Những vụ mất tích kỳ lạ tại “tam giác quỷ” Nhật Bản

Thứ Ba, 19/06/2018, 09:45
Trong số nhiều hiện tượng khác nhau của biển cả, có lẽ kỳ bí nhất là những khu vực dị thường là nơi mà tàu và máy bay hay bị mất tích một cách bí ẩn mà chúng ta gọi là "Tam giác Bermuda". Tuy nhiên, "Tam giác Bermuda" không phải là duy nhất, mà còn có một vùng biển khác cũng dị thường không kém nằm gần nước Nhật.


“Tam giác quỷ của phương Đông”

Tam giác quỷ Nhật Bản còn được biết bởi nhiều cái tên rùng rợn như "Biển Quỷ", "Tam giác của rồng", "Ma-no Umi", và "Tam giác Đài Loan, đó là một vùng biển mở rộng nằm ở ngoài khơi nước Nhật, nơi này trong nhiều thế kỷ qua cũng khét tiếng với các hiện tượng "nuốt" tàu bè vào rồi không thấy chúng xuất hiện lại nữa. 

Hình vẽ tứ giác biểu thị Biển quỷ của Nhật Bản.

Vị trí chính xác của vùng biển quỷ quái này vẫn còn đang khá mông lung, đa phần ước đoán rằng nó là một vùng nước hình tam giác với một cạnh là Đài Loan, cạnh kia là hòn đảo Miyake-jima (Nhật Bản) và cạnh còn lại là đảo Iwo-jima, mặc dù các báo cáo rất khác nhau và không gian địa lý cũng như chu vi của vùng biển này còn chưa chính xác. Nhưng nhất quán nhất ở vùng biển dị thường này là một lịch sử đen tối của nó, bao gồm hàng loạt vụ mất tích tàu bè và máy bay mà không để lại chút vết tích. Do đó, Biển Quỷ còn được mệnh danh là Tam giác quỷ của phương Đông". 

Biển Quỷ được quy kết là một mối đe dọa tiềm tàng kể từ năm 1000 trước Công Nguyên (TCN), khi có niềm tin dân gian cho rằng những con rồng đã sống dưới đáy vùng biển này, chúng tìm cách đánh cắp nhiều thuyền đánh cá và tàu quân sự xuống hang ổ của chúng.

Chuyện kể rằng lãnh chúa và là Đại khả hãn thứ 5 của Nguyên Mông, Hốt Tất Liệt, từng có ý đồ xâm lược Nhật Bản 2 lần trong các năm 1274 và 1281 bằng cách vượt qua Biển Quỷ, nhưng nhiều chiến thuyền và khoảng 4 vạn quân Nguyên Mông đã bị tiêu diệt trong các chuyến xâm lược này, nhiều chiến thuyền vẫn đang nằm rải rác dưới đáy biển tạo thành những ngôi thủy mộ khổng lồ. 

Xuyên suốt nhiều thế kỷ sau đó, dư luận râm ran rằng tránh đi vào vùng Biển Quỷ, cũng như không đếm xuể các sinh mạng ngư dân và khách du lịch khi đi vào vùng Biển Quỷ đã "bốc hơi" mất tăm tích tưởng như họ chưa từng xuất hiện trên trần thế này. 

Tuy nhiên, dù có nhiều vụ mất tích bí ẩn thì vùng biển quái dị này vẫn chưa được biết đến với thế giới bên ngoài cho đến khi ra đời cuốn sách "Tam giác Bermuda" công bố vào năm 1974 của tác giả nổi tiếng Charles Berlitz, có đề cập đến Biển Quỷ cũng như cuốn sách công bố vào năm 1989 mang tựa đề "Tam giác của Rồng" cũng liên quan đến những vụ mất tích này. Tác giả Berlitz tuyên bố rằng Nhật Bản đã mất ít nhất 5 tàu chiến quân sự giữa thời điểm 1952 và 1954, cùng với sinh mạng 700 quân sĩ, tất cả họ đều không nhìn thấy lại được nữa.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã phái đi một tàu nghiên cứu gọi là Kaio Maru No. 5 tiến vào vùng Biển Quỷ vào ngày 24 tháng 9 năm 1953, nhưng con tàu này cũng biến mất thình lình cùng với 31 người trên tàu. Tai nạn này trở thành một trong những thương vong nổi tiếng nhất của khu vực Biển Quỷ và cũng từ đây đã thúc giục chính phủ Nhật ra biển cảnh báo "khu vực bất an" cho thông thương. 

Điều lạ lùng là, bên cạnh các tàu và máy bay dường như không còn tồn tại, Biển Quỷ còn ghi nhận được nhiều hiện tượng dị thường. Liên tục có các báo cáo về "vật thể bay không xác định" (UFO) tại khu vực Biển Quỷ cũng như "các tàu ma" và ánh sáng lạ lùng bên trên các ngọn sóng. 

Bức ảnh về tàu nghiên cứu Kaio Maru No. 5 với 31 thuyền viên trước khi nó biến mất tại Biển Quỷ.

Ngoài ra, còn có những tài khoản về những người đã từng "lạc" thời gian; thiết bị trên tàu, máy bay đột nhiên hỏng hóc bất thường; hay những rối loạn từ trường bất thường. Sự kỳ lạ cao độ và số lượng tàu bè mất tích trong vùng biển, cũng như sự ra đời cuốn sách của nhà văn Charles Berlitz mà Biển Quỷ đã trở thành một hiện tượng tương tự như "Tam giác quỷ Bermuda", cùng với rất nhiều giả thuyết được đưa ra nhằm giải thích lý do tại sao Biển Quỷ lại tước đoạt nhiều sinh mạng.

Những giả thuyết kỳ lạ

Có một thực tế rằng 2 hòn đảo dính dáng nhiều nhất đến "Tam giác quỷ phương Đông"  là Miyake-jima và Iwo-jima, lại nằm dọc theo những ngọn núi lửa đang hoạt động gọi là vòng cung núi lửa Izu-Bonin trải dài 2.500km bao phủ Thái Bình Dương đến đảo Guam.

Xem xét điều này có thể hiểu lờ mờ rằng các hoạt động núi lửa hung hãn hay những dư chấn dưới nước có thể là căn nguyên chính gây nên các trường hợp mất tích bí ẩn. Trong cuốn sách của mình mang tiêu đề Giải mã bí ẩn Tam giác Bermuda, nhà nghiên cứu hoài nghi Larry Kusche cho rằng ngọn núi lửa Myôjin-shô có liên quan đến vụ biến mất của con tàu nghiên cứu Kaio Maru No. 5, những mảnh vụn của con tàu này là do núi lửa gây ra, và hoạt động phun trào núi lửa này không phải là sự bắt đầu của vùng Biển Quỷ.

Sương mù dị thường hay xuất hiện tại vùng Biển quỷ, là căn nguyên bị cho là làm biến mất tàu bè, máy bay khi đi vào khu vực này.

Một giả thuyết nghe có vẻ hợp lý khác, là những con tàu đã bị thất lạc do mưa bão hay các hiện tượng môi trường, hay chỉ là nạn nhân của bất kỳ hiểm họa kế thừa nào đó từ đại dương. Với kích thước rộng lớn của Biển Quỷ và sự nặng nề của con tàu cồng kềnh nặng nề đi qua khu vực này, có vẻ như thiên nhiên đã làm đắm con tàu và khiến nó "bốc hơi", và có vẻ như có một hiện tượng siêu nhiên nào đó đã tập trung nhiều vào vùng Biển Quỷ hơn là các vùng biển khác.

Một trong những giả thuyết gần gũi khác nói về Biển Quỷ có liên quan đến nhà  nghiên cứu siêu linh và hiện tượng dị thường Ivan T. Sanderson. Trong các thập niên 1960 và 1970, ông Sanderson đã đưa ra ý tưởng rằng trái đất của chúng ta là nơi giao nhau với những dòng điện tại 12 cổng trên khắp thế giới, mà ông gọi là "Những cột gió xoáy hung bạo".

Sanderson tin rằng những cột xoáy được tạo thành hình các tam giác theo một mô hình nhất định dọc theo những đường vĩ độ cụ thể bao gồm "Tam giác quỷ Bermuda" khét tiếng, chúng chịu trách nhiệm khiến cho tàu bè và máy bay mất tích bởi những lực lượng bí ẩn, có lẽ là những chiều không gian khác thông qua một cánh cửa.

Những cột xoáy này bị đổ lỗi cho "Tam giác quỷ Bermuda" cũng như những khu vực khác trên hành tinh trở thành "Khu số 0" cho các sự biến mất kỳ lạ cùng hiện tượng dị thường, và Biển Quỷ dường như nằm ngay giữa các cột lốc xoáy. Nhà nghiên cứu Sanderson đã viết kỹ về các cột lốc xoáy này và Biển Quỷ là chủ đề trong bài viết "12 mộ quỷ trên thế giới" trên tạp chí Saga.

Còn có ý tưởng rằng Biển Quỷ không thật sự tồn tại mà nó chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của các nhà văn. Nhiều người hoài nghi còn chỉ ra rằng dường như không có bất kỳ báo cáo hay đề cập nào đến Biển Quỷ hay những sự vụ biến mất dị thường của nó trên báo chí hay các ấn phẩm xuất bản trước khi có cuốn sách của ông Sanderson liên quan đến "những cột gió xoáy hung bạo" và cuốn sách của ông Berlitz, ngay cả ở Nhật Bản cũng có rất ít tác phẩm văn học viết về hiện tượng dị thường ở Biển Quỷ.

Tất cả các cuốn sách và bài viết về hiện tượng dị thường ở Biển Quỷ đã dần dần được xây dựng trên lịch sử và thần thoại học. Phải chăng bí ẩn của Biển Quỷ và những tuyên bố lịch sử của nó về những hiện tượng mất tích bí ẩn là một "phát minh gần đây" dựa trên sự tưởng tượng? Có hay không một lực lượng vô hình đang nằm bên dưới các lớp sóng ở một góc của thế giới hay một hiện tượng bình thường của thiên nhiên?

Bất chấp tính thực hư của vấn đề thì Biển Quỷ vẫn đang hiện hữu là một vùng biển kỳ lạ cùng với nhiều đại dương rộng lớn mà còn chưa được khám phá hết trên hành tinh chúng ta.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.