Trẻ nguy kịch do uống nhầm hóa chất

Thứ Tư, 16/01/2019, 17:11
Thời gian qua, rất nhiều trẻ ngộ độc hoá chất do uống nhầm hoá chất đựng trong những vỏ chai nước suối, nước ngọt… và ăn phải thuốc diệt chuột. Hậu quả mà trẻ phải gánh chịu là những thương tổn nặng nề khi ăn uống phải hóa chất vì sự bất cẩn, vô ý của cha mẹ và người lớn trong nhà.


Trẻ nhầm lẫn do người lớn  chủ quan, bất cẩn

Ngày 1-1-2019, Bé H.H.P. (15 tháng tuổi, ở Bến Lức, Long An) nhập viện trong tình trạng miệng sùi bọt mép, ói liên tục. Em được người nhà phát hiện khi đang cầm chai nước C2 cho vào miệng để uống. Chai nước chỉ là cái vỏ, được người nhà  em dùng đựng thuốc trừ sâu Dragon.

Khi được đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Long An, tình trạng bé rất nguy kịch. Em được bác sĩ rửa dạ dày, bơm than hoạt tính, cấp cứu tích cực  nhưng vẫn tiếp tục co giật, vật vã, tăng tiết đàm nhớt, sau đó hôn mê dần, đồng tử co nhỏ như đầu kim. Các bác sĩ đã xử trí triệu chứng co giật, đặt ống giúp thở, xác định hoạt chất hóa chất diệt cỏ chứa trong chai C2 là một loại phospho hữu cơ, nên đã tiêm thuốc giải độc thích hợp cho bé, sau đó chuyển ngay bé lên Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh.

Bé H.H.P. được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành  phố Hồ Chí Minh.

Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, sau vài ngày điều trị, cháu P. có biểu hiện đáp ứng tốt với điều trị. Kết quả xét nghiệm định lượng men acetyl cholinesterase trong máu ghi nhận giảm hẳn, còn 280 đơn vị/lít (bình thường từ 5.000-11.000 đơn vị/lít). Yếu tố này củng cố chẩn đoán cháu P. bị ngộ độc thuốc trừ sâu phospho hữu cơ. Theo các bác sĩ, phospho hữu cơ là chất có trong các loại thuốc chuyên diệt rầy, muỗi, gián, kiến… Gia đình cháu bé đã tận dụng vỏ chai nước  C2 đựng thuốc diệt sâu rầy để trong nhà. Sau 7 ngày hồi sức tích cực, sức khoẻ cháu P. đã được cải thiện, được cai máy thở, tỉnh táo dần.

Được biết, trong năm 2018, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh cũng đã từng tiếp nhận hơn 10 ca trẻ em nguy kịch do uống nhầm thuốc bảo vệ thực vật, hay xăng, dầu, hóa chất, nước rửa móng tay... Hầu hết trường hợp ngộ độc là do phụ huynh dùng chai lọ chứa thực phẩm để chứa hóa chất nên trẻ không biết, uống nhầm, vô tình người nhà tự gây hại cho con em mình.

Vào ngày 23-3-2018, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cũng phẫu thuật thành công tạo hình dạ dày cho em Đ.K.L. (16 tuổi, ở tỉnh Bạc Liêu) bị hỏng toàn bộ dạ dày do uống nhầm hóa chất (chất xúc tác làm composit chuyên dùng cho tàu, thuyền), có tính oxy hóa rất mạnh.

Còn vào tháng 3-2018, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh tiếp nhận bệnh nhi V.G.B. (17 tháng tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) được chuyển đến trong tình trạng suy hô hấp, tím tái. Cháu  phải thở qua ống nội khí quản, thở máy, mạch nhanh trên 200 lần/phút. Kết quả thăm khám, chẩn đoán xác định cháu B. bị tổn thương các cơ quan gan thận, xuất huyết phổi rất nặng, dẫn đến hôn mê.

Người thân của bé cho biết, cháu chơi với người em họ ở sân nhà. Hai anh em thấy chai nước giải khát bên gốc cây, bé liền mở nắp và uống. Ngay lập tức cháu ho sặc sụa, nôn ói. Ông nội của bé từ trong nhà chạy ra ngửi thấy mùi xăng nồng nặc từ miệng bé. Ngay lập tức cháu được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh.

Sau gần 1 tuần lọc máu, chăm sóc tích cực, điều trị kháng sinh thích hợp, cho thở máy, nuôi ăn qua tĩnh mạch, phổi cháu V.G.B. sáng dần. Các chỉ số huyết áp, khí máu và nội môi của bé dần trở lại bình thường, cho phép ngưng lọc máu. Ngày 29-3, bé được chuyển về Khoa Tim mạch để theo dõi và sau đó xuất viện.

Mối nguy hiểm từ thói quen tái sử dụng vỏ chai

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc của Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cho biết, hóa chất trẻ uống nhầm phổ biến là xăng, dầu hỏa, dung dịch cọ rửa, axít, chất diệt cỏ... Trẻ uống nhầm hóa chất thường có một số biểu hiện như ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất... Ngoài ra, có thể có vết bỏng quanh vùng miệng tái nhợt, do trẻ đã nuốt phải loại chất độc có tính ăn mòn. Tổn thương còn tùy theo loại hóa chất, nồng độ hóa chất, thời gian và liều lượng mà trẻ nuốt hoặc ăn phải.

Thuốc diệt chuột dạng viên màu hồng.

Việc tái sử dụng các chai nhựa, vỏ chai đựng thực phẩm, nước giải khát vào nhiều mục đích khác là thói quen của nhiều gia đình. Việc chiết hóa chất ra chai nhỏ để cất giữ hoặc phục vụ mục đích khác khá phổ biến. Các chai đựng nước suối, nước ngọt đều có thiết kế thương hiệu, nhãn chai khiến các cháu nhỏ hiểu nhầm, tưởng đó là nước ngọt, nước khoáng uống được. Khi những đồ vật đó nằm trong tầm với của trẻ, các cháu hiếu động, nghịch ngợm, tò mò thường uống và gặp họa.

Chị Phạm Thị Hải Châu (ở quận 12) cho biết: "Không nên để bất kỳ chất gì không uống được vào chai nước giải khát. Người lớn có khi còn nhầm chứ nói gì đến trẻ em. Khi khát thì thấy nước là lấy uống, đó là bản năng rồi, không phải ai cũng cẩn thận kiểm tra hay thử trước rồi mới uống".

Điều đáng lo ngại đó là trẻ nhỏ thường phản xạ nuốt rất nhanh khi ăn uống. Đó là lý do, nhiều trẻ uống một lúc mới biết là uống nhầm hóa chất và dừng lại. Đa phần, khi uống phải hóa chất, trẻ thường có biểu hiện như: đau họng, đau miệng, đau bụng; môi lưỡi phồng rộp, khó thở; cánh mũi phập phồng, co hõm ức; nặng hơn là cơ thể tím tái, mạch đập nhanh… Trên thực tế, do sơ cứu không đúng cách cũng như không kịp thời mà nhiều trẻ đã phải gánh chịu những tổn thương nặng nề, thậm chí là tử vong.

Không chỉ uống nhầm hoá chất, nhiều trẻ còn ăn phải thuốc diệt chuột. Ngày 26-10-2018, bé trai 2 tuổi (ở quận Tân Phú) được gia đình chuyển đến Khoa Cấp cứu trong tình trạng tỉnh táo nhưng phụ huynh rất lo lắng. Người thân của bé cho biết do trong nhà có nhiều chuột nên người lớn mua thuốc về diệt, bịch thuốc đã mở dùng một phần được cất trong ngăn bàn. Trong lúc lân la, bé thấy những viên thuốc diệt chuột màu sắc sặc sỡ nên lấy ra chơi và ăn. Nghi ngờ bé đã ăn những viên thuốc trên, gia đình vội đưa bé đến bệnh viện cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã thăm khám và tiến hành thủ thuật rửa ruột cho bé. Được cấp cứu kịp thời, sức khỏe và tính mạng cháu bé đã may mắn không bị đe dọa.

Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cũng từng cứu sống một cháu bé ăn nhầm thuốc diệt chuột. Đó là cháu T.N.A.M. (3 tuổi, ở quận Tân Phú). Người thân của bé cho biết, gia đình đem thuốc diệt chuột dạng hạt cốm màu hồng cho vào trong đĩa thức ăn, đặt ở góc nhà nhằm bẫy chuột từ trưa. Đến chiều, trong lúc chập chững đi chơi, cháu M. nhầm tưởng nên lấy ăn. Người thân thấy quanh miệng cháu dính vài miếng cốm hồng vội đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Do có màu sắc hấp dẫn, thuốc diệt chuột dễ làm cho trẻ em dễ nhầm tưởng là kẹo. Triệu chứng đầu tiên sau khi trẻ ăn phải thuốc diệt chuột là nôn ói, đau bụng. Sau đó co giật liên tục, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp. Nếu không cấp cứu kịp thời rất dễ tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh, Khoa Cấp cứu cho biết, khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi uống nhầm thuốc diệt chuột. Nhiều bé ăn phải liều lượng lớn bị rối loạn đông máu nặng dẫn tới xuất huyết não, xuất huyết phổi, xuất huyết tiêu hóa… phải điều trị dài ngày và nhiều ca đã tử vong. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên diệt chuột bằng các biện pháp khác như sử dụng keo dính, bẫy, máy đuổi chuột… Trường hợp dùng thuốc diệt chuột phải cất cẩn thận, xa tầm tay của trẻ.

Khi phát hiện trẻ bị ngộ độc, người nhà cần phải bình tĩnh, tránh hoảng loạn để hành động chính xác. Sai lầm trong sơ cứu có thể khiến tình trạng người bệnh trầm trọng hơn, để lại di chứng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Cần tìm hiểu xem người bệnh đã uống nhầm loại gì, với lượng bao nhiêu. Việc phát hiện, sơ cứu đúng cách, kịp thời là vô cùng quan trọng để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Những tai nạn như trên là hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu bố mẹ cẩn thận hơn, quản lý vật dụng trong nhà tốt hơn, để hóa chất tránh xa khỏi tầm nhìn của trẻ. Các bậc cha mẹ tuyệt đối không để hóa chất trong tầm với của trẻ, không tận dụng vỏ chai nước ngọt để đựng hóa chất khiến trẻ nhỏ nhầm tưởng nước uống được. Những loại hóa chất thuộc nhóm bay hơi như xăng dầu, acetone... thường gây tổn thương phổi rất nặng; còn các chất ăn mòn như acid,... gây viêm loét thực quản và các cơ quan thuộc đường tiêu hóa.

Bác sĩ Chuyên khoa 2  Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, phải luôn có người giữ trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, vì tuổi này trẻ rất thích tìm hiểu thế giới xung quanh và "thử" bất cứ thứ gì trẻ sờ được. Nếu có sử dụng thuốc và hoá chất thì cần để ngoài tầm với của trẻ; đóng chặt nắp chai, hộp để trẻ không dễ dàng mở được; không để hoá chất, nước uống trong vỏ chai các loại nước uống. Ngoài ra, để tránh nhầm lẫn, không nên để thuốc, hoá chất gần thức ăn, thức uống; không cất giữ hóa chất nếu không cần đến; nhất là không nói dối với trẻ thuốc là bánh, kẹo, vì sau này trẻ nghĩ các loại thuốc là kẹo, có thể ăn và bị ngộ độc.

Một số lưu ý cần thiết khi sơ cứu trẻ ngộ độc

Uống nhầm xăng, chất tẩy rửa, axit: Không được gây nôn ói cho bé. Nếu gây nôn ói, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Trẻ dễ bị viêm phổi là do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp. Cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt.

Trước khi đưa tới bệnh viện có thể cho nạn nhân uống một ít nước để tránh bỏng rát cổ họng. Cho uống từ từ, tránh bị sặc nước nếu không tình trạng càng nguy kịch hơn.

Uống nhầm thuốc diệt cỏ: Đối với trường hợp này thì phải gây nôn ói càng sớm càng tốt. Cho nạn nhân uống nước và kích thích họng gây nôn. Khi nôn ói nên đặt đầu nạn nhân thấp để tránh bị sặc vào phổi, đồng thời nằm nghiêng để tránh chất độc chảy vào khí quản gây tắc thở. Sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất.

Uống nhầm thuốc: Khi biết con bị ngộ độc thuốc cần giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng để các chất trong dạ dày không trào lên thực quản. Không đặt trẻ ở tư thế nằm. Nếu đang còn tỉnh, bất kể là đã uống nhầm loại thuốc gì cũng cần nhanh chóng gây nôn ói bằng cách móc họng. Đồng thời, cho trẻ uống nhiều nước ấm, sau đó tiếp tục móc họng gây nôn ói để rửa sạch dạ dày, giải độc ra khỏi cơ thể, giảm bớt tác hại của thuốc hay hóa chất. Nếu trẻ  đã rơi vào tình trạng trẻ hôn mê, co giật thì không nên gây nôn.

Sau khi sơ cứu ban đầu cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc. Khi đi nên bình tĩnh mang theo vỏ loại thuốc hoặc chai hóa chất mà người bệnh đã uống nhầm để các bác sĩ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.

Nguyễn Cảnh
.
.