Twitter ngăn cản cộng đồng tình báo Mỹ sử dụng dữ liệu Dataminr

Thứ Tư, 18/05/2016, 09:05
Twitter vừa phát đi thông điệp tước quyền truy cập vào dữ liệu Dataminr (hoạt động từ năm 2009) của cộng đồng tình báo Mỹ - một động thái có lợi cho quyền riêng tư song lại khiến cho giới chức chính quyền Mỹ mất đi một công cụ hữu dụng chống khủng bố.

Dataminr là công ty phân tích dữ liệu từ các mẫu thông tin đăng hàng ngày trên Twitter và biến nó thành hệ thống khai báo sớm cho phép khách hàng tư nhân, công ty lẫn nhiều tổ chức quốc phòng và tình báo trong chính quyền - phát hiện những xu hướng hành động mới trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Aki Peritz, cựu chuyên gia chống khủng bố của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và hiện đang giảng dạy tại Đại học American, nhận xét: "Theo quan điểm chính quyền, Dataminr là công cụ hiệu quả vì cung cấp những cảnh báo thời gian thực về những gì sẽ xảy ra. Do đó, Dataminr nằm trong số nhiều tổ chức khác nhận được tài trợ từ nhà đầu tư mạo hiểm In-Q-Tel của CIA. 

Aki Peritz.

Tương tự, Twitter cũng là nhà đầu tư đóng góp 5% cổ phần vào Dataminr - công ty bên ngoài duy nhất có quyền truy cập hoàn toàn vào hệ thống dữ liệu của Twitter và được phép bán chúng cho khách hàng.

Phản hồi về thông điệp tước quyền truy cập Dataminr của tình báo Mỹ, người phát ngôn cho Twitter nhấn mạnh: "Dataminr sử dụng các mẫu tweet công khai để bán thông tin cảnh báo sớm có giá trị cao cho nhiều tổ chức truyền thông như là Dow Jones và cơ quan như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vì mục đích phi gián điệp. Chúng tôi không bao giờ cho phép Dataminr hay bất cứ bên thứ 3 nào bán dữ liệu cho một chính quyền hay cơ quan tình báo nào phục vụ mục đích gián điệp. Đây là chính sách lâu đời của Twitter mà không phải là yếu tố mở rộng mới". 

Theo nhận định của giới chuyên gia, nếu Twitter muốn tạo khoảng cách với bộ máy tình báo của chính quyền Mỹ thì đây là thời điểm thích hợp nhất. Ví dụ vừa qua, Công ty Apple đã công khai đối chọi với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) về vụ giải mã điện thoại iPhone và ứng dụng nhắn tin miễn phí đa nền tảng WhatsApp cũng thiết lập hệ thống mã hóa end-to-end (chế độ mã hóa thông điệp từ người gửi đến người nhận) trở thành mặc định cho 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Thực tế cho thấy một xu hướng mới chống hành vi gián điệp của cộng đồng tình báo Mỹ đang lan rộng.

Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa hành động của Twitter và các tổ chức khác. Apple chiến đấu nhằm ngăn ngừa một tiền lệ pháp lý tiềm ẩn nguy hiểm đối với công nghệ mã hóa bảo vệ sự riêng tư của dữ liệu người dùng. 

Trong khi đó, Dataminr khai thác hàng trăm triệu mẫu tweet của Twitter một cách công khai và xử lý theo cách tối ưu để đưa ra kết quả cảnh báo cuối cùng bán cho khách hàng. 

Peter Micek, luật sư làm việc cho tổ chức quốc tế phi lợi nhuận bảo vệ quyền kỹ thuật số Access Now đặt văn phòng tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, phân tích: "Twitter có trách nhiệm tôn trọng các quyền của con người. Công ty không muốn trợ giúp những hoạt động do thám bất hợp pháp". Dĩ nhiên, hành động của Twitter cũng muốn chứng minh với mọi người rằng công ty không có sự thân thiện quá mức với cộng đồng tình báo Mỹ.

Dataminr là tổ chức cung cấp dịch vụ cảnh báo sớm về mọi sự kiện quan trọng - như là tấn công khủng bố, thảm họa thiên nhiên và tình hình bất ổn chính trị - thông qua việc phân tích hàng trăm triệu mẫu tweet trên Twitter và các dòng dữ liệu khác.

Ví dụ, Dataminr từng cảnh báo đến tình báo Mỹ về những vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris nước Pháp hồi tháng 11-2015 cũng như vụ tấn công vào thủ đô Brussels của Bỉ vào 10 phút trước khi giới truyền thông chính thức đưa tin. Dataminr cũng cung cấp cảnh báo về tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) âm mưu tấn công ngành dầu mỏ của Libya hay khủng hoảng chính trị ở Brazil v.v… Do đó, giới chức tình báo cũng như quốc phòng Mỹ không hài lòng về quyết định tước quyền truy cập Dataminr của Twitter.

Twitter là nền tảng quan trọng đối với chính quyền Mỹ.

Hiện nay, mạng lưới dịch vụ truyền thông xã hội, bao gồm cả Twitter, vô cùng quan trọng đối với nhiệm vụ giám sát các tổ chức khủng bố của chính quyền Mỹ. Ví dụ, Twitter là nền tảng được IS sử dụng phổ biến để tuyên truyền, tuyển mộ và phát đi cảnh báo đe dọa.

Mặc dù, thời gian qua Twitter luôn cố gắng xóa bỏ hàng ngàn tài khoản vi phạm chính sách công ty, song những đối tượng ủng hộ IS vẫn tiếp tục tạo ra hàng loạt tài khoản mới để thách thức.

Quyết định của Twitter đã làm bùng nổ cuộc tranh cãi sôi nổi trong cộng đồng an ninh mạng và Giáo sư Anh Alan Woodward thuộc Đại học Surrey - chuyên gia an ninh cố vấn cho Tổ chức Cảnh sát hình sự châu Âu Europol - nhận định đó là cách hành xử "kỳ quặc" và "phi lý. 

Trong khi đó, Brian Honan - lãnh đạo Đội Phản ứng sự cố an ninh máy tính (CSIRT) của Ireland và cố vấn an ninh mạng cho Europol - tỏ ra ủng hộ động thái của Twitter,  coi đó là hành động bảo vệ lợi ích người dùng.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.