Ô nhiễm môi trường ở các làng nghề: Những con kênh “chết”

Thứ Năm, 18/12/2014, 11:13
Nhiều năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề ngày một trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt xuất hiện nhiều thôn, xóm mà số người dân mắc bệnh ung thư tăng một cách đột biến. Dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, song những hệ lụy kéo dài từ hàng chục năm về trước đang khiến cuộc sống của người dân trở nên bất an hơn bao giờ hết. Loạt phóng sự sau đây đã phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số địa phương.

1. Hàng chục năm nay, người dân ở các thôn Đồng, thôn Rô, thôn Ươm Tơ… thuộc xã Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) đã và đang phải chịu đựng sự ô nhiễm không khí và nguồn nước nặng nề từ con kênh, mương đi qua xã. Mấy năm trở lại đây số người dân trong xã chết vì bệnh ung thư tăng nhanh chóng mặt. Oái oăm ở chỗ, người dân Sơn Đồng lại phải chịu thay sự ô nhiễm này từ nước thải ở các làng nghề xung quanh như Cát Quế, Dương Liễu đổ về.

 Sơn Đồng vốn là làng nghề nổi tiếng từ lâu đời về nghề làm đồ thờ cúng. Nghệ nhân trong làng nức tiếng khéo tay, làm ra những sản phẩm mỹ nghệ đẹp, độc đáo. Từ những miếng gỗ vô tri, qua bàn tay của người thợ đã trở thành pho tượng phật, đồ thờ sơn son thếp vàng, đẹp đẽ, sống động.

Ông Nguyễn Trung Đa, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng.

Có mặt tại Sơn Đồng vào một ngày đầu đông, chúng tôi cứ ngỡ sẽ được nghe tiếng máy cưa xẻ, tiếng búa đục chạm trổ, cùng mùi thơm của gỗ, của vecni… Ấy vậy mà không phải.

Chỉ đi qua ngã tư Sơn Đồng một chút, chúng tôi đã phải vội bịt mũi. Mùi thum thủm từ đâu bốc lên khiến người nôn nao khó chịu. Càng đi sâu vào làng, mùi khó chịu càng tăng dần. Đặc biệt nếu đứng trên cầu Sơn Đồng 1 và Sơn Đồng 3, không ai có thể chịu nổi bởi cái mùi kinh khủng bốc lên từ con kênh chảy qua xã.

Lấy khẩu trang bịt chặt mũi, tôi leo lên cầu để quan sát. Thoạt nhìn, tôi cứ ngỡ con kênh là… con đường vì nó có màu nâu, lại khô cong, bao nhiêu rác rưởi bị dồn ứ lại một chỗ. Mùi xú uế bốc lên ghê nhất là từ đây. Mấy con mương bên cạnh, nước cũng đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Biết chúng tôi là nhà báo, nhiều người dân đã lập tức "vây" lại để nhờ chuyển tải những bức xúc của họ đến cơ quan chức năng.

Anh Quốc Hưng, nhà làm gỗ ở gần kênh T2 bày tỏ: Đã hơn chục năm nay, gia đình anh cùng hàng trăm gia đình ở Sơn Đồng đã phải chịu sự ô nhiễm trầm trọng. Mỗi khi trời mưa, dòng nước đen ngòm từ con kênh theo nước mưa chảy từ thượng nguồn về kéo theo mùi hôi thối nồng nặc. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều phải chịu cảnh sống chung với thứ mùi khó chịu này, cho dù đã đóng kín cửa.

Chung "cảnh ngộ" với anh Hùng, chị Hương nhà phía đối diện cho biết, cứ từ khoảng tháng 9 năm trước cho đến tháng 3 năm sau (mùa cao điểm làm nghề miến dong, làm bánh kẹo tại các xã phía thượng nguồn) là mặt kênh sủi bọt. Khi trời nắng to, bọt trên mặt kênh khô cứng lại, đến con chó chạy qua cũng không bị chìm. Nếu cầm một hòn gạch to ném ra giữa kênh tạo thành một miệng hố, rồi dùng mồi lửa châm vào miệng hố thì thấy lửa cháy.

Về Sơn Đồng, cảnh tượng dễ thấy nhất là rất nhiều nhà cửa lúc nào cũng im ỉm khóa. Ai không biết sẽ cho rằng dân làng ở đây tính… cẩn thận, phải khóa cửa chặt để chống trộm cắp. Thực tình thì không phải, họ phải "cửa đóng, then cài" để hạn chế mùi xú uế bốc lên từ những con kênh chết.

Cũng theo người dân Sơn Đồng, khúc sông bị ô nhiễm của xã Sơn Đồng dài 6km. Trước đây, nước sông rất trong và xanh, trẻ con trong làng thường xuyên ra đó bơi lội, tắm rửa, còn người dân thì dùng nước để giặt quần áo, rửa rau. Nhưng chục năm trở lại đây, do nước thải của các làng nghề bên cạnh, nước sông trở nên đen ngòm, sủi bọt, bốc mùi hôi thối. Những xóm ven sông như xóm Rô, xóm Dành, xóm Xa… đều chịu ảnh hưởng trực tiếp sự ô nhiễm đó.

Không những bị tra tấn bởi mùi khí độc hằng ngày, hằng giờ, các hộ dân sống cạnh những dòng kênh ô nhiễm trầm trọng này còn bị muỗi, côn trùng hoành hành mỗi khi trời tối.

Gia đình anh Nguyễn Dũng nhà ngay sát "kênh chết" phải sinh hoạt chung với ô nhiễm. Ban ngày người nhà anh Dũng lúc nào cũng phải đeo khẩu trang. Chiều tối phải đóng kín cửa nhà tránh mùi khó chịu cũng như nạn muỗi, côn trùng. Anh Dũng tả, "mùi khó chịu" như mùi phân lợn, nếu bỏ khẩu trang ra một lúc sẽ rất tức ngực, khó thở…

Theo anh Quốc Hưng, do hít mùi khó chịu nhiều năm nên giờ đây anh bị viêm xoang, đỏ mắt. Anh cho biết: "Vào mùa này, cứ khoảng 4-5 giờ chiều, mùi khó chịu lại bốc lên xông vào nhà. Mặc dù đã đóng kín cửa nhưng gia đình tôi sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ… đều bị ảnh hưởng, mỗi người trong nhà đều có chiếc khẩu trang, đeo để hạn chế ô nhiễm...".

Nhiều người dân khác, phổ biến nhất là trẻ nhỏ, người già ở đây thường có chứng bệnh ngoài da, đau mắt, viêm phế quản… không biết nguyên do tại sao. Các loại cây trồng, vật nuôi cũng bị ảnh hưởng, năng suất thấp.

Chúng tôi thử ngược lên thượng nguồn để tìm hiểu xem điều gì đã khiến cho dòng kênh ở hạ lưu trở thành dòng “kênh chết” như thế này.

Chỉ cần quan sát bằng mắt thường, chúng tôi có thể thấy tình trạng ô nhiễm môi trường ở các xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế khá là nghiêm trọng. Do đặc thù của một làng nghề truyền thống nên hầu như gia đình nào ở đây cũng tham gia sản xuất và chế biến nông sản.

Theo một cán bộ xã Cát Quế, mỗi ngày, có hàng trăm tấn củ sắn, củ dong được chế biến thành các sản phẩm khác nhau. Việc sản xuất này ngốn một lượng nước khổng lồ, đồng thời cũng phải sử dụng rất nhiều hóa chất để tẩy rửa.

Tất cả các chất thải trong quá trình sản xuất đều được xả thẳng ra cống rãnh rồi tiếp tục chảy xuống các con kênh về hạ lưu, mà không qua bất cứ công đoạn xử lý nào, khiến cho nước sông trở nên lờ nhờ màu bột trắng, có chỗ thì đọng lại đen kịt.

Ngoài ra, người dân cũng tận dụng cám bã để chăn nuôi lợn. Vì thế mà chất thải chăn nuôi hòa lẫn với chất thải từ chế biến nông sản đã tạo cho nước sông có một mùi hôi thối nồng nặc, cực kỳ khó chịu.

2. Sau hàng chục năm sống chung với tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước nghiêm trọng, hiện người dân ở Sơn Đồng đang phải chịu những hệ lụy đau lòng.

Theo một cán bộ thuộc Trạm Y tế xã Sơn Đồng, trung bình mỗi năm xã có khoảng 50 ca tử vong, trong đó khoảng hơn chục ca ung thư, còn lại chưa xác định rõ. Cụ thể năm 2011 có 49 ca tử vong (14 ca ung thư), năm 2013 có 54 ca tử vong (18 ca ung thư) và từ đầu năm đến nay có 59 ca tử vong (gần chục ca ung thư). Đa số là bệnh ung thư phổi, vòm họng, dạ dày và một số trường hợp ung thư đại tràng, gan, tụy. Hằng tháng Trạm y tế khám dự phòng cho khoảng 200 cháu, trong đó đa số mắc bệnh về đường hô hấp, ruột... "Điều đáng lo lắng là, những ca chết vì ung thư ở đây đều đang ở độ tuổi còn trẻ, chỉ khoảng 40 tuổi, nhiều gia đình có 4-5 người chết vì ung thư" - vị Trạm trưởng chia sẻ.

Những con kênh "chết" ở Sơn Đồng.

Điển hình trong số này là gia đình ông Nguyễn V.P. ở xóm Ươm Tơ. Cả hai vợ chồng đều chết vì bệnh ung thư bỏ lại đứa con thơ dại. Khi con trai ông P. mới 10 tuổi thì ông phát bệnh, rồi mất. Ít năm sau đến lượt vợ ông cũng đi theo.

Hoàn cảnh chị Doãn T.H. ở xóm Rô còn bi đát hơn. Năm 2006, chồng chị mắc bệnh ung thư, 2 năm sau thì mất. Ít năm sau thì lần lượt bố chồng chị mất vì ung thư phổi, mẹ chồng mất vì ung thư dạ dày. Trước đó năm 2000, cô em chồng chị H. cũng ra đi vì ung thư não khi mới ngoài 30 tuổi. Năm 2012, anh Nguyễn B.U. (chồng cô kia) cũng ra đi vì bệnh ung thư phổi bỏ lại 2 đứa con thơ dại.

Chuyện Sơn Đồng bị ô nhiễm nặng nề là việc không còn phải bàn cãi. Năm 2012, Viện Khoa học Công nghệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã về lấy khoảng 30 mẫu nước ở sông, ao, hồ, giếng, xét nghiệm. Kết quả cho thấy tất cả 100% mẫu đều bị nhiễm asen, hàm lượng COD, H25, NH3... đều vượt hàng trăm lần cho phép.

Đầu năm nay, đoàn kiểm tra của huyện Hoài Đức cũng về xã lấy mẫu nước sinh hoạt tại một số hộ dân ven sông kiểm tra. Kết quả, các chỉ số ô nhiễm thấp nhất là từ 30-40% và cao nhất lên tới 100-150%.

Ông Nguyễn Trung Đa, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho biết, Sơn Đồng hiện có 2.200 hộ dân với gần 1 vạn nhân khẩu. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây đã diễn ra hàng chục năm nay, và không chỉ có Sơn Đồng mà nhiều xã lân cận như Kim Chung, Vân Canh, Đức Giang cũng đều ít nhiều bị ảnh hưởng. Mùi xú uế bốc lên từ những con kênh khiến cho người dân vô cùng khổ sở. Thêm vào đó là hiện tượng số người dân trong xã bị ung thư tăng một cách đột biến.

Lãnh đạo thôn, xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên có biện pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây, song cũng chưa cải thiện được là bao.

Được biết từ năm 1995 đến 2001, huyện Hoài Đức đã đầu tư xây dựng công trình sản xuất phân hữu cơ từ bã sắn và xử lý nước thải ở xã Dương Liễu trị giá gần 5 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, công trình đã bàn giao cho Công ty TNHH Mặt Trời Xanh sử dụng nhưng không phát huy được hiệu quả. Mặt khác, công ty này cũng không tìm ra được thị trường cho sản phẩm phân bón hữu cơ nên sản xuất bị đình đốn. Ngoài dự án trên, năm 2002, được sự giúp đỡ của Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), xã Minh Khai cũng hoàn thành Công trình xử lý nước thải với công suất 120m3/ngày với tổng số tiền đầu tư 100 triệu đồng. Nhưng sau khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn, công trình đã phải "đắp chiếu" do đặt sai vị trí.

Có thời gian UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo Công ty Thủy lợi Đan Hòa tăng cường bơm nước vào để "pha loãng" các kênh, mương. Nhưng cũng chỉ được một thời gian là đâu lại vào đấy. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng đã có kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy xử lý nước thải ở Dương Liễu, Vân Canh, Sơn Đồng. Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, các nhà máy này vẫn chưa hoạt động.

Người dân trong xã vẫn chủ yếu dùng nước mưa và nước giếng khoan để sinh hoạt. Qua xét nghiệm thì thấy nước trong khu vực nhiễm nặng asen. Người dân đều xây bể lọc, song chủ yếu chỉ lọc được sắt. Nước thoạt nhìn thì thấy trong, nhưng vẫn chứa độc tố. Không biết người dân Sơn Đồng sẽ phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm cho đến bao giờ!?

Theo kết quả khảo sát tại 40 làng nghề trên địa bàn thành phố của Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội, hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai... ở các làng nghề đều bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nặng tới mức báo động. Tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức), Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai), Phú Đô (Từ Liêm)... nước thải phát sinh do quá trình tẩy rửa các nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất, lượng nước sử dụng lớn, có nơi lên tới 7.000 m³/ngày, thường không được xử lý đã xả thải trực tiếp ra môi trường.

Minh Tiến
.
.