Vì sao thuốc cam gây ngộ độc?

Thứ Tư, 12/07/2017, 16:45
Thuốc cam là thuốc đông dược có tác dụng chữa bệnh, nâng đỡ, bồi bổ cơ thể và theo tập quán của ta thì có số lượng rất lớn trẻ được dùng thuốc cam khi sài đẹn. Tuy nhiên, những năm gần đây có nhiều ca ngộ độc thuốc cam nặng gây tử vong hoặc làm hạn chế trầm trọng phát triển trí tuệ của trẻ.

Tháng 6-2017, khoa Cấp cứu chống độc BV Nhi TW có 8 trẻ nhập viện với những biểu hiện rối loạn thần kinh và tiêu hóa nặng vì dùng thuốc cam. 

Ngày 11-6, bé Nguyễn Văn H., 7 tháng tuổi, ở Ninh Bình, ho, sốt, đi khám bệnh được chẩn đoán viêm họng, kê đơn tân dược cho điều trị ngoại trú, nhưng bố mẹ sợ thuốc tây khó uống, nôn trớ nên cho trẻ dùng thuốc cam. Sau 7 ngày uống thuốc cam, bé bị nôn nhiều rồi co giật, khi đến BV sản nhi Ninh Bình thì được chuyển thẳng lên BV nhi TW ngày 19-6. Kết quả xét nghiệm khẳng định cháu nhiễm độc chì rất nặng.

Một bệnh nhi đang được điều trị vì ngộ độc thuốc cam.

Bé Nguyễn Duy L., 4 tháng tuổi, ở Hà Nội, cũng đến BV nhi TW hôm 16-6 trong tình trạng nôn, ho và đau bụng… Do bé bị nấm miệng nên trước đó 5 ngày, người nhà tự mua thuốc cam ở chợ về pha loãng, đánh tưa lưỡi cho bé hàng ngày. Sau 4 ngày, bé ho, đau bụng và nôn liên tục. Gia đình vội đưa con vào BV nhi TW cấp cứu. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bé nhiễm độc chì nặng…

Năm 2012, có đến 3.000 trẻ nhiễm độc thuốc cam, trong đó 7 cháu tử vong, được coi là đỉnh "dịch" thuốc cam. Có nhà, cả 2 anh em cùng nhập viện do uống thuốc cam như hai bé V.T.L., 2 tuổi và V.X.T, 7 tháng ở xã Vạn Kim, Mỹ Đức, Hà Nội.  Năm 2013 "dịch" tạm lắng thì 2014 và 2015 lại có dấu hiệu "bùng phát" tuy không "cao điểm" như 2012…. Năm 2015, Trung tâm chống độc BV Bạch Mai và BV nhi TW liên tục tiếp nhận nhiều trẻ bị nhiễm độc chì do dùng thuốc cam….

Cháu T.T.H., 8 tháng tuổi, ở Ninh Bình, do biếng ăn, tăng cân kém, gia đình sốt ruột đã mua thuốc cam pha với nước cơm cho cháu uống khoảng 1 tháng. Khi cháu bỏ bú, xuất hiện co giật, tím tái rồi hôn mê thì gia đình vội đưa cháu vào bệnh viện. Xét nghiệm máu thấy cháu bị nhiễm độc chì rất nặng. Sau 3 ngày thở máy, chống phù não, dùng thuốc thải chì, bé H. mới ra khỏi hôn mê…

Bé trai N.M.N., 6 tuổi, ở Việt Yên, Bắc Giang đến Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai do chậm phát triển. Mẹ cháu nói lúc khoảng hơn 3 tháng tuổi, thấy bé bú ít, kém ngủ nên gia đình cho uống thuốc cam của một thầy lang ở quê cho đến khi gần 1 tuổi. Khi N học lớp 1, tiếp thu rất kém, quá nhút nhát, học trước quên sau, nói năng khó khăn nên gia đình đưa đi khám. Xét nghiệm thấy nồng độ chì trong máu của  cháu là 26,19 mcg/dL (1mcg - microgam - bằng 1/1000mg), trong khi ngưỡng cho phép không quá 10 mcg/dL với trẻ em Việt Nam.

Thuốc cam màu cam (hoặc đỏ, vàng cam) có nhiều loại khác nhau, từ 7 - 18 vị gia giảm tùy theo biểu hiện bệnh, có tác dụng thanh nhiệt, thải độc và bài thuốc cam cổ thường có vị diên đan (hồng đơn, đơn phấn…, được cho là có tác dụng hút độc) chính là Oxyt chì (Pb3O4), được dùng từ xa xưa để trị các chứng bệnh suy dinh dưỡng hoặc suy kiệt sau ốm nặng không được bồi bổ hoặc nhiễm trùng, ký sinh trùng dài ngày…

Đầu năm 2012, Viện Hóa học thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam kiểm tra 500 mẫu thuốc cam ở Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, các huyện ngoại thành Hà Nội... thì có 98/100 mẫu có hàm lượng chì cao, có mẫu đến 85% chì, đáng sợ có mẫu còn chứa cả thủy ngân, thạch tín (Arsenic - As2O3) còn độc hơn chì nhiều.

Dù không hề đăng ký kiểm định, không có nguồn gốc xuất xứ nhưng những loại thuốc cam này vẫn bán rất rộng rãi và được rất nhiều bà mẹ dùng cho con do tin tưởng thuốc cam rất "lành" và là "thần dược" chữa đủ thứ bệnh.

Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Hà Nội và TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc trung tâm chống độc BV Bạch Mai đều nói rằng bài thuốc cam hiện nay không có chì, tác dụng rất tốt cho trẻ. Thuốc cam của những người bán dạo, làm theo công thức học lỏm và đã lạc hậu. Lương y Trung nghi ngờ họ không dùng diên đan nguồn gốc tự nhiên mà dùng luôn bã quặng luyện kim có hàm lượng chì rất cao, có thể gây ngộ độc chì khi trộn một lượng thấp.

Ngoại trừ những ca nhiễm độc nặng biểu hiện lâm sàng trầm trọng thì phần nhiều các ca nhiễm độc chì đều không có triệu chứng đặc trưng nên khó chẩn đoán sớm và cha mẹ thường cho là trẻ sài đẹn nên bỏ qua. Khi tìm ra bệnh việc điều trị rất gian nan nhiều tháng hay hàng năm trời do chì tồn tại rất lâu trong cơ thể.

Chì ngấm ở tất cả các cơ quan gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh và cơ… nhưng ngấm nhiều nhất vào xương và cũng tồn tại trong xương lâu nhất (khoảng 64% ở trẻ em). Chì cũng ngấm nhiều nhất ở sụn của trẻ - nơi phát triển làm xương dài và to ra - cản trở tăng trưởng hệ xương. Nếu có 50 mg% chì trong cơ thể, khoảng 3 năm sau mới đào thải đến mức cho phép.

Nhiều nhất và lo ngại nhất là số rất lớn trẻ nhiễm chì nồng độ không cao lắm (trên 10 mcg/dL) vẫn gây ra di chứng xấu về thể chất và trí tuệ, dù trẻ không có biểu hiện gì gây chú ý mà chỉ trớ nhiều, ra mồ hôi trộm nhiều, ngủ hay giật mình, đôi khi sốt (không phải do nhiễm trùng)...

Để tránh hậu quả nguy hiểm cho tương lai của trẻ, các gia đình tuyệt đối không được mua thuốc cam trôi nổi hoặc không rõ nguồn gốc.

Bs Bình Nguyên
.
.