Những quan niệm sai lầm về bệnh sốt xuất huyết

Thứ Năm, 25/06/2020, 22:21
Sốt xuất huyết cho đến nay không còn xảy ra theo chu kỳ như trước đây mà “lưu hành” quanh năm, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bệnh bất kỳ lúc nào, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Miền Nam đang là mùa mưa, là thời điểm bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh nhất, nhiều nguy cơ thành dịch, trong khi vẫn chưa có vaccine phòng ngừa. Tuy vậy, nhiều người vẫn hiểu sai về sốt xuất huyết nên xử trí không đúng.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh cho trẻ bị sốt xuất huyết.

Chủ quan dẫn đến bệnh nặng

Sốt xuất huyết sinh ra và lây lan do muỗi đốt, đa số ở trẻ em. Bệnh mới mà xuất hiện từ lâu, mặc dù đã tuyên truyền rất nhiều nhưng người dân vẫn chưa hiểu đúng để có cách phòng ngừa tốt nhất, cũng như không biết phải làm như thế nào khi có người thân bị bệnh.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều ông bố bà mẹ, nhất là những phụ huynh có con đầu lòng thường lúng túng khi con bị sốt xuất huyết. Họ áp dụng nhiều biện pháp sai lầm khi con bị sốt như cho nhịn ăn uống, cắt lễ, cạo gió; lạm dụng thuốc hạ sốt; nghĩ rằng không tái sốt; giảm sốt là hết bệnh; tiếp xúc với người bị sốt xuất huyết sẽ lây bệnh; uống thuốc Aspirin và ibuprofen khi bị sốt xuất huyết; muỗi truyền bệnh chỉ xuất hiện ở những nơi ao tù, nước đọng; phun thuốc muỗi một lần là hàng tháng sau, muỗi sẽ “sợ” không dám vào nhà... Có 1001 kiểu chữa bệnh dân gian khác khiến quá trình điều trị sốt xuất huyết bị lệch hướng, chậm trễ, khi đưa trẻ đến viện đã xuất hiện nhiều biến chứng nguy kịch, thậm chí tử vong.

Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, chị Nguyễn Thị Cẩm Giang ở huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) cho biết, con gái chị bị sốt. Chị đưa bé đến Bệnh viện Hóc Môn khám. Bác sĩ lập tức cho nhập viện điều trị và chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng thành phố, bởi gia đình không biết cháu bị sốt xuất huyết, bệnh chuyển nặng, nguy kịch.

Còn chị Nguyễn Thị Thanh Tâm ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) cũng có hai đứa con bị sốt xuất huyết (bé 4 tuổi và bé 6 tuổi) đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Hai con của chị bị sốt cùng lúc nên chị không nghĩ đó là sốt xuất huyết mà cứ tưởng con bị sốt thông thường. Khi đi khám tại một phòng khám tư nhân gần nhà, người khám bệnh cho biết các bé bị viêm họng, cho thuốc trị viên họng và sốt. Bé uống thuốc nhưng vẫn không giảm sốt nên gia đình đưa hai bé đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Sau khi thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ cho biết các bé bị sốt xuất huyết, lúc này chị Tâm mới “tá hỏa”.

Người dân ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh đựng nước trong lu nhưng không đậy nắp.

Theo các bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trần Nam, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, sốt xuất huyết rất giống với sốt siêu vi nên phụ huynh khó nhận biết, dễ chủ quan. Nhiều người không theo dõi những diễn tiến tiếp theo của bệnh, đến khi bệnh trầm trọng mới đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Về bệnh sốt xuất huyết, theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam, sau 3 ngày đầu sốt, bệnh nhân có thể bị biến chứng, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, suy hô hấp, bị sốc... Nếu không bù nước kịp thời, tình trạng này kéo dài sẽ làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến việc thiếu máu để nuôi các cơ quan, suy đa cơ quan, bệnh sẽ diễn tiến nặng, thậm chí tử vong.

Xét nghiệm âm tính nhưng vẫn có thể bị sốt xuất huyết

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam cũng cho biết, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, những bệnh nhân sốt trên 2 ngày là “có khả năng” bị sốt xuất huyết. Các triệu chứng đi kèm gồm: đau nhức người, nhức đầu, đau cơ, buồn nôn... Có trường hợp đau nhức xung quanh hốc mắt, màu da hơi ửng đỏ. Đối với những trường hợp như vậy, bệnh nhân cần đến bệnh viện khám để được xét nghiệm để kịp thời phát hiện sốt xuất huyết.

Sai lầm phổ biến lâu nay của không ít người đó là tự “đoán bệnh”, không đưa người bệnh đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Cũng có tâm lý đợi có dấu chấm đỏ nổi lên để xem có phải là sốt xuất huyết hay không mới đưa đi bệnh viện hoặc tự điều trị theo “kinh nghiệm”. Nếu đợi những biểu hiện như vậy, thì bệnh nhân đã rơi vào giai đoạn sau của bệnh, khi bệnh đã nặng. “Chủ trương của ngành y tế là xét nghiệm sớm, phát hiện sớm, để khi biểu hiện triệu chứng những chấm đỏ trên người là trễ, bệnh nặng rất nguy hiểm”, bác sĩ Nam nói.

Các cơ sở y tế phải thực hiện theo phác đồ, xét nghiệm để tầm soát sốt xuất huyết khi có trường hợp nghi ngờ, không thể đoán bệnh bằng mắt thường. Tuy nhiên, có tỷ lệ nhỏ xét nghiệm cho kết quả âm tính nhưng bệnh nhân đó vẫn có khả năng sốt xuất huyết. Vì vậy, khi xét nghiệm âm tính cũng chưa chắc loại trừ hoàn toàn không bị sốt xuất huyết mà phải tiếp tục theo dõi diễn tiến tiếp theo, nhất là từ ngày sốt đến ngày thứ 3, ngày thứ 5.

Đây là giai đoạn nguy hiểm, thường bệnh diễn tiến nặng, người bệnh thấy mệt nhiều hơn, đau bụng nhiều hơn, bị ói (nôn), chân tay lạnh hoặc chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu các nơi trên cơ thể nhưng không cầm được. Có trường hợp nặng hơn sẽ bị sốc..., nếu không chữa kịp thời có thể tử vong.

Người dân làm vệ sinh khu vực nhà trọ công nhân tại quận Bình Tân.

Nguy cơ lớn hơn với phụ nữ mang thai, nhũ nhi và trẻ béo phì

Hiện nay có khoảng 10% bệnh nhân bị sốt xuất huyết diễn tiến nặng, còn lại nếu sớm đưa người bệnh đến bệnh viện điều trị, sẽ qua giai đoạn nặng để phục hồi. Những bệnh nhân dễ diễn tiến nặng và nhanh là trẻ béo phì, có những bệnh lý liên quan đến gan, mật, tim mạch; bé dưới 1 tuổi (nhũ nhi), bé có bệnh lý mãn tính, bệnh lý nền...

Một số bệnh nhân không thuộc các trường hợp trên nhưng vẫn  diễn tiến bệnh sốt xuất huyết rất nặng do tự điều trị tại nhà, điều trị không đúng cách... Vì vậy, khi bị bệnh cần đến bệnh viện để được điều trị, không nên tự mua thuốc uống về uống hay đi truyền “nước biển”. Có trường hợp uống thuốc sai, uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn sốt cao hoặc chỉ bớt một ít sau đó tái sốt nên có người thân lại đi mua thuốc “mạnh hơn” về cho uống. Khi uống những thuốc hạ sốt, không qua chỉ định của bác sĩ thì sẽ có nguy cơ xuất huyết dạ dày, ói ra máu... Khi vào bệnh viện, bệnh nhân phải chữa trị thêm các bệnh khác.

Có trường hợp lại chữa sốt xuất huyết bằng cách dân gian như cạo gió, chích lấy máu bầm ra nhưng cứ chảy máu mãi, những chỗ lấy máu bầm lại bị nhiễm trùng.

Các bác sĩ lưu ý trẻ nhũ nhi khi mắc sốt xuất huyết thường nặng hơn, nhất là trẻ béo phì. Trẻ dưới 1 tuổi nếu bị sốt xuất huyết diễn tiến thường nặng hơn trẻ lớn. Phụ huynh thường suy nghĩ trẻ dưới 1 tuổi sẽ không bị mắc bệnh sốt xuất huyết nên hay bỏ sót, đến khi con bệnh nặng thì điều trị rất khó khăn.

Phụ nữ mang thai cũng là đối tượng nguy cơ cao, khi mắc sốt xuất huyết sẽ ảnh hưởng rất lớn về mặt sức khỏe cả mẹ và thai nhi. Không may bị sốt xuất huyết, phụ nữ mang thai phải điều trị, uống thuốc... sẽ không tốt cho thai nhi. Do vậy, thai phụ khi thấy triệu chứng sốt phải lập tức đến bệnh viện khám, làm xét nghiệm, tuyệt đối không tự ý đi mua thuốc về uống.

Cũng có nhiều người suy nghĩ đã bị sốt xuất huyết rồi thì có sự đề kháng đối với bệnh này nên ít nguy cơ bị mắc lại, từ đó chủ quan. Theo các bác sĩ, bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần 2 hoặc lần 3 bởi những típ khác nhau. Khi bị sốt xuất huyết lần thứ 2, thứ 3 thì diễn tiến nặng còn nguy hiểm cao hơn.

Người dân phường 12 (quận 10) làm vệ sinh môi trường.

Diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết vẫn luôn xuất hiện trong môi trường xung quanh nơi người dân sinh sống, làm việc, học tập. Vì vậy, các giải pháp truyền thông thay đổi hành vi, kiểm soát nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, ý thức tự phòng bệnh của người dân luôn là yếu tố quyết định việc kiểm soát thành công bệnh sốt xuất huyết. Sự cảnh giác cao độ với bệnh tật sẽ giúp chủ động phòng tránh những rủi ro về sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như cộng đồng. Vậy nên, tâm thế chủ động cảnh giác đề phòng bệnh luôn là hành động sáng suốt trong bối cảnh dịch bệnh chưa có vaccine phòng ngừa.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh khuyến cáo: "Chúng ta dành 15 hay 20 phút mỗi tuần để dọn dẹp tất cả vật dụng hay ổ chứa nước có lăng quăng. Nếu mỗi tuần đều làm thì cả tuần sẽ không có muỗi, không thể nào có bệnh sốt xuất huyết được".

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết bay trong bán kính khoảng 100m nên khả năng lây dịch bệnh rất cao. Vì vậy, việc làm vệ sinh môi trường không chỉ ở mỗi gia đình mà cần đồng bộ cả khu vực dân cư. Để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, nên hạn chế khả năng sinh sôi của muỗi vằn bằng cách giữ gìn nơi ở, môi trường sống xung quanh luôn sạch sẽ; tuyệt đối không được trữ nước ở các thùng, xô chậu hay các dụng cụ khác trong nhà, để muỗi không có cơ hội đẻ trứng; áp dụng một số biện pháp như đốt hương muỗi, vợt muỗi và phun thuốc diệt muỗi; phát quang bụi rậm; mắc màn khi ngủ để hạn chế khả năng bị muỗi đốt; nếu có dấu hiệu sốt nên đến ngay cơ sở y tế để khám và được tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.

Theo phó giáo sư, bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh, trong mùa mưa càng phải hết sức cảnh giác. Dịch bệnh hiện lưu hành quanh năm, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, hằng năm thường có số ca mắc sốt xuất huyết cao. “Do vậy, nếu chẳng may bị sốt 3 ngày trở lên phải nghĩ đến sốt xuất huyết, cần đi khám để xác định bệnh và có phương án điều trị kịp thời", bác sĩ Quang lưu ý.

Nguyễn Cảnh
.
.