Bệnh đậu mùa khỉ, một lịch sử kỳ lạ ít người biết

Thứ Sáu, 01/07/2022, 08:54

Bị nhầm lẫn trong quan niệm sai lầm, Poxvirus là bệnh đặc hữu tại một số quốc gia Châu Phi nhưng cho đến gần đây cũng đã bắt đầu xuất hiện hiếm hoi ở Châu Âu và Mỹ. Bệnh đậu mùa khỉ thực sự nguy hiểm ra sao, và cách phòng tránh thế nào? Tác giả bài viết: Simar Bajaj, sinh viên tại Đại học Harvard chuyên nghiên cứu về lịch sử khoa học, và cũng đồng thời còn là một thành viên nghiên cứu tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts và trường Y Đại học Stanford kể một câu chuyện lạ kỳ xoay quanh căn bệnh hiếm gặp này. 

Xác định lại cho một căn bệnh

Kể từ khi nó được xác nhận lần đầu tiên trong một đàn khỉ ở Copenhagen vào năm 1958, bệnh đậu mùa khỉ hầu như không được thế giới phương Tây để mắt tới. Một loại poxvirus lây nhiễm hình thành nên sốt, ớn lạnh và phát ban, căn bệnh này thường xuyên xuất hiện ở 10 quốc gia Châu Phi. Tuy nhiên mãi cho đến gần đây, bệnh mới thấy xuất hiện ở Châu Âu và lục địa Mỹ, một xu hướng mang tính lịch sử đã khiến giới chức y tế phương Tây tỏ ý coi thường khi nó lan tràn ở những nơi khác.

Ông Martin Hirsch, Tổng biên tập của Thời báo Các bệnh truyền nhiễm và đồng thời là một nhà Miễn dịch học tại Đại học Harvard, phát biểu: “Không có nhiều sự bận tâm của các tổ chức y tế phương Tây về một số thứ chỉ lưu hành ở Châu Phi”.

Tháng 5-2022, khi tin tức về sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều quốc gia, các tiêu đề giật gân cho rằng căn bệnh này đang sẵn sàng để khởi động cho một đại dịch khác. Mặc dù có những lo ngại (ít nhất đã có 2.103 trường hợp bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại 42 quốc gia trên thế giới và dường như lây lan nhanh hơn so với trước đó) nhưng bệnh đậu mùa khỉ không phải là mối họa mới.

Bệnh đậu mùa khỉ, một lịch sử kỳ lạ ít người biết -0
Bệnh đậu mùa khỉ, một lịch sử kỳ lạ ít người biết -1
Hình ảnh hiển vi điện tử truyền màu sắc vào các hạt virus đậu mùa khỉ được nuôi cấy và tinh chế từ nuôi cấy tế bào ở Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID).  Ảnh nguồn NIAID via Flickr under CC By 2.0

Trên thực tế việc virus vẫn còn hiện diện ở Châu Phi vốn là hậu quả của việc tiếp cận không bình đẳng đối với các kho dự trữ vaccine toàn cầu cùng các nguồn lực chăm sóc y tế. Ông Oyewale Tomori, nhà vi trùng học của Đại học Redeermers kiêm cựu Chủ tịch của Viện khoa học Nigeria, khẳng định: “Nên nhớ rằng bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên thật sự được phát hiện trong phòng thí nghiệm ở Đan Mạch chứ không phải ở Phi Châu”.

Là anh em họ của loại virus đậu mùa gây tử vong cao hơn, đậu mùa khỉ chủ yếu lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể, vết loét hoặc vảy ra của người bị nhiễm. Việc phơi nhiễm thông qua các giọt hô hấp có thể xảy ra nhưng ít phổ biến, và được xác nhận là thiếu hiểu biết. Sự bùng phát hiện nay của bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu là giữa những người nam giới có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) – một xu hướng kéo dài song song với đại dịch HIV/AIDS đã ảnh hưởng không tương xứng đối với cộng đồng đồng tính (LGBTQ) vào lúc đỉnh cao cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990.

Giới khoa học không hoàn toàn chắc chắn rằng tại sao bệnh đậu mùa khỉ lại lây lan theo cách này, nhưng từ những phát hiện đầu tiên cho thấy rằng “có thể virus đã xâm nhập vào các mạng lưới tình dục có tính kết nối cao ngay trong cộng đồng, nơi bệnh lây lan theo những cách không xảy ra trong dân số nói chung”, theo công bố của tạp chí Science (Khoa học).

Câu chuyện giữa bệnh đậu mùa khỉ và bệnh đậu mùa (poxvirus) nói chung là một phần của câu chuyện lớn hơn về bất bình đẳng sức khỏe toàn cầu và chủ nghĩa tiến bộ khoa học. Trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh hiện nay, lịch sử lâu dài bị quên lãng của bệnh đậu mùa khỉ đang khiến căn bệnh này đồng thời bị che khuất và phải chịu sự giám sát kỹ lưỡng, cả 2 đều gây tổn hại cho y tế cộng đồng.

Những hoạt động phòng ngừa ban đầu

Quá khứ của bệnh đậu mùa khỉ không thể tách rời với bệnh đậu mùa được cho là đã có mặt lần đầu tiên vào khoảng năm 10.000 trước Công nguyên. Là một trong những căn bệnh gây chết người nhiều nhất, bệnh đậu mùa đã giết hơn 300 triệu người trên toàn thế giới chỉ riêng trong thế kỷ 20. Bằng cách đánh hơi các vảy khô của bệnh đậu mùa cho đến dùng kim chọc thủng mụn của người bệnh, các cộng đồng ở Châu Phi, Ấn Độ, Trung Hoa, Thổ Nhĩ Kỳ và những quốc gia không phải phương Tây khác từ lâu đã tìm cách ngăn chặn virus lây lan.

Hoạt động tiêm chủng chỉ đến Châu Âu vào đầu thế kỷ 18 khi Lệnh bà Mary Wortley Montagu, vợ của quan đại thần triều đình Anh ở đế quốc Ottoman, mang cách thực hành chủng ngừa về Anh sau khi bà được một phụ nữ gốc Thổ bày cách. Cùng khoảng thời gian đó vào năm 1721, một trận dịch đậu mùa tại Massachusetts đã khiến mục sư Cotton Mather và thầy thuốc Zabdiel Boylston cùng thử nghiệm quy trình chủng ngừa tương tự.

Ngày hôm nay, có một sự thật rằng chính Onesimus, một nô lệ đã chỉ cho Cha Mather cách tiêm chủng, người này học được nó từ một người đồng hương ở Tây Phi. Sử gia Elise A. Mitchell của Đại học Princeton giải thích: “Sự im lặng bao quanh Onesimus đã được tạo ra trong 4 thời điểm: Lịch sử của người nô lệ bị che khuất trong hồ sơ của mục sư Mather, các tài liệu lưu trữ, các câu chuyện lịch sử và cảm nhận của người đương thời về những đóng góp của người nô lệ”.

Những gì nổi tiếng về lịch sử của bệnh đậu mùa thường được bắt đầu và kết thúc bởi Edward Jenner, một bác sĩ mổ người Anh đã thực hiện tiêm chủng đầu tiên trên thế giới vào năm 1796. Ông Powel H. Kazanjian, một bác sĩ về các bệnh truyền nhiễm kiêm sử gia tại Đại học Michigan, quả quyết rằng bác sĩ Jenner là người đi đầu trong lịch sử tiêm chủng khi đã thực hành nhuần nhuyễn việc tiêm chủng vào y học phương Tây.

Bệnh đậu mùa khỉ, một lịch sử kỳ lạ ít người biết -0
Bàn tay của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Ảnh: AFP/TTXVN.

Tổng biên tập Martin Hirsch cho rằng nỗ lực diệt tận gốc bệnh đậu mùa là “một trong những dấu ấn tuyệt vời của y học phương Tây”. Chỉ đến năm 1959, bệnh đậu mùa mới trở thành mục tiêu rõ ràng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Năm 1958, ông Viktor Zhdanov của Liên Xô đã trình bày nền tảng lý thuyết để diệt trừ bệnh đậu mùa tại một hội nghị của Đại hội đồng y tế thế giới tại Minneapolis (tiểu bang Minnesota, Mỹ). Tại thời điểm đó, Tổng giám đốc WHO ước tính rằng việc loại trừ bệnh đậu mùa từ các vùng dịch sẽ phải yêu cầu chủng ngừa cho 80% dân số và chi phí gần 100 triệu USD. Song việc thiếu kinh phí, việc quyên góp vaccine và nhân sự đã khiến cho chương trình bị đình trệ trong vài năm.

Năm 1967, WHO tái thiết lập sáng kiến với tên gọi Chương trình diệt bệnh đậu mùa tăng cường (SEP). WHO đã bổ nhiệm các lãnh đạo mới và phát triển các công nghệ để đẩy mạnh tiêm chủng đại trà như dùng kim 2 nhánh, và các cam kết hỗ trợ của Mỹ. Cuối cùng chiến lược của WHO là chuyển từ tiêm chủng hàng loạt sang việc phát hiện các ca bệnh mới, cách ly người nhiễm và chủng ngừa cho toàn bộ những người từng tiếp xúc gần với bệnh nhân.

10 năm sau, ca bệnh đậu mùa cuối cũng đã được ghi nhận ở Somalia. Năm 1980, WHO tuyên bố đã xóa sổ bệnh đậu mùa. Nhưng cột mốc này đã phải trả một cái giá quá đắt. Quan chức y tế của Liên hợp quốc khi đó là nhà Dịch tễ học người Mỹ, Lawrence Brilliant, đã viết Chiến dịch Không bệnh đậu mùa (OSZ) đã bắt đầu vào năm 1975 với việc lùng sục các bản làng, nhà này sang nhà kia, phòng này sang phòng khác. Những người cung cấp tin người nhiễm bệnh sẽ được nhận tiền thưởng. Mọi người dân trong bán kính 1 dặm đều được chủng ngừa bất kể họ đã được tiêm hay chưa.         

Khủng hoảng vaccine đậu mùa ở nam bán cầu

Vaccine đậu mùa đã cung cấp một số cách bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần. Kể từ thập niên 1970, nhiều nước đã ngừng tiêm chủng chống lại căn bệnh đã từng diệt tận gốc (bệnh đậu mùa). Trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở người là một bé trai 9 tuổi tại Cộng hòa dân chủ Congo (DRC) vào năm 1970. Sau đó WHO đã báo cáo 54 trường hợp từ giữa năm  1970 và 1979, và 338 trường hợp từ giữa năm 1981 và 1986; với tỷ lệ chủng ngừa đậu mùa cao trong giai đoạn này.

Trong vòng 30 năm qua trong bối cảnh tỷ lệ bao phủ vaccine bệnh đậu mùa đang suy yếu, Châu Âu đã báo cáo nhiều đợt bùng dịch đậu mùa khỉ. Nhưng ở Mỹ, những sự kiện như vậy chả mấy ai quan tâm. Trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ vào năm 2003, Trung tâm kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã ghi nhận 71 trường hợp bệnh. Phần lớn các bệnh nhân đều tiếp xúc với chó đồng cỏ gây ra tiếp xúc người sang người và không bị hoài nghi là nguồn lây nhiễm.

Bệnh đậu mùa khỉ, một lịch sử kỳ lạ ít người biết -0
Nhân viên y tế điều trị cho em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Zomea Kaka thuộc vùng Lobaya, Cộng hòa Trung Phi. Ảnh: AFP/TTXVN.

Thủ phạm đứng sau đợt bùng dịch là những con chuột túi Gambia được nhập khẩu từ Ghana và được đặt cạnh lô hàng chó đồng cỏ. Sau khi CDC cấm nhập khẩu các loài gặm nhấm Châu Phi vào Mỹ thì dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát và quên bẵng. Bệnh đậu mùa khỉ là bằng chứng mới nhất cho thấy một số quốc gia chưa bị ảnh hưởng đã ít quan tâm, có những phản ứng thiếu và yếu như đã từng đối phó với các căn bệnh như Ebola, Zika, và những căn bệnh truyền nhiễm khác.

Ở Châu Phi, nơi số ca bệnh hiện vẫn cao gấp 3 lần so với mốc bình thường, vaccine và thuốc kháng virus vẫn không có sẵn trên toàn bộ châu lục. Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Châu Phi (ACDC), năm 2022, giới chức báo cáo rằng hơn 1.400 ca bệnh đậu mùa mới và khiến 66 người tử vong ở Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Congo và Nigeria.

Theo tạp chí Science, các chuyên gia bày tỏ sự lo ngại rằng bệnh đậu mùa khỉ có thể cư trú lâu dài trong cơ thể các vật chủ động vật bên ngoài Châu Phi khiến cho dịch bùng nổ thường xuyên hơn và có tiềm năng sinh ra những biến chủng mới. Nhà vi trùng học Oyewale Tomori cho rằng: “Thế giới chỉ bé thế thôi. Đây là thứ (bệnh đậu mùa khỉ) không chỉ mỗi chuyện riêng của Châu Phi mà có thể xảy ra ở bất kỳ đâu”.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.