Big Tech có dấu hiệu thoái trào
Một thực tế mới nghiệt ngã đang diễn ra với những “gã khổng lồ” công nghệ (Big Tech) của nước Mỹ, đó là kỷ nguyên doanh thu tăng trưởng mạnh, tuyển dụng việc làm không giới hạn và giá cổ phiếu cao đang có dấu hiệu sắp kết thúc.
Thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp công nghệ công bố báo cáo kém khả quan, trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang giảm tốc, xung đột ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, lãi suất và lạm phát đều cao, còn đại dịch COVID-19 bước sang năm thứ ba và vẫn chưa hoàn toàn biến mất dù có dấu hiệu suy yếu.
Các Big Tech dường như đang đứng trước một giai đoạn cắt giảm việc làm, tăng trưởng chậm lại và trì hoãn mở rộng kinh doanh. Triển vọng u ám này ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghệ, đồng thời tác động xấu đến sự phát triển kinh tế cũng như năng lực đổi mới tại Mỹ.
Những thông tin u ám
Ngày 23-5, công ty Snap, sở hữu ứng dụng mạng xã hội Snapchat, thông báo hạ dự báo doanh thu và lợi nhuận, đồng thời tuyên bố giảm tốc độ tuyển dụng. Chỉ một ngày sau, công ty quản lý ứng dụng gọi xe Lyft cũng cho biết sẽ hạn chế tuyển nhân viên mới và tìm kiếm biện pháp cắt giảm chi phí khác. Cuối tháng 5, “người khổng lồ” Microsoft tuyên bố ngừng tuyển dụng ở nhiều vị trí quan trọng. Xu hướng này tiếp tục đến đầu tháng 6, khi Tổng Giám đốc điều hành hãng sản xuất xe điện Tesla Elon Musk cho biết hãng này cần cắt giảm 10% lực lượng lao động và ngừng tuyển dụng trên toàn cầu.
Trong nhiều tuần, ngành công nghệ liên tục nhận những thông tin tương tự. Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng ngừng tuyển thêm nhân viên và cắt giảm chi phí, trong khi mạng xã hội Twitter tuyên bố “đóng băng” tuyển dụng mới, thậm chí rút lại các thông báo tuyển dụng trước khi ông Elon Musk thực hiện thương vụ mua lại nền tảng này. Hãng công nghệ Apple hồi tháng 4 cảnh báo các hạn chế do biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc có thể khiến doanh thu của hãng thiệt hại khoảng 8 tỷ USD trong quý II-2022.
Những dự báo kém khả quan của các doanh nghiệp công nghệ cho thấy những chuyển dịch đang diễn ra bên trong ngành công nghiệp từng được coi là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế hàng đầu thế giới, đặc biệt trong việc bảo đảm nguồn việc làm và mảng đầu tư đáng tin cậy. Tom Forte, nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư D.A. Davidson, nhận định rằng công nghệ không còn là lựa chọn chắc chắn để đầu tư, do đang phải đối mặt với nhiều vấn đề không thuận lợi.
Chỉ số Nasdaq Composite đã tụt dốc 25% kể từ ngày 19-11-2021 - sau khi đạt mức cao kỷ lục. Trong khi đó, chỉ số US Dollar Index tăng lên mức cao nhất trong 20 năm trở lại đây, đe dọa triển vọng kinh doanh của các tập đoàn công nghệ do chi phí bị đẩy cao. Anurag Rana, nhà phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence cho biết đồng USD mạnh lên thường “bào mòn” lợi nhuận của các công ty có hoạt động ở nước ngoài, trong khi các công ty phần mềm lớn có đến hơn 1/3 doanh thu đến từ thị trường nước ngoài.
Giới quan sát cho rằng vị thế của ngành công nghệ, từng là một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế Mỹ, đang bắt đầu lung lay. Theo số liệu của Layoffs - trang web chuyên tổng hợp những thông tin cắt giảm nhân sự của các công ty trên thế giới, hơn 126.000 nhân viên ngành công nghệ đã mất việc từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Netflix cũng cho biết đã sa thải 150 nhân sự trước tình trạng đánh mất người dùng, cổ phiếu giảm mạnh. Với Meta, các quản lý đang có kế hoạch giảm tuyển dụng với một vài vị trí nhất định.
Trong khi đó, nhân viên của Twitter, lại phải đối diện với nguy cơ mất việc khi Musk lên nắm quyền lãnh đạo công ty. CEO Parag Agrawal cũng gửi thông báo đến 7.500 nhân viên của mình rằng công ty mạng xã hội này sẽ thắt chặt chi tiêu, ưu tiên cho những nhu cầu quan trọng bằng cách cắt giảm các chi phí du lịch, marketing và tổ chức sự kiện.
Tự điều chỉnh trước khó khăn
Dù vậy, tình hình hiện nay được đánh giá là không tồi tệ như giai đoạn “bong bóng” dot-com vỡ hồi đầu thập niên 2000. Sự khác biệt là đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của nhiều sản phẩm công nghệ trong đời sống, giúp các công ty xây dựng khả năng chống chịu với các cú sốc kinh tế tốt hơn. Theo ông Russell Hancock, CEO tổ chức phi lợi nhuận Joint Venture Silicon Valley chuyên nghiên cứu về kinh tế, mọi người đã nhận ra công nghệ là không thể thay thế và những diễn biến hiện nay giống như việc thị trường đang tự điều chỉnh khi đối mặt với giai đoạn khó đoán trong dài hạn.
Nhằm chuẩn bị cho tình trạng kinh doanh bấp bênh trước mắt, các Big Tech đang dần “thắt lưng buộc bụng”, cẩn trọng trong việc lựa chọn các khoản đầu tư khác nhau. Trước đó, vào năm 2020, Amazon từng chi mạnh tay vào nhân sự và quy mô nhà kho để đáp ứng nhu cầu vận chuyển tăng cao trong đại dịch nhưng chúng lại trở nên thừa thãi ở thời điểm hiện tại. Amazon cho biết hãng đang sở hữu nhiều nguồn lực và mặt bằng hơn mức cần thiết, khiến nhiều nhân viên trở nên “vô công rỗi nghề” dù trước đây đảm nhiệm rất nhiều công việc thi công.
CEO Meta Mark Zuckerberg vào tháng 2 cho biết, công ty đang ưu tiên một số dự án như tính năng đăng video ngắn tương tự như TikTok, tin nhắn cá nhân và vũ trụ ảo (metaverse). Mới đây công ty tuyên bố giảm 3 tỷ USD các khoản đầu tư trong năm nay, dấu hiệu đầu tiên cho thấy Meta đang trở nên cẩn trọng với các khoản chi tiêu ngân sách của mình.
Tuy nhiên, nhìn chung, giới phân tích cho rằng dù ánh hào quang của các Big Tech có thể đang yếu đi, nhưng sức sống của Thung lũng Silicon vẫn chưa thể lụi tàn. Tỷ lệ thất nghiệp ở bang California đang ở mức 2%, thấp nhất kể từ năm 1999. Dữ liệu bổ sung từ Trung tâm nghiên cứu kinh tế California (CCSCE) cho thấy mức tăng trưởng việc làm của Khu vực vịnh San Francisco trong năm qua là 5,8%, nhanh hơn mức trung bình của toàn nước Mỹ và của bang California.
Stephen Levy, Giám đốc và nhà kinh tế cấp cao của CCSCE, nhận định rằng xu hướng suy giảm nhu cầu tuyển dụng cần được đánh giá trong bối cảnh ngành công nghệ đang phát triển mạnh. “Liệu thế giới có cần thêm nhiều sản phẩm và dịch vụ công nghệ hay không, liệu đây có phải lĩnh vực đang phát triển hay không? Câu trả lời là có”.