạn nhân sẽ bị lây nhiễm mã độc và bị tội phạm mạng tấn công, khai thác thông tin cá nhân cũng như ví điện tử.

Còn với các doanh nghiệp, tin tặc sử dụng các thủ đoạn ngày càng biến hóa để đánh cắp mật khẩu và thông tin đăng nhập bằng cách giả mạo làm đối tác hoặc thành viên trong tổ chức.

Đáng lưu ý, tội phạm mạng còn lừa đảo qua tin nhắn SMS và khung hội thoại các ứng dụng của các mạng xã hội, nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến. Sau khi lấy được thông tin quan trọng từ người dùng, tội phạm mạng sẽ giả dạng và thuyết phục bộ phận hỗ trợ chăm sóc khách hàng bên phía nhà mạng cấp lại thẻ SIM, số điện thoại của nạn nhân, sau đó tiến tới kiểm soát các tài khoản trực tuyến xác thực qua số điện thoại của nạn nhân.

Phương thức tấn công này cho phép bọn tội phạm chiếm quyền điều khiển điện thoại di động mà người dùng không biết, khiến họ khó lấy lại quyền kiểm soát thiết bị của mình.

Chưa dừng lại, các cuộc tấn công thông qua việc lạm dụng chatbot (chát tự động) sẽ phát triển rầm rộ và ngày càng phức tạp hơn. Tội phạm mạng se ätận dụng nền tảng tin nhắn được thiết kế sẵn và hệ thống phản hồi bằng tương tác giọng nói (IVR) để tạo nên các chatbot có thể bắt đầu những cuộc hội thoại quen thuộc với người dùng, từ đó lừa đảo họ qua các liên kết độc hại.

Khi nạn nhân mở liên kết này, tội phạm mạng sẽ cài đặt trojan (phần mềm độc hại) truy cập từ xa trong máy tính nạn nhân để đánh cắp dữ liệu hoặc tống tiền họ.

Các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ đánh cắp và khai thác thông tin cá nhân cũng như ví điện tử của người dùng.

Lây lan mã độc

Những âm ỉ chiến tranh thương mại trong năm ngoái sẽ có thể dẫn tới sự xuất hiện của gián điệp thương mại. Trend Micro cho rằng, các chính sách của chính phủ được xây dựng để tạo ra “các cuộc chiến thương mại”, sẽ khởi động một loạt các cuộc tấn công mạng để đánh cắp tài sản trí tuệ và các bí mật thương mại, từ đó đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Những kẻ tấn công sẽ kết hợp các chiến thuật hiện có với các kỹ thuật mới để làm lộ địa chỉ IP máy tính, bên cạnh việc nhắm đến thông tin cá nhân hoặc dữ liệu nhạy cảm khác.

Ngoài ra, các loại siêu mã độc nhiều khả năng sẽ được thương mại hóa trên thị trường chợ đen. Hiện tượng này từng xảy ra khi tin tặc đã lấy các đoạn mã độc Stuxnet, Petya và NotPetya từ các cuộc tấn công quốc gia lớn và kết hợp chúng vào các cuộc tấn công của cá nhân để trục lợi. Có thể nhận định, năm 2019 sẽ chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của nhiều mã độc có khả năng tự lây lan, được thiết kế ngày càng tinh vi nhằm tránh bị phát hiện và duy trì sự tồn tại lâu dài, tạo nên lo ngại bảo mật rất lớn cho các doanh nghiệp.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Philippines trở thành mục tiêu của các mã độc. Gần đây, Philippines bị ảnh hưởng nặng nề bởi trojan ngân hàng Emotet. Trong nhiều cuộc tấn công được ghi nhận, Emotet đóng vai trò như một trình tải về cho một số trojan ngân hàng khác dựa trên vị trí địa lý của nạn nhân.

Tính năng tự lây lan mới của Emotet trong các cuộc tấn công mới đây đã giúp mã độc này có khả năng thống kê tài nguyên mạng, xác định những nơi muốn lây lan tới để viết tập tin và tạo phần mềm dịch vụ điều khiển từ xa.

Lỗ hổng chuỗi cung ứng

Bối cảnh thế giới ngày càng được kết nối nhiều hơn đã giúp phá vỡ các rào cản để tạo ra một chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp các doanh nghiệp dễ dàng khai thác các nhà cung cấp và dịch vụ thuê ngoài ở bất cứ quốc gia nào. Các chuỗi cung ứng này bao gồm việc chia sẻ dữ liệu và mạng, trao quyền cho các tổ chức thông qua kết nối và phân tích. Tuy nhiên, điều này cũng tạo cơ hội cho tin tặc khai thác những điểm yếu của hệ thống an ninh hiện tại.

Những rủi ro này thể hiện rõ ràng trong lĩnh vực y tế, nơi các thiết bị y tế kết nối của bên thứ ba như máy MRI và X-quang được cắm vào mạng nội bộ hàng ngày, tạo kẽ hở để tội phạm thực hiện các cuộc tấn công mà bệnh viện hầu như không kiểm soát được. Ngoài ra, tin tặc đang nhắm tới chuỗi cung ứng phần mềm, trong đó chúng cấy phần mềm độc hại vào các gói phần mềm hợp pháp khác tại địa điểm phân phối thông thường.

Trong một kịch bản điển hình, tội phạm sẽ thay thế một bản cập nhật phần mềm hợp pháp bằng một phiên bản độc hại để lây nhiễm mã độc nhanh chóng và âm thầm tới các mục tiêu. Bất kỳ người dùng nào nhận được bản cập nhật phần mềm thì máy tính sẽ tự động bị nhiễm, khiến kẻ tấn công dễ dàng thâm nhập trong môi trường của họ.

Ví dụ, tin tặc thay đổi chip hoặc thêm mã nguồn vào phần Firmware (một phần mềm giúp phần cứng hoạt động và thực hiện những mục đích của nhà sản xuất phần mềm đó) của giao diện phần mềm mở hợp nhất UEFI trước khi các thành phần đó được chuyển đến hàng triệu máy tính. Các mối đe dọa kiểu này có khả năng vẫn tồn tại ngay cả sau khi máy tính bị ảnh hưởng được khởi động lại hoặc đĩa cứng được định dạng lại.

Lê Nam (tổng hợp)
.
.