Tử vong vì hội chứng Karoshi

Thứ Sáu, 17/02/2017, 10:45
"Karoshi" - chết do đột quỵ, bệnh tim hay tự sát do công việc - hiện nay được công nhận là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong môi trường lao động ở Nhật Bản.

Ở phương Tây, có vô vàn những cuốn sách và câu chuyện chỉ dẫn chúng ta cách làm việc như thế nào cho có hiệu quả để còn dành thời nhiều hơn cho gia đình hay làm những công việc mà mình yêu thích. Song tại Nhật Bản, thậm chí không hề có khái niệm "cân bằng giữa cuộc sống và công việc" mà chỉ có cụm từ khủng khiếp là "chết vì làm việc quá sức".

Đó là "karoshi" và nó được coi như hậu quả không thể tránh khỏi do nền văn hóa lao động đến kiệt sức của Nhật Bản. Một điều không ai ngờ là mỗi năm ở Nhật Bản có đến hàng trăm thậm chí hàng ngàn người tử vong do "karoshi". Người công nhân chỉ mới 34 tuổi tên Kiyotaska Serizawa là một trong số đó.

Cha mẹ của Kiyotaska Serizawa cầm di ảnh con trai.

"Karoshi" - chết do đột quỵ, bệnh tim hay tự sát do công việc - hiện nay được công nhận là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong môi trường lao động ở Nhật Bản. Vào tháng 7 cách đây hơn 1 năm, Kiyotaska Serizawa đã tự tìm đến cái chết sau thời gian làm việc như điên - với 90 giờ trong một tuần vào những tuần cuối cùng của cuộc đời mình - tại một công ty dịch vụ bảo trì các tòa nhà chung cư.

Kiyoshi Serizawa, cha của nạn nhân, giãi bày trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí: "Đồng nghiệp của Kiyotaska nói với tôi rằng họ hết sức sửng sốt trước sự làm việc quá độ của con trai tôi. Họ bảo họ chưa từng nhìn thấy bất cứ ai làm việc căng thẳng đến mức đó cả".

Nhật Bản có nền văn hóa làm việc không ngơi tay, kéo dài nhiều giờ liên tục và thậm chí còn phục vụ cấp trên sau khi kết thúc công việc. Đó là chuẩn mực truyền thống và nó bắt đầu từ thập niên 1970 khi tiền lương còn tương đối thấp và nhân viên muốn tăng thu nhập tối đa để lo toan cuộc sống. Và, câu chuyện vẫn tiếp tục cho đến thập niên 1980 khi mà Nhật Bản phát triển mạnh trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.

Cho đến cuối thập niên 1990, khi các công ty bắt đầu tái cơ cấu, mọi người vẫn hùng hục làm việc nhằm bảo đảm mình sẽ không bị sa thải! Hơn thế nữa, những nhân viên thời vụ - tức những đối tượng tự do không được hưởng quyền lợi - được nhận vào làm việc nhiều hơn càng khiến cho lực lượng lao động chính thức càng cố sức làm quần quật hơn nữa để giữ chỗ cho mình.

Họ làm việc thậm chí không dám chợp mắt. Koji Morioka, Giáo sư danh dự thuộc Đại học Kansai và  là thành viên của một ủy ban chuyên gia cố vấn chính phủ chống lại "karoshi", phân tích: "Trong môi trường lao động ở Nhật Bản, hiện tượng làm việc cho đến kiệt sức luôn tồn tại. Bởi vì, mọi công nhân hay nhân viên văn phòng đều thấy điều đó là cần thiết mặc dù chẳng ai bắt buộc họ phải phí sức như thế cả".

Trong khi tuần làm việc cơ bản là 40 giờ, nhiều công nhân vẫn tiếp tục làm thêm vài giờ - thậm chí rất nhiều giờ - do tâm lý sợ bị đánh giá năng lực kém! Song ở Nhật Bản, thời gian làm thêm không được trả công mà đó là "free" (miễn phí)! Sự khủng khiếp của "karoshi" là như thế đó!

Theo số liệu từ Bộ Lao động Nhật Bản, 189 cái chết do "karoshi" được ghi nhận trong năm 2015 mặc dù các chuyên gia cho rằng con số thật sự phải lên đến hàng ngàn. Từ lâu "karoshi" được coi là vấn đề của nam giới song thực tế cho thấy hiện nay số phụ nữ lao động chết do "karoshi" đang tăng dần và thường vẫn là tự sát. Hiroshi Kawahito nhận định đó là hiện tượng đáng lo ngại bởi vì những phụ nữ này có tuổi đời còn quá trẻ - thường còn trong độ tuổi 20.

Hiroshi Kawahito là luật sư và Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia Bảo vệ các nạn nhân Karoshi - tổ chức đấu tranh pháp lý đòi công bằng cho gia đình các nạn nhân. Kawahito đại diện cho gia đình một nhà báo nữ trong độ tuổi 30 chết do bệnh tim - trường hợp thường thấy ở Nhật Bản ngày nay. Sau khi cái chết của nữ nhà báo được xác định là "karoshi", gia đình nạn nhân lập tức được bồi thường thông qua hệ thống phúc lợi của tòa báo. Cái chết của Kiyotaska Serizawa được chính quyền chính thức xác nhận do "karoshi".

Kiyotaska chịu trách nhiệm giám sát những người gác cổng tòa nhà trong 3 khu vực riêng biệt ở phía đông bắc thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Một năm trước khi chết, Kiyotaska trình đơn xin nghỉ việc lên cấp trên nhưng không được chấp nhận.

Kiyotaska đôi khi ngủ ở nhà cha mẹ và người mẹ Mitsuko Serizawa cho biết: "Kiyotaska ngủ như mê man đến mức tôi phải kiểm tra xem tim nó còn đập hay không". Lần cuối cùng bà Mitsuko gặp con trai là vào tháng 7-2015.

Lúc đó, Kiyotaska tranh thủ gom quần áo cho vào máy giặt và ngồi nghỉ chừng 10 phút để xem video trên điện thoại. Nhưng, đến ngày 26-7-2015 thì Kiyotaska biến mất. Và, 3 tuần lễ sau đó người ta phát hiện anh nằm chết bên trong chiếc ôtô đỗ ở quận Nagano, gần nơi mà lúc còn nhỏ anh thường nghỉ hè cùng với gia đình. Kiyotaska đốt than trong xe và tử vong do ngộ độc khí carbon monixide.

Mặc dù "karoshi" là vấn đề lớn trong suốt vài thập niên, song thời gian gần đây chính quyền Nhật Bản mới thông qua luật để giải quyết nó đồng thời khuyến khích nhân viên đi nghỉ phép. Theo quy định, nhân viên được nghỉ phép 20 ngày trong năm song đại đa số vẫn chấp nhận tiếp tục làm việc do nền văn hóa lao động Nhật Bản coi những ngày nghỉ là dấu hiệu của sự sao nhãng hay thiếu trách nhiệm trong công việc!

Một cuốn sách về "karoshi" của tác giả Shay Kuebler.

Do đó mà hiện nay chính quyền hy vọng người lao động sẽ sử dụng ít nhất 70% thời lượng nghỉ phép được trả lương của mình. Yasukazu Kurio, nhân viên bộ phận phòng chống "karoshi" thuộc Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản, lập luận: "Nếu nhận thức rõ về quyền lợi này, anh sẽ cảm thấy không có gì sai trái khi nghỉ phép".

Năm 2015, như để làm gương, Kurio nghỉ phép 17 ngày trong thời lượng quy định 20 ngày. Theo Luật sư Kawahito, những nỗ lực của chính quyền có thể có tác động phần nào song vẫn chưa giải quyết rốt ráo được vấn đề "karoshi". Luật cho rằng cần có hình phạt đối với những công ty phạm luật về "karoshi". Lúc còn trẻ tuổi, Luật  sư Kawahito  thường làm việc suốt nhiều giờ liên tục nhưng hiện thời đã ở tuổi 66 cho nên ông chỉ làm việc khoảng 60 giờ mỗi tuần.

Hiroshi Kawahito muốn nhìn thấy một luật giống như Chỉ thị về thời gian lao động châu Âu (EWTD), trong đó quy định 11 giờ nghỉ giữa các ca làm việc. Vấn đề "karoshi" ở Nhật Bản càng trầm trọng thêm khi các liên đoàn lao động nước này chỉ quan tâm đến việc tăng lương hơn là cắt giảm bớt số giờ làm việc cũng như người lao động thường muốn được phục vụ cho một công việc suốt đời.

Ví dụ như, đại đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp đều mong muốn làm việc trong một công ty hay cơ quan cấp bộ cho đến khi về hưu. Kenichi Kuroda, Giáo sư thuộc Đại học Meiji ở Tokyo chuyên về văn hóa lao động, nhận định: "Tại một quốc gia như Mỹ, người lao động được tự do chuyển sang làm việc cho một công ty khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Nhưng ở Nhật Bản, người dân thường có xu hướng làm việc suốt đời cho một công ty".

Một số công ty - đặc biệt trong môi trường tài chính - cho phép nhân viên đến làm việc sớm hơn và rời chỗ làm cũng sớm hơn. Ví dụ như thay vì làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, nhân viên có thể bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 7 giờ tối để có thời gian cho con cái sau giờ làm việc.

Dân số Nhật Bản đang già nhanh dẫn đến lực lượng lao động cũng ngày càng giảm sút mạnh đến ít nhất một phần tư vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là người lao động Nhật Bản trong tương lai càng phải gánh chịu áp lực công việc khủng khiếp hơn. Theo Giáo sư Morioka, muốn chấm dứt "karoshi" thì Nhật Bản phải thay đổi hoàn toàn nền văn hóa lao động của nước này.

Giáo sư phân tích: "Chúng ta cần thay đổi nền văn hóa làm việc quá nhiều giờ và tạo thời gian cho gia đình cũng như những hoạt động vui chơi giải trí. Những giờ làm việc quá dài chính là gốc rễ của mọi sự tồi tệ ở Nhật Bản. Khi quá đỗi bận rộn, con người thậm chí không có thời gian để mà than phiền".

Một nam nhân viên 29 tuổi làm việc cho một công ty báo chí lớn nhất Nhật Bản bất ngờ bị choáng dẫn đến tử vong - đây là cái chết đầu tiên liên quan đến "karoshi" được báo cáo năm 1969. Thuật ngữ "karoshi" được sử dụng đầu tiên vào năm 1978 để mô tả tình trạng đột tử do choáng và đau tim xuất phát từ sự lao lực.

Một cuốn sách phát hành năm 1982 bắt đầu sử dụng thuật ngữ "karoshi" song cho đến cuối thập niên 1980 (thời kỳ bùng nổ kinh tế của Nhật Bản) nó mới trở nên phổ biến trong xã hội và ngay lập tức hiện tượng được coi là mối đe dọa cho môi trường lao động ở nước này.

Năm 1987, khi mối lo ngại về "karoshi" tăng cao, Bộ trưởng Lao động Nhật Bản mới bắt đầu công bố những con số thống kê chính thức về hiện tượng này. Ngày 6-11-2006, kênh truyền hình Pháp - Đức Arte phát sóng một bộ phim tài liệu về "karoshi". Cũng trong năm 2006, một kỹ sư của công ty chế tạo ôtô Toyota đột tử do "karoshi" vì làm việc trung bình hơn 80 giờ mỗi tháng và lần đầu tiên gia đình của nạn nhân được chính quyền chi trả tiền tuất.

Giới truyền thông Đài Loan cũng đưa tin về một trường hợp liên quan đến "karoshi" ở nơi này - một kỹ sư làm việc cho Công ty Nanya Technology trong 3 năm từ 2006 đến 2009. Nạn nhân được phát hiện gục chết ngay trước máy tính giữa bộn bề giấy tờ của công ty công nghệ. Khám nghiệm tử thi xác nhận viên kỹ sư chết do bệnh tim mạch.

Gia đình nạn nhân cho biết anh thường làm việc miệt mài từ 16 đến 19 giờ mỗi ngày! Năm 2007, Mitsubishi UFJ Trust & Banking - chi nhánh tập đoàn ngân hàng lớn nhất Nhật Bản - bắt đầu cho phép đội ngũ nhân viên trở về nhà sớm hơn 3 giờ để chăm sóc con cái hay người thân cao tuổi.

Ân Duy (tổng hợp)
.
.