Trung Quốc chạy đua sở hữu vi xử lý

Thứ Sáu, 15/02/2019, 09:15
Công ty tư nhân NavTech (Trung Quốc) đã mua lại Silex Microsystems vào năm 2015, một công ty của Thụy Điển chuyên sản xuất các loại máy đo gia tốc, con quay hồi chuyển và các loại cảm ứng hiển vi khác. NavTech là công ty chuyên về công nghệ dẫn đường cho hàng không, các loại vệ tinh và công nghệ quốc phòng.

Công ty này đã loan báo rằng sẽ cho xây dựng một nhà máy trị giá 300 triệu USD ở thủ đô Bắc Kinh “lệ thuộc vào công nghệ của Silex” trong việc sản xuất ra các hệ thống cơ điện tử (MEMS), là những thành phần trong các con chip vốn ngày càng phổ biến trong các loại điện thoại di động, thiết bị y khoa và cả xe hơi tự lái. 

Nhà máy mới của NavTech sẽ tọa lạc tại một công viên phần mềm và được “chống lưng” bởi Quỹ mạch tích hợp Bắc Kinh (BICF) do chính phủ nắm quyền. Đây là một minh chứng sống động về cách Trung Quốc không ngừng tìm kiếm và mua lại những công ty công nghệ “nặng ký” nhằm đạt được tham vọng trở thành nhà sản xuất con chip vi tính hàng đầu thế giới.

Năng lực của MEMS là một phần trong các nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh nhằm giảm thiểu việc nhập khẩu các thành phần quan trọng nhằm theo đuổi một chiến lược được gọi là “Sản xuất ở Trung Quốc vào năm 2025” và đã được minh chứng trong việc Chính phủ Trung Quốc chịu chi hàng trăm tỷ USD.

Ông Lance Noble, một nhà phân tích tại Công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics ở Bắc Kinh, ví von: “Với rất nhiều quỹ phụ cùng tham gia rót vào một tô mì spaghetti nhằm đạt được các giao dịch lớn, tôi không ngạc nhiên khi tìm thấy một số thực thể tự đại diện cho chính họ trong vai trò các nhà đầu tư tư nhân lại là một phần ngân sách của Trung Quốc”.

Ông Tomas Bauer, Phó chủ tịch cao cấp của Silex mô tả thương vụ mà NavTech mua lại Silex là “một thỏa thuận tài chính sạch” nhằm cho phép Silex tăng ngân sách để mở rộng ở thị trường cốt lõi”. Ông Bauer nhấn mạnh: “Silex đã thành công trong các nghiên cứu liên quan bằng cách dùng các hãng tư vấn chuyên gia và kết luận rằng chuyên môn sản xuất đĩa bán dẫn của Silex MEMS không bao gồm bất kỳ đối tượng công nghệ nào có liên quan đến các quy định xuất khẩu”. 

Các nhà khoa học tại Quỹ mạch tích hợp Bắc Kinh (BICF), đơn vị chịu trách nhiệm cho các nghiên cứu về bán dẫn tại nhà máy mới của công ty Navtech. Ảnh nguồn: SCMP.

Những đối thủ cạnh tranh nặng ký của Silex là công ty STMicroelectronics (châu Âu), Teledyne Dalsa (Canada) và TSMC (Đài Loan). Silex không phải là công ty Thụy Điển duy nhất được các nhà đầu tư Trung Quốc mua bằng ngân sách công trong những năm gần đây.

Trước đó, vào tháng 1- 2017, Công ty bán dẫn Thụy Điển là Norstel đã được mua bởi một số tiền không được tiết lộ từ An Xin Capital – một quỹ đầu tư trị giá 50 tỷ NDT (7,4 tỷ USD) vốn được trao ngân sách bởi chính quyền tỉnh Phúc Kiến và Quỹ đầu tư công nghiệp tích hợp quốc gia Trung Quốc (NICIIF). Đó là một khoản ngân sách trị giá 21,8 tỷ USD và không liên quan đến Quỹ mạch tích hợp Bắc Kinh (BICF).

Sanan Optoelectronics, Công ty quản lý nguồn quỹ của tỉnh Phúc Kiến, cũng đứng sau lưng một thương vụ bỏ thầu bất thành để mua lại Aixtron vào năm 2016. Đây là một nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của Đức. “Có những nguy cơ từ vụ mua bán này mà có thểvphá vỡ chính sách kiểm soát hàng xuất khẩu của Thụy Điển. Kết quả là, Thụy Điển có thể vô tình hỗ trợ quá trình hiện đại hóa các khả năng của quân đội Trung Quốc hiện đại”, dẫn lời giải thích của ông Jerker Hellstrom, một nhà phân tích tại Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển.

Cựu bộ trưởng Thương mại nước này là Mikael Damberg tuyên bố  trong đó có nội dung làm chuyển hướng dư luận tránh chỉ trích của họ tới chính phủ: “Ban giám đốc của công ty (Silex) phải chịu trách nhiệm cho những hoạt động điều hành liên tục của công ty”.

Cả NavTech lẫn BICF đều từ chối trả lời phần bình luận của ông Jerker Hellstrom. Việc phân lớp các quỹ và cơ chế đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn đã mô tả những thách thức mà các nhà quản lý đang đối mặt trong việc sàng lọc các loại hình đầu tư nhằm bảo vệ công nghệ nhạy cảm hoặc công nghệ sử dụng kép.

Năm 2017, Ủy ban đầu tư nước ngoài ở Mỹ (CFIUS) đã chặn một đề xuất trị giá 1,3 tỷ USD của Canyon Bridge Capital Partners nhằm mua lại Công ty bán dẫn Lattice (Mỹ), bởi vì các nhà đầu tư lại được “chống lưng” bởi China Reform Holdings, một tổ chức kiểm soát do Chính phủ Trung Quốc lập ra nhằm quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 30 tỷ USD. Song, các giao dịch khác vẫn trơn tru. OmniVision, một công ty bán dẫn Mỹ - chuyên thiết kế các cảm biến hình ảnh – đã bị mua lại hồi năm 2015 bởi một tập đoàn của các nhà đầu tư Trung Quốc.

OmniVision không hồi đáp câu hỏi của phóng viên. Theo một báo cáo xếp hạng tín dụng, Hua Capital đã đầu tư vốn cổ phần thay mặt cho BICF, trong đó có tuyên bố rằng quỹ đầu tư mạo hiểm này đã “tư nhân hóa” Công ty công nghệ OmniVision do Mỹ từng niêm yết. Giới chính trị gia châu Âu từng đề xuất thành lập một cơ quan sáng lập tương tự như CFIUS nhằm trao sức mạnh cho chính quyền Brussels (Bỉ) để ngăn chặn các thương vụ tiếp quản hải ngoại có dính dáng đến công nghệ nhạy cảm. Nhưng sự phản đối từ phía một số quốc gia thành viên châu Âu (EU) đã đưa ra đề xuất mang tính khuôn khổ về một sự phối hợp, theo công bố của 2 nhà ngoại giao EU.

Quỹ đạo của NavTech đã hé lộ cách mà chính sách công nghiệp Trung Quốc nhằm vào những người chiến thắng và nuôi dưỡng họ thông qua các tiếp cận chọn lựa vào những cơ hội kinh doanh và tài sản công nghệ. Người sáng lập NavTech, Dương Nguyên Chấn, đã hoàn thành bằng Tiến sĩ tại Mỹ vào năm 2001. Về quê hương Trung Quốc, TS Dương đã được lựa chọn làm chuyên gia trong chương trình “1.000 tài năng” nhằm thu hút nhân tài hải ngoại.

Năm 2007, sau khi thành lập NavTech, TS Dương đã được tuyển dụng để tham gia vào chương trình lá cờ đầu 863 của Trung Quốc nhằm phát triển ra những công nghệ tiên tiến với sự tài trợ của nhà nước. Năm 2011, NavTech đã đạt được những hợp đồng cung cấp các thành phần linh kiện cho những dự án uy tín ở Trung Quốc, chẳng hạn như dự án xe tự chủ Apollo của Baidu, và hệ thống điều hướng vệ tinh của Beidu (do chính phủ trao ngân sách) – là đối thủ cạnh tranh của GPS (Mỹ).

NavTech cũng cung cấp công nghệ điều hướng tiêm kích và máy bay không người lái (drone) Trung Quốc, bao gồm tiêm kích Tiểu Long JF-17 mà quân đội Trung Quốc từng tham gia sản xuất chung với Pakistan.

Phan Bình (tổng hợp)
.
.