Vaccine COVID-19 và những dấu hỏi
Giới chức y tế có thể “bật đèn xanh” cho việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 trong tình trạng khẩn cấp chỉ vài tuần nữa và điều này sẽ ghi dấu tiến trình điều chế vaccine nhanh nhất trong lịch sử của một đại dịch. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi về tính hiệu quả hay sẽ có bao nhiêu phần trăm người trên thế giới sẵn sàng sử dụng vaccine này?
Tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer tại một bệnh viện ở Mỹ. |
Cuộc chạy đua chưa có hồi kết
Từ những đánh giá ban đầu, không cho rằng dịch COVID-19 quá nguy hiểm, một số nước đã chủ quan không đưa ra các biện pháp phòng chống kịp thời khi chủng virus gây chết người này xâm nhập. Chỉ đến khi nó nhanh chóng lây lan và gây ra những thiệt hại nặng nề, không chỉ về người mà còn ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhiều quốc gia cùng các tổ chức quốc tế trên toàn thế giới mới lao vào cuộc.
Sau nhiều tháng nỗ lực, đến tháng 11-2020, một số công ty dược phẩm đã đưa ra những thông báo ban đầu đáng khích lệ về tính hiệu quả của vaccine mà họ điều chế. Thậm chí Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA), nơi chịu trách nhiệm giám sát việc phê duyệt dược phẩm của Liên minh châu Âu (EU), tuyên bố họ có thể phê duyệt vaccine COVID-19 đầu tiên vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021. Pháp, Tây Ban Nha và Italy đã đưa ra kế hoạch phác thảo việc phân phối vaccine trên cơ sở đó.
Các chiến dịch tiêm chủng có thể bắt đầu tại Mỹ ngay vào giữa tháng 12, nếu Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) nhanh chóng phê duyệt thời điểm triển khai. Giới chức Trung Quốc đã bắt đầu tiêm phòng cho những bệnh nhân có nguy cơ cao. Tại Nga, có 2 loại vaccine đã được phê duyệt để đưa vào sử dụng trước cả giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Việc nghiên cứu, thử nghiệm, phê duyệt, sản xuất và phân phối vaccine thường mất 1 thập niên hoặc lâu hơn. Thế nhưng, tốc độ chóng mặt của việc điều chế vaccine COVID-19 đã tạo ra một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ của các hãng nghiên cứu tư nhân và nhà nước, vốn được hỗ trợ ngân sách khổng lồ và những đơn đặt hàng hàng tỷ liều vaccine. Tất cả các bên liên quan đều khẳng định rằng mọi công đoạn trong quá trình điều chế và sản xuất vaccine đều được tiến hành đầy đủ.
Cơ quan quản lý của EU đã thừa nhận nỗ lực “tăng tốc” trong quy trình đánh giá nhưng khẳng định nó đã “đảm bảo những tiêu chuẩn đánh giá cao về chất lượng, an toàn và hiệu quả ”như đối với bất kỳ loại dược phẩm nào khác. Tuy nhiên, thành tựu bất thường này không đồng nghĩa với việc người dân trên toàn thế giới sẽ được tiêm phòng vaccine COVID-19 ngay lập tức.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng: “Ban đầu, việc phân phối vaccine COVID-19 sẽ được giới hạn, theo đó, chỉ những nhân viên y tế, người già và những nhóm người có nguy cơ cao mới được ưu tiên”.
Tuy nhiên, hiện có rất nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ. Ông Tedros khẳng định: “Việc có được vaccine là điều rất quan trọng để kiểm soát đại dịch. Ánh sáng đã xuất hiện ở cuối đường hầm”. Nhưng, câu hỏi lớn được đặt ra là thời gian miễn dịch kéo dài bao lâu (sau khi tiêm vaccine)? Nhiều kết quả cho thấy “chỉ được vài tuần”.
Các nhà khoa học vẫn chưa giải đáp được thắc mắc liệu vaccine có hiệu quả đối với những cá thể có nguy cơ cao hay không, đặc biệt là người lớn tuổi, người có nhiều bệnh lý nền. Liệu một vaccine hiệu quả có đơn giản chỉ là loại bỏ triệu chứng, hoặc liệu nó có ngăn chặn được ai đó truyền virus sang cho người khác hay không? Nói cách khác, cho dù vaccine bảo vệ con người khỏi việc nhiễm COVID-19 nhưng liệu nó có ngăn người này truyền virus sang cho người khác hay không?
Có bao nhiêu người sẽ từ chối tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19? |
Những hoài nghi
WHO đã xác nhận 48 “vaccine ứng cử viên” trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người cho đến giữa tháng 11-2020 nhưng chỉ 11 trong số “những ứng cử viên” này có bước tiến trong giai đoạn 3. Bên cạnh đó, có 4 ứng cử viên khác đến từ các phòng thí nghiệm của nhà nước Trung Quốc do Sinovac, Sinopharm và CanSino điều chế.
Có thể thấy, Trung Quốc đã dẫn đầu cuộc đua phát triển vaccine COVID-19 và đã khởi động các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối hồi tháng 7, gần như cùng lúc với các hãng bào chế vaccine của phương Tây là Pfizer và Moderna. Thế nhưng, dường như nỗ lực này của Bắc Kinh đang gặp phải trở ngại khi những câu hỏi về tính hiệu nghiệm và an toàn được đặt ra.
Chuyên san y khoa The Lancet của Anh đăng một nghiên cứu về tính hiệu nghiệm của vaccine tiềm năng của Sinovac dựa trên các thử nghiệm lâm sàng ban đầu, cho thấy vaccine của công ty này tạo ra mức độ kháng thể bảo vệ thấp hơn so với lượng kháng thể có ở bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã hồi phục. Tính hiệu quả được xác định là vừa phải. Trong khi, các vaccine tiềm năng từ các công ty Pfizer và Moderna đặt trụ sở tại Mỹ được xác định có hiệu quả hơn 90%, trong khi vaccine của Công ty AstraZeneca ở Anh có mức độ hiệu quả tổng thể là 70%.
Mặc dù Giám đốc cao cấp Meng Weining của Sinovac cho rằng các thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac đang diễn ra suôn sẻ và có thể tháng sau sẽ có dữ liệu rõ ràng. Lý do khiến Trung Quốc phải chờ đợi kết quả lâu hơn là vì các quốc gia, nơi các nhà nghiên cứu Trung Quốc tìm kiếm tình nguyện viên như Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Brazil - không chứng kiến COVID-19 lây lan nhanh như ở Mỹ, nơi thử nghiệm chủ chốt của các nhà sản xuất vaccine hàng đầu phương Tây.
Các hãng phát triển vaccine của Trung Quốc phải ra nước ngoài để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng vì COVID-19 hầu như đã được kiểm soát ở Trung Quốc từ nhiều tháng. Cho đến nay, cả 3 công ty của Trung Quốc là Sinovac, Sinopharm và CanSinoBio đều đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng ở ít nhất 13 quốc gia và những nước này sẽ được ưu tiên hàng đầu nếu vaccine thành công.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích đánh giá rằng tháng 9-2020, sau khi UAE tiến hành tiêm vaccine Trung Quốc cho các nhân viên y tế, các nhà chức trách Trung Quốc đã không chờ kết quả lâm sàng ở giai đoạn cuối để bắt đầu tiêm chủng ngoài các cuộc thử nghiệm. Họ tiêm vaccine của Sinopharm cho gần một triệu người Trung Quốc mà không có bằng chứng vững chắc về tính hiệu nghiệm của vaccine này, khiến các chuyên gia y tế công quốc tế lo ngại.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đặt mua trước hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 của 6 hãng dược nhưng trong số này không có tên một loại vaccine nào của Trung Quốc. Theo giải thích của Ủy ban châu Âu, Trung Quốc không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn đề ra là phải có một đơn vị sản xuất trên lãnh thổ châu Âu.
Stephan De Keersmaecker - phát ngôn viên về y tế công cộng, an toàn thực phẩm và giao thông của Ủy ban châu Âu - nhắc lại bài học khẩu trang là một ví dụ điển hình. Khi dịch bệnh bùng phát, châu Âu đã ngỡ ngàng phát hiện những vấn đề về cung ứng và cất trữ khẩu trang. Theo ông, “nếu có một đơn vị sản xuất trên lãnh thổ châu Âu, việc phân phối sẽ được tiến hành nhanh hơn”. Hơn nữa, bào chế vaccine chưa bao giờ là một thế mạnh của Trung Quốc, dù rằng có rất nhiều loại thuốc dành cho châu Âu được sản xuất từ nước này.
Cho dù loại vaccine nào được đưa ra để tiêm chủng đầu tiên thì vẫn còn một câu hỏi cuối cùng mà các nhà khoa học chưa thể trả lời: Có bao nhiêu người sẽ từ chối tiêm chủng? Theo nghiên cứu của giới khoa học, hiện có một lượng lớn người dân ở nhiều quốc gia không sẵn sàng tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, thậm chí số người sẵn sàng tiêm chủng đã giảm từ 77% xuống hơn 70% trong vài tháng qua.