Vaccine giả trong thời đại dịch

Thứ Ba, 02/03/2021, 14:20
Mới đây, Cảnh sát Trung Quốc cho biết đã bắt giữ hơn 80 thành viên thuộc một nhóm tội phạm làm giả vaccine COVID-19 ở thủ đô Bắc Kinh cùng các tỉnh Giang Tô, Sơn Đông, cầm đầu bởi một người họ Kong, hoạt động từ tháng 9 năm 2020. Những lọ vaccine giả ấy đã được bán ở thị trường trong lẫn ngoài nước…

Khi nước muối phù phép thành vaccine

Với hơn 3.000 lọ vaccine giả bị thu giữ, cảnh sát Trung Quốc cho biết thành phần của nó đều chỉ là dung dịch nước muối đơn giản trong bối cảnh vắc xin COVID-19 do Hãng dược phẩm Sinopharm chế tạo, đã được phê duyệt vào tháng 12-2020, hiện đang đặt mục tiêu tiêm chủng cho 50 triệu người Trung Quốc, bắt đầu từ giữa tháng 2-2021.

Vụ việc được cảnh sát theo dõi hồi tháng 11 năm ngoái khi một lô 600 lọ vaccine giả gửi đến Hong Kong trước khi chuyển ra nước ngoài trong lúc 1.400 lọ vaccine giả khác được lưu trữ ở Hong Kong và một số tỉnh miền Nam Trung Quốc. Đến tháng 12, hơn 200 người đã được "tiêm" 500 liều vaccine giả.

Nhằm qua mặt các cơ quan chức năng, nhóm tội phạm đã làm giả các chứng từ của các nhà sản xuất chính hãng dưới hình thức "phân phối nội bộ". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Trung Quốc đã thông báo việc này với các quốc gia liên quan".

Vẫn theo cảnh sát Trung Quốc, Kong đã nghiên cứu mẫu mã và cách thiết kế bao bì của vaccine thật để cho ra lò hơn 58.000 lọ vaccine giả. Số liệu điều tra sơ khởi cho thấy Kong và nhóm của ông ta đã kiếm được 18 triệu nhân dân tệ (tương đương 2,78 triệu USD) từ mặt hàng giả mạo này. Riêng cá nhân Kong đã bán 2.000 lọ vaccine giả vào tháng 11-2020 với giá 1,04 triệu nhân dân tệ (tương đương 207.000 USD) cho một nghi phạm khác và người này bán lại chúng với giá cao hơn. Điều đó chứng tỏ rằng bất chấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch toàn cầu, các nhóm tội phạm không ngần ngại khai thác các lỗ hổng tâm lý của những người đang mong chờ được tiêm vaccine.

Thu giữ vaccine giả ở Trung Quốc.

Ông Tao Lina, chuyên gia về vaccine ở Thượng Hải nói với tờ Thời báo Hoàn cầu: "Các lọ vaccine chứa đầy nước muối chắc chắn sẽ không có tác dụng gì, nhưng cũng không gây ra các vấn đề về sức khỏe. Vì vậy rõ ràng là các nghi phạm chỉ muốn kiếm tiền chứ không phải làm tổn thương người khác. Tuy nhiên, sự nguy hiểm của nó nằm ở chỗ vaccine giả sẽ tạo ra hiệu ứng chủ quan ở người tiêm, dẫn đến dịch bệnh có khả năng bùng phát trên diện rộng".

Mặc dù vẫn chưa xác định được danh tính "khách hàng" của vắc xin giả nhưng ông Tao cho biết chắc chắn đó không phải là các cơ sở tiêm chủng được đăng ký chính thức bởi các trung tâm phòng chống dịch bệnh vì họ đều biết nguy cơ của vaccine giả là rất lớn. Ở Trung Quốc, mỗi hộp vaccine đều có in một mã duy nhất, và nó phải được quét trong quá trình tiêm chủng để khẳng định tính xác thực của nó nhưng cũng có thể mã này sẽ không được quét trong trường hợp cần phải tiêm chủng khẩn cấp. Chính vì vậy nên theo trang tin Bloomberg, loại vaccine giả này đã được nhập lậu vào châu Phi nhưng chưa rõ nó đi bằng con đường nào. Alf Goebel, Giám đốc điều hành một công ty dược phẩm nhận xét: "Làm giả thuốc chữa bệnh là vấn đề nghiêm trọng nên vụ bắt giữ vaccine COVID-19 giả ở Trung Quốc đã gây ra sự chú ý đặc biệt của cộng đồng, và điều đó chứng tỏ rằng vaccine giả có thể bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới".

Vẫn theo ông Alf Goebel, việc phát hiện vaccine giả cho thấy ngay cả ở những quốc gia có hệ thống theo dõi và truy xuất nguồn gốc dược phẩm nghiêm ngặt nhất thì vẫn có khả năng vaccine giả lọt qua các kẽ hở và xâm nhập vào xã hội. Ông Alf Goebel nói: "Do đó, chưa bao giờ việc hợp tác giữa các quốc gia để hệ thống hóa các sản phẩm y tế lại quan trọng đến thế. Điều này sẽ giúp khắc phục nguy cơ đe dọa tính mạng bởi thuốc giả, chẳng riêng gì vaccine COVID-19 mà cho tất cả các loại thuốc và thiết bị y khoa".

Những lọ vaccine giả ở thị trường Mexico.

Nỗi lo lắng của toàn thế giới

Không chỉ xảy ra ở Trung Quốc mà ngay ở một số quốc gia Mỹ Latin, vaccine giả cũng đã xuất hiện. Giữa tháng 1-2021, Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) đã đưa ra cảnh báo toàn cầu về hoạt động của các nhóm tội phạm xung quanh việc làm giả vaccine COVID-19 và những quảng cáo bất hợp pháp về loại dược phẩm này, xuất hiện tại một số quốc gia Mỹ Latin như Mexico, Colombia, Ecuador, Peru, Brazil và Panama…

Tại Colombia, ngày 17-2-2021, cảnh sát nước này đã bắt giữ một cặp vợ chồng người Trung Quốc tại sân bay quốc tế  El Dorado với tang vật là một hộp giữ lạnh, bên trong có 70 lọ vaccine COVID-19 nghi ngờ là đồ giả. Ngay sau đó, các cơ quan quản lý dược phẩm ở Mỹ Latin như Invima (Colombia), Cofepris (Mexico) và Digimed (Peru) đã gần như đồng thời ban hành các cảnh báo cho công chúng về nguy cơ vaccine giả tại thị trường địa phương.

Ông Julio Aldana, Giám đốc Invima viết trên trang Twitter: "Tội phạm mạng đã xuất hiện thông qua các mạng xã hội hoặc các phương tiện khác nhau để quảng cáo vaccine COVID-19…", còn Cofepris đã đưa ra cảnh báo về việc tiếp thị bất hợp pháp vaccine COVID-19 được cho là do Chi nhánh Công Astrazeneca SA de CV ở  Mexico City sản xuất. Cofepris cho biết: "Ở Mexico, việc bán vacccine cho khu vực tư nhân không được phép và hơn nữa, Astrazeneca SA de CV không công nhận bất kỳ một nhà phân phối nào".

Mặc dù vậy, với một số tổ chức tội phạm, chúng nhanh chóng nhận ra đại dịch là cơ hội bằng vàng để kiếm tiền. Bằng cách lập những trang web giả mạo dựa trên nền tảng của một số công ty dược phẩm đã phát minh ra vaccine COVID-19 và đã được Tổ chức Y tế thế giới cho phép lưu hành rộng rãi, thí dụ như Công ty Pfizer-BioNTech, Mỹ, hai băng nhóm là Familia Michocana và Jalisco Cartel New Generation đã cho đăng tải nhiều quảng cáo trên những trang web, mạo nhận là của công ty này cùng những địa chỉ đăng ký để đặt mua.

Người mua vaccine giả được người bán tiêm cho ngay tại nhà.

Một trong những trang web giả ấy là "pfizermx.com", giao diện nhìn rất bắt mắt với đầy đủ logo của Công ty Pfizer-BioNTech cùng hình ảnh những lọ vaccine COVID-19 và các số điện thoại giao dịch. Nó khiến nhiều người hiểu lầm rằng đây là trang web chính thức của Pfizer-BioNTech Mexico. Thiếu tá Antonio Rodiguez thuộc Đội Cảnh sát chống tội phạm bang Quintana Roo, Mexico, cho biết nếu người dân gọi đến những số ấy, họ sẽ được giải đáp "rất tận tình" cùng những lời tư vấn "có cánh". Sau đó, tùy theo nhu cầu, họ sẽ được "pfizermx.com" bán cho 1 hoặc nhiều liều vaccine, mỗi liều 2 lọ với giá 300USD, đắt gấp 60 lần so với hàng thật. Khi tiêm, người mua có thể đến các phòng khám tư nhân để nhờ tiêm giúp nhưng cũng có trường hợp người bán tiêm luôn cho người mua.

Kết quả điều tra cho thấy tất cả vaccine bán trên trang web "pfizermx.com" đều được làm giả bằng nước cất pha phẩm màu và được đóng gói cẩn thận, nhìn chẳng khác gì hàng "chính hãng". Điều khác biệt duy nhất là ở tờ nhãn hiệu dán trên lọ thuốc, chỉ có dòng chữ "Vaccine Coronavirus SARS-CoV-2" cùng cái mã vạch mà không hề có tên Pfizer-BioNTech Mexico cùng ngày sản xuất và ngày hết hạn sử dụng, vốn là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả những loại thuốc chữa bệnh cho người.

Để tạo lòng tin, hai tổ chức tội phạm Familia Michocana và Jalisco Cartel New Generation lập ra những "Đội vaccine trực thuộc Bộ Y tế". Các thành viên trong đội này đi đến từng nhà rối đưa ra những bản đăng ký tiêm, yêu cầu người dân điền đầy đủ thông tin cá nhân của mình kèm theo bản sao thẻ căn cước. Theo Bộ trưởng Y tế bang Quintana Roo, Mexico, bằng phương pháp ấy, bọn tội phạm hoàn toàn có thể sử dụng những dữ liệu cá nhân trong thẻ căn cước để đăng ký tín dụng ngân hàng, mở tài khoản, mua hàng trực tuyến theo hình thức "xài trước, trả sau…" và chủ nhân thật sự của tấm thẻ dĩ nhiên lãnh đủ khi ngân hàng gửi thư đòi nợ.

Ông Raul Sapien Santos, Chủ tịch Hội đồng An ninh tư nhân Mexico (Consejo Nacional de Seguridad Privada - CNSP) cho biết các thành phố Jalisco, Tamaulipas, Chihuahua và Mexico City được xác định là nơi đặt các "nhà máy" sản xuất vaccine giả nhưng rất khó phát hiện bởi lẽ mỗi "nhà máy" chỉ cần một diện tích chừng 15 mét vuông, trong đó có những thiết bị chiết xuất "vaccine" vào lọ, thiết bị dập nút, dán nhãn…, tất cả đều bằng phương pháp thủ công còn vỏ hộp thì làm ở những nơi khác. Ông Raul Sapien Santos nói: "Với tính chất nhỏ gọn như vậy, để tránh bị phát hiện, các nhà máy có thể dễ dàng di chuyển từ nơi này đến nơi khác một cách nhanh chóng…".

Học tập kinh nghiệm của Mexico, các tổ chức tội phạm ở Ecuador, Peru, Brazil và Panama cũng lập tức cho ra lò những lô vaccine giả, bộ kit xét nghiệm Coronavirus, khẩu trang N95 giả. Tất cả đều được rao bán trên mạng Internet dưới nhãn hiệu của những công ty, tập đoàn dược phẩm lừng danh.

Không chỉ làm giả vaccine, ở Cancun, Mexico, băng nhóm Tijuana còn rao bán giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính COVID-19 trên mạng Internet cho du khách cần trở về quê nhà với giá mỗi tờ từ 100 đến 200USD. Hồi đầu tháng 1, một nhóm du khách người Canada đã bị lừa khi trả hơn 3.000 USD để mua những tờ giấy loại này. Một du khách xin giấu tên nói với trang tin Mỹ Latin ngày nay - Latin America Today: "Sau khi chuyển tiền vào tài khoản trên trang web, tờ giấy in kết quả được gửi đến cho tôi chỉ trong 1 tiếng đồng hồ với đầy đủ chữ ký, con dấu của Sở Y tế Cancun. Nhưng khi ra sân bay, bộ phận kiểm dịch Mexico cho tôi biết nó là… đồ đểu".

Táo bạo hơn, ngay tại sân bay quốc tế Charles De Gaulle, Pháp, bộ phận kiểm dịch sân bay cũng đã phát hiện một du khách người Mexico dùng giấy xét nghiệm COVID-19 với kết quả âm tính giả để được lên máy bay. Tiến hành điều tra, người này khai mua trên mạng và điều đó chứng tỏ các tổ chức tội phạm không chỉ làm ăn tại quốc gia chúng, mà còn vươn vòi ra nhiều nơi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều nền kinh tế bất chính nhưng khả năng gây hại thấp hơn so với việc làm giả vaccine COVID-19. Khi các chương trình tiêm chủng mở rộng được tiến hành ở khắp châu Mỹ Latin, người dân phải gánh chịu hậu quả cả về tài chính lẫn sức khỏe nếu tiêm nhầm loại vaccine này.

Vũ Cao (theo Health and Life)
.
.