Những người hồi sinh từ “tế bào gốc”

Thứ Ba, 16/12/2014, 22:45
Nói đến bệnh ung thư máu, nhiều người cho rằng điều đó đồng nghĩa với "mang án tử hình". Thế nhưng với phương pháp ghép tế bào gốc và việc triển khai ngân hàng máu cuống rốn hiện nay, đã và đang mở ra cơ hội hồi sinh đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo…

Điều ước của cô bé 9 tuổi

Trở lại Khoa Ghép tế bào gốc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để khám định kỳ sau 9 tháng được phẫu thuật ghép tế bào gốc tủy xương, nhìn cô bé Trần Ngọc Ánh (SN 2005) ở Cương Chính, Tiên Lữ, Hưng Yên hoàn toàn khỏe mạnh, lanh lợi, khó ai có thể tin được 9 tháng trước, gia đình bé Ánh từng rơi vào tình trạng tuyệt vọng.

Chị  Phạm Thị Lý, 39 tuổi, mẹ cháu Ánh vẫn vẹn nguyên cảm giác hạnh phúc đến nghẹn ngào khi kể lại câu chuyện con gái được "hồi sinh". Ánh là con gái đầu của anh chị. Nhà nghèo đến nỗi cả nhà chỉ có một chiếc giường. Ánh và bố phải ngủ dưới đất, nhường giường cho mẹ và 2 em. Ánh chỉ mơ có chiếc giường để em không phải nằm đất.

Tháng 12/2012, Ánh có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi rồi sốt kéo dài. Lúc đầu chị Lý  nghĩ con bị cảm cúm. Nhưng Ánh cứ sốt triền miên không dứt, người mỗi ngày một xanh xao. Khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ nói cháu thiếu máu. Thấy bệnh tình của con không thuyên giảm, hai vợ chồng quyết định đưa Ánh lên Viện Nhi Trung ương. Qua 3 lần xét nghiệm, bác sĩ kết luận Ánh bị suy tủy xương. Từ ngày bị bệnh, Ánh được bố mẹ ưu tiên cho ngủ trên giường cùng mẹ và em trai mới được hơn 1 tuổi. Em Trần Ngọc Giang (5 tuổi) lại thay chỗ chị Ánh ngủ dưới đất. Ánh bảo bố mẹ, em chỉ mong mình khỏe mạnh trở lại để được nằm đất thay em. Nghe con nói, chị Lý chỉ biết khóc thầm. Chị bảo hai vợ chồng làm thuê làm mướn, nếu Ánh không bệnh tật thì cũng đủ sức nuôi các con. Nhưng từ ngày Ánh bị bệnh, anh chị chạy vạy, vay mượn họ hàng, xóm giềng hàng trăm triệu đồng để lo khám chữa bệnh cho con, bữa ăn của con còn chưa đủ dinh dưỡng thì việc có được một chiếc giường vẫn là mơ ước.

Hơn một năm Ánh điều trị tại Viện Nhi Trung ương là những tháng ngày chị Lý sống trong tâm trạng đau khổ của một người mẹ. Ánh thì hy vọng tràn trề sẽ được chữa khỏi bệnh, trong khi chị Lý héo hắt bởi chị chứng kiến nhiều bệnh nhi cùng điều trị với con cứ lần lượt ra đi. Thương con, có lần đưa Ánh lên Hà Nội chữa bệnh, chặng nghỉ giữa đường, nghĩ hoàn cảnh khó khăn không biết sẽ trụ được đến khi nào, chị lại khóc. Ánh ôm mẹ động viên: "Mẹ ơi, còn người là còn của. Mẹ cứ cố gắng chữa bệnh cho con. Sau này con lớn, con đi làm xây nhà to cho mẹ ở. Nhà mình không phải nằm đất nữa mẹ ạ". Nghe con nói, chị như bừng tỉnh. Con còn hy vọng sống thì chị sẽ cố gắng hết mức. Mặc dù mới mổ đẻ nhưng chị vẫn giấu mọi người, đi hiến máu để đổi máu phù hợp về truyền cho con trong những ngày điều trị.
Bác sĩ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng Khoa Ghép tế bào gốc kiểm tra sức khỏe cho cháu Trần Ngọc Ánh. Ảnh chụp sáng 27/11/2014.

Đầu năm 2014, Ánh được chuyển đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, và được chỉ định ghép tế bào gốc đồng loại. May mắn với Ánh là em gái Trần Ngọc Giang qua xét nghiệm đã có kết quả tế bào tủy phù hợp để cho chị. Nhưng chi phí một ca ghép tủy như vậy lên đến hàng trăm triệu đồng. Có bán hết cả nhà cửa cũng không đủ. Chị Lý lại chỉ biết khóc.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình bé Ánh, trực tiếp bác sĩ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc Viện Huyết học đã điện thoại về động viên chị Lý cố gắng  cho con đi khám đều và chăm sóc sức khỏe cho Ánh, bệnh viện sẽ tìm nguồn tài trợ giúp Ánh được phẫu thuật miễn phí.

Và ngày 13/3/2014, điều kỳ diệu đã đến với bé Ánh cùng gia đình. Ca ghép tế bào gốc tủy xương cho cô bé Trần Ngọc Ánh với người cho là em gái Trần Ngọc Giang đã thành công.  Thạc sĩ, bác sĩ Võ Thị Thanh Bình, cho biết, cháu Ánh là bệnh nhi suy tủy xương đầu tiên được Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tiến hành ghép tế bào gốc từ tủy xương. Những ca bệnh trước đó được điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc máu ngoại vi. Với bệnh nhân suy tủy xương nếu không được tiến hành điều trị và ghép tế bào gốc  thì tiên lượng sẽ rất xấu, bệnh nhân có thể tử vong rất nhanh. Bởi mắc bệnh này các thành phần máu như tiểu cầu, hồng cầu, bạch cầu sẽ bị giảm mạnh và dẫn đến thiếu máu, xuất huyết nội tạng, xuất huyết não… vô cùng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Nếu không được ghép tế bào gốc, bệnh nhân chỉ kéo dài cuộc sống khoảng 1 năm.

Sau ca ghép, Ánh đã trở lại sinh hoạt bình thường, hoàn toàn khỏe mạnh. Nhìn 3 con vui đùa, quấn quýt bên nhau, nước mắt chị Lý cứ trào ra vì hạnh phúc. Chị bảo các bác sĩ Viện Huyết học chính là người đã sinh ra Ánh một lần nữa. Ơn các bác sĩ, ơn những người hảo tâm giúp đỡ gia đình, đời này kiếp này chị cũng không trả hết được. Hằng tháng, con gái chị vẫn phải đến Viện Huyết học khám định kỳ và làm các xét nghiệm cần thiết. Chi phí mỗi lần xét nghiệm là 8 triệu đồng, cộng thêm tiền đi lại, thuốc men cũng hơn 10 triệu. Hành trình chữa bệnh cho Ánh với biết bao khó khăn còn ở phía trước nhưng nhìn con khỏe mạnh trở lại, vợ chồng chị Lý động viên nhau, dù có thế nào cũng cố gắng hết sức để các con có chị, có em. Với cô bé Ánh, vui nhất là  đã nhận được chiếc giường tầng, món quà của Chương trình "Điều ước thứ 7" dành tặng.
Bà Lê Thị Phương, một bệnh nhân bị ung thư máu được ghép tế bào gốc năm 2012 đã trở lại cuộc sống bình thường. Ảnh: Bà Phương khám sức khỏe định kỳ tại Viện Huyết học.

Hy vọng hồi sinh từ ghép tế bào gốc

Cô bé Trần Ngọc Ánh là một trong số hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh nan y về máu đã được "hồi sinh" nhờ công nghệ ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương trong những năm qua. Ông Tô Quang Chiến, 49 tuổi, ở Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên, một bệnh nhân được ghép tế bào gốc kể lại: Cuối tháng 8-2012, ông bị ho kéo dài, sút cân, kém ăn. Cứ nghĩ do làm việc vất vả nên không đi khám. Sau thấy nhiều người kêu "sao dạo này gầy thế", ông đến Bệnh viện Giao thông Vận tải (GTVT) khám tổng thể. Khám buổi sáng thì buổi chiều, Bệnh viện GTVT chuyển ngay ông tới Viện Huyết học cấp cứu do xét nghiệm máu, kết quả bạch cầu tăng cao bất thường. Tại Viện Huyết học, ông Chiến được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu kinh dòng tủy, một dạng ung thư máu.

"Lúc đó, cả tôi và vợ con đều hết sức hoang mang, lo lắng vì trong gia đình, họ hàng không có ai bị mắc căn bệnh này. Bản thân tôi suy sụp, như mang "án tử hình" bởi xác định đây là bệnh nan y, không biết sống chết lúc nào" - ông Chiến nhớ lại những ngày đầu khi phát hiện bệnh.

Trong hơn một năm điều trị loại thuốc tốt nhất của Mỹ, bệnh không có tiến triển khả quan. Kết quả xét nghiệm máu vẫn dương tính. Ông Chiến được các bác sĩ chỉ định điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc đồng loại. Trong 4 anh em trai được xét nghiệm thì có người anh cả và em út có kết quả cho tế bào gốc phù hợp.

Gặp ông Chiến tại Khoa Ghép tế bào gốc Viện Huyết học, ông phấn khởi cho biết, đến nay sau 9 tháng được ghép tế bào gốc, sức khỏe của ông đã tiến triển tốt. Kết quả xét nghiệm tủy đã âm tính. Phương pháp ghép tế bào gốc đã giúp ông thay đổi số phận, gỡ "án tử hình" treo nặng bây lâu nay.
500 mẫu tế bào gốc từ nguồn máu cuống rốn cộng đồng được lưu trữ thành công tại Trung tâm tế bào gốc - Viện Huyết học và truyền máu Trung ương.

Cũng đến bệnh viện khám lại sau 2 năm tiến hành ghép tế bào gốc điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (Lơ-xê-mi cấp, một dạng ung thư máu), bà Lê Thị Phương, 46 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội chia sẻ niềm vui khi  đã trở lại cuộc sống bình thường như trước khi phát hiện bệnh. Bà Phương cho biết, tháng 3/2012, bà  có biểu hiện giống người mắc bệnh cúm, người mỏi mệt, tức ngực, hụt hơi khi lên cầu thang. Sau đó, ống chân xuất hiện những vết bầm tím to bằng lòng bàn tay. Ban đầu, bà Phương nghĩ mình bị va đập vào đâu đó. Vài ngày sau, thêm những vết bầm tím xuất hiện trên bàn tay.  Bà Phương đi khám tại Bệnh viện huyện Đông Anh. Kết quả xét nghiệm máu phát hiện bất thường, số lượng bạch cầu tăng cao hàng trăm lần, số lượng tiểu cầu xuống thấp, bệnh viện đã chuyển bà Phương tới Viện Huyết học. Sau 3 đợt điều trị hóa chất, tháng 9/2012, bà Phương được các bác sĩ tiến hành điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc đồng loại từ nguồn cho là người em gái út. 20 ngày sau phẫu thuật ghép tế bào, bà Phương ăn uống trở lại bình thường, sức khỏe tốt.

Nhớ lại những ngày đầu điều trị, nhiều người trong xóm nghe tin bàn tán xôn xao rằng căn bệnh ung thư máu thì vô phương cứu chữa. Hai năm qua, chứng kiến bà Phương hoàn toàn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường, bà con ai cũng mừng cho sự "hồi sinh" kỳ diệu.

Theo Thạc sĩ - bác sĩ  Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, tính từ ca ghép tế bào gốc đầu tiên thực hiện vào tháng 6-2006 đến nay, trên toàn quốc đã tiến hành tổng số 350 ca ghép, trong đó tại Viện Huyết học  thực hiện  140 ca ghép tế bào gốc, với các hình thức ghép khác nhau như: ghép tự thân, ghép đồng loại. Phương pháp ghép tự thân với những nhóm bệnh như: đa u tủy xương chiếm tỷ lệ cao nhất là 74,2%, U-lym-pho ác tính, Lơ-xê-mi cấp… Tỷ lệ thành công ở phương pháp này đạt khoảng 70 - 80%. Hiện nay, ghép tế bào gốc tự thân cho các nhóm bệnh đa u tủy xương và U-lym-pho không Hodgkin đã trở thành phương pháp điều trị thường quy của Viện. Đối với phương pháp ghép đồng loại, Viện thực hiện từ tháng 5-2008 và tỷ lệ ghép thành công từ phương pháp này đạt khoảng  70%. Đặc biệt, từ tháng 11/2013, Viện đã triển khai ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại cho bệnh nhân nhi. Trong quy trình ghép, đã xử lý được những biến chứng khó của ghép như thải ghép bằng ghép lần 2 thành công ở bệnh nhân suy tủy xương...

Cũng theo bác sĩ Bạch Quốc Khánh, từ giữa năm 2014, Viện Huyết học đã triển khai ngân hàng máu cuống rốn  cộng đồng để cung cấp được nguồn tế bào gốc cho bệnh nhân được chỉ định ghép tế bào gốc đồng loại.  Đến nay, Ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng  đã thu thập được 500 mẫu tế bào gốc từ máu cuống rốn. Con số này còn khiêm tốn do khó khăn về kinh phí và nhân lực trong thu mẫu và bảo quản.  Nhưng hy vọng trong tương lai gần,   công nghệ ghép tế bào gốc  cùng ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng thực sự trở thành "một cuộc cách mạng" trong điều trị các bệnh máu nói riêng và nhiều bệnh lý khác nói chung, sẽ thêm nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có cơ hội được cứu sống.

Bạn đọc hảo tâm giúp đỡ cháu Trần Ngọc Ánh có thể liên hệ theo địa chỉ: Chị Phạm Thị Lý, xã Cương Chính, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Điện thoại: 01686321693.

H.Vũ
.
.