Thực hư mạch nước chữa bệnh ở Nepal

Thứ Tư, 04/11/2020, 07:15
Nghiên cứu của một nhà nhân chủng học gần đây về sự bất ổn nguồn nước đã cho thấy cách mà nước sạch có thể giúp củng cố thể chất và tinh thần cho cả cộng đồng dân cư. Và thực tế là đang có một nguồn nước giúp kiện toàn sức khỏe cho con người trong một ngôi chùa Phật giáo ở Nepal. Thực hư chuyện này như thế nào?

Vào vùng đất thiêng của Phật giáo Nepal

Mitch Silver, một thợ sửa ống nước tự xưng đã giải thích khi đu mình lên một vách núi đá hiểm trở lúc men theo đường ống hẹp trên đầu anh: "Họ nói với tôi đây là hệ thống nước lơ lửng dài nhất Nepal. Dòng nước thiên nhiên chảy dài 300 hoặc 400m để đổ xuống một ống nước". 

Những viên sỏi vỡ ra sau mỗi bước chân của Silver rồi rơi tõm xuống dòng sông xanh băng giá nhận nước từ đỉnh Hy Mã Lạp Sơn chảy xung quanh chúng tôi. Đường ống đó đang mang thứ nước từ drubchu (dòng suối thiêng) chảy đến thiền viện Tam Đại Tự tọa lạc trong lòng thung lũng Nubri, đây là một trong những vùng cao nguyên hẻo lánh và thiêng liêng nhất trong thế giới Phật học Tây Tạng. Người người nô nức di chuyển nhiều ngày để tìm tới đây nhằm uống được thứ nước thiêng với niềm tin sâu sắc rằng sẽ được hưởng lợi từ quyền năng chữa bệnh của nó.

Khung cảnh cổ kính của một góc Thiền viện Tam Đại Tự được bao bọc bởi non cao hùng vĩ.

Sư Urgyan, người cai quản dòng suối thiêng tại Tam Đại Tự, cho biết: "Theo quan điểm của Phật giáo, nước là thứ giá trị nhất và quan trọng nhất bởi vì nó liên quan đến bệnh tật. Nước sạch mang lại mọi thứ: thể chất khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn". 

Không nơi nào mà người dân tỏ ra hiểu biết về dòng suối thiêng trong thung lũng Nubri hơn người dân ở Prok (tiếng địa phương đọc là Trok), một ngôi làng với khoảng 50 hộ gia đình nằm cách thiền viện Tam Đại Tự 1 ngày đi bộ. Các báo cáo từ phía người Prok cho hay chỉ trong 1 thế hệ duy nhất tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm từ 25% xuống còn 4%. Làm thế nào có thể thay đổi kết quả chóng vánh đến thế? Với người sống ở làng Trok, câu trả lời rất rõ ràng: đời sống ở làng được tinh tấn như hôm nay là nhờ công trình xây dựng một hệ thống bể chứa nước đặt trên núi cao. Ngay trong thung lũng Nubri, người ta biết rõ về dòng suối thiêng chứa cả các tính năng tâm linh và thể chất không đâu có.

Thung lũng Nubri, một vùng dân tộc Tạng thuộc quận Gorkha của Nepal, nó là một trong số 7 thung lũng có tên là beyul, nằm ẩn sâu bên trong rặng Hy Mã Lạp Sơn. Trong thung lũng có 4 ngôi làng và 8 thôn xóm nhỏ nằm ở các độ cao từ 2129,9m đến 4459,8m, là nơi sinh sống của tổng cộng 2000 người. 

Các thôn xóm nằm dọc theo dòng sông Budhi Gandaki giữa Manaslu (tiếng địa phương là Pungyen, ngọn núi cao thứ 8 trên thế giới) và Serang Himal, một nhánh phụ của rặng Hy Mã Lạp Sơn. Người ta nói rằng những thiên đường trần gian là nơi xứng đáng chỉ cho một số ít người. Theo triết lý Cổ Mật (Ninh Mã Phái, một trong 4 hệ phái Phật giáo lớn) trong Phật giáo Tây Tạng, những nơi đó đã được ban phép bởi Liên Hoa Sinh (vị Thánh nhân sống vào thế kỷ thứ 8, người đã cất công hoằng pháp Phật giáo trên khắp Tây Tạng và vùng Hy Mã Lạp Sơn).

Tin rằng dân gian không thể tiếp nhận cùng lúc mọi thuyết giảng nên Liên Hoa Sinh đã giấu các pháp bảo của ngài, chẳng hạn như các cuốn sách kinh trong beyul và chỉ những ai giác ngộ mới tìm thấy chúng. Bước vào thế giới beyul đã khó, sống được ở nơi đó còn nhọc nhằn hơn. Địa hình núi non hiểm trở của thung lũng Nubri với vô số hẻm núi cùng những ngọn phong đăng cao chọc trời luôn chực chờ đe dọa mạng sống cùng sinh kế người dân, có rất ít đường bộ đi lại, trong khi những con đường mới luôn gặp nhiều thách thức về sinh thái. Trận động đất năm 2015 đã phá hủy đến 80% nhà cửa trong thung lũng. 

Thung lũng Nubri quanh năm mây mù bao phủ.  Ảnh nguồn: Pulitzer Center.

Ngoài ra, thung lũng Nubri còn bị chia cắt về mặt địa hình cũng như sắc tộc, văn hóa và ngôn ngữ. Tại một quốc gia nơi Ấn Độ giáo chiếm ưu thế, lối sống của người cao nguyên theo Phật giáo Tây Tạng dường như khác biệt với đại bộ phận người dân Nepal còn lại, người dân ở thung lũng Nubri luôn để tâm tới di sản Tây Tạng hơn so với người sống ở các vùng khác của Nepal.

Nằm ngay sườn của thung lũng Nubri, thiền viện Tam Đại Tự hiện ra thanh bình. "Đây là một nơi vô cùng đặc biệt không những với cư dân địa phương mà cả với hòa bình thế giới", dẫn lời phát biểu của sư thầy Nuptul Tenpei Nyima (Tulku Palsang). Danh hiệu tulku nhằm ám chỉ nhà sư là một Lạt Ma tái sinh, người có năng lực đặc biệt giúp những người khác trong hành trình đạt tới cõi niết bàn. Mitch Silver đã gặp Lạt Ma Palsang trong phòng làm việc thanh nhã, có đặt một phích trà bơ, nhân chuyến viếng thăm thiền viện vào cuối tháng 11/2019. 

Mitch Silver giải thích: "Tôi có mặt ở đó như là một phần của dự án lớn nhằm nghiên cứu về căn nguyên và tác động của sự bất ổn nước của Nepal, chủ yếu là khu vực thung lũng Kathmandu. Thung lũng Nubri đem đến cho tôi cơ hội để phân tích các tác động của người Tây Tạng, núi non và bối cảnh nông nghiệp. Làm thế nào những khác biệt về địa lý và văn hóa này đã tác động đến phản ứng địa phương đối với bất ổn nước?

Phật thủy

Bước qua cổng trước của thiền viện Tam Đại Tự có cảm giác như lọt vào cõi Tây phương cực lạc. Mùi hương cây Bách Xù thoang thoảng, các tiểu hòa thượng với áo thụng đỏ và đầu cạo trọc đang chơi bóng đá, họ thi thoảng né lũ dê núi (tahr) đang gặm cỏ một cách hiền hòa, hoàn toàn thân thiện với con người. Ở một nơi như thế này, có vẻ như loại nước dùng cho mọi sinh hoạt từ những nghi thức cúng bái tới việc đánh răng được người nơi đây tôn xưng là nước Phật (Phật thủy). 

Năm 1985, lần đầu tiên Mitch Silver ghé thăm thiền viện Tam Đại Tự, chùa chỉ mở rộng cửa với những ai có tâm thanh tịnh nhất. Mặc dù từng đọc sách Phật, nhưng Silver (cư dân Hawaii) khẳng định rằng xét về tiêu chuẩn thì ông chưa đủ để vào cửa Phật. Song vì quen biết hòa thượng trụ trì nên Silver có thể đàng hoàng qua cửa, bắt đầu sợi dây kết nối lâu dài với chốn này.

Dân làng Trok đang đợi tắm tẩy trần tại Tam Đại Tự.

Năm 2015, Mitch Silver (người từng có hơn 40 năm làm việc cho các dự án cơ khí ở Nepal), đã được thuê làm một nhà thầu độc lập nhằm xây dựng một hệ thống thủy điện cỡ nhỏ. Silver nhận ra rằng thiền viện cần nước hơn điện nên ông chuyển sang một lĩnh vực chuyên môn khác: các hệ thống nước. Để đặt một đường ống nước tại nơi cách đáy thung lũng tới hàng trăm mét thực sự là một ác mộng kỹ thuật. 

Ngoài việc giao kết với Liên Hoa Sinh, các lạt ma ở thiền viện Tam Đại Tự tuyên bố rằng nước trong chùa có các đặc tính chữa bệnh, đặc biệt là trị chứng nói lắp của trẻ con. Lạt Ma Karma (một nhà sư khác ở chùa) nhanh nhảu nói: "Về khía cạnh khoa học, chưa từng ai kiểm tra nguồn nước này, vì thế chúng tôi cũng không hay". Trước khi hệ thống nước được xây dựng vào năm 2015, nước lúc có lúc không, đặc biệt là trong các tháng mùa Đông dài, khắc nghiệt.

Các nhà sư thường dành phần lớn thời gian trong ngày để đi lấy nước và ì ạch mang nó về, hoặc ngồi mài tuyết thành nước. Mặc dù hệ thống nước mới không hoàn hảo (ống nước bị đông đá và hay bị hư do lở tuyết) nhưng nó đã tạo nên một cuộc đột phá mạnh mẽ. Chính vì thiếu nước nên không thể mở rộng chùa chiền. Hôm nay, 100 tăng ni đang tu hành trong thiền viện, ở đây có một ngôi trường tiểu học dạy khoảng 100 học sinh đến từ khắp nơi trong thung lũng. 

Vì đa phần người dân trong thung lũng Nubri theo đạo Phật nên Tam Đại Tự trở thành trung tâm tôn giáo thiêng liêng: người dân thường tới đây chiêm bái 1 lần trong năm, và các nhà sư tu hành ở đây thường tới các cộng đồng địa phương để thực hiện các nghi lễ Phật giáo mang tính cố kết cộng đồng với Phật pháp. Ở thung lũng Nubri cũng có truyền thống được lưu giữ là mỗi gia đình sẽ gửi con nhỏ đến thiền viện để tu hành.

Cho đến ngày nay, tục trẻ con tịnh tu vẫn còn nhưng số lượng giảm dần, do nhiều em rời chùa để đi học và làm việc tại thủ đô Kathmandu và cả hải ngoại. Và đối với dân làng Trok, tu Phật là kim chỉ nam trong đời sống thường nhật. 

Việc tu Phật ở Nubri luôn hài hòa với thế giới xung quanh, nhấn mạnh đến sự cộng sinh giữa con người và các vị thần trú ngụ ở đó. Một trong những vị thần nữ được người dân trong thung lũng tôn sùng là Tsomen Gyalmo - Hà Thần - trong hồ Kal Tal (hồ nước ngọt nằm bên trên làng Trok và cũng là nguồn nước ngọt chính). Hàng năm người làng Trok chuẩn bị vật phẩm rồi đi đến sát mép hồ để dâng cúng nhằm cầu mong Hà Thần chở che, ban nước lành cho dân làng. 

Nằm bên dưới hồ Kal Tal, trên một vùng bình nguyên rộng rãi phía trên thung lũng sông là làng Trok. Đó là nhiều cụm nhà, xung quanh là ruộng nương bao bọc, phụ nữ trong làng bận y phục truyền thống Tây Tạng. Chỉ 20 năm trước, làng Trok đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng: Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao bất thường, cao hơn hẳn ở các làng xung quanh. 

Cụ Amche Dorje, một bậc lão niên trong làng Trok nói rằng cụ đã ở cả đời trong làng, nhìn thấy cảnh phụ nữ lao động trong lúc bụng chửa vượt mặt, và đẻ con sòn sòn với mong muốn ít nhất sẽ có đứa sống sót. Rồi thì người ta ngộ ra rằng những người sống ở hạ nguồn thường đau ốm nhiều hơn người sống ở thượng nguồn. Chắc chắn phải là nước, và phải làm gì đó để cải thiện tình hình. Dù hồ Kal Tal được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng khi nước chảy xuống khu dân cư thì nó dùng cho cả sinh hoạt và nuôi gia súc dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng.

Một lượng lớn người làng Trok lăn ra ốm, đám trẻ sơ sinh còn bệnh nặng hơn. Người ta thuê Silver để xây dựng một bể nước trên làng Trok có chức năng nhận nước từ hồ Kal Tal và lọc sạch nó, nước sạch sẽ chảy vào các vòi nước trong mỗi hộ gia đình. Phụ nữ làng Trok hôm nay ít mang thai hơn và có nhiều thời gian để tham gia các sinh hoạt cộng đồng, lũ trẻ học các lớp cao hơn. Các cư dân ở thung lũng Nubri quả quyết rằng sở dĩ họ sống và uống nước ở đó là do đã tích nhiều phước từ kiếp trước.

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.