(SỐC): Mổ sỏi thận nhưng bị... cắt cụt tứ chi

Thứ Sáu, 18/09/2015, 20:15
Vừa qua, dư luận một lần nữa lại xôn xao vì một tai biến xảy ra trong ngành y. Đó là trường hợp của một bệnh nhân ở Củ Chi, mổ sỏi thận đã bị nhiễm trùng, có mủ, nhưng sau đó lại bị cắt cụt một phần tứ chi.

Đây không phải là lần đầu tiên dư luận phản ứng với những tai biến kiểu này. Nhưng điều đáng nói là do chưa hiểu rõ vụ việc cũng như chưa nắm rõ cơ chế bệnh cảnh nên đã dẫn tới việc những y bác sĩ đem hết khả năng chuyên môn và lương tâm y đức ra để cứu người, thì nay phải hứng chịu búa rìu dư luận...

Chuyện của 6 năm trước

Theo lời bệnh nhân Trần Thị Hu, sinh năm 1961, ngụ tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP HCM thì ngày 9/1/2009, bà lên cơn sốt, vật vã, đau dữ dội ở vùng lưng, da nổi bông tím nên gia đình  đưa bà đến Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi (gọi tắt là BV Củ Chi) để thăm khám. Lúc này, qua kiểm tra, các bác sĩ nhận thấy mạch của bà chỉ còn 88 lần/phút, nhịp thở 16 lần/phút, huyết áp rất thấp (60/40mmHg).

Bà Hu sau khi cắt cụt một phần tứ chi.

Tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết, BV Củ Chi kết luận thận trái của bà ứ nước độ 2 do sỏi, có dấu hiệu sốc nhiễm trùng vì thận chứa nhiều mủ. Bác sĩ Huỳnh Văn Hy, Phó giám đốc BV Củ Chi cho biết ngay lập tức BV đã lập phác đồ điều trị chống sốc, dùng thuốc vận mạch, bù dịch điện giải, kháng sinh. Khi bà Hu đã tạm ổn, BV chuyển bà sang Khoa Hồi sức tích cực để tiến hành hội chẩn.

Sau khi hội chẩn, nhận thấy tiên lượng bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao nên BV Củ Chi quyết định mổ nhằm cứu sống bà. Ca phẫu thuật được xem là thành công khi các bác sĩ lấy viên sỏi ra, đồng thời đặt ống dẫn lưu mủ.

Hôm sau, bà Hu thấy tê và mất cảm giác ở các đầu ngón tay, ngón chân. Trên cẳng tay và cẳng chân xuất hiện thêm nhiều vết ban tím rải rác. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định bà Hu bị hội chứng Raynaud. Được BV Củ Chi giải thích và theo yêu cầu của người nhà, BV Củ Chi chuyển bà lên BV Chợ Rẫy.

Tại BV Chợ Rẫy, sau khi kiểm tra, làm các xét nghiệm, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một phần của cả 4 chi. Theo BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp thì trên cơ sở bệnh sử, các biểu hiện lâm sàng cùng kết quả của những xét nghiệm cận lâm sàng, BV Chợ Rẫy nhận định bà Hu bị nhiễm trùng huyết mà nguyên nhân phát xuất từ nhiễm trùng đường tiết niệu, gây biến chứng suy gan, thận, tắc mạch chi. Việc BV Củ Chi kịp thời phẫu thuật lấy sỏi thận, dẫn lưu ổ mủ nên bà Hu đã được cứu sống. Tuy nhiên, do tắc mạch tứ chi vì nhiễm trùng nặng nên sau khi giải thích cho bà và gia đình bà biết, BV Chợ Rẫy buộc phải cắt cụt một phần tứ chi để bảo toàn tính mạng cho bà.

Ngày 23/1/2009, BV Chợ Rẫy chuyển bà Hu về lại BV Củ Chi. Đến ngày 3/2/2009, nhận thấy tình trạng sức khỏe của bà Hu tạm ổn nên BV Củ Chi cho bà về. Sau đó, bà đã nhiều lần đến gặp lãnh đạo BV Củ Chi để hỏi về tình trạng của mình nhưng theo lời bà thì BV tránh né, không tiếp…

Hỗ trợ hay đền bù?

6 năm sau (đầu tháng 6/2015), bà Hu làm đơn khiếu nại BV Củ Chi, yêu cầu nơi đây phải chịu trách nhiệm với những thương tật đã gây cho bà. Bà nói: "Đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đã quá cẩu thả, thiếu trách nhiệm trong quá trình phẫu thuật làm tắc nghẽn mạch máu, máu không lưu thông để nuôi tứ chi dẫn đến bị hoại tử và phải cắt bỏ cả tay lẫn chân. Tôi vốn là một người lành lặn đi làm để lo cho cuộc sống gia đình, nay tàn phế, không làm gì được để lo cho cuộc sống nhưng bệnh viện lại chối bỏ trách nhiệm. Lần này tôi gửi đơn đến Hội đồng nhân dân TP HCM, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Sở Y tế TP HCM đề nghị làm sáng tỏ những sai sót của bệnh viện này đã gây ra, khiến tôi bị tàn phế. Đồng thời, tôi cũng yêu cầu BV Củ Chi đưa tôi đi giám định tỷ lệ thương tật để làm cơ sở pháp lý bồi thường theo đúng quy định của pháp luật…", mặc dù trước đó tại BV Chợ Rẫy, bà cùng gia đình đã được các bác sĩ giải thích rất thấu đáo, và đã đồng ý ký cam kết phẫu thuật.

Bàn tay tê, lạnh, đau buốt, da chuyển màu do thiếu máu nuôi.

Đến ngày 27/7/2015, bà gửi đơn "yêu cầu hỗ trợ", đề nghị BV Củ Chi hỗ trợ cho bà tổng cộng 106 triệu đồng. Khi nhận được đơn, phía BV đã tiến hành đối thoại với gia đình bệnh nhân. Qua đối thoại, hai bên thống nhất BV Củ Chi hỗ trợ cho gia đình bà số tiền 60 triệu. Theo BS Hy, Phó giám đốc BV Củ Chi thì đây chỉ là tiền BV hỗ trợ chứ không phải là tiền đền bù vì về mặt chuyên môn, BV không sai sót. Việc bà Hu bị cắt cụt chi là việc nằm ngoài ý muốn của đội ngũ y bác sĩ đã trực tiếp mổ cứu sống bà. Còn tại sao trong tờ biên nhận giao nhận tiền lại có câu "không thắc mắc, khiếu nại về sau" là do có sự đồng thuận của hai bên, trong đó có cả con trai, con gái bà Hu.

Chiều 11/9, bà Hu xác nhận đã nhận được số tiền hỗ trợ của BV và cho biết không khiếu nại gì nữa.

Tắc trách?

Trước khi nói đến chuyện "mổ thận nhưng bị cắt cụt chi" thì thiết nghĩ cũng nên biết qua về hai quả thận trong cơ thể người. Nó có hình hạt đậu, nằm trong khoang bụng, phía sau màng bụng (phúc mạc) và  đối xứng nhau qua cột sống. Thận phải nằm thấp hơn thận trái một chút, làm nhiệm vụ lọc chất thải trong máu (nước tiểu) rồi  theo niệu quản đổ vào bàng quang (bọng đái) và bài tiết ra ngoài.

Bác sĩ Huỳnh Văn Hy, Phó Giám đốc Bệnh viện Củ Chi nói về trường hợp của bà Hu.

Trong quá trình bài tiết nước tiểu, sỏi có thể hình thành trong thận mà nguyên nhân do lượng nước tiểu quá ít hay nồng độ chất khoáng trong nước tiểu quá cao, lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại thành sỏi.

Nếu sỏi thận nhỏ, áp lực của dòng nước tiểu có thể đẩy nó ra ngoài. Nếu sỏi thận lớn, viên sỏi khi di chuyển sẽ cọ xát vào đường niệu gây ra những cơn đau lưng, tiểu ra máu. Nếu sỏi thận bị kẹt trong cuống đài thận, nó sẽ gây tắc, làm giãn nở cuống đài thận và tạo ra áp lực tác động lên dây thần kinh thận, vỏ thận, khiến người bệnh lên cơn đau quặn thận. Bên cạnh đó, sỏi có thể làm tắc nghẽn đường tiểu, tồn đọng nước tiểu, gây ứ nước, nhiễm trùng, lâu ngày sẽ dẫn đến xơ hóa đường tiểu và giảm chức năng co bóp đường tiểu, tạo thành các lỗ rò ở bàng quang, niệu quản, hậu quả là suy thận.

Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của sỏi thận là nhiễm trùng. Hòn sỏi nằm lâu ngày trong hệ niệu là nơi vi trùng phát triển, do đó sẽ gây nhiễm trùng. Ở các trường hợp nhiễm trùng nhẹ, triệu chứng thường là tiểu gắt, đau lưng. Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể tiểu ra mủ, sốt cao. Nếu kèm theo tắc đường tiểu thì có thể gây ra thận ứ mủ hoặc thận hóa mủ.

Bình thường, thận lọc chất thải ra khỏi máu rồi đưa máu trở lại hệ tuần hoàn. Nếu bị nhiễm trùng, vi trùng sẽ vào theo máu gây nhiễm trùng máu. Người bệnh sẽ xuất hiện hiện tượng đông máu nội mạch lan tỏa và cuối cùng là tắc mạch chi. Lúc ấy, máu đến không đủ để nuôi các vùng chi ở xa nên đầu ngón tay, ngón chân người bệnh có cảm giác lạnh, tê, đau buốt rồi dần dần tím đen. Nếu không được can thiệp kịp thời, người bệnh sẽ tử vong hoặc có thể phải cắt cụt cả tứ chi vì hoại tử.

Trở lại với chuyện bà Hu, sau khi bà làm đơn gửi đến một số cơ quan chức năng để khiếu nại thì dư luận bắt đầu dậy sóng. Trên một số trang mạng, bên cạnh những ý kiến bênh vực BV Củ Chi thì cũng chẳng thiếu những luận cứ kết tội: "Đây là một sai sót hay nói chính xác hơn là một sự thiếu hiểu biết trong quá trình thực hiện phẫu thuật…". Có trang mạng còn đặt vấn đề: "Tại sao BV Củ Chi lại đưa ra quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân Hu trong lúc bệnh nhân còn lơ mơ, vật vã, huyết áp tụt…".

Theo một số bác sĩ chuyên khoa Niệu, Thận làm việc tại BV Bình Dân, BV Chợ Rẫy, thì việc bà Hu được chỉ định mổ lấy sỏi, dẫn lưu mủ do nhiễm trùng là hoàn toàn hợp lý. Thủ thuật này không liên quan gì đến việc bà Hu bị thiếu máu nuôi các chi dẫn đến phải cắt cụt chi.

Về nguyên tắc xử lý nhiễm trùng thận do sỏi, việc dẫn lưu ổ nhiễm trùng là yêu cầu bắt buộc và có tầm quan trọng, quyết định sự thành công trong điều trị. Do đó, BV Củ Chi đã đúng khi thực hiện cuộc mổ dẫn lưu mủ thận.

Sợ nhất… truyền thông!

Theo hướng dẫn của Surviving Sepsis Campaign (SSC) - là một chiến dịch toàn cầu nhằm mục đích kéo giảm tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm trùng gây ra - mà hiện nay chiếm tới 50% các ca bệnh. Hướng dẫn được lập bởi các bác sĩ của hơn 30 hiệp hội y khoa trên toàn thế giới, đã nhận định rằng nếu sốc nhiễm trùng do mủ bể thận (trường hợp của bà Hu) thì tỷ lệ tử vong có thể tăng lên tới 76% nếu không được mổ dẫn lưu ngay. Một bác sĩ là giảng viên Đại học Y Dược TP HCM xin được miễn nêu tên nói: "Với những ổ mủ nằm sâu trong bể thận thì có… ngâm cả bệnh nhân trong thùng kháng sinh cũng chẳng ăn thua gì, mà việc đầu tiên là phải dẫn lưu ổ mủ càng sớm càng tốt". Trường hợp bà Hu, bà nhập viện lúc 19 giờ 45 phút và ngay khuya hôm đó, bà đã được mổ thì phải nói một cách chính xác rằng BV Củ Chi đã xử lý vừa đúng, vừa kịp thời.

Riêng với chuyện "tại sao lại mổ cho bà trong lúc bà còn lơ mơ vật vã, huyết áp tụt" thì vẫn vị bác sĩ là giảng viên Đại học Y Dược TP HCM vừa nêu ở trên cho biết: "Thông thường, bệnh nhân cần được ổn định huyết áp trước khi mổ nhằm tránh trường hợp phản ứng với thuốc gây tê, gây mê. Trong ca mổ của bà Hu, tôi tin rằng BV Củ Chi đã duy trì huyết áp của bà ấy ở mức có thể chấp nhận được nên vì vậy, bà ấy mới còn sống".

Cuối cùng, cái làm nên câu chuyện sóng gió này chính là việc cắt cụt tứ chi bà Hu. Đây là hậu quả của việc thiếu máu nuôi. Theo các tài liệu Y học về giải phẫu bệnh lý từ Đông sang Tây, trong tất cả các trường hợp sốc nhiễm trùng, máu sẽ được cơ thể ưu tiên cho não, phổi. Các cơ quan nằm ở xa hơn dĩ nhiên sẽ nhận được ít máu hơn, chưa kể nhiễm trùng cũng làm xuất hiện hiện tượng động máu nội mạch lan tỏa nên máu đến các chi đã ít lại càng ít.

Trường hợp bà Hu, hiện tượng thiếu máu nuôi đã xuất hiện ngay từ khi nhập viện (sốt, vật vã, đau dữ dội ở vùng lưng, da nổi bông tím) chứ không phải là trong quá trình phẫu thuật dẫn lưu, các bác sĩ BV Củ Chi đã khiến vi khuẩn xâm nhập vào máu bà, dẫn đến nhiễm trùng máu…

Trao đổi với chúng tôi, một bác sĩ của Khoa Ngoại tổng quát BV Chợ Rẫy cho biết bây giờ anh cùng các đồng nghiệp sợ nhất là giới… truyền thông! "Đứng mổ một ca ung thư đã di căn suốt 6 tiếng đồng hồ, bệnh nhân sống thì chẳng thấy ai nói đến. Còn lơ mơ một chút, người nhà bệnh nhân "lên báo" khiếu nại thì lắm trang mạng, chưa rõ đầu đuôi ra sao đã lập tức "phang" liền?". Một bác sĩ ở Khoa Cấp cứu nói tiếp: Có bệnh nhân lăn lộn, vật vã nhưng qua thăm khám, chúng tôi biết họ chưa đến mức nghiêm trọng nhưng có bệnh nhân thấy tỉnh như sáo mà nếu không xử lý ngay thì có thể chỉ vài mươi phút sau là họ "đi". Khi ấy, chúng tôi tập trung cứu sống người này thì gia đình người kia làm ầm lên, cho rằng chúng tôi không quan tâm đến thân nhân họ rồi hôm sau đi làm, mới biết là mình đã bị "lên mạng" với những lời kết tội rất nặng nề…

Hội chứng Raynaud là hiện tượng mà cơ thể không vận chuyển đủ máu đến các đầu ngón tay, ngón chân khiến cho người bệnh có cảm giác tê, lạnh và đau buốt. Nó có thể xảy ra với những người hằng ngày phải tiếp xúc với môi trường lạnh dưới 0ºC trong một thời gian dài, hoặc người ấy mắc phải chứng xơ cứng mạch, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh Luput ban đỏ. Đôi khi nó cũng xảy ra với những người thường xuyên sử dụng các đầu ngón tay trong quá trình làm việc như nhân viên đánh máy, nhạc công chơi đàn và đặc biệt là nó xuất hiện ở những bệnh nhân bị thuyên tắc mạch do nhiễm trùng máu.
V.C.
.
.