Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an: Điều trị tận gốc hội chứng hậu COVID-19 bằng y học cổ truyền
Không chỉ tấn công, điều trị các triệu chứng bệnh COVID-19 như phương pháp điều trị bằng Tây y, điều trị bệnh bằng y học cổ truyền còn chú trọng tới việc sử dụng các phương pháp, bài thuốc Đông y để bồi bổ, nâng cao thể trạng sức khoẻ bệnh nhân, tăng sức đề kháng, giúp các bệnh nhân điều trị tận gốc hội chứng hậu COVID-19.
Đó là những lợi thế rất tích cực của y học cổ truyền trong khám và điều trị hội chứng hậu COVID-19. Vấn đề này hiện đang được rất nhiều người dân quan tâm, bởi thực tế chứng minh, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân được điều trị tận gốc, không còn ám ảnh bởi những triệu chứng hậu COVID-19.
Nhiều bệnh nhân tìm đến điều trị hậu COVID-19
Từ trung tuần tháng 3-2022 đến nay, khi Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an bắt đầu mở thêm phòng khám hậu COVID-19, số lượng bệnh nhân tìm đến khám bệnh ngày càng đông. Các bệnh nhân tìm đến với phòng khám hậu COVID-19 không chỉ là các CBCS Công an mà còn rất đông người dân ở Hà Nội và các tỉnh cũng đến khám và điều trị. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân là các thanh niên trẻ không phải là ít.
Bà Nguyễn Thúy Hoàn, 56 tuổi, cán bộ hưu trí Công an quận Cầu Giấy cho biết, do bị bệnh tiểu đường và huyết áp cao nên bà rất cẩn thận, hạn chế tiếp xúc, ít khi ra khỏi nhà để phòng tránh dịch. Nhưng khi đứa cháu ngoại đi học trực tiếp và lây COVID-19 từ bạn cùng lớp khiến bà và mọi người trong gia đình cũng lần lượt bị mắc COVID-19. Lo ngại nhất là, dù bà và tất cả các thành viên trong gia đình đã khỏi bệnh, nhưng suốt hơn 2 tháng sau khi xét nghiệm Real time PCR đã âm tính với SarsCoV- 2 nhưng hiện bà vẫn ho nhiều; tình trạng thỉnh thoảng bị khó thở, hụt hơi, tức ngực, tim đập nhanh vẫn không thuyên giảm.
Cũng tương tự như bà Hoàn, anh Trần Đăng Khôi, trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cũng được vợ đưa đến Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an khám hậu COVID-19. Theo anh Khôi, anh bị mắc COVID-19 và đã âm tính cách đây hơn 1 tháng, nhưng đến nay vẫn bị ho nhiều, nhiều lúc những cơn ho dồn dập khiến anh đau như muốn “rút phổi”. Không những vậy, từ ngày mắc COVID-19, giấc ngủ rất chập chờn, tay chân lạnh, trí nhớ giảm sút, nhiều lúc rất hay quên.
Đến khám lại sau chưa đầy 1 tuần uống thuốc điều trị hậu COVID-19 tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, chị Nguyễn Thanh Hằng, ở Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội cho biết, sau khi được khám và uống thuốc theo phác đồ điều trị của Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, đến nay chị đã hết hẳn ho, ăn và ngủ ngon giấc hơn, không còn mệt mỏi hay hụt hơi, khó thở như trước nữa. Bên cạnh đều đặn sử dụng thuốc Đông y theo chỉ định của bác sĩ, để các triệu chứng hậu COVID-19 dứt điểm nhanh hơn, hằng ngày chị còn đến bệnh viện để sử dụng một số dịch vụ bấm huyệt trị liệu giúp giảm bớt nhức mỏi gân cốt, đồng thời kết hợp một số bài tập vận động, thể dục tại nhà.
Thượng tá, Bác sĩ Tăng Thị Bích Thuỷ, Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, trực tiếp đảm trách Trưởng phòng khám hậu COVID-19 cho biết, từ ngày phòng khám hậu COVID-19 được mở, lượng bệnh nhân đến khám hội chứng hậu COVID-19 rất đông. Số lượng bệnh nhân tới khám tăng gấp 3-4 lần so với trước đây, trong đó 3/4 trong số bệnh nhân đến khám có liên quan các triệu chứng hậu COVID-19.
Hậu COVID-19 – những cảnh báo không nên coi thường
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới ( WHO) và hướng dẫn của Bộ Y tế, Hội chứng hậu COVID-19 là tình trạng xảy ra ở những người khỏi bệnh trong vòng 3 tháng. Hậu COVID-19 có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc COVID-19. Người bệnh sau khi khỏi COVID-19 có thể mắc các di chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
Về mặt lâm sàng, các triệu chứng sau mắc COVID-19 chia thành 2 giai đoạn. Những triệu chứng kéo dài 4-12 tuần sau khi mắc bệnh gọi là tình trạng COVID-19 kéo dài, còn các triệu chứng kể từ khi mắc COVID-19 kéo dài sau 3 tháng thì gọi là hậu COVID-19. Nhiều nghiên cứu phát hiện có từ 55-200 triệu chứng xuất hiện sau khi bệnh nhân khỏi COVID-19.
Các triệu chứng phong phú, biểu hiện trên nhiều cơ quan, trong đó, triệu chứng hô hấp là rất phổ biến. Một số nghiên cứu cho thấy ho khan kéo dài, hụt hơi, khó thở là những triệu chứng dai dẳng và phổ biến trong vòng 3 tháng sau nhiễm COVID-19. Thực tế cho thấy, những bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 với triệu chứng hô hấp kéo dài đến khám được chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực thấy có tổn thương.
Một số dấu hiệu cảnh báo biểu hiện COVID kéo dài, hội chứng hậu COVID-19 cần lưu ý là xuất hiện sốt nhẹ, khó thở, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, huyết học bị huyết khối. Có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa như ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy; buồn nôn, nôn, đau thượng vị, rối loạn vị giác hoặc khứu giác, phát ban… hoặc có các di chứng rối loạn tâm, thần kinh thường gặp như: bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động, khó ngủ hoặc ngủ ít; nặng đầu, giảm trí nhớ, không tập trung; mệt mỏi, chân tay lạnh, đổ mồ hôi trộm.
Một số người xuất hiện tình trạng não sương mù, nhận thức kém, đọc chậm, giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tâm trạng. Nặng hơn thì tổn thương tim và mạch máu, nhịp nhanh, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, tràn dịch màng ngoài tim, hình thành cục máu đông gây tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim và suy tim, đông máu.
Trong đó, nhóm có nguy cơ cao mắc các triệu chứng hậu COVID-19 thông thường là bệnh nhân nặng, phải vào viện để điều trị COVID-19 cấp tính; người có nhiều hơn 5 triệu chứng như: ho, khó thở, tiêu chảy, chóng mặt, đau nhức... trong tuần đầu tiên nhiễm bệnh; người có bệnh nền, người trên 65 tuổi mắc COVID-19 và người có kết quả xét nghiệm máu bất thường nhiều trong giai đoạn cấp tính, với những trường hợp như trên nên chủ động khám sức khỏe trong vòng từ 1-3 tháng đầu sau khi khỏi COVID-19. Riêng người có bệnh nền, trên 60 tuổi; người mắc COVID-19 nặng từng điều trị tại khoa cấp cứu, hồi sức tích cực; người có các triệu chứng nặng nề hoặc bất thường nên đi khám ngay.
Đối với các bệnh nhân COVID-19 giai đoạn cấp tính mức độ nhẹ, sau khi khỏi mà không xuất hiện triệu chứng bất thường thì không cần xét nghiệm. Người đang hồi phục sau bệnh nặng, người có các triệu chứng tiếp tục không giải thích được cần đến bệnh viện làm các xét nghiệm như: công thức máu; sinh hóa máu gồm điện giải, urê máu và creatinine máu, chức năng gan, albumin trong máu, chụp X-quang kiểm tra phổi.
Thời gian hồi phục phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ mắc bệnh trước đó cũng như mức độ nghiêm trọng giai đoạn cấp tính và triệu chứng trải qua. Thông thường với người bị bệnh nhẹ thì thời gian phục hồi các triệu chứng sẽ ngắn hơn khoảng 2 tuần, còn bệnh nhân nặng để hồi phục có khi 2- 3 tháng mới hết.
Một trong những vấn đề nguy hiểm nhất của hậu COVID-19 là tình trạng nhiều bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm. Căn bệnh này biểu hiện rất khó nhận biết, chỉ có người thân thật sự gần gũi, quan tâm bệnh nhân và có kiến thức nhất định về y học mới có thể phát hiện ra. Hậu quả của những người bị trầm cảm rất nặng nề, thường họ luôn tìm cách tự tử. Thực tế đã xảy ra một số vụ tự tử do trầm cảm sau khi mắc COVID-19. Mới đây nhất, một trường hợp ở Lạng Sơn, bệnh nhân đã tìm đến cái chết hết sức đau xót, nguyên nhân cũng là do trầm cảm.
Theo bác sĩ Tăng Thị Bích Thủy, để việc khám và điều trị hậu COVID-19 hiệu quả, những bệnh nhân nào trước đó có các triệu chứng nặng, từng phải nhập viện trong thời gian điều trị COVID-19, khi đi khám hậu COVID-19, nên mang theo những hồ sơ sức khỏe trước đây để bác sĩ tham khảo.
Căn cứ vào kết quả khám sẽ có chỉ định phương án điều trị phù hợp, vừa kết hợp cả phương pháp điều trị bằng Tây y để dứt triệu chứng bệnh, vừa kết hợp phương pháp điều trị Đông y để tăng cường bồi bổ thể trạng, nâng cao sức đề kháng cho các bệnh nhân. Đây cũng chính là lợi thế của phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền, đó là hướng tới điều trị tận “gốc” bệnh với phương châm “cơ thể khoẻ mạnh mới đẩy lùi được bệnh tật”.
"Đặc biệt, người nhà bệnh nhân COVID-19 phải có ý thức quan tâm, chia sẻ với người bệnh giai đoạn hậu COVID-19 vì đây là giai đoạn nhạy cảm nhất, khi người bệnh đã bị tổn thương thể chất, thì song song với phục hồi thể chất, việc phục hồi tinh thần cho người bệnh, tránh rơi vào trạng thái tiêu cực, trầm cảm, là điều rất quan trọng, cần được quan tâm, tránh hậu quả đáng tiếc", bác sĩ Tăng Thị Bích Thủy chia sẻ.