Phải làm gì nếu trong nhà có trẻ tự kỷ?

Thứ Sáu, 11/12/2015, 15:31
Những năm gần đây, số trẻ mắc chứng tự kỷ có khuynh hướng tăng dần nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn mơ hồ về vấn đề này, dẫn đến điều trị không đúng cách. Hậu quả là khi trẻ lớn lên, có nhiều việc mà trẻ không thể tự làm cho chính bản thân mình. Bên cạnh phác đồ trị liệu của các chuyên gia tâm lý, hiểu đúng về tự kỷ là cách tốt nhất để các bậc cha mẹ chăm sóc và hướng dẫn trẻ trở lại cuộc sống bình thường…

Can thiệp vàng

Khi đưa đứa con trai 6 tuổi đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để thăm khám, chị Trần Thị Út, nhà ở đường Nguyễn Văn Luông, quận 6, TP HCM cứ thắc mắc tại sao bác sĩ lại chuyển con mình sang Khoa Tâm lý trị liệu?

Trẻ tự kỷ thường không thích giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Chị kể: “Ở nhà nó cứ lầm lì, hỏi không nói hoặc nói nhát gừng nhưng nếu ở một mình thì nó lại nói năng lảm nhảm như thể đang trò chuyện với người khác, hoặc múa may, nhảy nhót. Đi học, cô giáo cho biết nó không chơi với ai. Đến bữa ăn trưa, nó bưng khay cơm ngồi riêng một góc. Tôi nghi nó bị bệnh về não vì đứa con gái đầu lòng của tôi sinh ra được 9 tháng thì chết vì viêm màng não mủ. Chắc là nó… bị lây?”.

Một trường hợp khác: Vợ chồng anh Lê Quang Thuận, ở đường Chánh Hưng, quận 8, lúc đưa đứa con gái 3 tuổi đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng khẳng định con mình bị phản ứng do tiêm vắcxin (?!). Trình bày với bác sĩ, anh nói: “Hồi cháu lên 1 tuổi, vợ tôi đưa cháu đi tiêm phòng vắcxin viêm não Nhật Bản, thủy đậu. Một thời gian sau, cháu không biết bập bẹ hay chỉ trỏ vào đồ chơi như những đứa bé khác cùng trang lứa. Lên 1 tuổi rưỡi, cháu không nói được chữ nào tròn tiếng. 2 tuổi, cháu không nói hết được một câu… Chắc là vắcxin đã làm hư não cháu!”. Đến khi được các bác sĩ thăm khám, kiểm tra rồi giải thích thì vợ chồng anh Thuận mới hay con mình mắc chứng tự kỷ.

Theo bác sĩ Ân, chuyên khoa Tâm thần, nguyên giảng viên Bộ môn Tâm thần Đại học Y Dược TP HCM thì “Tự kỷ là một chứng rối loạn tâm lý bẩm sinh, từ khi trẻ mới chào đời hoặc trong những năm đầu đời của trẻ”. Một thống kê của Bộ Y tế cho thấy hiện nay ở nước ta, số lượng trẻ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ là khoảng 20.000 cháu, và có khuynh hướng tăng nhanh theo từng năm. Phần lớn trẻ tự kỷ thường được gia đình phát hiện muộn mà nguyên nhân là do các bậc cha mẹ thiếu kiến thức về chứng tự kỷ, hoặc chữa trị theo lối truyền khẩu, thậm chí mê tín dị đoan, bỏ qua giai đoạn “can thiệp vàng” khi trẻ còn ở dưới 2 tuổi.

Cũng vì thiếu kiến thức nên giờ đây vợ chồng anh Mai Quốc Huy, ở đường Cách Mạng Tháng 8, quận Tân Bình không ngớt than thân trách phận? Anh Huy kể: “Hồi đó, con tôi 16 tháng tuổi mà vẫn không nói được tiếng “ba”, tiếng “má”. Mỗi lần vẫy gọi nó, nó chỉ ú ớ. Điều đặc biệt hễ nó khóc mà mở tivi có chương trình quảng cáo là nó nín ngay. Nếu đột ngột tắt tivi thì nó khóc dữ dội hơn trước khiến vợ chồng tôi phải soạn hẳn một “bản theo dõi tivi” để lúc nó khóc thì biết đài nào đang quảng cáo…”.

Nhiều lần như vậy, chẳng những không nghĩ đến việc nghi ngờ con mình mắc chứng tự kỷ mà vợ chồng anh Huy còn tự hào với hàng xóm, rằng “cháu mới 1 tuổi rưỡi mà đã biết sữa tắm, bột giặt, dầu gội đầu, kem trị… hôi nách!”. Tuy nhiên khi lớn lên, chỉ trừ những lúc ngủ, còn thì cả ngày nó chỉ ngồi cạnh cái tivi, miệng lẩm nhẩm những câu đại loại như “đã trắng nay lại còn trắng hơn”, “vì sao tóc hay bị thương tổn”...

Lên 5 tuổi, anh Huy mới cho con đi mẫu giáo nhưng cứ hễ đến trước cổng trường là nó la hét đòi về, còn nếu bắt buộc nó phải ngồi lại lớp thì nó chẳng thèm giao tiếp với ai. Cô Hà, là bảo mẫu của lớp con anh Huy theo học cho biết: “Cứ hễ dẫn cháu đến cạnh cái tivi thì tự nhiên nó linh hoạt hẳn lên mặc dù có hỏi, nó vẫn không trả lời (?).”

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần - Đại học Y Dược TP HCM giải thích: “Trẻ dưới 2 tuổi nếu cho xem tivi thường xuyên thì nó sẽ giảm - hoặc mất khả năng tương tác với cha mẹ và những người xung quanh vì rằng trong các clip quảng cáo, xướng ngôn viên thường nhấn mạnh chủ đề bằng những âm sắc rất cao, hoặc với nhạc nền dồn dập, với những hình ảnh chuyển động không ngừng. Lâu dài, não bộ của trẻ chịu ảnh hưởng của những chương trình này, dẫn đến hiện tượng là thế giới xung quanh nó chỉ nằm trong các show quảng cáo mà thôi, còn những chuyện khác thì nó ù lì, thụ động”.

Hiểu cho đúng về tự kỷ

Chứng tự kỷ (hay còn gọi là tự bế, tự tỏa) được nhà tâm thần học Kanner mô tả lần đầu tiên vào năm 1943. Trung bình cứ 100.000 trẻ em thì có 1 trẻ mắc chứng này. Tỉ lệ mắc ở bé trai cao gấp 3 hoặc 4 lần so với bé gái. Tự kỷ có thể phát hiện sớm ngay trong những tuần đầu tiên sau khi sinh nhưng thông thường, các dấu hiệu tự kỷ bộc lộ nhiều ở những tháng cuối khi trẻ lên 1 tuổi, và rõ rệt hơn khi trẻ lên 2, 3 tuổi.

Trẻ tự kỷ nên được bắt đầu bằng những bài học hình tượng và đơn giản.

Thập niên 60 thế kỷ trước, phần lớn các chuyên gia tâm lý đều cho rằng một trong những nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ là do sự thiếu quan tâm của cha mẹ về mặt tinh thần, chẳng hạn như cha mẹ đi làm cả ngày, mọi sự chăm sóc đều nhờ vào người khác nhưng hiện tại, bằng các thiết bị tối tân, quan sát những xung của sóng điện não, mới hay những trường hợp cha mẹ không quan tâm đến trẻ thì đại đa số trẻ mắc chứng trầm cảm chứ không phải là tự kỷ.

Theo bác sĩ Thái, cho đến nay, y học vẫn chưa khẳng định nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng tự kỷ ở trẻ, mà chỉ có thể suy đoán tùy theo từng trường hợp. Chẳng hạn như bà mẹ bị nhiễm siêu vi trong 3 tháng đầu thai kỳ hoặc mắc phải một số bệnh trong giai đoạn mang thai, hoặc trẻ sinh non, bị ngạt, bị suy hô hấp, hoặc tiền sử của mẹ có những cơn động kinh, những rối loạn tâm thần...  Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ. Đã có trường hợp 2 trẻ mắc chứng tự kỷ trong cùng một gia đình, hoặc gia đình có ông, bà, cha, mẹ lúc thiếu thời bị tự kỷ thì trẻ sinh ra cũng có thể bị tự kỷ.

Một nguyên nhân cũng cần phải nhắc đến, đó là do trẻ bị khuyết tật. Chị Hậu, cư trú ở đường Tên Lửa, quận Bình Tân, TP HCM cho biết trong số 3 đứa con của chị, có 1 đứa chẳng may bị sứt môi: “Đi học, nó bị bạn bè xa lánh nên dần dần, nó thu mình lại, không giao tiếp với ai. Ngay cả khi cô giáo gọi nó lên trả bài, nhiều lúc nó cũng im lặng vì sợ nói ra, bạn bè sẽ chế nhạo nó. Lúc đầu, vợ chồng tôi cứ nghĩ nó bị trầm cảm nhưng khi đưa nó đến bác sĩ và khi biết ở nhà nó vẫn giao tiếp với cha mẹ, chơi đùa với anh em bình thường thì bác sĩ kết luận rằng nó bị tự kỷ”.

Ngược lại với trường hợp trẻ tự kỷ chậm nói, trí tuệ kém phát triển thì cũng có những trẻ tự kỷ bộc lộ những năng khiếu đặc biệt khiến lắm bậc cha mẹ ngộ nhận rằng con mình là “thần đồng”, là “thiên tài”?

Cháu Long, (tên đã được thay đổi) mới 3 tuổi mà đã đọc báo vanh vách, chẳng sai chữ nào. Cứ mỗi lần có khách đến chơi nhà, cha mẹ cháu lại lôi cháu ra, biểu diễn cho khách xem khả năng “siêu việt” của cháu, nhưng đi nhà trẻ, cô bảo mẫu cho biết cháu rất ít nói, không thích giao tiếp với bè bạn xung quanh. Sau này hỏi ra mới hay là hồi được 2 tuổi rưỡi, khi ba mẹ cháu đi làm, bà nội cháu lấy bộ mẫu tự bằng nhựa ra dạy cho cháu cách nhận biết mặt chữ, cách ghép từ, cách phát âm.

Lâu dần, cháu quen nên khi đưa tờ báo ra, cháu đọc ngay lập tức mặc dù cháu hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của những gì đã đọc? Có vẻ như đứa trẻ ấy đã chứng tỏ một khả năng khác thường bởi lẽ đâu phải bất cứ trẻ 3 tuổi nào khi được cho học cách nhận biết các mặt chữ, cách ghép vần, cách phát âm mà sau đó đọc báo làu làu được đâu. Tuy nhiên, nếu cha mẹ chỉ tập trung vào khả năng “thần đồng” của trẻ mà quên đi những phát triển khác của trí não thì rất tai hại.

Thực tế đã chứng minh là một số người mắc chứng tự kỷ có khả năng đặc biệt về  toán học, âm nhạc, nghệ thuật, ngoại ngữ… Nó mang lại sự thỏa mãn cho trẻ nhưng càng thỏa mãn mà không được điều chỉnh thì chứng tự kỷ của trẻ càng tăng lên vì số trẻ tự kỷ có khả năng đặc biệt rồi trở thành thiên tài rất hiếm.

Thông thường tự kỷ có 2 dạng là tự kỷ trí tuệ kém và tự kỷ trí tuệ cao, trong đó tự kỷ trí tuệ kém chiếm đa số, còn tự kỷ cao chỉ chiếm khoảng 5-7%. Bác sĩ Ân nói: “Não bộ được chia thành nhiều vùng như vùng cảm giác, vùng vận động, vùng ý thức, vùng tiềm thức… Với những trẻ tự kỷ cao, não bộ của chúng chỉ có một vùng là phát triển tốt nhưng sự liên kết giữa các vùng với nhau lại rất kém nên trẻ khó phát triển toàn diện”.

Cần sự quan tâm đặc biệt

Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm lý tâm thần, vấn đề chính của trẻ tự kỷ - dù tự kỷ thấp hay tự kỷ cao - là không thể giao tiếp tốt. Vì vậy, trẻ không chơi, không kết bạn với những đứa trẻ khác không phải vì chúng không muốn, mà vì chúng không biết làm thế nào để chơi cùng. Khi đã bị tự kỷ, trẻ chỉ hiểu và ưa thích những trò chơi cố định, lặp đi lặp lại. Nếu muốn - hoặc cần một điều gì đó - trẻ không diễn tả được bởi lẽ số lượng từ vựng của trẻ thường không đủ để nói lên sự mong muốn.

Tập cho trẻ làm quen với sinh hoạt cộng đồng là một trong những biện pháp tốt nhất để chữa chứng tự kỷ.

Để phát hiện sớm và điều trị chứng tự kỷ sao cho có hiệu quả nhất thì điều đầu tiên là các bậc phụ huynh cần phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về tự kỷ nhằm tránh hiểu nhầm về nguyên nhân - hoặc lẫn lộn giữa những triệu chứng thực thể với “bệnh do tà ma yêu quái”. Bên cạnh đó, phát hiện sớm còn giúp phân biệt trẻ tự kỷ với trẻ bị động kinh, trầm cảm, hội chứng tăng động, giảm chú ý…

Theo bác sĩ Thái, quan niệm rằng tự kỷ không chữa được là hoàn toàn sai lầm vì không bao giờ có hai đứa trẻ hoặc hai người lớn mắc chứng tự kỷ y hệt như nhau. Vì vậy, ngành tâm lý y học đã có những phương pháp điều trị cho từng đối tượng, từng độ tuổi khác nhau, giúp họ cải thiện kỹ năng sống. Còn mức độ và thời gian chữa khỏi tùy thuộc vào từng người?

Cuối cùng, các bậc phụ huynh khi nhận thấy con mình có những dấu hiệu bất thường về hành vi, ngôn ngữ, cử chỉ thì nên tìm đến các bệnh viện, phòng khám chuyên về tâm lý tâm thần để xác định nguyên nhân là do tâm lý hay bệnh lý. Theo bác sĩ Thái: “Cần lưu ý là có những trẻ 4-5 tuổi mà chưa biết nói hoặc chỉ nói được một vài từ nhưng về thể trạng, nó vẫn phát triển bình thường, vận động bình thường, nó hiểu được những gì người khác nói thì đừng vội cho rằng nó bị tự kỷ mà có thể nó chỉ bị chứng “chậm nói” mà thôi”…

Vũ Cao
.
.