Siêu xe dùng động cơ máy bay

Thứ Năm, 16/07/2015, 13:10
Tới năm 2020, ngành hàng không của Anh sẽ mất đi 60% nhân lực kỹ thuật cao do các nhân viên phải về hưu và rất khó khăn để tìm lớp người kế thừa.

Để giải quyết vấn đề này đồng thời khuyến khích thế hệ trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, doanh nhân Richard Noble cùng cựu phi công Andy Green đã nghiên cứu cho ra đời chiếc xe có thể chạy với tốc độ 1.609km/giờ. Siêu xe có tên Bloodhound bắt đầu vận hành từ giữa năm nay.

Green cho biết: "Bloodhound sử dụng động cơ của xe đua công thức 1, máy bay chiến đấu siêu âm và tên lửa vũ trụ thế hệ mới. Bloodhound sẽ trở thành phi thuyền Apollo trên mặt đất". Động cơ vận hành chính của xe là EJ200, loại được thiết kế cho máy bay phản lực Eurofighter Typhoon.

Động cơ tên lửa của xe hơi.

Với động cơ siêu nạp 550 mã lực V8, và động cơ tên lửa Namco, Bloodhound có tổng công suất 135.000 mã lực, mạnh hơn năng lượng của 150 chiếc xe đua công thức I. Nó có thể tăng tốc từ 0 lên 1.609km/giờ chỉ trong 55 giây. Bloodhound có 4 bánh, nặng 7,5 tấn, có bộ phận buồng lái làm từ sợi carbon chống đạn, sử dụng 3 động cơ vận hành và công tơ mét của Hãng Rolex có thể ghi nhận tốc độ lên đến 1.770km/giờ. Đường đua dành cho chiếc xe trải dài hơn 19km trên sa mạc Hakskeen Pan, Nam Phi.

Mùa hè năm nay, Bloodhound sẽ thực hiện đường chạy ở Anh với vận tốc 320km/giờ và đến Nam Phi vào tháng 9 để thực hiện đường chạy với vận tốc 1.287km/giờ. Kế hoạch lập kỷ lục 1.609km/giờ của Green được ấn định vào năm 2016.

Lái xe theo đường thẳng dễ hơn khi lái ở những khúc cua hay đoạn đường hẹp. Tuy nhiên, Green cũng sẽ phải rất tập trung để lái Bloodhound theo đường thẳng vì khi tăng tốc độ, lực khí động của xe có thể làm cho phương hướng thay đổi nhanh chóng chỉ trong nháy mắt. "Khi chạy dưới vận tốc 560 km/giờ, bánh lái vẫn hoạt động như một chiếc xe đường trường bình thường. Nhưng khi vận hành động cơ tên lửa, các bánh xe lúc này sẽ trượt qua bề mặt đường như tôi đang lái xe trên mặt băng vậy. Chiếc xe bắt đầu lạng lách và dù chỉ một cơn gió thổi qua cũng cần phải có một lực lớn để giữ nó chạy thẳng" - Green giải thích.

Khi tăng tốc lên 1.609km/giờ, dòng không khí bắt đầu tụ lại đè chiếc xe lên mặt đất. Bánh xe lúc này sẽ xoay hơn 10.000 vòng mỗi phút. Green sẽ phải kiểm tra 3 chiếc đồng hồ số nhằm đảm bảo rằng nhiệt độ, áp lực và độ tải lên mỗi bánh xe ở ngưỡng cho phép. Nhưng sau đó vài giây, bộ vận hành của xe lại tiếp tục thay đổi. Khi đạt mức 1.609km/giờ, chỉ cần một biến đổi nhỏ ở bánh trước cũng có thể gây ra sóng xung kích và lực tải lớn ở hai bên sườn xe. Cú phanh sẽ gây hiện tượng somatogravic illusion, thường gặp phải khi đột ngột giảm tốc ở tốc độ lớn và có thể gây mù tạm thời.

Văn Nguyễn - S.H. (theo DM)
.
.