Xe bay, phương tiện của tương lai

Thứ Tư, 02/01/2019, 17:43
Để giải quyết các vấn đề giao thông, nhiều hãng công nghệ trên thế giới đã và đang phát triển xe bay giống như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.

Đây hứa hẹn sẽ trở thành phương tiện của tương lai, giúp tiết kiệm thời gian, cũng như khắc phục các nhược điểm của phương tiện truyền thống. Giới nghiên cứu tin rằng nhờ sự đầu tư mạnh mẽ cùng những tiến bộ vượt bậc của công nghệ, ý tưởng xe bay có thể được thương mại hóa trong vòng một vài năm tới. 

Công nghệ tiềm năng

Năm 1940, người phát minh ra chiếc xe hơi của thế kỷ là Henry Ford từng tiên đoán về sự kết hợp giữa xe hơi và máy bay. 7 năm sau, Henry Ford qua đời mà không được chứng kiến mẫu xe bay đầu tiên "trình làng" vào năm 1949. Thực tế lịch sử chỉ có ba mẫu xe bay được sản xuất và nhanh chóng chìm vào quên lãng. Giấc mơ của nhân loại về một chiếc xe có thể vừa bay trên bầu trời, vừa chạy trên mặt đất, vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

Hãng chế tạo Hoversurf giới thiệu mẫu môtô bay Scorpion 3 được chế tạo riêng cho lực lượng cảnh sát Dubai.

Tuy vậy, công nghệ chế tạo xe bay đã trở lại trong những năm qua, đem đến hi vọng cho nhân loại về sự xuất hiện của một mẫu xe bay hoàn thiện. Hiện nay, hệ sinh thái xe bay đang dần trưởng thành, khi đã có ít nhất 15 công ty khởi nghiệp (startup) phát triển xe bay, và một số đơn vị khác vẫn còn trong giai đoạn "thai nghén". Bên cạnh đó, hoạt động gọi vốn đầu tư cho công nghệ xe bay diễn ra rất sôi nổi. Các startup đã có được 310,7 triệu USD từ nhiều nguồn khác nhau như các quỹ đầu tư mạo hiểm (Atomico), các tập đoàn (Daimler, Toyota, Tencent) hay các nhà đầu tư đáng chú ý (Larry Page của Google).

Giới đầu tư cùng các "ông lớn" trong ngành lại đang có thái độ tích cực về lĩnh vực công nghệ xe bay. Trên thực tế, các tập đoàn có nền tảng tài chính mạnh cũng đã tiến vào "cuộc chơi" xe bay như Uber (với dự án Elevate) hay Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (với các cuộc thử nghiệm taxi bay công khai). Chưa hết, họ cho thấy xu hướng đầu tư phát triển công nghệ liên quan đến drone (công nghệ máy bay không người lái). Công nghệ này được dịch chuyển từ hoạt động sản xuất các đồ chơi sang các công cụ giúp ích cho phương tiện bay, có thể được áp dụng trong giao vận, ứng cứu khẩn cấp, và can thiệp vào tất cả các hoạt động của ngành di động. Ngoài ra, giới nghiên cứu đang thử nghiệm các phương tiện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng an toàn, cùng nhiều cải tiến trong động cơ và nguồn cung cấp năng lượng, từ đó mở ra triển vọng hoàn thiện những mẫu xe bay đầu tiên.

Những thử nghiệm nổi bật

Hiện nay, Hãng chế tạo Hoversurf (Nga) đang nghiên cứu chế tạo mẫu xe bay Formula Project, có khả năng cất và hạ cánh theo chiều thẳng đứng, có thể chở được 5 người. Xe có phần thân làm bằng sợi carbon và kim loại in bằng công nghệ in 3-D, hoạt động nhờ các động cơ tuabin và máy đẩy chạy điện. Bên cạnh đó, hãng cùng cảnh sát Dubai cũng giới thiệu mẫu môtô bay Scorpion 3 được chế tạo riêng cho lực lượng cảnh sát Dubai. Chiếc môtô này có thể bay lượn cách mặt đất 5m, hoạt động trong thời gian 25 phút với vận tốc 70km/h và chở được 300kg.

"Ông lớn" Airbus (Pháp) vừa công bố mẫu xe bay tự hành Vahana, có 8 động cơ cánh quạt dùng điện và đạt độ cao 300m, có khả năng cất hạ cánh theo chiều thẳng đứng, sẽ được dùng như taxi bay đưa đón hành khách. Airbus dự định nếu mẫu xe bay này thành công, hãng sẽ tiếp tục phát triển một phần mềm gọi dịch vụ vận chuyển bằng xe bay, tương tự như ứng dụng gọi taxi Uber. Trong khi đó, Hãng công nghệ Uber cũng lao vào cuộc chạy đua sản xuất xe bay với một dự án mang tên Uber Elevate để chế tạo và đưa một loại taxi bay vào hoạt động khoảng năm 2026.

Ngoài ra một số công ty khác cũng đang chế tạo các mẫu xe bay như eVolo (Đức) với mẫu xe trực thăng bay Volocopter 2X; Terafugia - một công ty Trung Quốc đặt trụ sở ở bang Massachusetts (Mỹ) với 2 mẫu Transition và TF-X; hay Hãng chế tạo PAL-V Internationale (Hà Lan) với mẫu xe bay "lai" ôtô kiêm trực thăng 2 chỗ ngồi đặt tên là PAL-V Liberty. Riêng tại Nhật Bản, xe bay được chính phủ đưa vào chiến lược phát triển quốc gia, với tầm nhìn "cất cánh vào năm 2020". Để chuẩn bị cho kế hoạch đột phá này, Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn như Subaru, Uber và Boeing.

Triển vọng và thách thức

Giới nghiên cứu nhận định, xe bay sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, cải thiện khả năng đi lại của người dân ở vùng sâu - vùng xa, các đảo bị cô lập và trợ giúp cứu hộ nhân đạo. Mô hình giao thông bằng xe bay sẽ giúp các quốc gia trên thế giới tiết kiệm hàng trăm tỉ USD hàng năm vì không phải xây dựng thêm hệ thống đường xá và cầu cống mới để đáp ứng nhu cầu di chuyển bằng loại phương tiện truyền thống. Những chiếc xe bay còn mở ra các cơ hội đầu tư hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia vào mảng công nghệ mới mẻ này.

Hơn nữa, rất có thể các vụ sáp nhập hoặc thâu tóm sẽ diễn ra khi các doanh nghiệp lớn bắt đầu quan tâm đến việc kinh doanh xe bay. Một ví dụ điển hình như Hãng Boeing vừa mua lại Aurora - startup phát triển công nghệ bay tự hành.

Triển vọng của phương tiện bay là rõ ràng, với sự sẵn sàng của công nghệ và quan tâm lớn từ các nhà đầu tư, thế nhưng vẫn còn đó những rào cản. Thách thức lớn nhất là việc tích hợp các loại vật thể bay vào trong quy trình quản lý không phận chung.

Đây là một vấn đề nan giải về mặt quy chế (các vật thể bay nên được điều khiển từ xa bởi con người hay tự vận hành), về mặt cơ sở hạ tầng (làm thế nào để kiểm soát và bảo vệ an toàn cho vô số những xe bay bên cạnh các phương tiện bay khác), về mặt công nghê (làm thế nào để điều hành được hàng ngàn đường bay trong thời gian thực và quản lý những va chạm).

Với sự phát triển của các loại xe bay trong thời gian tới, vấn đề cấp bách đặt ra cho các cơ quan quản lý hàng không các nước là phải nhanh chóng xây dựng một bộ quy tắc an toàn giao thông cho riêng loại phương tiện di chuyển rất mới mẻ này. Quan trọng hơn, nhà sản xuất cần phải thuyết phục người sử dụng rằng xe bay có thể thay thế phương tiện truyền thống và thực sự an toàn...

Trần Quân (tổng hợp)
.
.