Thách thức khôi phục Nhà thờ Đức Bà Paris
- Sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà, "áo gile vàng" vẫn làm Paris chìm trong khói lửa
- Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà và nỗi đau nước Pháp
Nhà thờ Đức Bà Paris là một công trình kiến trúc mất tới cả thế kỷ để xây dựng. Nó đã tồn tại nhiều thế kỷ qua với nhiều lần tu sửa, phục dựng. Vụ cháy ngày 15-4 sẽ là một dấu mốc nữa trong lịch sử phát triển và bảo tồn nhà thờ.
Sau bi kịch, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đảm bảo nước Pháp sẽ cùng nhau xây lại nhà thờ đẹp hơn và sẽ xây lại trong 5 năm. Đã có hơn 670 triệu USD được quyên góp để xây lại nhà thờ chỉ trong vòng 24 tiếng kể từ khi thảm họa xảy ra. Tới nay, số tiền mà các cá nhân, tổ chức cam kết đã lên tới hơn 1 tỷ USD.
Những khoản tiền đóng góp hào phóng này đã giải quyết được phần khó khăn nhất trong mọi dự án khôi phục lớn. Khi ngân sách đã có, vấn đề cần tính tới lúc này chính là quy trình, công nghệ, phương án khôi phục Nhà thờ Đức Bà Paris.
Những công việc đầu tiên
Theo các chuyên gia, với bất kỳ tòa nhà nào bị hư hỏng trong hỏa hoạn, an toàn sẽ là vấn đề đầu tiên được tính tới. Với nhà thờ Đức Bà Paris, cấu trúc chính và hai tháp chuông đã được bảo toàn, nhưng các phần của nhà thờ vẫn có nguy cơ bị sập cục bộ hoặc sẽ có mảnh vỡ rơi xuống bất kỳ lúc nào.
Cần trục nâng một robot lên để kiểm tra tường phía bắc nhà thờ. Ảnh: AFP. |
Do đó, theo sử gia kiến trúc Jonathan Foyle, trước khi phân loại khu vực được bảo toàn và khu vực phải xây lại, giới chức Pháp sẽ cần thực hiện ngay những biện pháp để ngăn nhà thờ bị hư hỏng thêm. Ít nhất, Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ cần một mái che tạm thời. Ông Foyle giải thích: "Nhà thờ giờ là một tòa nhà ướt sũng vì lượng nước được bơm vào để dập lửa, nên nó sẽ cần loại mái che nào đó để che chắn trước các yếu tố tác động".
Ông Frédéric Létoffé, Giám đốc Tổ chức các công ty khôi phục lăng tẩm lịch sử ở Pháp cho rằng không có công việc nào là nhỏ trong quá trình phục dựng. Quá trình sẽ đòi hỏi nhiều công việc, không chỉ là nâng đỡ và gia cố, mà cần phải cấy cả một hệ thống giàn giáo với mái che bao bọc toàn bộ phần mái bị cháy, đảm bảo tòa nhà không bị dãi nắng dầm mưa.
Theo kiến trúc sư Jonh Burton, một nhà khảo sát trong dự án bảo tồn các nhà thờ Gothic ở Anh như Canterbury và Tu viện Westminster, mái che tạm thời sẽ giúp các chuyên gia kiểm tra chi tiết khu vực để nắm được khu vực nào không bị ảnh hưởng. Ông Burton giải thích: "Cấu trúc Gothic đều liên quan tới sự cân bằng. Toà nhà đứng vững được nhờ mọi thành phần cấu thành được kết nối với nhau. Phần vòm có tường chống từng nâng đỡ cả tòa nhà giờ có thể mất cân bằng".
Phục dựng y nguyên hay thay đổi?
Sau khi bảo vệ được phần còn lại của nhà thờ, các nhóm phục dựng sẽ phải đánh giá thiệt hại và công việc này có thể mất hàng năm. Muốn quyết định phương án xây lại, giới chức Pháp cần hiểu rõ hơn cách người xưa xây nhà thờ trung cổ này. Nhà thờ vốn không có hồ sơ xây dựng trong thời gian từ lúc khởi công năm 1163 tới khi hoàn thành năm 1240. Do đó, cần rất nhiều nhà khảo cổ học để xem xét toàn bộ nhà thờ nhằm hiểu rõ sẽ phải sửa lại phần nào và phần đó thuộc khu vực nào.
Trong khi đó, ông Peter Riddington, kiến trúc sư thuộc Hiệp hội Donald Install từng tham gia khôi phục lâu đài Windsor sau hoả hoạn năm 1992 cho rằng các điều tra viên có thể sẽ quyết định chia diện tích sàn thành các phần và giao cho mỗi nhóm rà soát mọi ngóc ngách trong khu vực của mình. Họ sẽ nhặt bất kỳ cái gì hữu ích để tái sử dụng hoặc để làm mẫu cho cái mới.
Sau khi "khám nghiệm" nhà thờ xong, có thể sẽ phải thành lập các uỷ ban chuyên gia để đánh giá từng thứ thu được, từ mảnh kính vỡ cho tới đồ vật mạ vàng. Sau đó, một tổng kiến trúc sư sẽ phải đưa ra một bản thiết kế tổng thể.
Mục đích phục dựng không phải lúc nào cũng là sao chép y nguyên mẫu cũ. Công nghệ và thị hiếu hiện đại có thể ảnh hưởng tới quá trình hình dung lại cấu trúc nhà thờ. Giới chức Pháp có thể muốn trung thành với các phiên bản cũ của nhà thờ nhưng cũng có khả năng họ sẽ có bước đi táo bạo trong xây lại nó. Nhà thờ từng bị cháy một số lần trước đây và nó đã được xây lại theo nhiều phong cách khác nhau.
Trong những ngày qua, có nhiều tranh luận về việc có nên xây lại gác mái và tháp nhọn nhà thờ y như cũ hay không vì quá trình này sẽ rất mất thời gian. Cũng có ý kiến cho rằng cần ưu tiên sử dụng vật liệu mới hơn, an toàn hơn cùng công nghệ và thiết kế mới trong quá trình xây lại. Kiến trúc sư Pháp Jean-Michel Wilmotte cho biết ông sẽ tham gia cuộc thi quốc tế thiết kế tháp nhọn mới mà Pháp phát động và ông ưu tiên dùng vật liệu hiện đại như thép và titan hơn là gỗ hay chì.
Trong bài phát biểu sau vụ cháy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông không phản đối thay thế tháp nhọn đã đổ trong hỏa hoạn bằng một thứ gì đó có dáng dấp kiến trúc đương đại.
Trong thực tế, tháp nhọn bị đổ sập trong hỏa hoạn chính là phần được thêm vào khu nhà thờ trước đây. Nó được xây thêm trong đợt phục dựng quy mô hồi thế kỷ 19. Người thiết kế tháp là kiến trúc sư Eugene Viollet-le-Duc. Ông đã làm cho ngọn tháp cao hơn và phức tạp hơn ngọn tháp từng tồn tại.
Các cửa sổ kính màu trong nhà thờ có từ khi nó được xây dựng cũng đã được thay thế trong hai thế kỷ sau đó. Lúc đó, cả vua Louis XIV và Louis XV đều muốn hiện đại hóa tòa nhà theo phong cách khác.
Tóm lại, quá trình phục dựng hồi thế kỷ 19 đã tạo ra nhiều thay đổi lớn với mặt tiền và nội thất nhà thờ. Nhà thờ không phải bị "hóa thạch". Nó không hề bất biến kể từ đầu thế kỷ 13.
Nên xây lại nhà thờ như cũ hay thay đổi một số phần? (Trong ảnh: Nhà thờ năm 2010). Ảnh: AFP. |
Một thực tế cần phải thừa nhận là dù có muốn, giới chức Pháp cũng khó lòng khôi phục y nguyên nhà thờ như trước vụ cháy. Giám đốc một công ty gỗ ở Pháp, ông Sylvain Charlois cho rằng xây lại nhà thờ chắc chắn sẽ cần hàng năm trời, thậm chí hàng thập kỷ và sẽ cần rất nhiều gỗ. Khung của nhà thờ được gọi là một khu rừng vì nó cần rất nhiều cây trong quá trình xây dựng. Cấu trúc gồm các dầm gỗ làm từ những cái cây bị chặt vào năm 1160. Hiện nay, Pháp không còn những loại cây đủ to để thay thế các dầm gỗ cổ xưa đã bị cháy. Mái nhà thờ cũng không thể được xây lại chính xác như trước vụ cháy.
Thủ công hay công nghệ hiện đại?
Theo nhiều chuyên gia, xây lại Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ cần rất nhiều lao động lành nghề và thợ thủ công như thợ xây, thợ mộc, thợ trát vữa, thợ khắc… Trong khi đó, Pháp lại gặp tình trạng thiếu thợ lành nghề để tham gia kiểu dự án phục dựng như vậy khi mà mỗi năm, nước này mất đi hơn 500 thợ xây. Theo ông Jean-Claude Bellanger, giáo viên chính tại Les Compagnons du Devoir, một cơ sở Pháp đào tạo các nghề thủ công, đây là cơ hội để Pháp đào tạo thế hệ thợ thủ công lành nghề tiếp theo. Ông nói: "Quá trình phục dựng nhà thờ sẽ không xong sớm, có lẽ mất 10 đến 12 năm. Đó là cơ hội để đào tạo thợ thủ công không chỉ cho Nhà thờ Đức Bà mà còn cho các tòa nhà khác".
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào thợ thủ công thì không đủ. Cần phải có cả công nghệ hiện đại tham gia. Các chuyên gia cho rằng nỗ lực phục dựng nhà thờ sẽ là bằng chứng tuyệt vời về tầm quan trọng của công nghệ mới trong phục dựng các tòa nhà tương tự.
Tiếp cận thêm một số công nghệ cao sẽ giúp thợ thủ công và công nhân xây dựng xây được một cấu trúc bền hơn. Khi thay thế mái nhà thờ bằng gỗ và các bộ phận bằng gỗ khác, công nhân có thể cân nhắc sử dụng vật liệu hiện đại hơn, được xử lý chống mối mọt.
Các máy móc có thể giúp tạo ra bản sao các chi tiết phức tạp mà nếu cách đây vài chục năm sẽ là điều không thể. Các bộ phận được đặt ẩn trên mái nhà có thể giúp làm gia cố khung nhà thờ. Biện pháp chống nước mới có thể giúp bảo vệ thêm cho nhà thờ.
Sau vụ cháy, nhiều người đã nghĩ ngay tới một công nghệ có thể giúp xây lại Nhà thờ Đức Bà Paris. Trước khi thảm họa cháy xảy ra, ông Andrew Tallon, một sử gia kiến trúc tiên phong qua đời năm 2018, đã dành cả đời mình để nghiên cứu kiến trúc trung cổ. Ông đã kết hợp đam mê của mình vào công nghệ để thiết lập một số biện pháp mới lạ trong nghiên cứu các tòa nhà có tuổi tính bằng thế kỷ.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, ông cho biết khi nghiên cứu tòa nhà trung cổ, khó có thể tìm được cái gì mới vì người ta đã xem xét và viết về chúng rất nhiều. Vì thế, ông đã sử dụng công nghệ tinh vi hơn của thời hiện đại để tìm câu trả lời mới từ các tòa nhà cổ.
Năm 2010, ông Tallon đã mang một chiếc máy quét Leica ScanStation C10 tới Nhà thờ Đức Bà Paris và bắt đầu quét từng chi tiết trong cấu trúc đồ sộ này, từ trong ra ngoài. Ông đặt máy quét lên một giá ba chân, dựng bút đánh dấu và khởi động máy. Trong vòng 5 ngày, ông và một người hỗ trợ đã đặt máy quét 50 lần tất cả để tạo ra một bộ dữ liệu chưa từng có về một trong những tòa nhà truyền cảm hứng nhất thế giới.
Ông Tallon cũng chụp ảnh toàn cảnh độ phân giải cao để lập bản đồ ba chiều mà máy quét laser có thể tạo ra. Đồng nghiệp của ông là John Ochsendorf thuộc Viện Công nghệ Massachusetts kể lại: "Tallon đã quét liên tục toàn bộ tòa nhà. Ông ấy trèo lên trên các mái vòm và bên dưới mái nhà thờ để chụp ảnh các hình khối".
Giờ đây, khi nhà thờ bị hư hỏng nặng, dữ liệu mà ông Tallon đã tạo ra có thể là một sự hỗ trợ vô giá với những người phụ trách xây lại nhà thờ. Dữ liệu này rất cần thiết để hình dung lại nhà thờ dưới dạng cấu trúc hình học.
Dữ liệu laser của ông Tallon có tới 1 tỷ điểm dữ liệu, được sắp xếp như "đám mây điểm" mà phần mềm có thể chuyển thành hình ảnh không gian ba chiều. Khi kết nối với nhau cả dữ liệu về bên trong và ngoài nhà thờ, rồi ghép các ảnh trên mô hình 3D chính xác, ta sẽ có một hình ảnh tái tạo kỹ thuật số với độ phân giải và chi tiết khó tin.
Hình ảnh quét laser như của ông Tallon là một diễn biến quan trọng trong quá trình phục dựng tòa nhà lịch sử. Dữ liệu quét laser rất có giá trị vì nó lưu giữ hình ảnh tòa nhà như nó vốn thấy. Dữ liệu này sẽ cho ta thấy nhà thờ trong mọi chiều như thật. Bản vẽ hiện đại cũng chỉ chính xác ở một mức độ nào đó. Còn hình ảnh quét bằng laser sẽ cho ra con số chính xác tới milimet.
Ông Raymond Pepi, Chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn Tòa nhà, nói: "Có hình ảnh quét là điều quan trọng khó tin trong bất kỳ dự án phục dựng nào".
Quá trình xây lại Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn chưa bắt đầu, nhưng đó sẽ làm một quá trình dài lâu.
Tranh cãi chuyện đóng góp tiền xây lại nhà thờ Số tiền mà các cá nhân, tổ chức cam kết đóng góp để xây lại nhà thờ tới nay là hơn 1 tỷ USD. Trong đó, nhiều nhất và nhanh nhất là khoản đóng góp 200 triệu euro của người giàu nhất nước Pháp: Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành công ty LVMH chuyên sản xuất hàng xa xỉ lớn nhất thế giới. Tiếp đó là cam kết đóng góp 100 triệu euro của đối thủ của ông Arnault là Francois-Henri Pinault, Tổng giám đốc điều hành công ty Kering. Tuyên bố đóng góp của các "ông lớn" đã kích hoạt làn sóng quyên góp từ một số công ty hàng đầu Pháp. Tập đoàn mỹ phẩm Pháp L'Oreal cùng gia đình Bettencourt Meyers và tổ chức Bettencourt Schueller cho biết sẽ đóng góp 200 triệu euro. Tập đoàn dầu Total của Pháp cam kết đóng góp 100 triệu euro… Những người giàu "đua nhau" góp tiền đã gây ra nhiều cáo buộc rằng họ đang tìm cách đánh bóng tên tuổi trong thời điểm bi kịch quốc gia. Cuộc tranh cãi lên đến đỉnh điểm khi ông Jean-Jacques Aillagon, cựu Bộ trưởng Văn hóa và hiện là cố vấn cho cha của ông Pinault, lên Twitter đề xuất khấu trừ 90% thuế cho các khoản đóng góp của doanh nghiệp thay vì mức 60% như hiện nay khi các doanh nghiệp đóng góp từ thiện. Và mới đây nhất, đơn vị chính thức tiếp nhận quyên góp xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà đã phải ra thông báo không sử dụng hình thức gửi email hay điện thoại để quyên góp sau khi có thông tin về một số trường hợp mạo danh kêu gọi quyên góp để trục lợi. |