Thị trường mỹ phẩm cuối năm: Thật giả khó lường

Thứ Ba, 29/12/2015, 16:35
Theo lệ thường, những ngày cuối năm dương lịch và cận Tết âm lịch là dịp để các hãng sản xuất mỹ phẩm tung các đợt xả hàng nhắm vào nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ. Theo một thống kê của hãng mỹ phẩm A., Hàn Quốc, doanh số bán hàng của họ tại Việt Nam tính từ đầu tháng 12 năm trước đến giữa tháng 1 năm sau tăng trung bình khoảng 60%.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng đảm bảo chất lượng của cả trong lẫn ngoài nước thì cũng không ít những loại mỹ phẩm "trời ơi",  trong đó chứa nhiều loại hóa chất độc hại, bôi vào chẳng những đã không sáng da đẹp dáng mà ngược lại nó còn tàn phá dung nhan của không ít quý bà, quý cô một cách nặng nề…

Muôn hình vạn trạng mỹ phẩm giả

Một chiều cuối tháng 12, tôi ghé vào khu buôn bán mỹ phẩm ở chợ An Đông, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Có lẽ thấy tôi là đàn ông nên các chủ quầy hàng xem ra chẳng mặn mà gì lắm. Tới chừng biết tôi ở một tỉnh miền Tây, lên đây mua ít mỹ phẩm về cho vợ bán Tết thì thái độ của họ thay đổi hẳn. Một bà tíu tít: "Anh cần những loại gì? Em có đủ hết: son môi, phấn lót, phấn trang điểm, thuốc chải lông mi, thuốc kẻ lông mày, thuốc sơn móng tay… Nếu anh mua nhiều, em bao chuyển về dưới cho anh luôn?".

Hoa mắt trước những loại mỹ phẩm, biết đâu là giả, đâu là thật?

Rồi bà lấy ra cho tôi xem hàng chục loại mỹ phẩm: Pháp có, Anh có, Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan cũng có. Chưa kể có loại mà bao bì in toàn chữ Trung Quốc. Tôi nói chỗ tôi ở là vùng quê, nhu cầu trang điểm cũng cần phù hợp với túi tiền của đa số phụ nữ nên tôi chỉ muốn mua những loại tương đối vừa phải để thăm dò thị trường. Nếu bán được, tôi sẽ đặt mua tiếp.

Vừa dứt lời thì liền lập tức, bà chủ quầy đưa tôi một hộp son môi: "Nếu muốn rẻ, anh lấy thứ này đi, chỉ 16.000 đồng/hộp. Nó là hàng Trung Quốc, nhưng tốt lắm. Thoa vào ăn uống cả ngày cũng không bay màu. Còn đây là phấn trang điểm, 120.000 đồng/hộp. Kem trắng da 30.000 đồng/hộp".

Tôi hoa mắt trước những hộp lớn, hộp bé mà bà chủ quầy bày lên mặt tủ kính. Cầm một thỏi son, tôi thấy nó được trình bày khá sắc sảo nhưng nhìn kỹ, bề mặt son lợn cợn không đều, không nhẵn bóng như những loại son khác? Ngoài những dòng chữ in bằng tiếng Trung Quốc trên vỏ hộp thì không có bất kỳ một thông tin nào khác bằng tiếng Anh hay tiếng Việt - kể cả tem nhập khẩu cũng chẳng có luôn! Phấn trang điểm, kem trắng da cũng vậy. Hộp đựng phấn là một cái khay bằng nhựa màu xám nhạt dài khoảng 30cm, rộng 20cm, trong đó có 20 khoang nhỏ, khoang nào khoang nấy chứa đầy một chất bột mịn, màu sắc từ trắng đến hồng đậm, thoảng có mùi thơm nhưng ngửi kỹ lại thấy hắc. Còn kem trắng da là một chất bột nhão màu ngà, đựng trong cái lọ bằng sứ, thành lọ có 4 chữ Trung Quốc mạ vàng. Tôi tự hỏi với chất liệu bao bì như vậy thì bên trong thành phần của nó sẽ là những gì để có cái giá chỉ vài chục ngàn đồng như vậy?

Đến tối, tôi đưa hộp son và hộp kem trắng da cho anh Trần, một người bạn rành tiếng Hoa, nhờ anh dịch, thì anh cho biết thỏi son được làm tại "Công ty mỹ phẩm quốc tế Vũ Hán", cùng cách sử dụng và năm sản xuất. Ngoài ra, không hề có công thức các chất trong thỏi son cũng như chẳng có bất kỳ một khuyến cáo nào như vẫn thường thấy ở các mặt hàng son môi của Pháp, Nhật, Hàn Quốc… Hộp kem trắng da cũng vậy, theo anh Trần thì nó được làm tại "Mỹ phẩm dược phòng Vạn Xuân Quảng Đông" nhưng làm từ những thành phần nào, hàm lượng bao nhiêu, tác dụng phụ là gì, cũng chẳng thấy "dược phòng" này nói đến, ngoại trừ lời hướng dẫn: "Mỗi tối đi ngủ bôi lên mặt, sáng dậy rửa sạch. Bôi liên tiếp trong 2 tuần sẽ có kết quả mỹ mãn" (!).

Không chỉ chợ An Đông, mỹ phẩm "dỏm" còn xuất hiện tại chợ Tân Bình, chợ Bình Tây và ngay cả chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng đặc trưng của TP Hồ Chí Minh. Ở những nơi này, ngoài hàng thật, hàng chính hãng thì cũng chẳng thiếu những loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất. Tại một quầy mỹ phẩm ở chợ Tân Bình, giá một hộp phấn kẻ mắt hiệu Lancôme được người bán cho biết là 950.000 đồng nhưng khi tôi hỏi "có thứ nào cũng hiệu này mà rẻ hơn không?" thì chị ta lấy ra một hộp Lancôme mẫu mã y chang, nhưng chỉ 250.000 đồng và giới thiệu là "hàng xách tay". Nghe tôi trả 100.000 đồng, chị ta trề môi, lắc đầu. Ấy vậy mà khi tôi vừa quay lưng bước đi thì đã nghe tiếng gọi giật giọng: "Này anh ơi, 120.000, bán mở hàng cho anh đó (?!)"

Ở chợ Gò Vấp, có những sạp hàng thường thường bậc trung nhưng bày đầy những loại mỹ phẩm của các hãng danh tiếng trên thế giới như Chanel, Amore, Christian Dior, Biore, Lancôme, L'oreal… khiến tôi không khỏi suy nghĩ, rằng chỉ với số lượng hàng đang được trưng ra đó thôi, đã trị giá cả tỉ đồng nếu là hàng thật - trong lúc quy mô sạp hàng lại chẳng hề tương xứng với giá trị hàng hóa thì chẳng biết thứ nào là thật, thứ nào là giả? Tại chợ Bến Thành, hầu như quầy mỹ phẩm nào cũng có "hàng hiệu" nổi tiếng của Pháp, Mỹ, Nhật…, nhiều loại giá hơn chục triệu đồng nhưng với kỹ thuật làm giả đến mức siêu đẳng như hiện nay thì như lời chủ một sạp hàng: "Chỉ có người mua lầm chứ người bán làm sao lầm được!".

Quản lý không xuể, vì sao?

Theo Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2015, các đội Quản lý thị trường đã phát hiện, kiểm tra hơn 9.000 vụ vi phạm với hơn 1.425 doanh nghiệp, hộ kinh doanh hàng giả, hàng không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ; tạm giữ trên 1.800 danh mục mặt hàng với hơn 2 triệu sản phẩm gồm các loại như thiết bị điện lạnh, đồ chơi trẻ em, điện thoại di động, phụ tùng ôtô xe máy, quần áo, giày, mỹ phẩm, hóa chất công nghiệp...

Vẫn theo Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, ngay cả những trung tâm thương mại, những cửa hàng lớn cũng không thoát khỏi "cơn lốc hàng giả". Trong đó "nóng" nhất là mặt hàng mỹ phẩm. Qua nhiều đợt kiểm tra, các đội Quản lý thị trường ở các quận, huyện đã tạm giữ trên 131.000 sản phẩm phấn thoa mặt, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc, kem tẩy trắng, son môi, dầu gội... có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Mỹ , Pháp. Địa bàn kinh doanh hàng giả phần lớn tập trung ở các quận 1, 5, 6, Tân Bình, Gò Vấp, chợ Bến Thành, chợ An Đông, Kim Biên, Bình Tây. Đặc biệt là vào những tháng cuối năm, hàng giả càng có nhiều đất sống.

Và không chỉ nhập lậu những mặt hàng mỹ phẩm được làm giả ở nước ngoài, một số cơ sở sản xuất trong nước cũng làm giả. Ngày 9-7-2015, theo chân Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP Hồ Chí Minh, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, chúng tôi đã chứng kiến việc kiểm tra, thu giữ 5 tấn mỹ phẩm mang các nhãn hiệu Sasaki, Hikato, Puroz của Công ty mỹ phẩm Huyền Trang tại hẻm 55 Trần Đình Xu và cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm thuộc Công ty mỹ phẩm Linh Trang ở hẻm 35 Trần Đình Xu, quận 1.

Hàng trăm thùng mỹ phẩm Trung Quốc được Công ty Huyền Trang nhập về rồi dán nhãn Pháp, Nhật, Hàn Quốc tung ra thị trường.

Cũng trong ngày này, PC46 còn tiến hành kiểm tra 4 điểm nghi vấn sản xuất mỹ phẩm giả ở đường Trần Đình Xu, đường Trần Hưng Đạo và một địa điểm ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, cũng của hai công ty nói trên, thu giữ hàng tấn mỹ phẩm và thực phẩm chức năng giả dán nhãn mác các quốc gia Đức, Pháp, Nhật, Australia, Hàn Quốc đang trong quá trình đóng gói cùng hàng nghìn hộp mỹ phẩm không hóa đơn chứng từ, chai lọ, nhãn mác, tem nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Một cán bộ thuộc Phòng PC46 cho biết: "Các nhãn hiệu mỹ phẩm Sasaki, Hikato và Puroz đã được Công ty mỹ phẩm Huyền Trang đăng ký thương hiệu nhưng họ không sản xuất mà nhập từ Trung Quốc về, sau đó dán nhãn xuất xứ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản… rồi bán ra thị trường nội địa".

Theo lời khai của bà Phạm Huyền Trang - người trực tiếp điều hành Công ty mỹ phẩm Huyền Trang thì ngoài việc nhập hàng từ Trung Quốc, bà Trang còn mua kem trắng da Body Whitening Sasaki Birds Best Cream, Body Whitening Sasaki Snail Cream (trên nhãn ghi xuất xứ Nhật Bản) và Body Whitening Hikato (trên nhãn ghi xuất xứ Hàn Quốc) của Công ty TNHH sản xuất thương mại mỹ phẩm Phú Thịnh, trụ sở tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh để đóng gói, bán lại.

Nồi lẩu điện dùng để pha chế mỹ phẩm của Công ty Phú Thịnh.

Tiến hành kiểm tra chi nhánh của Công ty Phú Thịnh tại số 1570/101 đường Võ Văn Kiệt, phường 7, quận 6, cơ quan chức năng không thấy dây chuyền máy móc mà chỉ có một nồi nấu lẩu bằng điện, máy sấy tóc cùng một số nguyên vật liệu để sản xuất mỹ phẩm. Đến lúc này, bà Đỗ Thị Thân, Giám đốc Công ty Phú Thịnh mới thú nhận về quy trình của mình: "Công thức làm kem trắng da do cháu tôi lấy từ trên mạng xuống. Hơn một năm nay, tôi căn cứ vào đó rồi ra chợ Kim Biên, quận 5, mua các loại nguyên liệu về cho vào nồi lẩu điện, quậy đều. Khi mỹ phẩm gần đặc, tôi bỏ thêm hương liệu và múc vào từng lọ, dùng máy sấy tóc ép màng co. Cuối cùng, tôi dán nhãn mác, quảng cáo là "mỹ phẩm hảo hạng" nhập khẩu từ nước ngoài và đưa đi tiêu thụ".

Tai hại mỹ phẩm giả

Theo Tiến sĩ Y, Sinh học Đào Đại Cường, nguyên giảng viên Khoa Dược - Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, thành phần của những loại mỹ phẩm giả, nhái, có thể có 1, 2 hoặc nhiều hơn trong số 15 loại hóa chất đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh mục nguy hiểm nếu sử dụng trên cơ thể người với hàm lượng cao. Son môi chẳng hạn, khi chế tạo, các nhà sản xuất có pha thêm chì như một yếu tố vi lượng, giúp cho son bền màu, ít phai, không lem nhưng lượng chì này chỉ là vài phần triệu. Vì thế, son môi càng lâu phai, màu sắc càng rực rỡ thì càng chứa nhiều chất chì. Nếu sử dụng lâu dài, có thể bị viêm da dị ứng nhưng nguy hiểm nhất vẫn là nhiễm độc chì.

Trắng da đâu chưa thấy, chỉ thấy sần sùi.

Kem trắng da cũng vậy, trong những loại kem "dỏm", hoạt chất được cho vào phổ biến nhất là Dexamethasone - một dẫn xuất của nhóm Corticoide. Nó kích thích tuyến bài tiết, kháng viêm rất mạnh. Chỉ một tuần sau khi bôi, tế bào da bị bào mỏng nhanh chóng khiến da nhìn rất trắng, hồng nên nhiều người lầm tưởng đây là "hàng xịn". Tuy nhiên, nếu tiếp tục bôi, sắc tố da sẽ bị phá hủy, da teo mỏng và nám, lỗ chân lông nở to, nổi nhiều mụn, mặt lúc nào cũng trong trạng thái ngứa ngáy, đỏ bừng. Lâu dài, da bị lão hóa, dẫn đến hiện tượng "già trước tuổi".

Theo kết quả kiểm nghiệm của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh với 4 mẫu kem mỹ phẩm gồm: "Sắc Hoa Thiên - Giữ mãi tuổi xuân - Collagen - Tổ yến - Siêu trắng", "Whitening cream - Sắc Ngọc Hương - Sheep placenta - Kem nhau thai cừu", "Cream Q-10 Sắc Ngọc Khang - Thành phần thảo dược từ thiên nhiên", "Sắc Thể Ngọc Hoàn Khang - Thành phần đến từ thiên nhiên", đều có chứa Dexamthasone và Clobetasol propionate - dẫn xuất nhóm Corticoid. Độc hại nhất là các nhóm chất Parabens - chiết xuất từ dầu hỏa. Trong mỹ phẩm, nó được dùng làm chất bảo quản để ngăn ngừa sản phẩm khỏi bị mốc, mất mùi, chảy nhão, thay đổi màu sắc…

Theo WHO, Parabens có hoạt tính giống như nội tiết tố estrogen của phụ nữ nên có thể làm rối loạn sự cân bằng nội tiết tố đồng thời gây ra chứng viêm biểu bì da, ung thư vú, các triệu chứng mãn kinh sớm, loãng xương, thúc đẩy quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn do tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời.

Vì thế, người tiêu dùng chẳng còn biết phải tin vào đâu ngoại trừ những khuyến cáo mang tính chung chung "chỉ nên mua ở những nơi có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng". Nhưng với trình độ "giả như thật" hiện nay, chắc gì mỹ phẩm ở những nơi "có uy tín" đã là "hàng chính hãng" nếu các cơ quan chức năng không thẳng tay triệt hạ ngay từ các điểm thẩm lậu ở biên giới, các cơ sở trong nước…

Vũ Cao
.
.