Những điều chưa biết về thế hệ máy bay tàng hình mới của Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Sáu, 13/09/2019, 15:05
Khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm đặt ra nhiệm vụ phát triển các máy bay chiến đấu tàng hình của riêng mình, họ đã có một kế hoạch cụ thể trước cả khi vai trò trong chương trình sản xuất máy bay chiến đấu F-35 với Mỹ bị dang dở.


Tham vọng về máy bay chiến đấu thế hệ 5

Hãng tin TTRWorld cho hay, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đầu tiên với tên gọi TF-X. 

Loại máy bay này được thiết kế để kết hợp tốt nhất một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không với khả năng tấn công mặt đất bổ sung cùng một loạt các cảm biến, radar tiên tiến, điều khiển máy bay không người lái và khả năng tên lửa siêu thanh. TF-X có hai động cơ và chỉ có thể chở một phi công cùng các tính năng tàng hình.

Giải thích rõ hơn về tính năng này, TTRWorld dẫn lời một quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay: "Nhân đôi các động cơ bằng tốc độ nhanh hơn, đảm bảo rằng các thao tác sử dụng nhiều năng lượng không làm giảm vận tốc của máy bay. Có một phi công duy nhất giúp các kỹ sư có nhiều chỗ hơn để đưa thêm nhiều công nghệ vào máy bay. Và việc tự động hóa sẽ cho phép phi công tập trung vào mục tiêu nhiệm vụ, thay vì điều khiển máy bay chiến đấu. 

Khi nói đến tàng hình, vũ khí gắn bên ngoài làm tăng khả năng hiển thị của máy bay trên radar. TF-X cũng sẽ bao gồm các tính năng tàng hình như thân máy bằng carbon tổng hợp tiên tiến nhằm mục đích phản xạ với radar". 

Nguyên mẫu máy bay dự kiến được trình làng vào năm 2023 và sau đó sẽ thử nghiệm bay vào năm 2025 và đến năm 2032 thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có một phi đội máy bay TF-X khoảng 250 chiếc, thay thế phi đội máy bay chiến đấu 245 F-16 cũ  vốn chỉ có một động cơ và mang nhiều nhược điểm khác. TF-X có thể vẫn hoạt động cho đến những năm 2070.

Tại sao lại cần TF-X

Vậy tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại gấp rút sản xuất TF-X đến vậy? Thống kê cho thấy, không quân Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 240 chiếc F-16 và gần 40 chiếc F-4. F-4 đang ở giai đoạn cuối của cuộc đời phục vụ. Và chỉ 30 trong số 40 chiếc F-16 là những mẫu mới hơn, nhận được từ năm 2011 đến 2013. 

Nhưng nói chung, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ phải lấp đầy khoảng trống chiến lược vào đầu năm 2020 khi một số máy bay cũ "nghỉ hưu". Trong khi đó, các nước láng giềng như Hy Lạp đã bày tỏ sự quan tâm đến F-35 (chiếc tiêm kích tàng hình hiện đại và tốn kém bậc nhất của Mỹ do hãng Lockheed Martin chế tạo), và nâng cấp F-16. 

Một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một số quốc gia khác thì đang theo đuổi máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư hoặc thứ năm. Với việc đình chỉ hợp tác chương trình F-35 với Mỹ, có vẻ như, Thổ Nhĩ Kỳ càng cần thiết sớm phải phát triển một máy bay chiến đấu tàng hình bản địa hoạt động tốt với phạm vi bảo hiểm tên lửa tầm xa do hệ thống S400 cung cấp từ Nga. 

Thêm vào đó, việc bị loại khỏi chu kỳ sản xuất F-35 không chỉ có nghĩa là các nhà thầu quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ mất gần 10 tỷ USD doanh thu mà nước này cũng có nguy cơ bị trục xuất khỏi NATO hay bị loại khỏi các chương trình, nhiệm vụ và nền tảng tình báo quan trọng của NATO. 

Mỹ cũng có thể tìm cách can ngăn các quốc gia khác quan tâm đến S-400, như Ai Cập và Trung Quốc, bằng cách làm một ví dụ mạnh mẽ đối với Thổ Nhĩ Kỳ. 

Vì thế, nếu có các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm cho riêng mình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận được thêm lợi nhuận bằng cách bán nó cho các quốc gia khác, đồng thời hưởng an ninh quốc gia gia tăng với chuỗi cung ứng có thể bị đe dọa bởi lệnh trừng phạt.

Thế mạnh là gì?

Tại Paris Air Show hồi tháng 8,  Thổ Nhĩ Kỳ đã giới thiệu ý tưởng về loại máy bay được trang bị hai động cơ 12 tấn, có thể hoạt động ở độ cao tối đa 16,76 km. Về hiệu năng, TF-X được lên kế hoạch để có tốc độ tối đa gấp đôi tốc độ âm thanh, vượt xa máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ về tốc độ, chiều cao hoạt động tối đa. 

Theo thiết kế, máy bay chiến đấu này dài 21m, sải cánh lớn 14m, sẽ sử dụng buồng lái kính tiên tiến với giao diện điều khiển bằng giọng nói và liên kết dữ liệu để có thể điều khiển cùng lúc tới hai máy bay không người lái thân thiện và có thể được phát triển để bắn hạ tên lửa không đối đất hoặc không đối không. 

Điều này cũng cho phép TF-X "rình rập" các mục tiêu ở một phạm vi xa mà không bị phát hiện, gửi máy bay không người lái đến vũ khí mà không cần phải tiếp xúc với lửa...

Đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ khi đó cũng khẳng định, động cơ vẫn là phần quan trọng nhất của dự án. Một động cơ không đủ mạnh có thể dẫn đến các vấn đề về hiệu suất, tốc độ thấp hơn... 

Cho đến nay, Thổ  Nhĩ Kỳ đã tổ chức  nhiều cuộc đàm phán với các nhà sản xuất động cơ hàng đầu trên thế giới để cùng phát triển hoặc hỗ trợ kỹ thuật trong việc chế tạo động cơ cho TF-X. Hiện Rolls-Royce đang được coi là ứng cử viên hàng đầu và đã thành lập liên doanh với Kale, một trong những công ty quốc phòng tư nhân lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi phát triển động cơ phản lực cho tên lửa hành trình độc lập. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn. 

Tập đoàn nhà nước của Nga, Rostec, công ty chế tạo động cơ cho máy bay chiến đấu Sukhoi 57 (Su-57) cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển động cơ vector lực đẩy cho TF-X. Động cơ vector lực đẩy này không giống như một động cơ một hướng cố định thông thường mà nó thể tự xoay theo một số hướng, cho phép thực hiện các bước ngoặt chặt hơn hoặc điều khiển một cách dễ dàng hơn.

TF-X được vũ trang như thế nào?

Ngoài các tiêu chuẩn của tên lửa mà TF-X cần có, hãng ASELSAN cũng đang cung cấp các cảm biến và hệ thống điện tử hàng không của máy bay chiến đấu. ASELSAN phát triển  radar AESA, cho phép máy bay tập trung radar theo các hướng khác nhau mà không cần di chuyển vật. 

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dựa trên những tính năng vượt trội của F-35 để sản xuất tên lửa tàng hình thế hệ thứ 5 của riêng mình.

Roketsan hiện đang là công ty chủ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc sản xuất tên lửa. Roketsan đã cho ra lò tên lửa siêu âm dự phòng (SOM) và đang cố gắng chế tạo phiên bản giống F-35 của Lockheed Martin được gọi là SOM-J. 

Tuy nhiên, do hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đổ bể cho nên có vẻ như việc sản xuất SOM-J sẽ được chuyển sang trọng tâm là TF-X. Tên lửa độc lập là tên lửa cơ động thông minh có thể bắn từ xa, di chuyển nhanh hơn bất kỳ hệ thống phòng không hoặc tên lửa nào hiện có với bán kính mục tiêu chính xác 5m. Để biến điều này thành hiện thực, một SOM siêu âm sẽ di chuyển với tốc độ Mach 5 hay 1,6 km mỗi giây.

Do khả năng cơ động thông minh của nó, SOM có thể bay gần địa hình thấp, chìm dưới vùng phủ sóng của radar trước khi gây ngạc nhiên cho mục tiêu với sự xuất hiện bất ngờ. 

Bên cạnh đó, ASELSAN cũng đang xây dựng các hệ thống nhắm mục tiêu ASELPOD cho máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan. Họ cũng cung cấp các hệ thống liên lạc, nhận dạng, bạn bè hoặc kẻ thù (IFF) an toàn, màn hình hiển thị và máy tính nhiệm vụ. Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một số công ty nhỏ hơn trong các hệ thống nhiệm vụ và phần mềm trên không.

Chi phí 1,2 tỷ USD

Theo tin từ hãng AP, hồi tháng 2-2018, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chi gần 1,2 tỷ USD và huy động 3.200 nhân viên làm việc toàn thời gian, phục vụ cho kế hoạch phát triển TF-X. Công ty hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ là nhà thầu chính của dự án. ASELSAN và TRMotor là các nhà thầu phụ cho các hệ thống nhiệm vụ và động cơ. BAE Systems đang cung cấp tư vấn và hỗ trợ . 

Tên lửa siêu âm dự phòng (SOM) của Roketsan.

Trong khi đó, Rocketsan cung cấp các loại vũ khí như tên lửa thông minh và tên lửa hành trình. Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ của Thổ Nhĩ Kỳ (TUBITAK SAG) chế tạo cả một "gia đình" tên lửa không đối không mà Rocketsan có thể chế tạo. TUBITAK cũng chế tạo hệ thống phòng thủ laser và súng hỏa lực đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhận xét về tiềm năng thực thi dự án, nhiều nhà phân tích cho rằng, Ankara có kinh nghiệm kỹ thuật để chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình. Các công ty quốc phòng và hàng không Thổ Nhĩ Kỳ có kinh nghiệm đáng kể trong việc xây dựng các hệ thống và bộ phận máy bay cho các chương trình máy bay lớn, bao gồm F-35 và A400M. 

Riêng F-35, Thổ Nhĩ Kỳ đã sản xuất 844 bộ phận. Hoàn toàn tự túc trong các hệ thống vũ khí, cảm biến và liên lạc vũ khí không đối không, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang cung cấp các chương trình hàng không và nâng cấp cấu trúc cho các máy bay phản lực khác. 

Thêm vào đó, Ankara có nhiều đối tác quốc tế đáng tin cậy. BAE Systems, đang thực hiện chương trình máy bay chiến đấu tàng hình Tempest của Anh, làm tư vấn cho chương trình TF-X. 

Tháng 1 năm 2017, Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan từng ký hợp đồng trị giá 137 triệu USD để BAE Systems tư vấn và hỗ trợ trong việc phát triển TF-X. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhận được hỗ trợ từ Saab Aerospace cho thiết kế ý tưởng, Dassault Systems của Pháp để hỗ trợ phần mềm và BAE Systems để hỗ trợ kỹ thuật chi tiết. Các công ty này đều là những người khổng lồ trong ngành hàng không vũ trụ.

Đáng chú ý là ngoài kế hoạch "tự lực cánh sinh" để sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ mới, Ankara còn đang tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn với Moscow trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và hàng không. Tại triển lãm MAKS 2019 vừa diễn ra hồi đầu tháng 9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thị sát nhiều loại vũ khí hàng không mới của Nga. 

Phát biểu tại lễ khánh thành sân bay Zhukovsky gần Moscow cùng với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, ông Tayyip Erdogan còn nói ông tin "sức mạnh tổng hợp mà chúng tôi đã phát triển với Nga trong ngành hàng không và công nghệ vũ trụ sẽ giúp làm sâu sắc thêm quan hệ song phương" và rằng ông hài lòng đến thăm hội chợ, và nhìn thấy nhiều máy bay chiến đấu và máy bay chở khách. 

Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn đang xúc tiến việc hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu Su-35 và có thể cả máy bay Su-57. Ankara cũng đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Nga (được giao hồi cuối tháng 9). 

"Tôi muốn duy trì sự đoàn kết với Nga trong các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng khác nhau, chẳng hạn như sản xuất chung máy bay, máy bay chiến đấu và máy bay phản lực radar", ông Tayyip Erdogan nhấn mạnh: "Với phương châm "Tương lai là trên bầu trời", Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng tạo ra một bước đột phá trong lĩnh vực hàng không giai đoạn tới. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phấn đấu trở thành một quốc gia "có tiếng nói" trong lĩnh vực hàng không và công nghệ vũ trụ".

Châu Anh (tổng hợp)
.
.