Thiên tai lũ lụt và giải pháp công nghệ
Những trận lũ lớn trong năm 2017 càng làm con số này tăng thêm. Bức tranh toàn cảnh về thiên tai càng rõ hơn khi tham khảo dữ liệu chính xác hơn được cung cấp bởi các vệ tinh và thiết bị cảm biến đặt trên mặt đất kết hợp với mô hình siêu máy tính.
Mô hình siêu máy tính mô phỏng lũ lụt đang giúp chính quyền các quốc gia chuẩn bị ứng phó phòng vệ hiệu quả hơn và từ đó giảm thiểu tối đa thiệt hại về người cũng như tài sản. Sử dụng công nghệ laser LIDAR (hệ thống vẽ bản đồ địa hình từ trên không bằng tia laser) cũng như hệ thống dữ liệu khác, Ambiental lập mô hình kỹ thuật số gọi là Flowroute cho phép dự đoán mực nước dâng cao đến mức nào ở thành thị cũng như vùng nông thôn. Sức mạnh máy tính và hệ thống dữ liệu cũng giúp cho các công ty bảo hiểm đánh giá thiệt hại chính xác hơn.
Rocket H-2A mang vệ tinh thời tiết Himawari-8 được phóng vào quỹ đạo năm 2014. |
Năm 2011, trận lụt khủng khiếp được mô tả là "Đại Hồng thủy" đã nhấn chìm thành phố Brisbane - thủ phủ Queensland của Australia - trong biển nước và giết chết hàng chục người đồng thời gây thiệt hại tài sản rất lớn. Mô hình số của Ambiental giúp dự đoán mức độ nghiêm trọng của trận lụt Brisbane đến 95%.
Tình hình thời tiết ngày càng cực đoan chính là lý do thúc đẩy Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) tài trợ cho Hệ thống Giám sát Lũ lụt Toàn cầu (GFMS) - một chương trình máy tính thử nghiệm trực tuyến nằm dưới sự điều hành của Đại học Maryland (Mỹ). Hệ thống thực hiện một loạt phân tích lũ lụt trong thời gian thực bằng cách kết hợp dữ liệu từ mạng vệ tinh không gian và mô hình trên mặt đất bao gồm thảm thực vật, loại đất trồng và địa hình.
Các tổ chức như là Hội Chữ Thập Đỏ và Chương trình Lương thực Thế giới Liên Hiệp Quốc (WFP) cũng sử dụng GFMS trước, trong và sau trận lụt để bổ sung thêm cho cơ sở dữ liệu hiện có của họ. Robert Adler, nhà nghiên cứu Đại học Maryland và một trong những người phát triển GFMS, cho biết dữ liệu vệ tinh mới của NASA giúp gia tăng đáng kể độ chính xác cho mô hình và đặc biệt hữu ích trong trận siêu bão Harvey lịch sử năm 2017 quét qua miền đông nam bang Texas nước Mỹ gây thiệt hại ước khoảng 58 tỷ USD.
Năm 2014, Nhật Bản phóng rocket H-2A mang theo vệ tinh thời tiết Himawari-8 vào quỹ đạo và đã tạo nên sự khác biệt đáng kể. Himawari-8 tạo ra hệ thống dữ liệu nhiều hơn các vệ tinh trước đó đến 50 lần và có thể phân tích lượng mưa trung bình bằng cách sử dụng những hình ảnh hồng ngoại nhiệt.