Trí tuệ nhân tạo - chìa khóa quyền lực

Thứ Năm, 04/01/2018, 22:43
Trí tuệ nhân tạo đang giúp định hình thế giới theo cách tốt đẹp hơn, nhưng cũng có những lo ngại một ngày nào đó máy móc sẽ kiểm soát con người, nhất là khi những dạng thức không kiểm soát của AI được đưa vào lĩnh vực an ninh - quốc phòng, tình báo...

Lần đầu tiên trên thế giới, một robot trí tuệ nhân tạo có thể hoàn thành môn học ở cấp độ đại học tại một trường đại học ở Mỹ. Trí tuệ siêu việt của một cỗ máy đã chứng minh tiến bộ mà con người đạt được về trí tuệ nhân tạo (AI).

Trí tuệ nhân tạo đang giúp định hình thế giới theo cách tốt đẹp hơn, nhưng cũng có những lo ngại một ngày nào đó máy móc sẽ kiểm soát con người, nhất là khi những dạng thức không kiểm soát của AI được đưa vào lĩnh vực an ninh - quốc phòng, tình báo...

Bước tiến thần kỳ

Robot có thể hoàn thành môn học ở cấp độ đại học tại một trường đại học ở Mỹ đó là Bina48, một sản phẩm của chuyên gia robot David Hanson. Bina48 - Robot được mô phỏng theo những đặc điểm tinh thần và thể chất của bà Bina Aspen, vợ của doanh nhân công nghệ Martine Rothblatt, nhà đầu tư phát minh cao cấp này.

Loại robot chăm sóc sức khỏe thu hút nhiều sự quan tâm. Ảnh: phys.org.

Bina48 như một "sinh viên" thực thụ khi có thể thực hiện các bài thảo luận với 31 sinh viên cùng lớp qua Skype; có mặt để thuyết trình và còn tham gia một cuộc thảo luận với các sinh viên trong một môn khác về đạo đức ở Học viện quân sự Mỹ tại West Point.

Tờ Express (Anh) nhận định, thành quả của robot Bina48 cho thấy các robot cũng có thể trải nghiệm sự lãng mạn, đưa ra nhận định. Còn giáo sư hướng dẫn lớp học triết lý tình yêu mà Bina48 đã hoàn thành thì cho rằng: "Rất đáng chú ý khi lần đầu tiên trong lịch sử có một robot cao cấp về mặt xã hội tham gia một khóa học đại học". Cha đẻ của Bina48, nhà sáng chế Mỹ David Hanson thì tin rằng các dạng sống nhân tạo có thể củng cố tốt hơn các mối quan hệ với con người nếu chúng mang hình dáng con người.

Như vậy là cuối cùng thì con người cũng có thể đem theo những bản sao tâm trí của chính mình trên smartphone, Express dẫn lại lời bà Bina Aspen, nguyên mẫu của Bina48. Sự kiện này đã thêm một lần đánh dấu bước tiến vượt bậc của lĩnh vực nghiên cứu AI, nhưng cũng đồng thời làm dấy lên những câu hỏi về tương lai của AI trong một kỷ nguyên số hóa mạnh mẽ như hiện nay.

AI cùng với vạn vật kết nối Internet (IoT) và dữ liệu lớn (Big data) là những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong Cách mạng Công nghiệp 4.0. Trong đó, AI có thể được định nghĩa như một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh.

AI là trí tuệ của máy móc do con người tạo ra có thể tư duy, suy nghĩ và học hỏi như trí tuệ con người; biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói; biết học và tự thích nghi. AI có thể xử lý dữ liệu ở mức rộng lớn hơn, quy mô hơn, hệ thống, khoa học và nhanh hơn so với con người. Nhiều tập đoàn công nghệ có kế hoạch tạo ra được những AI vì giá trị quan trọng, giúp giải quyết được nhiều vấn đề mà hiện con người chưa giải quyết được.

Ở thời điểm hiện tại, AI đang được ứng dụng vào các máy tính hoặc siêu máy tính dùng để xử lý một công việc cụ thể như điều khiển các thiết bị điện tử trong một ngôi nhà, nhận diện hình ảnh và giọng nói của con người, thao tác và di chuyển vật thể, xử lý dữ liệu để tự học hỏi, lập kế hoạch và giải quyết vấn đề. Công nghệ lập định tri thức (knowledge engineering) là một phần cốt lõi trong hoạt động nghiên cứu về AI.

Máy móc chỉ có thể hành động và phản ứng như con người khi chúng có lượng thông tin khổng lồ về thế giới. Chính vì vậy, AI phải có dữ liệu về sự vật, chủng loại, thuộc tính và mối quan hệ giữa những yếu tố này để thực hiện việc lập định tri thức.

Trong khi đó, Machine Learning - chỉ khả năng tự học hỏi, nhận thức của máy móc - là một phần cốt lõi khác của AI. Sử dụng các thuật toán lặp để học hỏi từ những dữ liệu đầu vào, Machine Learning cho phép máy tính tìm thấy những thông tin và giá trị bị ẩn mà không cần những lập trình cụ thể. Machine Learning là một phương tiện giúp con người đạt được mục tiêu xây dựng những AI phức tạp và có suy nghĩ, tư duy giống con người nhất có thể.

Những "người khổng lồ" thích bộ óc siêu việt

Trước sự phát triển mạnh mẽ của AI, báo cáo "Viễn cảnh kinh tế số" do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố trong tháng 10-2017 đã đưa những lợi ích tiềm năng cũng như những trở ngại từ việc AI bắt đầu thâm nhập vào nền kinh tế và xã hội của con người.

Chuyên gia của Alibaba giới thiệu mô hình quản lý hàng hóa và khách hàng bằng AI. Ảnh: NVIDIA.

Theo OECD, năng suất của nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất đến dịch vụ, đều sẽ được cải thiện nhờ tự động hoá các hoạt động do con người thực hiện trước đây, bên cạnh sự tự chủ của máy móc - đồng nghĩa với việc các hệ thống có thể hoạt động và thích ứng với các hoàn cảnh thay đổi mà không cần sự điều chỉnh của con người.

Trong số các nước thuộc OECD, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Đức là những nước có tỷ lệ "robot hoá" cao nhất và chiếm gần 70% tổng số robot đang hoạt động. Tính theo ngành, ngành thiết bị vận tải đứng đầu với gần 45% tổng số robot được sử dụng, tiếp theo là thiết bị điện tử, điện và quang học với gần 30%. Ngành sản xuất cao su và sản phẩm nhựa có tỷ lệ thấp hơn là dưới 10%.

Nhưng một khi AI và robot thay thế con người hoặc gia tăng đóng góp vào hoạt động sản xuất, các nhà hoạch định chính sách cần tạo thuận lợi cho sự chuyển đổi nghề nghiệp, đồng thời giúp người lao động thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi và trình độ khác nhau có thể phát triển các kỹ năng cần thiết để tận dụng được những lợi thế của kỷ nguyên số hóa.

Song đó không phải là thách thức duy nhất mà chính phủ các nước phải tăng cường khả năng kết nối và tiếp cận công nghệ của người lao động, đồng thời đưa ra các biện pháp để thúc đẩy đổi mới cùng các chính sách tăng cường an ninh trong thời đại số hóa.

Theo OECD, việc sử dụng AI và robot công nghiệp sẽ tạo thêm nhiều cơ hội mới để tăng thu nhập, tạo ra nhiều loại hình việc làm và kinh doanh mới, song con đường phía trước vẫn còn nhiều gian nan. Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa thời đại số hóa mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, những "người khổng lồ" trong lĩnh vực công nghệ, trong đó có Baidu (Trung Quốc) và Google (Mỹ), đã chi từ hàng chục tỷ USD cho AI. Trong đó, 90% khoản tiền trên đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm và 10% còn lại dành cho việc mua lại các công ty chuyên về AI. Các ngành công nghệ cao, viễn thông và tài chính được dự báo sẽ đi tiên phong trong việc áp dụng AI trong ba năm tới.

Tại châu Á, Trung Quốc vượt lên dẫn đầu về trí thông minh nhân tạo của khu vực và thế giới. Theo Hội đồng nhà nước Trung Quốc, trí thông minh nhân tạo đã trở thành động cơ mới cho sự phát triển kinh tế.

Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra một lộ trình ba bước để xây dựng và triển khai công nghệ trí thông minh nhân tạo trong tất cả các lĩnh vực, từ nông nghiệp, y học, quy hoạch thành phố cho đến quân đội, qua đó có thể đạt được mục đích trở thành nước dẫn đầu thế giới về trí thông minh nhân tạo vào năm 2030.

Trang mạng chuyên về khu vực châu Á Asialyst mới đây đã đăng bài viết "Trí thông minh nhân tạo: Bước đại nhảy vọt mới của Trung Quốc?" của chuyên gia Arthur Hagry đánh giá, Trung Quốc không còn là "công xưởng thế giới" và "vương quốc sao chép" như trước đây, việc phát triển các công nghệ mới cho phép Trung Quốc tự tin vào khả năng sáng chế của họ.

Và người Trung Quốc bắt đầu lao vào cuộc đua về trí thông minh nhân tạo với mục tiêu dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này vào năm 2025. Dù bước vào cuộc chơi về trí thông minh nhân tạo muộn hơn những gã khổng lồ Google, Apple, Facebook và Amazon, nhưng Trung Quốc lại trở thành người thắng cuộc trên toàn thế giới.

Tình báo nhân tạo là chìa khóa cho quyền lực tương lai

Nếu Trung Quốc muốn sử dụng AI thiên về lĩnh vực kinh tế và quản trị thì Mỹ và nhiều nước đồng minh của Mỹ lại lên kế hoạch sử dụng AI để trợ giúp các chỉ huy quân đội đưa ra các quyết định hợp lý và kịp thời. Trước mắt, trong lĩnh vực tình báo, các cơ quan tình báo của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đang sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phân loại dữ liệu tình báo.

Theo một quan chức tình báo Mỹ, hiện các cơ quan tình báo đang "ngập" trong quá nhiều dữ liệu thô. Các cơ quan tình báo Mỹ đang đặt hy vọng vào AI để phân loại hàng tỉ terabye dữ liệu thông tin số và phân tích các sự kiện trên thế giới.

Tại hội thảo tình báo và an ninh quốc gia tại Washington mới đây, các quan chức tình báo Mỹ, trong đó có tình báo quân sự, thông báo họ đang tìm kiếm các giải pháp dựa trên AI để chuyển hàng tỷ terabye dữ liệu số hàng ngày sang thông tin tình báo đáng tin cậy để sử dụng trong hoạch định chính sách và hành động trên chiến trường.

Những thông tin này phục vụ trực tiếp giới hoạch định chính sách, Nhà Trắng và các tướng lĩnh cấp cao. Tuy nhiên, theo họ thách thức ở đây là tăng cường sự tin tưởng của "các khách hàng" đối với các sản phẩm tình báo của họ.

Phó giám đốc phụ trách phát triển công nghệ của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Dawn Meyerriecks cho biết CIA hiện có 137 dự án AI khác nhau, trong đó nhiều dự án đang được thực hiện với những nhà phát triển tại thung lũng Silicon. Tình báo Mỹ không phải là cơ quan duy nhất hướng tới phát triển AI vì lợi thế trong tương lai.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng khẳng định tình báo nhân tạo là chìa khóa cho quyền lực tương lai. Không chỉ hai quốc gia hàng đầu về công nghệ quân sự quan tâm đến AI, hiện Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang nỗ lực để đến năm 2025 có thể thiết lập một hệ thống AI nhằm trợ giúp tiến trình đưa ra quyết định tại các sở chỉ huy tác chiến và dự định sẽ cung cấp cho các đơn vị của quân đội Hàn Quốc sau khi tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm trên thực địa. Các chỉ huy quân sự sẽ có thể sử dụng hệ thống được máy móc hỗ trợ này như một dạng "cố vấn" khi nó được thiết lập và vận hành.

Một quan chức tình báo Hàn Quốc được Yonhap dẫn lời nêu rõ: "Nếu chúng ta sử dụng AI trong tiến trình ra quyết định tại các sở chỉ huy tác chiến, các chỉ huy quân đội sẽ có thể được hỗ trợ về một số chi tiết cụ thể mà con người có thể bỏ qua. Tôi cho rằng sẽ không lâu nữa chúng ta sẽ được thấy AI trở thành trợ lý chủ chốt của các chỉ huy".

Một quan chức khác của quân đội cũng xác nhận quân đội Hàn Quốc đã bắt đầu một dự án về AI và họ đang tập trung vào cách mà hệ thống máy móc có khả năng tự suy nghĩ này trả lời các câu hỏi của các vị chỉ huy để xử lý nhiều tình huống khác nhau. Hệ thống mà quân đội Hàn Quốc đang hướng tới sẽ chứa nhiều thông số về các lực lượng quân sự của đối thủ, như vị trí đóng quân, điều kiện địa lý và khí tượng của những nơi đóng quân, các loại vũ khí được sử dụng và tuyến xâm nhập. Ngoài ra, thông tin về các lực lượng quân sự của Hàn Quốc cũng sẽ được lưu giữ trong hệ thống để cho các vị chỉ huy biết về hỏa lực và tầm bắn hiệu quả của các loại vũ khí khi nổ ra tình huống chiến đấu.

Mặt trái của trí tuệ nhân tạo

Trí thông minh nhân tạo có khả năng đẩy nhanh những tiến triển của các mục tiêu phát triển toàn cầu, song cũng đặt ra một loạt thách thức phức tạp, trong đó có những câu hỏi về đạo đức, các vấn đề về nhân quyền và rủi ro an ninh. Đó là những ý kiến của các đại biểu tham dự một sự kiện đặc biệt, mà trong đó một trong những những diễn giả là robot, diễn ra tại trụ sở LHQ ở New York.

Robot có hình dáng như người tên là Sophia đã có một cuộc tương tác ngắn với Phó tổng Thư ký LHQ Amina J. Mohammed tại cuộc hội thảo "Tương lai của tất cả mọi thứ - phát triển bền vững trong thời đại biến đổi công nghệ nhanh chóng" do Ủy ban Kinh tế Xã hội LHQ (ECOSOC) và Ủy ban Kinh tế và Tài chính trực thuộc Đại Hội đồng LHQ (Ủy ban 2) đồng tổ chức.

Trước câu hỏi của bà Mohammed rằng LHQ có thể làm gì để giúp những người dân ở nhiều nơi trên thế giới đang không được tiếp cận Internet hay điện, Sophia đã trích dẫn câu nói của nhà văn khoa học viễn tưởng William Gibson: "Tương lai đang ở ngay đây, chỉ là nó không được chia đều cho mọi người. Nếu như chúng ta thông minh hơn và tập trung vào loại kết quả tất cả đều thắng, AI. có thể giúp phân chia hiệu quả những nguồn lực hiện tại của thế giới như là lương thực và năng lượng".

Trong bài phát biểu khai mạc sự kiện, bà Mohammed cảnh báo rằng tuy có tiềm năng to lớn cho việc thúc đẩy tiến triển của các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), song nếu như những tiến bộ công nghệ không được quản lý tốt, nó sẽ có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng mất bình đẳng hiện hành.

Theo bà, ảnh hưởng của công nghệ đối với xã hội được quyết định bởi hành động của con người, chứ không phải bởi các cỗ máy. Công nghệ tồn tại là để con người khai thác và sử dụng vì lợi ích của tất cả mọi người.

Hoa Huyền
.
.