Tàu khu trục Kasatonov - "Ông vua biển cả"

Thứ Ba, 18/02/2020, 14:45
Hôm 11/2, tàu khu trục Kasatonov thuộc dự án 22350 của Nga đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm "chiến tranh điện tử trên biển" cùng với các tàu thuyền khác của Hạm đội phương Bắc trên biển Barents. Trước đó, vào hồi cuối tháng 12, Kasatonov cũng có nhiều bài tập trên biển Trắng.


Chiến tranh điện tử trên biển

Theo tin từ hãng The Barents Obsever, tàu khu trục Kasatonov là lớp tàu khu trực thứ 2 được hãng đóng tàu Severnaya Verf chế tạo tại Saint Petersburg cho hải quân Nga. Tàu này được thiết kế bởi Cục thiết kế Severnoye và kết hợp sử dụng công nghệ tàng hình và là một trong 6 con tàu được hải quân Nga đặt hàng.

Tàu khu trục tối tân này đã được khởi động sản xuất vào ngày 26/11/2009 và hạ thủy ngày 12/12/2014. Tàu dự kiến sẽ được bàn giao cho Hải quân Nga trong năm 2020. Ghi nhận từ Reuters cho hay, trong bài tập luyện lần này cùng Hạm đội phương Bắc, tàu khu trục Kasatonov có nhiệm vụ gây nhiễu sóng radar và giả mạo thụ động bằng chiến tranh điện tử ở biển Barents để bảo vệ tàu chiến khỏi các tên lửa chính xác.

Việc này được cho là để thử nghiệm lại các tính năng của tàu bởi hồi tháng 11, khi Kasatonov được thử nghiệm trên biển Trắng, quân đội Na Uy đã phàn nàn việc hoạt động quân sự của họ bị nhiễu nặng.

Tờ Aftenposten dẫn lời một quan chức quân đội Na Uy cho hay, khi một số hoạt động quân sự của Na Uy đang thực hiện theo kế hoạch thường lệ thì bất ngờ xuất hiện nguồn gây nhiễu sóng vô tuyến được ghi nhận xuất phát ở khu vực Kirkenes. Ngay sau đó, công tác sàng lọc đối tượng đã được Na Uy thực hiện và họ phát hiện Hải quân Nga đang thử nghiệm tàu khu trục Kasatonov.

 Khi đó, giới chuyên môn đã đánh giá rằng, dù chỉ tác động ngoài ý muốn nhưng chừng đó cũng đủ thấy khả năng tác chiến điện tử của tàu Nga rất mạnh.

Điều đặc biệt là cùng với hệ thống điện tử tối tân, tàu khu trục Kasatonov còn được trang bị hệ thống lá chắn 5P-42 Filin - khí tài khiến đối phương không thể ngắm bắn. Thiết bị này được thiết kế nhằm triệt tiêu các kênh quan sát quang học trực quan và quang học điện tử, cũng như vũ khí cận chiến mà kẻ thù sử dụng để chống lại tàu tuần dương và xuồng ca nô của hải quân vào ban đêm hay lúc chạng vạng.

Hồi tháng 1, tàu khu trục Kasatonov cũng đã thử nghiệm vũ khí và radar phòng không Poliment-Redut. Máy bay Su-24 và An-26 đã bay trên tàu chiến ở nhiều độ cao và khoảng cách khác nhau.

Tờ Moscow Times cho biết, dựa trên kết quả của các thử nghiệm và kết luận của ủy ban nhà nước, Tổng tư lệnh hải quân Nga Nikolai Yevmenov sau đó sẽ đưa ra quyết định về việc chấp nhận tàu chiến phục vụ ở Hạm đội phương Bắc của Nga hay không. Trước đó, từ tháng 7 năm 2019, con tàu này liên tục được thử nghiệm các tính năng và sức mạnh quân sự của mình.

Trong quá trình thử nghiệm, thủy thủ đoàn trên tàu và các nhóm bàn giao sẽ tiến hành kiểm tra hoạt động của tất cả các hệ thống, các cơ chế hoạt động, thiết bị và hệ thống vũ khí trên tàu.

Tàu khu trục Kasatonov có lượng giãn nước 4.500 tấn và có thể mang tới 16 tên lửa hành trình Kalibr - loại tên lửa có khả năng triệt hạ mục tiêu ở khoảng cách 2.600 km và có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng không cũng như lá chắn tên lửa nào hiện nay. Bên cạnh đó, tàu còn được trang bị hệ thống tên lửa Oniks và hệ thống chống hạm Poliment-Redut. Hồi cuối tháng 11, tàu đã hoàn thành các bài thử nghiệm bắn tên lửa hành trình vào các mục tiêu trên Biển Trắng.

Cụ thể, các lần bắn thử nghiệm được thực hiện bởi tên lửa hành trình Calibre và Onyx. Tàu khu trục đã phóng tên lửa hành trình Calibre và Onyx từ các bệ phóng tiêu chuẩn và bắn trúng mục tiêu thành công.

"Tàu khu trục đã bắn tên lửa hành trình vào các mục tiêu trên biển trong phạm vi huấn luyện của Hạm đội phương Bắc ở Biển Trắng. Đây là một phần trong giai đoạn tiếp theo của các thử nghiệm trên biển. Cuộc thử nghiệm đối với các tên lửa đã được ghi lại bởi phi hành đoàn máy bay Il-20, mục tiêu được theo dõi bởi máy bay Il-38 của Lực lượng Không quân Hạm đội phương Bắc", báo cáo về hoạt động thử nghiệm có đoạn viết. 

"Ông vua biển cả"

Giới quan sát nhận định, cùng với tàu khu trục Gorshkov, tàu Kasatonov đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với hải quân Nga trong tương lai. Và dự án 22350 về đóng 6 tàu khu trục là dự án đầu tư lớn nhất của hải quân Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Tàu khu trục Kasatonov đang hoàn thành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng để được giao về Hạm đội phương Bắc.

"Một cuộc cách mạng công nghệ đang phát triển trong ngành đóng tàu quân sự trên thế giới và không có tàu nào đáp ứng được yêu cầu của nó. Nga đã tiến gần đến một bước đột phá trong tên lửa chống hạm và thiết kế tên lửa chống hạm mới. Vì thế, họ cần các tàu chiến mới như tàu khu trục của dự án 22350. Việc xây dựng kế hoạch này được thực hiện từ những năm 2000 nhưng thời điểm đó, Moscow chưa thực sự sẵn sàng. Chỉ đến năm 2006, mọi ý tưởng mới hiện hữu và các tàu khu trục bao gồm tất cả các công nghệ tiên tiến như: khả năng bắn tên lửa hành trình, radar Poliment mạnh mẽ, chống ngư lôi, nhà máy điện chính với động cơ diesel, tăng cường tuabin khí và súng 130mm...", tờ Vzglyad viết.

Trong khi đó, giới quân sự Nga đã gọi các tàu khu trục thuộc dự án 22350 là "bất khả chiến bại" trên mọi vùng biển.

Khi hạ thủy tàu khu trục Kasatonov, Tư lệnh hải quân Nga, Đô đốc Viktor Chirkov thậm chí còn nhấn mạnh: 'Chúng tôi hạ thủy con tàu thứ 2 của dự án 22350 với trọng tâm vươn ra các vùng biển xa, giúp giải quyết mọi vấn đề bảo đảm lợi ích của Nga ở bất cứ vùng biển nào trên thế giới. Chiến hạm này là biểu tượng sức mạnh hải quân Nga".

Theo mô tả của hãng tin AP thì các tàu khu trục của dự án 22350 được chỉ định để chiến đấu với tàu ngầm và tàu chiến ở đại dương và biển; đẩy lùi các cuộc tấn công trên không một cách độc lập và cả trong đội hình.

Vỏ của tàu khu trục được lát phẳng và có cấu trúc thượng tầng ba đảo, một tháp pháo và một phễu thép. Các công nghệ tàng hình đã được sử dụng trong việc xây dựng để làm cho tàu chiến thực sự vô hình đối với các radar của kẻ thù.

Tàu có chiều dài ít nhất là 135 mét, rộng 16m và có máy điện tua-bin khí diesel với công suất 65.000 mã lực. Tàu có thể tăng tốc lên đến 29 hải lý/giờ với thủy thủ đoàn khoảng 170 người. Riêng tàu Kasatonov thì có thể đạt tốc độ tối đa lên đến 30 hải lý/giờ.

Vũ khí chống tàu ngầm của Kasatonov gồm hệ thống RPK-9, cùng với đó là hai hệ thống cận chiến 3M89 Palash, và khẩu pháo A-192 130mm và một trực thăng săn ngầm Ka-27PL.

Ngoài các vũ khí tối tân, tàu còn có thể mang theo một máy bay trực thăng Ka-27. Trước khi thực hiện các bài tập trên biển Trắng và biển Barents, tàu khu trục Kasatonov cũng đã thực hiện các bài tập tương tác với lực lượng hàng không.

Các thiết bị vô tuyến của tàu đã được điều khiển bởi các máy bay Su-24, trực thăng Ka-27 và Ka-31 của Không quân Nga. Các phi công trực thăng cũng thực hiện nhiều lần hạ cánh và cất cánh trên boong tàu.

Ngoài ra, con tàu còn được thử nghiệm hoạt động trên băng. Các thử nghiệm bắn tên lửa trong giai đoạn trước đó thì diễn ra ở biển Baltic.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.