Nhìn lại bài học cách ly để tránh dịch bệnh lan truyền

Thứ Bảy, 09/01/2021, 13:41
Hơn 700 năm trước, khi bệnh dịch hạch lan truyền khắp châu Âu khiến hơn 50 triệu người chết, các bác sĩ chưa hề có khái niệm về vi trùng hoặc virus, nhưng họ hiểu rằng giữ cho những người bệnh không tiếp xúc với người lành sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm. Nó được thành phố cảng Adriatic, nước Cộng hòa Ragusa (ngày nay là tỉnh Dubrovnik thuộc Croatia) áp dụng, và đó cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện biện pháp cách ly…

1. Đầu tháng 6-1377, bệnh dịch hạch lan đến thành phố cảng Adriatic thuộc nước Cộng hòa Ragusa. Chỉ trong 15 ngày, đã có hơn 2.000 người chết trong tổng số 54.000 cư dân. Mặc dù chưa hiểu rõ về cơ chế lây bệnh nhưng qua theo dõi, các bác sĩ nhận ra rằng khi những tàu buôn cập cảng Adriatic và khi các thủy thủ lên bờ thì loài chuột đen sống trong hầm tàu cũng lên theo rồi vài ngày sau, một số thủy thủ nhiễm bệnh, dẫn đến cư dân Adriatic cũng nhiễm. Vì thế các bác sĩ ở Adriatic gọi nó là "cái chết đen". Họ mô tả nó như sau: Đàn ông, đàn bà đều giống nhau. Khi nhiễm bệnh, ở bẹn hoặc ở nách xuất hiện những vết sưng tấy, kích thường có khi bằng quả táo. Máu và mủ rỉ ra từ những vết sưng kỳ lạ này, kèm theo một loạt các triệu chứng gồm sốt, ớn lạnh, nôn mửa, tiêu chảy, đau khủng khiếp rồi sau đó tử vong.

Khi ấy, các bác sĩ chữa bệnh dịch hạch bằng nhiều cách, trong đó có một cách được gọi là "phương pháp Vicary - đặt theo tên của bác sĩ Vicary". Ấy là bắt một con gà còn sống, nhổ sạch lông rồi áp phần da gà vào những ổ mủ do vi khuẩn dịch hạch tạo thành, buộc lại thật chặt với niềm tin nó sẽ hút bệnh từ trong người ra. Cách này được lặp đi lặp lại cho đến khi con gà chết hoặc… bệnh nhân chết!

Tranh vẽ mô tả người chết vì dịch hạch ở Florence, Italy hồi giữa thế kỷ 14 khi chưa có lệnh cách ly.

Một phương pháp khác là giết một con rắn, chặt nó thành nhiều mảnh rồi chà xát vào những ổ mủ. Ở châu Âu, loài rắn đồng nghĩa với quỷ Satan, được cho là có thể lấy dịch bệnh ra khỏi cơ thể vì "cái ác sẽ bị thu hút bởi cái ác". Bên cạnh đó, bột sấy khô, tán nhuyễn từ con kỳ đà cũng được sử dụng bởi lẽ nó có tác dụng trong việc hạ sốt nên các bác sĩ tin rằng uống bột kỳ đà cũng có thể đẩy lùi dịch hạch, chưa kể đến những phương pháp khác như trích máu người bệnh, uống bột mài ra từ ngọc lục bảo, uống thạch tín hoặc thủy ngân. Tuy nhiên, phương pháp nổi tiếng nhất và được áp dụng rộng rãi nhất vẫn là một loại dung dịch pha trộn giữa dấm táo, rượu, đinh hương, hương thảo và ngải cứu vì theo lời truyền khẩu, những kẻ đào mộ lấy trộm vàng bạc châu báu vẫn hay uống loại này để ngăn ngừa các chất độc từ xác chết.

Thế nhưng dù đã áp dụng tất cả mọi phương pháp nhưng bệnh dịch hạch ở thành phố cảng Adriatic vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Trong cơn hoảng loạn, những người khỏe mạnh đã làm tất cả những gì có thể để tránh xa bệnh nhân. Các bác sĩ từ chối cứu chữa, các linh mục từ chối thực hiện những nghi thức cuối cùng cho người quá cố, các tiệm buôn đóng chặt cửa. Nhiều người bỏ thành phố về quê nhưng ngay cả ở đó họ cũng không thể thoát khỏi dịch bệnh vì có người trước lúc về quê, họ đã nhiễm bệnh rồi.

Khi con số tử vong đã lên đến gần 3.000, các bác sĩ thấy rằng người dân sống ở những vùng nông thôn, không ra vào thành phố thì không thấy có dấu hiệu nhiễm bệnh nên theo lời khuyên, ngày 27-7-1377, Hội đồng thành phố Adriatic ban hành một quy định, nội dung tất cả các thủy thủ khi cập cảng đều phải đến thẳng đảo Mrkan hoặc thung lũng Cavtat và ở đó suốt 40 ngày. Sau thời gian này, nếu không bị hoặc không có những triệu chứng của bệnh dịch hạch, họ mới được phép vào thành phố. Song song với những việc ấy, Hội đồng thành phố Adriatic còn ban hành lệnh diệt chuột. Tất cả những con chuột sau khi bị giết đều phải gom lại rồi đem đốt.

Và thế là chỉ trong 90 ngày, khoảng nửa triệu con chuột bị tiêu diệt. Các ghi chép còn lưu lại trên những tờ giấy làm bằng bột cây sậy, hiện lưu trữ tại thư viện Roma, Italy cho thấy người ta giết chuột bằng đủ mọi cách, kể cả lật tung những rãnh thoát nước rồi hàng trăm người với những cây chĩa ba trên tay, đâm từng con chuột. Thời điểm ấy, hệ thống thoát nước ở Adriatic đã hình thành nhưng rất sơ sài. Nó chỉ là những hào nhỏ đào dọc theo lề đường, đáy lót đá còn trên mặt cũng được che bằng những phiến đá chẻ mỏng. Theo thời gian, chuột đào hang dưới lớp đá rồi sinh sôi nảy nở, chưa kể chúng còn tràn vào các gia đình, sống ở những chỗ có thể ẩn náu được. 

Khi lệnh cách ly ban hành, ngoài dân số sở tại, còn có khoảng 300 thủy thủ ở các tàu buôn đến từ Italy, Slovenia, Croatia, Montenegro, Albania… Tất cả những thủy thủ này được xà lan chở ra đảo Mrkan - một hòn đảo chỉ toàn là đá và không có người ở, hoặc vào thung lũng Cavtat cũng không có người ở. Cavtat nằm ngay chặng đầu tiên trên đường đến Ragusa mà các thương nhân vẫn thường sử dụng để vận chuyển hàng hóa. Khi biến Cavtat thành nơi cách ly, chính quyền Adriatic đã cho dựng một hàng rào nhằm ngăn không cho người ngoài ra vào, đồng thời yêu cầu các thương nhân chở hàng đến Ragusa phải đi đường vòng chứ không được phép cắt ngang Cavtat.

Để giúp những thủy thủ bị cách ly có thể sống được, chính quyền thành phố cảng Adriatic đã dựng nhiều căn lều trên đảo Mrkan và thung lũng Cavtat cùng lương thực là lúa mì, muối, quả ô liu, pho mai lạc đà... Mỗi căn lều có từ 2 đến 6 người nếu họ đã nhiễm bệnh hoặc 10 người nếu họ chưa xuất hiện một triệu chứng nào. Người ở lều này không được phép đi sang lều khác. Thuốc điều trị cho họ chủ yếu vẫn là loại rượu của những kẻ đào trộm mộ như vừa nói ở trên.

Sau này, khi y học đã hiểu rõ cơ chế của bệnh dịch hạch, các nhà sử học nhận định biện pháp cách ly của nước Cộng hòa Ragusa là một trong những thành tựu cao nhất của y học thời trung cổ. Nó cho thấy các quan chức ở Ragusa có những hiểu biết đáng kể về thời kỳ ủ bệnh mặc dù khi tàu cập cảng, rất nhiều thủy thủ chưa hề có bất kỳ một triệu chứng nào. Kết quả là sau 40 ngày, gần 200 thủy thủ cách ly chết nhưng thành phố cảng Adriatic chỉ có thêm 12 người nhiễm - nói theo ngôn ngữ hiện tại là "nhiễm nội địa" chứ không phải "nhiễm ngoại nhập". Bên cạnh đó, nước Cộng hòa Ragusa còn thành lập một bệnh viện điều trị bệnh dịch hạch đặt trên đảo Mljet. Đây là cơ sở y tế đầu tiên trên thế giới chuyên sâu về một bệnh, do nhà nước tài trợ kinh phí, mở đường cho các bệnh viện khác cùng loại trên khắp châu Âu về sau.

Bệnh nhân dịch hạch bị cách ly ở đảo Mrkan.

2. Italy là quốc gia tiếp thu ngay lập tức phương pháp cách ly 40 ngày của nước Cộng hòa Ragusa, khởi đầu là thị trấn Ferrara ở miền bắc rồi tiếp theo là thành phố cảng Venice. Ngay khi bệnh dịch hạch khởi phát vào mùa xuân năm 1379, chính quyền thị trấn Ferrara đã ra lệnh cho tất cả những người đã nhiễm bệnh phải tập trung vào một nơi, quần áo cùng những vật dụng thường ngày của họ phải ngâm trong nước vôi ít nhất là 30 phút, những người lành tuyệt đối không được ra khỏi nhà đồng thời một chiến dịch diệt chuột được tung ra với quy mô toàn xã hội. Nhờ vậy, 30.000 cư dân của thị trấn Ferara chỉ có 6 người chết vì dịch hạch.

Ở thành phố Milan, các biện pháp được áp dụng nghiêm ngặt hơn và gần như bắt buộc nên đã đạt được thành công lớn hơn trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Các nhà chức trách Milan không khoan nhượng với người dân trong việc tuân thủ luật cách ly và có thời điểm, họ đã giam giữ những người bị nhiễm bệnh trong ngôi nhà của họ. Nếu họ chết, ngôi nhà bị đốt cháy hoàn toàn. Đến năm 1380, chính quyền xây dựng một cấu trúc bên ngoài bức tường thành phố, nơi những người thân trong gia đình có thể ở cùng để có thể chăm sóc bệnh nhân. Các bác sĩ chuyên về điều trị bệnh dịch hạch được mô tả trong những bức tranh với áo choàng che kín, mũi và miệng đeo "khẩu trang" có hình dáng như chiếc mỏ chim nhằm tránh hơi thở hoặc nước bọt của người bệnh nhiễm vào mình.

Thành công của thị trấn Ferara và thành phố Milan trở thành mô hình cho tất cả các thành phố, thị trấn, làng mạc ở khắp đất nước Italy noi theo. Cũng từ đó, chữ "quarantine - kiểm dịch" trở nên phổ biến, phát xuất từ chữ "quarantino" trong tiếng Italy có nghĩa là 40 (cách ly 40 ngày). Và cũng như nước Cộng hòa Ragusan, thành phố cảng Venice, Italy, ngoài việc tiến hành các biện pháp cách ly giữa người bệnh và người lành, chính quyền thành phố còn xây dựng bệnh viện bệnh dịch hạch mang tên Santa Maria di Nazareth gồm 2 chức năng: Trung tâm điều trị và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, cơ chế hoạt động chẳng khác gì bây giờ. Với những người đã bộc phát các triệu chứng của bệnh dịch hạch, họ được đưa vào trung tâm điều trị và được chữa bằng các loại thuốc - bao gồm cả nọc rắn đuôi chuông, nọc bọ cạp; còn những người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân nhưng chưa xuất hiện triệu chứng, họ được chuyển vào Trung tâm kiểm soát dịch bệnh và bị cô lập hoàn toàn để theo dõi. Hàng ngày tất cả đều được nhận những loại thực phẩm tươi sống mà không phải trả tiền.

Dấm táo, rượu, đinh hương, hương thảo và ngải cứu là thuốc chữa dịch hạch phổ biến vào thời ấy.

Năm 1391 rồi tiếp theo là 1397, dịch hạch một lần nữa lại quay lại châu Âu, trong đó có Italy. Do đã đúc kết kinh nghiệm trong việc cách ly xã hội nên chỉ riêng thành phố cảng Venice, nó đã sống sót trong lĩnh vực thương mại với khẩu hiệu: "Bất kể dịch hạch có thể tái xuất hiện ở Venice, Bệnh viện Santa Maria di Nazareth vẫn sẵn sàng chờ đợi các tàu buôn dù nó bị nghi ngờ là đang mang theo bệnh truyền nhiễm". Cũng vào thời kỳ này, thuật giả kim phát triển rất mạnh. Mục đích chính của các nhà giả kim là biến những kim loại cơ bản như sắt, đồng… thành vàng! Một số người khác dựa trên nền tảng của thuật giả kim để tìm kiếm những loại thần dược, giúp con người xua đuổi mọi tật bệnh đồng thời trẻ mãi không già. Vì thế, bệnh dịch hạch lại có thêm những phương pháp điều trị mới, chẳng hạn như không được tắm để ngăn bệnh nhiễm vào người, đóng tất cả các cửa sổ, cửa ra vào, đốt lửa để tiêu diệt mầm bệnh, giết hết chó, mèo… nhưng dịch hạch vẫn không bị tiêu diệt.

Năm 1863, Anton van Leeuwenhoek chế tạo ra chiếc kính hiển vi đầu tiên trên thế giới có độ phóng đại 200 lần. Qua đó ông nhìn thấy những sinh vật bé tí mà ông gọi là vật sống. Cũng từ chiếc kính hiển vi ấy, các bác sĩ phát hiện ra trong dịch mủ của những người mắc bệnh dịch hạch, có rất nhiều vật sống nên họ hiểu rằng muốn tiêu diệt được bệnh dịch hạch thì điều đầu tiên là phải giết chết những vật sống này nhưng phải mất thêm 200 năm nữa, vaccine ngừa dịch hạch mới ra đời.

Cuối tháng 6-1894, nhà bác học người Pháp là Alexandre Yersin phát hiện nguồn gốc của bệnh dịch hạch, lây truyền bởi loài bọ chét mang vi trùng dịch hạch sống ký sinh trên cơ thể chuột đen. Khi chuột chết, máu đông lại, bọ chét phải tìm một chỗ khác để tồn tại mà chẳng nơi nào lý tưởng hơn cơ thể con người. Phát hiện này một lần nữa cho thấy việc diệt chuột và tiêu hủy ngay lập tức những con chuột chết của Cộng hòa Ragusa và Italy đã cắt đứt chuỗi ký sinh của loài bọ chét, đồng thời cách ly những người đã nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, khiến dịch bệnh khó có thể lan truyền.

Giờ đây, khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, có vẻ như nhân loại đã quên đi bài học cách ly khi mà ở giai đoạn đầu của dịch, hầu như chưa có một biện pháp giãn cách xã hội triệt để nào, kể cả việc mang khẩu trang cũng rất tùy tiện. Chỉ đến khi số người nhiễm lên đến hàng chục triệu và số người chết lên đến con số triệu thì người ta mới hiểu con đường dẫn đến một thế giới không có dịch bệnh vẫn còn rất dài…

Vũ Cao (Theo Medical History)
.
.