Bộ máy triệu đô của ngành AI

Thứ Hai, 20/11/2023, 07:40

Ngày nay thật khó để mở một tờ báo mà không nhìn thấy những tít bài về hoặc liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). Không là một bài báo nói về tiềm năng của AI thì lại là một bài về những mối nguy hiểm tiềm tàng của AI. Nhiều người ngoài cuộc nhìn vào không khỏi có phần bối rối, chẳng biết phải coi AI là bạn hay thù.

Trong bối cảnh đó, vai trò của giới cầm quyền đối với việc định hướng chính sách kiểm soát ngành phát triển AI là rất quan trọng. Mặt khác nó cũng sản sinh ra một bộ máy vận động hành lang trị giá chục triệu Đô la ở Mỹ và các nước phương Tây khác.

Cạnh tranh không công bằng

Việc vận động hành lang ở Mỹ không có gì là vi phạm pháp luật cả. Những quỹ hoặc hiệp hội đại diện có quyền chi tiền để ủng hộ những chính trị gia có thể thực hiện nguyện vọng của họ. Mặt khác chính trị gia và quan chức các cấp cũng có thể giữ chức vụ trong những tổ chức vận động hành lang.

t-ng th-ng joe biden dã ký quy-t d-nh b-t bu-c các công ty cung c-p n-n t-ng dám mây theo dõi nh-ng ngu-i dùng có d-u hi-u phát tri-n ai.jpg -0
Tổng thống Joe Biden đã ký quyết định bắt buộc các công ty cung cấp nền tảng đám mây theo dõi những người dùng có dấu hiệu phát triển AI

Vậy mục tiêu của Horizon Institute for Public Service (HIPS) là gì? HIPS được thành lập vào năm 2022 nhờ nguồn đầu tư của Open Philanthropy, quỹ từ thiện được biết đến nhiều về mối quan hệ với nhà đồng sáng lập Facebook Dustin Moskovitz. Công ty Asana của Dustin Moskovitz chuyên phát triển các nền tảng quản lý công việc và hiện tập trung vào mảng sử dụng AI để nhận biết hành vi con người. Ngoài ra Moskovitz cũng là cổ đông của tập đoàn phát triển AI Anthropic. Anthropic được thành lập bởi Dario Amodei và một nhóm nhân viên cũ của Tập đoàn OpenAI - doanh nghiệp đầu ngành AI hiện nay. Dario Amodei vốn là bạn học đại học của CEO Holden Karnofsky của HIPS.

Dario Amodei và Dustin Moskovitz từng công khai về mong muốn qua HIPS để thúc đẩy các nhà lập pháp Mỹ tiến đến việc kiểm soát ngành AI theo một cách có trách nhiệm. Trong số các chính trị gia nhận tiền của HIPS có những cái tên quyền lực như thượng nghị sỹ Martin Heinrich, Mike Rounds, Todd Young, và Richard Blumenthal. Phải nói ngay rằng thượng nghị sỹ Richard Blumenthal mới đây đã công bố một dự thảo luật về việc buôn bán công nghệ phát triển AI giữa các công ty tư nhân. Ngoài những chính trị gia, cũng phải nhắc đến một số không nhỏ các quan chức Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh nội địa, Ủy ban Khoa học Hạ viện và Ủy ban Thương mại Thượng viện đã hoặc đang giữ chức vụ trong bộ máy của HIPS.

HIPS chỉ là một “bánh răng” trong bộ máy vận động hành lang của ngành AI ở Mỹ. Tuy ngành AI mới chỉ đạt được những bước tiến vượt bậc trong việc thương mại hóa từ 10 năm trở lại đây, các “tay chơi” lớn đã sớm nhận ra rằng phải tìm cách gây ảnh hưởng lên giới cầm quyền nhằm phục vụ cho lợi ích của họ. Hiện tại mục tiêu của HIPS và các tổ chức tương tự là hướng đến xây dựng một bộ khung pháp lý kiểm soát hoạt động phát triển và sử dụng AI.

Bộ máy triệu đô của ngành AI -0
Các thượng nghị sỹ Mỹ và chủ tịch các tập đoàn AI tham gia một cuộc đối thoại chung hồi tháng 9

Trong một phiên điều trần gần đây trước Quốc hội Mỹ, ông Sam Altman, CEO của OpenAI, phát biểu: “Bản thân tôi cũng sợ về khả năng của AI. AI hoàn toàn có khả năng dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người... ChatGPT đã tỏ rõ khả năng phát tán thông tin sai sự thật của mình. Sẽ không lâu nữa khi các công cụ AI có thể tự động viết ra phần mềm để tin tặc sử dụng tấn công mạng... Chính phủ Mỹ cần sớm có biện pháp kiểm soát đầu vào lẫn đầu ra của quá trình phát triển và sử dụng AI”.

Ông Sam Altman cũng có những tuyên bố tương tự trong chuyến công du Châu Âu của mình. Mục đích của chuyến đi này nhằm tham vấn cho chính phủ các nước khối EU về việc ban hành luật quản lý trao đổi, mua bán công nghệ và cơ sở dữ liệu giữa những công ty phát triển AI. Trước đó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã ký kết ban hành một quy định như thế. Ông Biden còn bắt buộc các công ty cung cấp nền tảng đám mây theo dõi những người dùng có dấu hiệu phát triển AI.

Nhiều chuyên gia không khỏi tỏ ra nghi ngờ những lời cảnh báo được ngành AI phát ra. Bà Deborah Raji, chuyên gia nghiên cứu AI tại trường đại học California, nhận xét: “Những gì mà các CEO nói trước quốc hội giống như là họ đọc từ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng... Chúng ta cần phải thực tế về khả năng và tiềm năng của AI. Nếu các nhà lập pháp cứ chạy theo những gì ngành AI nói với họ thì chỉ có thể viết ra những bộ luật không thể đáp ứng thực tế”.

Trong một buổi hội thảo giữa các nghị sỹ và nhà khoa học, bà Deborah Raji đã thẳng thắn nói về tham vọng của các công ty đang dẫn đầu ngành AI: “Việc trao đổi công nghệ và cơ sở dữ liệu hoàn toàn có thể trở thành rào cản tham gia cạnh tranh trong ngành AI. Chính phủ Mỹ cần phải chú ý khi viết luật để không tiếp tay cho OpenAI hay Anthropic “đóng cửa” sân chơi và trở thành thế lực độc quyền”.

Về phần mình thì Mike Levine, phát ngôn viên của HIPS, nói trước báo chí: “Chúng tôi luôn giữ thái độ bảo vệ tính cạnh tranh của thị trường và không theo đuổi bất kỳ một hành động pháp lý cụ thể nào”. Tuy vậy ý kiến chung của giới quan sát là cần phải theo dõi và hạn chế ảnh hưởng của các tập đoàn AI trong việc xây dựng khung cơ sở pháp lý quản lý AI.

Ông Tim Stretton, giám đốc Ủy ban giám sát chính phủ độc lập, nhận xét: “Các nghị sỹ có liên quan đến HIPS hay những tổ chức vận động hành lang khác không nên được giao tiếng nói quyết định trong việc viết hay thông qua luật pháp về AI. Không ai muốn các tập đoàn AI thông qua họ mà viết luật cả”.

Bộ máy triệu đô của ngành AI -0
CEO của tập đoàn IBM Arvind Krishna từng lên tiếng nhiều lần về việc kiểm soát hoạt động phát triển AI

“Vị tha hiệu quả” và AI

Nếu đã nhắc đến thung lũng Silicon và AI thì chúng ta không thể không nói một chút về hệ tư tưởng gọi là “Vị tha hiệu quả” (“Effective Altruism”, EA). Nói đơn giản thì những ai tin vào EA nghĩ rằng hành vi của con người ta nên được dẫn dắt bởi những tính toán về lợi ích lâu dài của xã hội hay nhân loại. Một hành vi bên ngoài có thể coi như không ổn về mặt đạo đức thông thường nhưng vẫn có thể chấp nhận được theo EA nếu như hành vi đó có đem lại lợi ích cho loài người sau 10, 100, hay thậm chí là 1.000 năm.

Đặt sang một bên những lỗ hổng lý luận của EA, uy tín của chủ nghĩa này đã gặp tổn thất nặng trong vòng 1 năm trở lại đây. Từng có thời EA “làm mưa làm gió” ở thung lũng Silicon lẫn phố Wall, nhưng sau khi Sam Bankman-Fried - CEO của sàn giao dịch tiền ảo FTX - bị đưa ra tòa vì tội lừa đảo, dư luận Mỹ đã phải đặt câu hỏi: “Liệu người giàu tin vào EA vì họ thực sự nghĩ đến tương lai nhân loại, hay EA chỉ đơn giản chỉ để biện minh cho sự làm giàu bất chính của họ?”.

Ông chủ các công ty AI như Dustin Moskovitz hay Sam Altman là “tín đồ” của EA. Góc nhìn về AI của họ chịu ảnh hưởng nhiều bởi EA, vậy nên họ mới dành nhiều sự lo lắng về khả năng AI có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người.

Bộ máy triệu đô của ngành AI -0
Thượng nghị sỹ Richard Blumenthal (trái) bắt tay với CEO của OpenAI Sam Altman trước một phiên điều trần quốc hội

Giáo sư tin học Suresh Venkatasubramanian tại Trường đại học Brown nói về EA và AI: “Tôi không lo sợ về sự tuyệt chủng của loài người bởi AI. Với nền tảng công nghệ hiện nay, AI không đủ khả năng tính toán hay điều khiển để làm việc đó... Điều mà các nhà lập pháp nên thực sự quan tâm là ảnh hưởng của AI đối với các hoạt động sản xuất và sinh hoạt... AI sẽ thay đổi tự động hóa trong công nghiệp hay tài chính như thế nào mới là điều chúng ta nên nghiêm túc xem xét lúc này”.

Ảnh hưởng của EA đối với bộ máy vận động hành lang cho AI là điều chẳng thể chối bỏ được. Viện RAND, một trong những tổ chức quyền lực nhất Washington, đã nhận 5,5 triệu USD từ các tập đoàn AI kể từ đầu năm đến nay để “Nghiên cứu về thiệt hại AI có thể gây ra với loài người”. Viện RAND sử dụng số tiền này để nghiên cứu về việc sử dụng AI để phát triển vũ khí sinh học. Một điểm đáng chú ý là cuộc nghiên cứu này do CEO của viện RAND, Jason Matheny, người cũng từng là thành viên của Hội đồng Cố vấn an ninh quốc gia và Hội đồng Khoa học & Công nghệ, hai cơ quan đầy quyền lực trong chính phủ Mỹ. Ông Matheny từng không ít lần công khai sự ủng hộ của mình với EA.

Giáo sư tin học Suresh Venkatasubramanian nhận xét: “Tôi tin rằng ngành phát triển AI nói nhiều về hiểm họa lâu dài để che đậy các lợi ích trước mắt của họ. AI hoàn toàn có thể thay đổi xã hội ngay trước mắt chúng ta. Các tập đoàn AI như OpenAI đang đứng trước một “mỏ vàng”. Nói không xa, Anthropic vừa mới ký kết một hợp đồng cộng tác với Amazon trị giá 4 tỷ USD, và chuẩn bị ký một hợp đồng khác với Google lên đến 2 tỷ USD. Với số tiền đó thì ai cũng sẽ tìm mọi cách để loại bỏ đối thủ cạnh tranh, và liệu có cách nào tốt hơn là sử dụng “cái búa” mang tên luật pháp làm điều đó?”.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với phóng viên tờ ProPublica, Dustin Moskovitz trả lời câu hỏi về các tính toán kinh tế - chính trị của mình: “Mọi lợi nhuận tôi thu về từ Anthropic sẽ được đem đi làm từ thiện. Tôi đầu tư vào Anthropic không phải nhằm kiếm lời, vì tôi đã có 19 tỷ USD trong tay rồi. Tôi chỉ muốn dùng “sức nặng” của bản thân để đảm bảo việc phát triển AI theo hướng có lợi cho loài người”.

Trước sự chỉ trích của các nhà quan sát về việc cạnh tranh không công bằng, bộ máy vận động hành lang của ngành AI cho rằng bất kỳ bộ luật mới nào cũng sẽ giúp các công ty nhỏ và vừa “vượt mặt” những tập đoàn lớn do “Họ phát triển AI quy mô nhỏ và ít có khả năng gây hại cho xã hội hơn”. Vấn đề tuy vậy được giới chuyên gia cho rằng nằm ở chính việc “xếp hạng” AI dựa trên “mối nguy hiểm tiềm tàng”.

Giáo sư Suresh Venkatasubramanian viết trong một bức thư ngỏ gửi các nghị sỹ Mỹ: “Thật nực cười khi các nhà vận động hành lang nói về việc sử dụng AI để phát triển vũ khí sinh học “nguy hiểm” hơn là sử dụng AI để quản lý giao thông. Thứ nhất, AI còn ở xa tầm với của bất kỳ tổ chức tội phạm hay khủng bố nào. Thứ hai, vẫn còn quá ít nghiên cứu lâu dài về lợi ích và bất cập của AI trong công cuộc tự động hóa quản lý đô thị. Thứ ba, đây là một chiến lược khiến nhà lập pháp hoảng sợ mà bỏ qua việc nghiêm túc xem xét xem làm thế nào để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng trong phát triển AI”.

Mặc cho những lời cảnh báo đến từ giới chuyên gia, bộ máy vận động hành lang của ngành AI vẫn đang thắng lợi. Chỉ vừa mới tháng trước HIPS tổ chức thành công Diễn đàn Quốc hội tìm hiểu AI nhằm “kết nối” các nhà cầm quyền và phóng viên với những CEO và nhà nghiên cứu AI tư nhân. Đứng trước viễn cảnh các tập đoàn AI sử dụng luật pháp để “đóng cửa” thị trường AI và nắm giữ thế độc quyền, một số tổ chức hoạt động vì nhân quyền và bình đẳng xã hội đã liên minh lại với nhau để đối đầu với bộ máy vận động hành lang AI. Nhưng theo lời của một người trong cuộc: “Chúng tôi không tự mãn đến mức cho rằng mình có thể trở thành đối trọng hiệu quả với họ (bộ máy vận động hành lang) được. Họ có quá nhiều tiền, quá nhiều ảnh hưởng và được tổ chức chặt chẽ hơn chúng tôi nhiều lần”.

Lê Công Vũ
.
.