Về đập thủy điện Hoover - Công trình xuyên thế kỷ

Thứ Ba, 21/02/2017, 07:15
Hầu hết du khách khi ghé thăm tiểu bang Nevada của nước Mỹ thường hướng đến “thành phố không ngủ Las Vegas, nơi tập trung những sòng bài lớn và xa hoa bậc nhất trên thế giới, nhưng không nhiều người trong số họ biết rằng, cách thành phố này không xa, về hướng đông nam chừng 30 dặm, có một đập thủy điện vĩ đại mang tên Hoover, vị tổng thống thứ 31 của Hợp chúng quốc, nằm gần thành phố Boulder, tiếp giáp với ranh giới tiểu bang Arizona.

Được xếp hạng là một trong 7 công trình xây dựng vĩ đại nhất nước Mỹ, đập thủy điện Hoover còn được công nhận là kỳ quan lịch sử quốc gia, là đập cổ nhất trong số các đập cao trên 150m được xây dựng trên đất Mỹ và là một trong 100 kỳ quan của thế giới ở thế kỷ XX.

Đập mang tên của Tổng thống Herbert Hoover vì ông chính là người khởi xướng và đóng vai trò chính trong việc xây dựng công trình kiên cố mang tầm vóc chiến lược kinh tế xuyên thế kỷ này từ khi còn là Bộ trưởng Thương mại. Dòng sông Colorado rộng lớn với chiều dài 2.333km, cuồn cuộn mang nguồn nước tưới cho 1/12 ruộng đất nước Mỹ.

Đập nằm chắn ngang dòng sông Colorado.

Sông bắt đầu từ thượng lưu dãy núi Rocheuses hướng về tây nam, chảy qua khe sâu lớn vào bang New Mexico trước khi rót vào vịnh California biến thành con sông ranh giới giữa bang Arizona và bang Nevada, bang Arizona và bang Califonia. Sông Colorado là một con sông dữ dội, năm 1905, nó đột nhiên thay đổi đường đi, hình thành nên hồ Sorton rộng 77km2, đe dọa đánh chìm lưu vực Inpiril bang California.

Kế hoạch xây đập thủy điện Hoover được đưa ra năm 1922 sau một buổi họp giữa thống đốc 6 tiểu bang Arizona, California, Colorado, Nevada, New Mexico, Utah và Wyoming với đại diện chính quyền liên bang, Bộ trưởng Thương mại Herbert Hoover của chính quyền Tổng thống Warren Harding, để tìm ra một thỏa thuận chung sử dụng nguồn nước sông Colorado.

Ngày 24-11-1922, Hiệp ước Sông Colorado được các bên ký chia dòng sông Colorado mênh mông ra làm hai phần, thượng nguồn và hạ nguồn, các tiểu bang thuộc nguồn nào thì quyết định phương cách sử dụng nguồn nước của vùng đó. Hiệp ước này còn được gọi là “Hoover Compromise”, tạo điều kiện cho việc thực hiện dự án Boulder Dam Project, chặn nước lại để đủ cung cấp cho cư dân sống tại các tiểu bang miền Tây, đồng thời tạo nguồn điện năng phục vụ người dân.

Tuy nhiên, để thực hiện dự án, phải có sự chuẩn thuận của Quốc hội Hoa Kỳ. Sau nhiều lần bị bác, cuối cùng, Quốc hội cũng đã thông qua dự án và được Tổng thống Calvin Coolidge ký ngày 21-12-1928. Nhưng phải chờ thêm 2 năm nữa, năm 1930, ngân sách xây dựng dự án mới được Quốc hội đưa ra khi ông Herbert Hoover đắc cử tổng thống.

Hợp đồng xây dựng dự án sau đó được giao cho Công ty Six Companies, Inc., bao gồm nhiều công ty thuộc nhiều tiểu bang, thực hiện. Công trình thủy điện kỳ vĩ được khởi công xây dựng vào ngày 20-4-1931. Công trình được chia làm nhiều giai đoạn: chuyển hướng chảy của dòng sông (dẫn dòng), xử lý nền móng, đổ bê-tông, và cuối cùng là lắp ráp thiết bị điện. Bắt đầu thực hiện dự án, các công ty thi công phải làm hai cái giếng kín, rút hết nước, để làm móng đập. Giếng phía thượng lưu được hình thành vào năm 1932, mặc dù lúc đó chưa làm cạn hết nước của dòng sông.

Cửa lấy nước trên đập.

Để bảo vệ công trình đang xây dựng không bị nước sông có thể tràn vào gây sạt lở, bờ đê quai khổng lồ hình cong như móng ngựa được xây dựng nằm bên phía Nevada trong năm 1932. Mãi đến tháng 6-1933, nền mới được xử lý xong, hơn một triệu mét khối đá đã được lấy đi bằng sức người và phương pháp nổ mìn thủ công. Công trình dẫn dòng là 4 đường hầm (tuynen) được xây dựng với chu vi mỗi đường hầm đến 17m, dài gần 5km. Sau khi những đường hầm phía bên Arizona được hoàn tất và lòng sông được rút cạn, công việc xây đập mới được tiến hành.

Ðể cho móng đập vững chắc, các công ty xây dựng cho đào móng tới tận lớp đá cứng dưới lòng đất, sau khi lấy đi khoảng 1.150.000 m3 đất trong thời gian một năm. Mẻ bê- tông đầu tiên xây dựng đập Hoover được đổ vào ngày 6-6-1933.

Vì bê-tông khi gặp thời tiết nóng sẽ nguội một cách không đồng đều và xảy ra hiện tượng co ngót, các kỹ sư ước tính rằng nếu đập được đổ bê-tông một lớp thật dày, thì phải mất đến 125 năm mới nguội đồng đều, kết quả là trong thời gian đó, đập sẽ bị nứt và bể dần ra từng mảng. Để tránh tình trạng này, đập đã được xây bằng cách đổ từng lớp bê-tông hình tứ giác không có cạnh song song (trapezoid) liên kết với nhau và chỉ mỏng chừng sáu inches (khoảng 15cm).

Đập cũng còn được làm nguội bằng những ống dẫn nước phía bên trong và giữa các lớp bê-tông. Người ta đã ước tính rằng, lượng bê-tông xây đập Hoover nếu được dùng để xây đường hai chiều xe chạy, thì con đường có thể nối từ thành phố New York ở bờ đông đến thành phố San Francisco ở bờ tây Hoa Kỳ.

Toàn cảnh đập thủy điện Hoover.

Phía trên đập Hoover là hồ Mead, đặt theo tên của ông Elwood Mead, người chỉ huy xây dựng công trình. Ðể tận dụng lượng nước do đập Hoover chặn lại, các nhà thiết kế cho xây một hệ thống thủy điện, được thực hiện cùng lúc với việc xây dựng đập. Như trên đã đề cập, hai mục tiêu chính của việc xây đập Hoover là cung cấp nguồn nước và nguồn điện cho các tiểu bang lân cận. 17 máy phát điện của đập Hoover có thể sản xuất tối đa 2.071 megawatts năng lượng thủy điện.

Ở phía bắc hồ Mead là công viên quốc gia sa thạch đỏ rộng 14.165 hecta. Nền sa thạch ở đây vào lúc bình minh hay giữa trưa mang màu đỏ như lửa dần chuyển thành màu tím nhạt rồi tím thẫm khi hoàng hôn buông xuống. Mưa gió xâm thực, sa thạch bị đẽo gọt thành dạng lọng tròn, tổ ong và các hình dạng lạ lùng độc đáo, giống như đầu và vòi của những con voi thời tiền sử.

Tham gia xây dựng công trình đập thủy điện Hoover mang tầm vóc quốc gia xuyên thế kỷ là trên dưới 5.000 người, họ phải đào tới 8,2 triệu tấn nham thạch. Công trình sử dụng số lượng thép tương đương số thép để dựng lên tòa nhà chọc trời Empire State. Trung bình mỗi ngày có 3.500 người làm việc và khi cao điểm (tháng 6-1934) có đến 5.218 người. Nền đập dày 201m, cao 221m, tương đương với độ cao của tòa nhà 70 tầng. Hồ Mead là một trong những kho nước nhân tạo lớn nhất thế giới, tuyến bờ hồ dài 1.323km.

Phí tổn cho toàn công trình đập thủy điện vào năm 1931 được ước tính là 49 triệu USD, tương đương 777 triệu USD vào năm 2016. Tổng chiều cao của đập thủy điện khi hình thành là 221,4m và có chiều dài 379,2m. Bề dày của đập Hoover: chỗ dày nhất 200m. Số lượng bê tông sử dụng xây đập là 3,33 triệu m3. Chân của đập dày 200m và đỉnh đập kết hợp dùng làm đường giao thông rộng 15m.

Hồ chứa nước Hoover cùng đập bê-tông đã tạo ra quần thể du lịch kỳ vỹ giữa lòng núi đá. Hiện nay, mỗi ngày có trên 20.000 khách tham quan du lịch đến thăm và thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ nhân tạo lừng danh này. Du khách có thể đi thang máy bên trong thân đập để tham quan gian nhà máy thủy điện, đường ống lấy nước, thiết bị đo đạc quan trắc của đập…

Trên tấm biển đồng, được đính lên trang trọng vào ngày 30-5-1935, có khắc dòng chữ: “Họ đã làm việc cật lực để hàng triệu người được nhìn thấy một tương lai tươi sáng hơn - Tưởng nhớ những anh em (114 người) đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng đập”.

Một góc của đập thủy điện Hoover, ảnh chụp lúc vừa xây dựng xong.

Trường hợp đầu tiên là JG Tierney, một thanh tra, người này bị chết đuối vào ngày 20-12-1922 trong khi tìm kiếm một vị trí lý tưởng cho đập. Cái chết của ông được ghi nhận là cái chết của người đầu tiên khai phá công trình. Cái chết cuối cùng trong danh sách tử vong chính thức của dự án xảy ra vào ngày 20-12-1935, khi một người trợ lý, Patrick Tierney, chính là con trai của JG Tierney, bị rơi từ một tháp trên cửa lấy nước.

Như vậy, hai cha con đã nằm xuống tại cùng một công trình xây dựng được bao thế hệ đời sau chiêm ngưỡng. 96 ca tử vong xảy ra trong quá trình xây dựng tại công trường, trong đó có 3 công nhân đã tự tử, một người vào năm 1932 và hai người vào năm 1933.

Hoàn tất năm 1936, đập thủy điện Hoover lập tức chiếm ba kỷ lục: Đập cao nhất, công trình thủy lợi tốn kém nhất, nhà máy thủy điện lớn nhất thời bấy giờ. Đập Hoover còn được ví như một công trình nghệ thuật do thiết kế tinh xảo và đa dạng. Ngoài tên tuổi của người khởi tạo - Tổng thống Hoover - còn có hai người quan trọng đóng góp vào diện mạo của đập Hoover là: Gordon B.Kauimann, công trình sư đã thiết kế tòa nhà Thời báo Los Angeles và họa sĩ Allen Trui, tác giả những bức tranh tường ấn tượng trong tòa nhà Quốc hội bang Colorado.

Ngày nay, mặt trên của đập Hoover là một phần của Xa lộ 93, mỗi chiều có một làn xe chạy. Sau sự kiện nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, Bộ Nội vụ Hoa Kỳ thiết lập hai trạm kiểm soát ở hai đầu đường vào đập và khám xét những phương tiện vận chuyển khả nghi nhằm đề phòng những vụ tấn công phá hoại công trình mang tính biểu tượng cho nền kinh tế và lịch sử này.

Cũng sau sự kiện nêu trên, cơ quan quản trị đập Hoover phải đóng cửa khu vực tham quan nhà máy điện phía dưới đập một thời gian. Theo thống kê của Cơ quan An toàn xa lộ Hoa Kỳ, mỗi ngày có chừng 13.000 - 16.000 xe qua lại trên mặt đập Hoover. Theo báo cáo của Cục Quản lý công viên Hoa Kỳ, mỗi năm có 8-10 triệu du khách đến thăm khu vực đập thủy điện Hoover và hồ Mead, biến khu vực này trở thành điểm thu hút du khách đứng hàng thứ năm tại đất nước này.

Công trình này vĩ đại đến nỗi dường như tại đây định luật “vạn vật hấp dẫn” không thể đứng vững. Các du khách tới đây ai cũng cố gắng một lần chơi trò chơi thú vị như sau: Cầm chai nước đứng trên đỉnh đập đổ nước từ trong chai xuống. Nếu theo quy luật vật lý thông thường thì nước sẽ phải chảy xuống chân đập, thế nhưng tại đây điều kỳ diệu đã xảy ra: nước chảy ngược và bay lên trên như kháng lại lực hút của trái đất.

Nguyên nhân của hiện tượng kỳ thú này là do kích thước khổng lồ của con đập đã tạo nên những luồng gió cực mạnh theo hướng đi lên, làm các vật ở mép đập bị thổi tung. Nhờ hiện tượng này mà một công trình thủy điện độc đáo đã trở thành điểm đến hấp dẫn những du khách tò mò muốn ném các vật xuống con đập để xem nó bay lên “như có bàn tay người hất lên trên không”.

Q.H. (tổng hợp)
.
.