Trẻ em ngộ độc do bất cẩn của người lớn

Thứ Ba, 03/10/2017, 13:05
Đã không ít trẻ nhỏ ngộ độc, tàn phế vì thói quen tùy tiện, luộm thuộm, bất cẩn của người lớn…

Có nhiều "cạm bẫy" với trẻ

Cháu Hỏa Minh T., 16 tháng tuổi, chơi một mình trong nhà, thấy chai dầu thắp đèn để dưới gầm bàn thờ liền vớ lấy mở nắp ra uống..., rồi ho sặc sụa, khó thở, tím tái… Khi đến BV tỉnh Tuyên Quang, toàn thân trẻ tím tái, khó thở, tình trạng nguy kịch… Được cấp cứu, hồi sức nhanh chóng mới qua được nguy kịch, hiện cháu vẫn phải điều trị an thần, truyền dịch, kháng sinh, chống viêm…

Gia đình nói chai dầu thắp vẫn để ở đó từ lâu và cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện cất nó đi, dù cháu bé đang lẫm chẫm đi và có thể vớ bất kỳ thứ gì cầm được… Dầu có màu vàng đựng trong chai nhựa nên rất kích thích mắt con trẻ…

Bé T. phải lưu ống xông dạ dày suốt 6 tháng.

Cháu P.P.T., 3 tuổi, ở Hà Nội được gia đình đưa vào Khoa cấp cứu chống độc, BV Nhi TW trong tình trạng nôn, ho liên tục, hơi thở nồng nặc mùi dầu hỏa và có dấu hiệu viêm phổi… Chơi một mình, vớ được chai "nước" cháu đã uống "vô tư", bởi cháu đâu biết là dầu hỏa... BS Lê Ngọc Duy, Phó Trưởng khoa cấp cứu chống độc cho biết, khi uống phải dầu hỏa, hơi dầu vào phổi gây tổn thương phế nang rất nặng, sẽ viêm phổi sau 24 đến 48 giờ và có khi chỉ vài ngày sau trẻ đã suy hô hấp.

Đã có nhiều trẻ uống phải dầu hỏa do thói quen tùy tiện của người lớn… Như bé Trương Công B. D., 17 tháng tuổi, ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh phải chuyển về Hà Nội cấp cứu…; bé Nguyễn Thị Bích N., 16 tháng tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội, nhập viện Bạch Mai cấp cứu; bé L.M.T., 29 tháng tuổi, ở Long An…

Có đợt trong 2 tuần, BV Bạch Mai, Hà Nội cấp cứu 3 ca uống dầu hỏa: bé gái 3 tuổi và bé trai 4 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bé trai 4 tuổi ở Nam Định chuyển lên; bé K., 19 tháng tuổi ở huyện Châu Thành, Hậu Giang, uống dầu hỏa trong chai nhựa, để cạnh vách nhà, đã qua đời ở BV Nhi đồng Cần Thơ…

Có rất nhiều chất gây hại thành "cạm bẫy" với trẻ do chỗ để… BV tỉnh Tuyên Quang cấp cứu 3 anh em ruột là Lý Văn T., 5 tuổi; Lý Thị P., 4 tuổi; Lý Ngọc S., 2 tuổi) ở Hùng Lợi, Yên Sơn, uống thuốc diệt cỏ cha mẹ đựng trong chai cocacola!

Cháu L.B.V, 2 tuổi, ở Cao Bằng, khi chơi một mình đã lấy chai thuốc diệt cỏ paraquat uống. Gia đình phát hiện vội đưa bé đi BV huyện  sơ cứu, rồi chuyển thẳng về BV Nhi TW, nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp; nôn nhiều, đau bụng, chảy máu đường tiêu hóa. Paraquat gây bỏng đường tiêu hóa, hôn mê, phù não; tử vong do phù phổi, chảy máu não, suy đa tạng (gan, thận, tim, tụy…) trong vài giờ đến vài ngày…

Bé trai 1 tuổi ở phường Phú Hải, TP Đồng Hới, Quảng Bình bị ho nhiều. Ông nội cháu lấy lọ siro cho uống… Mẹ cháu đi làm về cho con bú thấy sặc mùi dầu tràm, bú vào nôn ra hết, rồi lơ mơ, lịm dần. Ông nội bảo cho cháu uống thuốc ho. Mẹ hốt hoảng xem lại, thì ra đã bỏ dầu tràm vào chai thuốc ho nhưng không dán nhãn, không dặn nên ông nội đinh ninh là thuốc ho. Bé được cấp cứu ở BV Việt Nam - Cu Ba, Đồng Hới, Quảng Bình trong tình trạng lơ mơ; nôn, bụng chướng, hơi thở nặng mùi dầu tràm… Dầu tràm có thể gây ngừng tim, ngừng thở làm tử vong.

Bé Phạm Thị Mai L., 5 tuổi, ở Đồng Tháp, uống phải nước tro tàu (có thể là sút ăn da hoặc potat ăn da, nồng độ thấp, thường dùng khi làm bánh trung thu, bánh ú, bánh tro…). Khi nhập viện Nhi đồng 1, TP HCM, quanh miệng bé phồng rộp nhẹ (bỏng độ II). Tuy nhiên, biết rõ chất kiềm sẽ làm bỏng thực quản nên các bác sĩ đặt xông dạ dày liên tục trong 3 tuần để chống dính thực quản.

Khi rút xông, lòng thực quản co hẹp, cháu phải trải qua 4 tháng điều trị với 4 lần nong thực quản mới được ra viện. Thế nhưng, xuất viện ít ngày bé lại không nuốt được, lại vào viện và phải nong thực quản trong ít nhất một năm rồi mới có thể đánh giá mức độ...

Đi học về khát nước, cháu Dương Phúc Q., 7 tuổi, ở Quảng Ninh, uống một chai "nước" để trước sân mà đó là nước có axit sulfuric để đổ bình ác quy. Tuy nồng độ axit trong chai thấp nhưng đủ làm bé nôn mửa liên tục... Sau điều trị ở tuyến dưới, bé vẫn nôn nhiều sau ăn, đau thượng vị, thể trạng suy kiệt dần…

Tại BV Nhi TW, cháu phải phẫu thuật cắt 2/3 dạ dày để giải quyết triệt để tổn thương và phòng ung thư hóa về sau. Tương tự, bé Võ Văn T., 3 tuổi, ở Rạch Giá, Kiên Giang chơi gần đống ve chai mẹ mua về, thấy chai "nước", bé nhặt lên uống, đâu biết bên trong là axit...

Chữa chạy ở tỉnh không khỏi, bé phải về BV Nhi đồng 1, TP HCM khi thực quản đã teo nhỏ lại do bỏng nặng gần như toàn bộ. Phải phẫu thuật làm "thực quản" nhân tạo bằng 25 cm ruột già. Cháu phải lưu ống xông dạ dày 6 tháng để "ăn" và nong đoạn thực quản teo hẹp, phải trải qua hai cuộc phẫu thuật và khám thường xuyên sau này để theo dõi…

Vỏ ống thuốc chuột hai trẻ ở Quảng Ninh đã uống.

Nhặt được 2 ống thuốc có màu giống siro, bé Th., 5 tuổi, ở Quảng Ninh, uống khoảng 2/3 ống vì thấy mùi khó chịu, em trai 3 tuổi uống cả ống, rồi hai bé đau bụng, nôn nhiều… Gia đình không đưa đi viện ngay mà cho uống men tiêu hóa nhưng bé vẫn nôn, đau bụng không giảm. Buổi chiều, bố bé thấy vỏ ống thuốc chuột ở sân mới tá hỏa…

Ở BV thị xã Uông Bí, Quảng Ninh, hai cháu được rửa dạ dày rồi chuyển tuyến. Đến khoa Nhi, BV Bạch Mai, bé trai đã co giật… Ngay lập tức, hai trẻ được điều trị chống độc… nhưng với thuốc diệt chuột thì mọi việc không hề dễ dàng! BS nói, vỏ ống thuốc gia đình mang đến viện rất giống ống men tiêu hóa, ống thuốc bổ dạng siro bán nhiều ngoài hiệu thuốc!?

Liệu có bỏ được thói quen tùy tiện?

Theo các bác sĩ BV Nhi TW; Bạch Mai, Hà Nội và BV Nhi đồng, TP HCM, các trường hợp nhập viện do uống, ăn phải các chất gây hại có xu hướng gia tăng, nhiều nhất là dầu đốt đèn; axit, kiềm; đến chất tẩy rửa (thường là axit, kiềm); các loại tinh dầu; nước hoa; chất tẩy móng tay (thành phần chính là aceton - một dung môi hữu cơ); nước rửa bát; có khi còn nuốt cả pin (có axit), ăn củ ráy (có chất saponin độc)...

Mỗi năm khoa Tiêu hóa, BV Nhi đồng 1 cấp cứu vài chục ca uống, ăn phải chất gây hại, trong đó khoảng 15 - 20 ca bỏng đường tiêu hóa do uống axit, kiềm, gây viêm loét ống tiêu hóa và di chứng nặng nhất là teo hẹp thực quản, chữa rất khó và lâu dài. BV Bạch Mai thì không tháng nào không có trẻ cấp cứu và nhiều nhất là nạn nhân 2 - 5 tuổi…

Chỉ cần người lớn không đựng chất gây hại trong chai, lọ vốn đựng nước, thuốc hoặc để ở nơi cao, an toàn, không bạ chỗ nào để chỗ đó là hoàn toàn loại bỏ được những tai họa như thế này; nhưng xem ra bỏ thói quen tùy tiện này không dễ!?

Bs Nguyễn Kiên
.
.