Tiếp cận mới về tương tác không gian mạng

Thứ Hai, 05/07/2021, 15:59
Chỉ với một chiếc điện thoại hoặc thiết bị thông minh có kết nối internet, người dùng có thể kết nối với những người khác, tiếp nhận các loại thông tin ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời gian nào.



Bên cạnh những tiện ích nhìn thấy được, đây cũng là môi trường thuận lợi để các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội và rất khó bị phát hiện, xử lý. Do đó, đòi hỏi lực lượng Công an làm công tác đấu tranh cũng phải có những cách tiếp cận mới. Một trong số đó là đẩy mạnh xây dựng các mô hình phát động toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng, qua đó đã có nhiều kết quả tích cực.

Thay đổi phương thức tuyên truyền phòng, chống tội phạm

Ngày 14-6, fanpage mạng xã hội Facebook “Thanh niên Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" nhận được thông tin từ một tài khoản Facebook cá nhân đề nghị được giúp đỡ. Từ những thông tin trao đổi qua lại, các quản trị viên được biết đây là một bé gái 12 tuổi, do tâm lý tò mò muốn tham gia một nhóm kín trên mạng xã hội, bé gái này đã gửi ảnh khỏa thân cho một người quen biết qua Zalo. Sau đó, cô bé liên tục bị một đối tượng đe dọa gửi ảnh khỏa thân cho người thân, bạn bè để tống tiền.

Cơ quan Công an làm việc với đối tượng đe dọa gửi ảnh khỏa thân cho người thân, bạn bè để tống tiền bé gái 12 tuổi.

Nhận thấy đây là một vụ việc có tính chất nghiêm trọng, các quản trị viên đã thuyết phục nạn nhân cung cấp thông tin và đến Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình báo. Sau đó, chỉ chưa đầy 1 ngày, Cơ quan công an đã điều tra, làm rõ đối tượng đứng sau những tin nhắn tống tiền nói trên.

Trung tá Bùi Văn Sang, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an TP Vũng Tàu cho biết, đối tượng đã sử dụng chính hình ảnh của bé gái để đe dọa cưỡng đoạt tiền, do vậy rất nhiều lần bé gái này đã phải ăn trộm tiền của bố mẹ để đưa cho đối tượng. Khi không còn khả năng cung cấp tiền nữa thì bé gái đành phải vào fanpage “Thanh niên Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” cầu cứu sự giúp đỡ.

Trước đó, cũng qua thông tin do một người dùng Facebook cung cấp ngày 10-3-2021, Trang “Thanh niên Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” đã liên hệ với Đội CSGT-TT Công an TP Bà Rịa, đề nghị xác minh hình ảnh trên một đoạn clip được đưa lên mạng xã hội. Trong clip có 2 đối tượng thực hiện hành vi nằm ngửa lên yên điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường Bạch Đằng, phường Phước Trung, TP Bà Rịa, gây nguy hiểm cho người đi đường và các phương tiện giao thông khác.

Qua xác minh, Công an TP Bà Rịa đã mời các đối tượng trên đến làm việc và xử phạt nguội về hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Là kênh thông tin tuyên truyền của thanh niên Công an tỉnh nói riêng, lực lượng Công an tỉnh nói chung, sau hơn một năm hoạt động, fanpage “Thanh niên Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” đã nhận được sự theo dõi, tương tác của đông đảo người dân địa phương nhờ tính thông tin chính xác, kịp thời. Fanpage này ngày càng được người dân tin tưởng cung cấp nhiều thông tin có giá trị về các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật.

Anh Huy Anh, một người dân TP Bà Rịa cho biết, hiện nay người dân chủ yếu truy cập mạng xã hội là Facebook, Zalo và có những tin tức xem cả trên YouTube. Do đó, thông tin nóng trên fanpage “Thanh niên Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” được người dân thường xuyên theo dõi.

Theo một thống kê, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 72 triệu người dùng mạng xã hội, 69 triệu người dùng Facebook, 60 triệu người sử dụng Zalo. Thói quen, cách thức tiếp cận thông tin của người dân cũng thay đổi từ trực tiếp chuyển dần sang trực tuyến. Tính lan tỏa từ thông tin trên mạng xã hội cũng sâu rộng hơn bất kỳ hình thức nào trước đó.

Hình ảnh 2 thanh niên nằm ngửa trên yên điều khiển xe lạng lách, đánh võng và khi bị phạt nguội về hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Không nằm ngoài xu thế trên, lực lượng công an các cấp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tích cực vận dụng những thành tựu của khoa học công nghệ và thông tin để từng bước thay đổi phương thức tuyên truyền vận động người dân phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Mô hình “Nhóm Zalo kết nối toàn dân - bình yên cuộc sống” đang được xây dựng như một điểm sáng trong phòng trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của Công an huyện Đất Đỏ. Chính thức triển khai hoạt động từ tháng 6-2020, sau hơn 1 năm, trên địa bàn huyện đã thành lập hơn 40 nhóm Zalo tương ứng với 40 ấp, khu phố, với mỗi nhóm do cảnh sát khu vực, trưởng, phó công an xã hoặc trưởng ấp làm trưởng nhóm.

Với tính năng cho phép nhắn tin cùng lúc với nhiều người có mặt trong nhóm, những thông tin phản ánh về tình hình an ninh trật tự (ANTT) nổi lên trên địa bàn, tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm, trộm cắp, cướp giật, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng, thông báo truy nã, truy tìm mà lực lượng Công an muốn truyền tải đến được với đông đảo người dân hơn.

Việc triển khai mô hình Zalo cũng giúp lực lượng Công an thuận tiện hơn trong công tác tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, thông tin phản ánh của người dân về các vấn đề liên quan đến ANTT một cách nhanh chóng, chính xác và bí mật.

Thượng tá Mai Trung Nam, Phó Trưởng Công an huyện Đất Đỏ cho biết, với mô hình này, Công an huyện đã tổ chức tuyên truyền đến người dân trên địa bàn hơn 550 lượt tin bài và đồng thời đã tiếp nhận của nhân dân hơn 460 tin báo, trong đó có nhiều tin báo đã giúp cho lực lượng Công an huyện xử lý, triệt phá ngay các vụ việc liên quan đến ANTT. Qua đó, đã góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện trong một năm qua.

Đẩy mạnh tương tác trực tuyến để đạt hiệu quả tốt nhất

Trong chiến dịch cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử, số lượng người dân tham gia các nhóm Zalo đã gia tăng đột biến, lên đến gần 9 ngàn người. Cùng với các thông tin về lịch cấp và giải đáp các thắc mắc của người dân liên quan đến CCCD, Công an huyện Đất Đỏ cũng cho phép công dân đặt lịch làm CCCD qua ứng dụng Zalo, không phải mất thời gian chờ đợi. Đây được đánh giá là một cách làm hay, mang tới nhiều thuận lợi cho người dân.

Công an các địa phương trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng trên điện thoại.

Chị Lê Thị Thanh Huệ (người dân ngụ xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) chia sẻ: “Tôi thấy việc đăng ký làm CCCD qua Zalo rất tiện lợi, từ đó khi đến trực tiếp người dân sẽ làm các thủ tục cấp CCCD được nhanh hơn và thuận lợi hơn cho tôi và những người dân khác”.

Cũng liên quan đến công tác cấp CCCD, vừa qua Đoàn Thanh niên Công an TP Bà Rịa cũng đã ra mắt công trình thanh niên “Cổng thông tin trực tuyến tra cứu CCCD gắn chip điện tử” trên ứng dụng Facebook và Zalo, nhằm hỗ trợ người dân trong việc tra cứu và giải đáp các thông tin liên quan đến CCCD trên địa bàn thành phố. Đến nay, cổng thông tin này đã tiếp nhận và giải đáp được hơn 1.300 bình luận và tin nhắn trên Facebook, 600 tin nhắn trên Zalo.

Tin báo của người dân gửi cho lực lượng Công an.

Theo Đại úy Trần Anh Tuấn, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an TP Bà Rịa, qua quá trình trực tiếp tham gia tăng cường thực hiện nhiệm vụ cấp phát CCCD trên địa bàn TP Bà Rịa, bản thân Đại úy Trần Anh Tuấn nhận thấy trong quá trình tư vấn cũng như giải đáp các thắc mắc của người dân cũng như trả CCCD cho người dân thì một số người dân phải liên hệ trực tiếp với các bộ phận cấp. Như vậy sẽ vừa mất thời gian đi lại của người dân, đồng thời trong tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp thì việc người dân tập trung đông cũng như thường xuyên phải đi lại nhiều lần sẽ không đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Bắt nguồn từ lý do đó, Đại úy Trần Anh Tuấn cũng như các CBCS trong Ban Chấp hành Đoàn cơ sở Công an TP Bà Rịa đã xây dựng và triển khai công trình thanh niên kể trên, trên 2 nền tảng ứng dụng phổ biến nhất hiện nay là Facebook và Zalo.

Mục đích của công trình thanh niên này là nhằm để giải đáp, cũng như thông báo cho người dân biết CCCD của mình đã có hay chưa, khi đó người dân sẽ chủ động về thời gian để đến liên hệ các điểm trả để nhận CCCD của mình bên cạnh hình thức trả theo đường bưu điện. Đồng thời, công trình cũng nhằm giải đáp cũng như tư vấn những thắc mắc của người dân liên quan đến công tác cấp CCCD.

Công trình thanh niên “Cổng thông tin trực tuyến tra cứu căn cước công dân gắn chip điện tử” và lời khen của người dân.

Trong hơn 1 năm qua, khi dịch bệnh COVID-19 có những tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhu cầu tìm kiếm thông tin qua mạng Internet, mạng xã hội của người dân cũng tăng cao, từ đó các loại thông tin xấu, thông tin xuyên tạc, thông tin sai sự thật cũng có cơ hội lây lan. Với phương châm “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời có những thông tin tích cực mang tính định hướng, góp phần giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, tin tưởng với các chủ trương, quyết sách của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh.

Có thể nói, đằng sau những tài khoản ảo là những con người thật với đầy đủ những nhu cầu tiếp nhận và chia sẻ thông tin, song song với việc phát huy vai trò chức năng của đơn vị nghiệp vụ nhằm đảm bảo an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, việc đẩy mạnh xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng là rất cần thiết. Qua đó giúp tăng cường mối quan hệ giữa lực lượng Công an và quần chúng nhân dân, huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh, không chỉ trên không gian mạng mà còn cho đời sống của người dân.

Phú Lữ - Ngô Huy
.
.