"Pháo đài bay" tàng hình thế hệ mới B-21

Thứ Sáu, 16/08/2019, 16:28
Không quân Mỹ đã hoàn thành việc đánh giá chi tiết thiết kế mẫu máy bay ném bom B-21, và làm dấy lên những dư luận rằng thế hệ máy bay do thám mới này sẽ sẵn sàng ra mắt vào năm 2021.


Công nghệ tân tiến

So với máy bay ném bom B-2, dù có kích cỡ nhỏ hơn nhưng B-21 sẽ được trang bị công nghệ tàng hình và hệ thống tác chiến điện tử tân tiến hơn. Phiên bản mới thậm chí còn có thể được trang bị tên lửa hành trình tầm xa mang đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa hành trình tầm xa mang đầu đạn hạt nhân được sản xuất nhằm thay thế tên lửa hành trình phóng từ máy bay AGM-86B, loại tên lửa biên chế từ thập niên 1980, và được cho là có khả năng thực hiện các cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ đối phương, vượt mặt các hệ thống phòng không hiện đại để tiêu diệt mục tiêu khó tiếp cận.

Mô hình dự kiến của B-21.

Truyền thông Mỹ từng đưa tin nói rằng mục tiêu của tên lửa hành trình tầm xa mang đầu đạn hạt nhân là xuyên thủng lớp phòng thủ của tổ hợp phòng không S-300 cũng như S-400 do Nga chế tạo. Lầu Năm Góc dự kiến chi 17 tỷ USD để mua và triển khai 1.000 mẫu tên lửa này vào năm 2030.

Giới chuyên gia nhận định B-21 có hình dáng giống mẫu máy bay thâm nhập chiến lược tối tân (ASPA) và máy bay ném bom những năm 1980, tiền thân của mẫu B-2. Tuy nhiên, B-2 sau đó được thiết kế lại để hạ tầm bay thấp sau khi có nhận định cho rằng B-2 cần phải thâm nhập tầm thấp bởi các radar mới và nhạy bén hơn do Liên Xô chế tạo có thể phát hiện máy bay tàng hình tầm cao.

Trên thực tế, công nghệ tàng hình không giúp máy bay hoàn toàn vô hình, mà chỉ làm giảm khả năng và thời gian bị phát hiện của máy bay. Bởi vậy, B-21 còn được trang bị các thiết bị có khả năng gây nhiễu điện tử, công nghệ giúp loại vũ khí này có khả năng sống sót cao hơn trên chiến trường.

B-21 sử dụng 2 cặp động cơ General Electric F118-GE-100, được đặt gần đầu cánh máy bay, và ở khoảng giữa cánh và thân. Các cửa hút khí của động cơ B-21 Raider không có vành khuyết răng cưa và có độ dốc lớn hơn. Nhiều thông tin cũng nói rằng B-21 sẽ sử dụng một hệ thống máy tính cấu trúc mở, chứ không phải dạng cấu trúc đóng khó tích hợp vũ khí mới như một số máy bay khác, chẳng hạn như F-22.

Máy bay ném bom tấn công tầm xa B-21, hay B-21 Raider (Kẻ tập kích) do nhà thầu quốc phòng Northrop Grumman chế tạo. B-21 sẽ là mẫu máy bay ném bom chiến lược đầu tiên trong thế kỷ 21 của Mỹ. B-21 được đặt tên theo một chiến dịch tập kích đường không táo bạo được thực hiện trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Không quân Mỹ vẫn chủ yếu sử dụng máy bay ném bom B-52H ra đời năm 1952 của Boeing và máy bay ném bom B-1B Lancer. Số lượng các máy bay tàng hình B-2 không lớn và dự kiến hoạt động đến 2060.

Northrop Grumman bắt đầu chế tạo B-21 từ năm 2015, và công bố hoàn thành bản thiết kế dự kiến vào đầu năm 2017.  Theo nhiều thông tin, B-21 có chi phí phát triển khoảng 23,5 tỷ USD, với giá thành gần 600 triệu USD và ban đầu dự kiến đưa vào biên chế trong năm 2025.

Tham vọng vô hiệu hóa hệ thống phòng không của đối phương

Công nghệ do thám mới được thúc đẩy mạnh mẽ trước tham vọng hiện đại hóa của các công nghệ quốc phòng không quân do Nga và Trung Quốc khởi xướng, mà nhiều trong số đó có thể sẽ là đối thủ hoặc rào cản cho những vũ khí như B-2.

Tiến bộ trong tốc độ xử lý máy tính, công nghệ mạng lưới số và hệ thống định vị giúp nhiều hệ thống phòng không có thể phát hiện các máy bay do thám một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên B-21 dự kiến sẽ trở thành một bước đột phá cho Không quân Mỹ, giúp tăng cường khả năng vô hiệu hóa các hệ thống phòng không của đối phương trong tương lai.

Những mẫu máy bay ném bom của Mỹ.

Lấy ví dụ, hệ thống phòng không S-300 và S-400 của Nga sử dụng công nghệ kỹ thuật số để xây dựng mạng lưới các điểm nhằm theo dấu và xác định dữ liệu trong một khu vực rộng lớn. Các hệ thống phòng không mới với công nghệ điều khiển và kiểm soát tân tiến dễ phát hiện máy bay ở phổ rộng hơn so với các hệ thống cũ.

Những tiến bộ khoa học này có thể là rào cản đáng quan ngại với thế hệ máy bay ném bom B-2 song với những công nghệ mới của B-21, câu chuyện rất có thể sẽ lại khác. Vì lý do này, nhiều nhà phát triển quân sự hay các chuyên gia về công nghệ vũ khí và giới quan sát đều nhất trí cho rằng Không quân Mỹ thực sự cần đầu tư mạnh tay cho tham vọng có tên B-21 này.

Không quân Mỹ đang lên kế hoạch cho chuyến bay thử đầu tiên của chiếc máy bay được kỳ vọng là có thể tấn công "mọi mục tiêu, ở mọi nơi trên thế giới vào mọi thời điểm".

Một số công nghệ tiềm năng hướng các nhà thiết kế và chế tạo tạo ra một mẫu máy bay có cấu trúc và lớp vỏ dễ "che mắt" hệ thống radar của đối phương.

Với thiết kế của B-21, Không quân Mỹ sẽ đưa công nghệ tàng hình của B-2 lên một tầm cao mới. Thiết kế tàng hình của B-21 sẽ đối phó hiệu quả hơn với các radar tần số thấp ở các dải tần UHF và VHF vốn ngày càng được sử dụng phổ biến để đối phó với công nghệ tàng hình.

Thiết kế của B-21, tương tự như thiết kế ban đầu của B-2, nhằm "qua mặt" các radar dải tần thấp có thể phát hiện và theo dõi các tiêm kích tàng hình cấp chiến thuật như F-22 và F-35. Để đáp ứng yêu cầu này, thiết kế cánh bay của B-21 cũng phải có kích thước đủ lớn.

Để vượt qua radar dải tần thấp có bước sóng dài hàng mét đến hàng chục mét, thiết kế của máy bay tàng hình phải đảm bảo không có bộ phận nào trên máy bay quá nhỏ dễ dẫn đến việc gây ra hiện tượng cộng hưởng sóng radar. Hiện tượng cộng hưởng xảy ra khi một bộ phận trên máy bay, chẳng hạn như phần cánh đuôi, có kích thước nhỏ hơn 8 lần so với bước sóng radar.

Điều này đồng nghĩa với việc B-21 cần phải được phủ tối thiểu hơn 60cm lớp sơn vật liệu hấp thụ radar trên mọi bề mặt - điều hoàn toàn bất khả thi trong thực tế - hoặc các nhà thiết kế buộc phải tối ưu hóa dải tần mà máy bay hoạt động.

Do đó, để vượt qua các radar tần thấp như UHF và có thể là VHF, B-21 buộc phải được thiết kế để toàn bộ phần thân và cánh máy bay gần như là một khối đồng nhất. Thiết kế không có cánh đuôi của B-21 và B-2 giúp giảm tiết diện radar tần thấp đến mức gần như trở nên vô hình đối với hệ thống radar UHF hay VHF.

Những con số tranh cãi

Hiện vẫn chưa rõ Không quân Mỹ sẽ mua bao nhiêu chiếc B-21, song có nguồn tin cho biết giới lãnh đạo dự kiến con số "tối thiểu" là 100 chiếc. Lực lượng này nói rằng vào khoảng những năm 2030, 62 máy bay ném bom B-1 sử dụng từ thập niên 80 của thế kỷ trước sẽ được "nghỉ hưu", và tiếp sao đó là toàn bộ 20 máy bay B-2 vận hành từ những năm 1990.

Phi đội ném bom hiện hành của Mỹ (lần lượt từ xa tới gần là B-2, B-52 và B-1).

Theo tạp chí National Interest, Không quân Mỹ sẽ nâng cấp 76 máy bay ném bom B-52 và mua ít nhất 100 máy bay do thám B-21 mới. Đến năm 2040, phi đội hiện đại này sẽ bao gồm khoảng 175 máy bay ném bom - cả mẫu B-21 mới và những "đàn anh" B-52 đã 80 năm tuổi!

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng con số trên khó khả thi. Vấn đề nằm ở chỗ theo kế hoạch được đưa ra vào tháng 9-2018, Không quân Mỹ sẽ nâng tổng số phi đội từ 312 lên 386 phi đội.

Sau tuyên bố trên, Không quân đã giải tán một phi đội F-22 và tái cơ cấu số máy bay của phi đội này, đồng nghĩa với việc tính tới đầu năm 2019, Không quân Mỹ chỉ còn 311 phi đội và họ sẽ phải bổ sung tới 75 phi đội để hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Điều này đòi hỏi việc trang bị tới hàng trăm máy bay mới với tổng chi phí ước tính hàng tỷ USD.

Đến đầu năm 2019, Không quân Mỹ duy trì 9 phi đội máy bay ném bom tiền tuyến tại các căn cứ ở Missouri, Texas, Bắc và Nam Dakota. Một phi đội máy bay ném bom trung bình gồm 8 máy bay, và số lượng chủ yếu được căn cứ theo đơn vị huấn luyện hay các đợt bảo dưỡng định kỳ.

Để bổ sung thêm 5 phi đội, Không quân Mỹ cần mua thêm 75 máy bay ném bom so với con số dự kiến là 100 chiếc. Với giá thành gần 600 triệu USD cho một chiếc B-21, kế hoạch này của Không quân Mỹ sẽ trở thành gánh nặng tài chính đối với người đóng thuế Mỹ.

Việc tăng cường trang bị cho lực lượng không quân đang tạo ra làn sóng tranh cãi. Có ý kiến cho rằng việc mở rộng phi đội máy bay ném bom là cần thiết, trong khi số khác nhìn nhận con số 175 là đủ cho cấu trúc hiện tại của lực lượng không quân. Chưa rõ Lầu Năm Góc sẽ có quyết định theo hướng nào.

Một số người đặt dấu hỏi vì sao Không quân Mỹ không tiếp tục duy trì các máy bay B-1 và B-2 lâu hơn? Theo một đánh giá năm 2016, các máy bay B-2 vẫn có thể vận hành tới tận những năm 2060. Trong khi đó, các máy bay B-1 không còn đủ đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, cũng như đã chịu những thiệt hại và hỏng hóc nặng nề sau các chiến dịch tại Iraq và Afghanistan.

Hộ tống "Kẻ tập kích"

Song song với việc phát triển B-21, Không quân Mỹ cũng có kế hoạch chế tạo máy bay tầm xa để hộ tống máy bay tàng hình thế hệ 5 này, làm tăng khả năng tác chiến và sống sót khi xâm nhập sâu vào lãnh thổ đối phương. Đây sẽ là thế hệ máy bay chiến đấu thứ 6, được phát triển theo chương trình "Xuyên thủng hệ thống phòng không đối phương (PCA)

Để phá hủy các hệ thống tên lửa tầm xa hiện đại, B-21 sẽ phải vượt qua các hệ thống phòng thủ dày đặc, và sẽ rất khó sống sót trước các vũ khí đánh chặn và tên lửa phòng không dù được trang bị công nghệ tàng hình hiện đại.

Vì vậy, các máy bay tấn công PCA sẽ bay cùng B-21 và bắn hạ các máy bay địch khi chúng tới gần, sử dụng tên lửa đánh chặn từ xa để tấn công các hệ thống phòng không dưới mặt đất, tạo điều kiện cho B-21 có không gian để thực hiện nhiệm vụ tấn công các mục tiêu trọng yếu.

Thế hệ máy bay chiến đấu mới nhiều khả năng sẽ được thiết kế với lớp vỏ tàng hình và hoạt động tầm xa bởi hai yếu tố này rất cần thiết trong việc phối hợp cùng "Kẻ tập kích" B-21 và sống sót trong khu vực phòng thủ dày đặc của đối phương.

Nhiều nguồn tin còn nói rằng PCA sẽ sử dụng hệ thống radar và cảm biến hồng ngoại để tiêu diệt máy bay địch từ ngoài tầm quan sát. Các vũ khí này cũng có thể được thiết kế dạng cánh bằng, thậm chí giống mô hình thu nhỏ của B-21, nhằm tăng khả năng tàng hình.

Tạp chí Không quân dẫn lời Phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Stephen Wilson tiết lộ khả năng B-21 sẽ có chuyến bay đầu tiên vào tháng 12-2021. Cuối tháng 7, ông Wilson vừa có chuyến thăm cơ sở của nhà thầu Northrop Grumman và cho biết "tiến độ đang được đẩy nhanh".

Trong chuyến bay đầu tiên, B-21 sẽ được vận hành theo một cuộc tấn công hạt nhân giả lập. Sự kiện này dự kiến diễn ra tại căn cứ Không quân Edwards ở bang California.

Dù vẫn còn có nhiều vấn đề chưa thỏa đáng về thiết kế và tranh cãi về ngân sách có thể cản trở lộ trình, giới phân tích cho rằng việc lãnh đạo Không quân Mỹ bình luận về thời gian ra mắt của B-21 có thể là tín hiệu cho thấy họ rất tự tin về tiến độ của một trong những chương trình vũ khí được giữ khá kín này.

Những chiếc B-21 đầu tiên sẽ được cất cánh tại căn cứ không quân Ellswoth, bang Nam Dakota.

Thái Hân (tổng hợp)
.
.