Những chuyên gia “nhặt rác mạng”

Thứ Ba, 24/01/2017, 18:20
Hằng ngày, một số người trên các mạng xã hội thường chia sẻ những hình ảnh phạm tội ghê rợn như lạm dụng tình dục, bạo lực thái quá hay giết người. Chúng ta hiếm khi được phép xem hay tận mắt nhìn thấy những hình ảnh này, bởi vì một đội đặc nhiệm tuyệt mật ở châu Á đã gỡ bỏ chúng xuống. Có thể nói đây là một trong những nghề bất an nhất thế giới.

Michael nhìn thấy trẻ em bị lạm dụng mỗi ngày - nhưng anh không phải là nhà hoạt động xã hội. Anh thường xuyên thấy những vụ cưỡng hiếp thô bạo, nhưng anh không phải là cảnh sát. Anh chứng kiến nhiều vụ hành quyết đẫm máu, nhưng anh không phải là kẻ khủng bố. Anh từng bước qua những cái xác bị phân thây, mà anh không phải là binh sĩ chiến trường. Michael năm nay 20 tuổi, hiện sống tại Philippines.

Cách nay không lâu, anh xin vào làm việc trên danh nghĩa chuyên viên điều phối nội dung, tức là người có quyền xóa bỏ khỏi mạng Internet những hình ảnh đồi bại nhất trong ứng xử của con người. Trong công việc, anh (và các cộng sự của mình) chứng kiến những hình ảnh kinh khủng hơn các sĩ quan cảnh sát nhìn thấy trong nghề điều tra của họ.

Điều phối viên nội dung phải dán mắt vào màn hình suốt 10 giờ để duyệt những nội dung vi phạm trên hình ảnh và video.

Mới 6 giờ sáng, nhiệt độ ở thủ đô Manila (Philippines) đã gần 30oC. Michael phải đón xe buýt đi hơn 1 giờ mới đến văn phòng làm việc, một tòa nhà trông như cái hộp quẹt và hầu như làm bằng kính. Trong những văn phòng như thế, các nhân viên làm công việc lọc và kiểm duyệt Internet cho hơn 1,5 tỷ người Mỹ và châu Âu.

Các công ty ảo khổng lồ như TaskUs - nơi ký hợp đồng với nhiều công ty mạng khổng lồ khác như Tinder (ứng dụng hẹn hò) hay mạng thổ lộ (confession network) ẩn danh Whisper - tiến hành nhiều công việc dọn rác sau bức tường mạng xã hội. Từ đây, các nhà mạng Facebook, Google và Twitter quyết định chiêu mộ các chuyên gia điều tiết nội dung, để giúp họ loại bỏ các nội dung độc hại.

Các nhóm kiểm duyệt dọn sạch những hình ảnh ô uế nhất trên mạng trải rộng toàn cầu cho các công ty này. Máy tính của Michael đã mở và hoạt động ngay khi anh đến bàn làm việc - chẳng bao giờ nó bị ngắt kết nối. Anh sẽ ngồi đó suốt 10 giờ kế tiếp, và xem những thứ chẳng ai xem được. Nhưng nói chính xác thì những điều phối viên nội dung kiểm soát dữ liệu ra sao?

Ở một số mạng, một thuật toán được sử dụng để kiểm soát những vi phạm đối với nội quy đưa nội dung lên mạng trong thời gian thực: ảnh khỏa thân, khẩu hiệu kích động thù hận, bạo hành thú nuôi, v.v… Những hình ảnh và video khả nghi, và những nội dung đưa lên đầy tính đả kích sẽ bị đánh dấu để điều tra thêm.

Ở các mạng khác, như Facebook, nội dung chỉ bị kiểm tra khi ảnh tải lên bị người dùng báo cáo vi phạm, có nghĩa là hầu như mọi thứ đều có thể đưa lên đó. Cuối cùng, các nội dung bị đánh dấu sẽ được những điều phối viên như Michael kiểm tra, bởi vì không có thuật toán nào có thể chỉ ra sự khác biệt giữa nghệ thuật và khiêu dâm.

Hành vi thân mật giữa hai người là hành vi tình dục hay một bức tranh thời kỳ Phục hưng? Một bé trai "cuổng trời" là ảnh ấu dâm hay ảnh chụp cháu bé trong kỳ nghỉ hè ở bãi biển? Chỉ có con người mới phân biệt được sự khác nhau ấy.

Các điều phối viên nội dung phải "gồng mình" xem những hình ảnh và video trắng đen lẫn lộn như thế này và phải xử lý xấp xỉ 1.000 hình ảnh và video mỗi ngày trong khi họ chỉ có vài giây để quyết định nên hay không nên cho lưu thông trên mạng một bức ảnh.

Chỉ có khoảng 100.000 điều phối viên làm việc tại Philippines, nhưng chẳng ai biết chính xác con số - các công ty chắc chắn không bao giờ "nổ" về các chiến dịch dọn rác như thế này. Họ muốn trong tâm trí mọi người luôn giữ hình ảnh về một mạng Internet sạch sẽ, một sự yên bình và huyền thoại về công nghệ - đó không là nơi người ta quyết định những gì chúng ta được phép xem.

Các điều phối viên không được phép tiết lộ về công việc của họ, thậm chí Michael cũng không thể bàn chuyện này nọ trong công việc với đồng sự của mình. Cả ba người dán mắt lên màn hình và bản quy tắc dài ngoằng, hầu xác định xem nội dung nào không thích hợp  thì loại bỏ ngay. Niêm luật bí mật này bị rò rỉ ra ngoài từ một cựu nhân viên "bất trung" của Công ty Điều phối nội dung oDesk (nay là Upwork, một công ty làm việc cho Facebook).

Dù rằng cẩm nang được soạn thảo từ năm 2012, nhiều điều trong đó ngày nay vẫn chuẩn: phụ nữ không được phép cởi trần  trong khi đàn ông cởi trần là vô tư. Cho con bú bị kiểm duyệt, trong khi một số cảnh bạo lực lại được chấp nhận, nếu như không quá lộ liễu. Tuy nhiên, vẫn có một số nội dung cần được cấp giám sát của điều phối viên quyết định, ví dụ lời nói kích động hận thù. Các điều phối viên biết rõ ngôn ngữ nào sẽ xử lý những nội dung tải lên của ngôn ngữ đó, và tất nhiên sẽ được đào tạo về luật trước khi làm công việc này.

Ba tháng sau, Michael bỏ công việc điều phối nội dung. Anh cho biết: "Tệ nhất là phải xem các ảnh ấu dâm. Tôi không thể chịu nổi nữa rồi". Michael, cũng như một số cựu nhân viên khác tâm sự rằng hiếm có ai làm việc ở đó lâu hơn 5 tháng.

Sự giúp đỡ về mặt tâm lý chỉ dành cho những ai làm việc này trên 2 năm. Nhưng trong 5 tháng làm việc điều phối nội dung, anh đã xóa khoảng 10.000 ảnh và video, điều đó có thể có tác dụng ngược: giúp bảo vệ một số tên tội phạm, bởi vì một số hình ảnh có thể đưa ra bằng chứng phạm pháp khó chối cãi hoặc hỗ trợ công việc điều tra của cảnh sát!

Lệ Đào (theo World of Knowledge, 1-2017)
.
.