Sau 3 thế kỷ, dự án kênh Kra vẫn nằm trên giấy

Thứ Tư, 02/05/2018, 18:14
Ý tưởng xây dựng kênh đào Kra, còn gọi là kênh Thai hay kênh Kra Isthmus, được kỹ sư người Pháp Le Lamar đưa ra từ năm 1677. Đây là dự án xây dựng một kênh đào nối vịnh Thái Lan với biển Andaman ở Ấn Độ Dương, chạy qua eo đất hẹp Kra ở miền Nam Thái Lan và bỏ qua Singapore.

Nếu được xây dựng, kênh đào Kra sẽ cung cấp một giao lộ mới thay thế con đường qua eo biển Malacca và rút ngắn khoảng 1.200km quãng đường vận chuyển qua eo biển này. Thế nhưng, sau hơn 3 thế kỷ, dự án này vẫn chỉ là... dự án mà thôi.

Năm 2005, báo Washington Post của Mỹ dẫn báo cáo nội bộ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Donald Rumsfeld tiết lộ, Trung Quốc đang xem xét cấp vốn xây dựng kênh đào Kra. Kế hoạch của Bắc Kinh khi đó dự tính tiêu tốn 20-25 tỉ USD, sử dụng 30.000 nhân công và kéo dài trong vòng 10 năm.

Sau nhiều năm tạm ngừng, kể từ tháng 5-2015, Trung Quốc đã tích cực vận động cho dự án xây dựng kênh đào nhân tạo lớn nhất khu vực châu Á này. Trên thực tế, Trung Quốc đã bỏ xa các quốc gia khác trong cuộc đua giành quyền hợp tác với Thái Lan để xây dựng kênh đào Kra.

Theo thông tin không chính thức, đại diện của Trung Quốc và Thái Lan vào tháng 5-2015 đã ký một biên bản ghi nhớ về việc xây dựng kênh đào Kra. Kênh Kra dự kiến được xây dựng với chiều dài 163km và với kinh phí khoảng 28 tỉ USD. Nếu được xây dựng, đây sẽ là kênh đào nhân tạo lớn nhất châu Á.

Mặc dù vậy, vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy dự án có bước tiến triển đáng chú ý, bất chấp những nỗ lực vận động thúc đẩy của Hiệp hội Kênh đào Thái Lan (TCA), được một số học giả và quan chức quân đội, trong đó có cựu Tư lệnh Quân khu 2, Tướng Thawatchai Samutsakorn - Phó Chủ tịch TCA, thành lập trong nỗ lực để thực hiện tầm nhìn chung về việc đào một con kênh mới với giá trị kinh tế cao.

TCA hiện được lãnh đạo bởi cựu Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pongthep Thetprateep, người cũng đang là Tổng Thư ký của Quỹ Chính khách Prem Tinsulanonda. Phó lãnh đạo của Hiệp hội là Tướng Pradit Boonkerd, còn Tổng Thư ký TCA là Thiếu tướng Sornchai Kaewnop. Trong những năm qua, TCA đã nỗ lực thuyết phục nội các của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha bắt tay thực hiện dự án quy mô lớn này.

Kể từ khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra thành lập một ủy ban nghiên cứu tính khả thi của con kênh trong những năm 2000, dự án đã bị đình trệ nhưng điều đó đã không ngăn cản được các nhà vận động cố gắng đưa dự án này trở lại tâm điểm chú ý. Tướng Thawatchai đã nêu ra vấn đề này trong cuộc trao đổi gần đây với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, người cùng học Khóa 12 của Trường Dự bị quân sự và Khóa 18 của Học viện Quân sự Chulachomklao với ông.

Tuy nhiên, vị thủ tướng của chính quyền quân sự Thái Lan đã không đưa ra hứa hẹn gì về kế hoạch này. Ông Thawatchai nói: “Tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Prayut nhiều lần, ông ấy nói rằng do chỉ lên nắm quyền tạm thời nên ông ấy không thể giải quyết được vấn đề”.

Thái Lan và Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về kênh đào Kra nhưng chính quyền hai bên đều không xác nhận việc này.

Tại một diễn đàn được tổ chức hôm 24-3 vừa qua bởi Đại học Rangsit với tựa đề “Các bên liên quan trong dự án kênh đào Kra-Klong Thai”, vấn đề an ninh quốc gia và tác động của việc đào kênh đối với ngành du lịch là một trong những vấn đề quan tâm chính khi các chuyên gia đưa ra các lập luận phản bác dự án. Diễn đàn kêu gọi chính phủ thành lập một ủy ban quốc gia tiến hành một nghiên cứu về tất cả các khía cạnh liên quan của dự án, vốn được xem là “Cửa ngõ mới cho Con đường tơ lụa trên biển”.

Chủ tịch TCA, Đại tướng Pongthep Thesprateep kêu gọi chính phủ thành lập một ủy ban quốc gia có thể giúp đưa một kết luận mang tính quyết định về con kênh dự kiến sẽ chạy qua eo đất phía nam của đất nước. “Dự án này có cả mặt thuận và nghịch, vì vậy nếu hội đồng kết luận rằng, con kênh sẽ có lợi cho đất nước thì nó nên được xúc tiến, nếu không đề xuất có thể bị bác bỏ”, Chủ tịch TCA đã phát biểu như vậy khi đề cập đến những cuộc thảo luận về dự án này trong xã hội Thái Lan suốt hơn một thế kỷ qua mà vẫn không đưa đến kết luận rõ ràng.

Ông nói rằng, theo một nghiên cứu của TCA, con kênh sẽ có lợi cho đất nước vì nó sẽ kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, cũng như rút ngắn đáng kể các tuyến vận tải Đông - Tây. Nghiên cứu của TCA cũng cho rằng, 65% dân số ở miền Nam, vốn sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án, đã chấp thuận dự án.

Là tiếng nói phản đối dự án đào kênh, Đô đốc Jumpol Loompikanon, Phó Bí thư thường trực Bộ Quốc phòng, cho biết, đất nước cần phải cân bằng giữa các mặt địa chính trị và địa kinh tế. Đô đốc Jumpol, người phát ngôn của Hải quân Hoàng gia Thái Lan và là thành viên của nhóm chiến lược về biển và duyên hải, nói thêm rằng, rất khó cho các cơ quan an ninh ra quyết định có theo đuổi dự án hay không vì cần thêm thông tin toàn diện.

Ông Thon Thamrongnawasawat, Phó Trưởng khoa Ngư nghiệp, Đại học Kasetsart, đã nêu lên mối quan ngại về tác động đối với ngành du lịch và môi trường nếu tiến hành đào kênh như đề xuất. Tuyến được đề xuất sẽ đi qua một số địa điểm du lịch ở miền Nam, bao gồm Phuket và Krabi. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới, ngành du lịch tạo ra thu nhập khoảng 3.000 tỉ baht cho Thái Lan mỗi năm và xếp thứ ba trên thế giới.

Ông Thon đã không đưa ra ý kiến về dự án nhưng cảnh báo về những nguy hiểm đối với ngành du lịch và môi trường, trích dẫn sự cố tràn dầu ở vịnh Thái Lan ngoài khơi Koh Samet và Map Ta Phut ở tỉnh Rayong vào năm 2013. Ông nói: “Việc quản lý rủi ro sẽ như thế nào? Tuyến kênh đề xuất chạy qua các khu du lịch ở biển Andaman, nơi tạo ra khoảng 40% hoặc gần 2.000 tỉ baht trong tổng doanh thu từ ngành du lịch”.

Đứng trên phương diện an ninh, vấn đề xây dựng kênh đào cắt đôi đất nước có vẻ bị nhiều nhân vật trong chính giới Thái Lan phản đối. Trên thực tế, đã có những tranh cãi gay gắt trong nước, chủ yếu do ý kiến của những người lo ngại nguy cơ “đất nước Chùa Vàng” có thể bị mất các tỉnh Yala, Pattani và Narathiwat vào tay những người Hồi giáo ly khai.

Một số người lo ngại rằng, các phần tử ly khai ở miền Nam sẽ lợi dụng dự án này để tăng cường hoạt động nổi dậy ở khu vực cực Nam đất nước. Bênh cạnh đó, không thể không nhắc tới những phản đối tiềm ẩn từ nước láng giềng Singapore, vốn có thể bị ảnh hưởng một khi lượng tàu vận tải giảm mạnh ở eo biển Malacca do sự xuất hiện của kênh Kra.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.