“Bóng ma” drone đe dọa nước Mỹ
Mặc dù giới chức Mỹ tuyên bố những chiếc máy bay không người lái cỡ nhỏ (drone) xuất hiện gần đây ở New Jersey không đe dọa an ninh quốc gia, đó vẫn là lời nhắc nhở rằng chiến tranh bằng drone có thể một ngày nào đó sẽ chạm đến đất Mỹ.
Sự kiện nói trên xuất hiện trong bối cảnh drone xuất hiện ngày càng phổ biến trên các chiến trường. Những mẫu như Shahed-136, một thiết kế drone của Iran mà Nga sử dụng trong cuộc chiến tại Ukraine, đặt ra mối đe dọa mới đối với cả quân đội và dân thường. Với kích thước nhỏ gọn, khả năng linh hoạt và hoạt động theo bầy đàn, những chiếc drone này là mối nguy, đòi hỏi phải có những cách tiếp cận và công nghệ mới để chống lại chúng.
Mối đe dọa từ không trung
Vấn đề càng trở nên cấp bách hơn đối với nước Mỹ khi nhiều drone xuất hiện trên bầu trời bang New Jersey từ giữa tháng 11, theo Pop Mech. Nhiều người dân trong vùng nói họ thấy drone bay gần một số căn cứ và cơ sở của quân đội Mỹ ở bang này. Sau đó, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ban hành lệnh cấm bay tạm thời đối với tất cả các drone tại khu vực này, bao gồm cả sân golf thuộc sở hữu của Tổng thống đắc cử Donald Trump ở New Jersey. Các vụ nhìn thấy drone nhanh chóng lan rộng ra toàn bang và sau đó là khắp nước Mỹ. Ít nhất 10 bang có báo cáo về các phương tiện bay lạ, gây ra tâm lý hoang mang trên diện rộng.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho hay họ đang “tích cực điều tra” các báo cáo này, cho dù những chiếc drone chưa gây ra gây rủi ro cho dân thường. Trong số 5.000 vụ phát hiện drone được báo cáo trong vài tuần qua, FBI chỉ theo dõi khoảng 100 vụ, theo lời Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby trong một cuộc họp báo. FBI kêu gọi người dân Mỹ không bắn hạ drone hoặc chiếu tia laser vào chúng, vì nhiều trường hợp phát hiện thực chất không phải là drone quân sự, mà là các vật thể bình thường như máy bay chở khách, drone thương mại, drone nghiệp dư, thậm chí là các hành tinh hoặc chòm sao trên bầu trời.
Tuy nhiên, nguy cơ chiến tranh bằng drone đối với nước Mỹ được xem là một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia và tổ chức phi chính phủ ngày càng mở rộng việc sử dụng công nghệ này để thực hiện các hoạt động quân sự và tấn công. Drone có thể được sử dụng để tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng như nhà máy điện, nhà máy lọc dầu, hệ thống giao thông, và mạng lưới viễn thông, gây ra hỗn loạn và làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người. Trong thực tế, các cuộc tấn công bằng drone vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia năm 2019 đã cho thấy sự dễ bị tổn thương của các hạ tầng quan trọng trước loại vũ khí này.
Người Mỹ còn lo ngại các đối thủ tiềm năng của họ, hoặc các tổ chức khủng bố, có thể sử dụng drone quân sự hiện đại để tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ hoặc tàu chiến. Drone nhỏ, tốc độ cao, và khả năng bay thấp khiến chúng khó bị phát hiện bởi các hệ thống radar truyền thống.
Hơn nữa, bóng ma ngày 11/9 chắc chắn chưa thôi ám ảnh người dân xứ cờ hoa. Các loại drone dân dụng thương mại có thể được vũ trang để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố, như mang theo chất nổ hoặc vũ khí sinh học, hóa học. Với giá thành rẻ và dễ dàng mua bán, drone thương mại là lựa chọn lý tưởng cho các tổ chức khủng bố nhằm thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ. Hơn nữa, chúng phù hợp với các cuộc chiến phi đối xứng: drone rẻ hơn nhiều so với máy bay quân sự truyền thống và không cần phi công, cho phép các quốc gia nhỏ hoặc tổ chức phi chính phủ đối đầu với một siêu cường như Mỹ.
Và cho dù là siêu cường quân sự, Mỹ vẫn gặp khó khăn khi phải đối đầu với một cuộc tấn công drone tiềm tàng. Kẻ thù, kết hợp drone với các cuộc tấn công mạng, có thể tạo ra những chiến lược tấn công phức tạp, làm tê liệt hệ thống phòng thủ của Mỹ. Dù Washington sở hữu hệ thống phòng không tiên tiến như Patriot hoặc Iron Dome, các hệ thống này không được thiết kế để đối phó với cuộc tấn công của những bầy drone nhỏ gọn, rẻ tiền.
Mối nguy từ các tổ chức cực đoan
Mặc dù vậy, với sự phát triển không ngừng của công nghệ, chiến tranh bằng drone vẫn là một mối nguy cơ ngày càng lớn đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Một số kẻ thù tiềm tàng có khả năng tấn công nước Mỹ bằng drone bao gồm cả các quốc gia đối thủ, các tổ chức khủng bố, và các nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Giới chức Mỹ từng cáo buộc Iran tài trợ và cung cấp drone cho các nhóm vũ trang như Houthi ở Yemen hoặc Hezbollah ở Lebanon. Mỹ còn cáo buộc Iran dùng drone tấn công các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia.
Al-Qaeda vẫn duy trì tham vọng tấn công vào nội địa Mỹ và drone có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu dân sự hoặc quân sự, theo nhận định của National Interest. Không chỉ Al-Qaeda, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng có thể là nhóm tận dụng sự lợi hại của drone để tấn công nước Mỹ. IS từng sử dụng drone thương mại trong các cuộc tấn công ở Trung Đông, gắn bom và vũ khí để tấn công quân đội.
Mối lo ngại của Washington chưa dừng lại trong phạm vi lãnh thổ Mỹ bởi drone đã trở thành một nguy cơ mang tính toàn cầu: ISIS có thể vận chuyển drone qua các kênh buôn lậu hoặc sử dụng mạng lưới khủng bố để thực hiện các cuộc tấn công ở Mỹ hoặc các cơ sở của người Mỹ ở khắp nơi trên thế giới. Tổ chức chính trị - quân sự Hezbollah ở Lebanon, với sự hỗ trợ công nghệ và tài chính được cho là đến từ Iran có thể sử dụng drone để tấn công các mục tiêu của Mỹ ở Trung Đông hoặc thậm chí xa hơn. Và còn đó những cái tên khác như Taliban.
Drone còn có thể trở thành công cụ buôn lậu hoặc vũ khí hữu hiệu của các nhóm tội phạm ma túy ở khu vực Mỹ Latin. Các băng nhóm như Sinaloa và CJNG đã sử dụng drone để vận chuyển ma túy và tấn công lực lượng an ninh ở Mexico. Họ cũng có thể sử dụng drone để tấn công lực lượng biên phòng Mỹ hoặc gây bất ổn tại các khu vực biên giới.
Ngay trong lãnh thổ Mỹ, các nhóm cực đoan hoặc khủng bố nội địa như "các phong trào dân quân vũ trang" có thể sử dụng drone để tấn công các cơ quan chính phủ hoặc mục tiêu dân sự.
Vũ khí chống drone
Dù chính phủ Mỹ khẳng định rằng những chiếc drone xuất hiện ở New Jersey không gây rủi ro cho an ninh quốc gia, khả năng drone biến đổi nhanh chóng từ một sản phẩm dân dụng thành một loại vũ khí để vượt qua các hệ thống phòng thủ truyền thống là rõ ràng. Theo Pop Mech, trong thập kỷ qua, quân đội Mỹ đã đầu tư lớn vào các chương trình nhằm bảo vệ các đơn vị chiến đấu trước mối nguy mang tên drone. Nếu các đối thủ nước ngoài muốn làm suy yếu khả năng triển khai lực lượng của Lầu Năm Góc, tấn công bằng drone vào các căn cứ quân sự ngay tại lục địa Mỹ là một lựa chọn.
Chính vì vậy, các loại vũ khí chống drone của Mỹ có thể một ngày nào đó được sử dụng để bảo vệ các căn cứ cả trong và ngoài nước - và có lẽ chỉ là vấn đề thời gian. Để đối phó với mối đe dọa từ drone, Mỹ đã và đang phát triển các công nghệ và chiến lược mới, ví dụ hệ thống phòng thủ drone (C-UAS). Hệ thống này sử dụng radar, laser, và sóng vi ba để phát hiện và tiêu diệt drone. Ngoài ra, Washington đang phát triển AI và mạng lưới an ninh, cải thiện khả năng nhận diện và phản ứng với các cuộc tấn công. Bên cạnh đó là tăng cường luật pháp, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng drone thương mại và công nghệ liên quan.
Trong những năm 2010, khi mối đe dọa từ drone bắt đầu xuất hiện, Lục quân Mỹ đã sử dụng các giải pháp vũ khí truyền thống. Các pháo tự động, thường có cỡ nòng nhỏ (20-30mm), là vũ khí tiêu chuẩn trong việc đối phó với các mối đe dọa trên không tầm thấp trong suốt 100 năm qua. Đến những năm 1960, quân đội một số nước bắt đầu sử dụng tên lửa đất đối không tầm ngắn. Những hệ thống này, được gọi là MANPADS (hệ thống phòng không mang vác), đã chứng minh hiệu quả của chúng, đặc biệt trong cuộc chiến gần đây ở Ukraine, khi bắn hạ được cả drone, trực thăng, máy bay chiến đấu, và thậm chí là tên lửa hành trình.
Một ví dụ là hệ thống Maneuver-Short Range Air Defense (M-SHORAD) của Lục quân Mỹ, hay còn được gọi là Sgt. Stout, một trong những dòng xe bọc thép được trang bị vũ khí mạnh nhất. Hệ thống này sử dụng khung gầm của xe chiến đấu bộ binh Stryker, được trang bị tên lửa FIM-92 Stinger, tên lửa AGM-114L Hellfire Longbow, pháo tự động XM914 30mm và súng máy M240 7,62mm. Pháo XM914 có thể sử dụng đạn nổ gần mục tiêu, gây sát thương bằng mảnh đạn, trong khi các tên lửa Hellfire có khả năng tiêu diệt cả mục tiêu trên không lẫn mặt đất.
Một giải pháp hiệu quả khác là sử dụng tên lửa đất đối không. Ví dụ, RTX Coyote, loại tên lửa nhỏ có khả năng hoạt động theo bầy đàn để chống lại các đội hình drone đông đảo. Được dẫn đường bởi radar băng tần Ku (tần số từ 12 đến 18 GHz) trên mặt đất, tên lửa Coyote có thể bay liên tục trong một giờ. Năm 2023, Lục quân Mỹ đã đặt hàng 6.700 tên lửa này, bao gồm 6.000 tên lửa có đầu đạn nổ và 700 tên lửa “phi động năng,” có thể là thiết bị gây nhiễu làm mất liên lạc giữa drone và người điều khiển.
Trong thập kỷ vừa qua, các loại vũ khí laser và sóng vi ba đã bắt đầu được triển khai để đối phó với mối đe dọa từ drone. Ví dụ, hệ thống Directed Energy Maneuver-Short Range Air Defense (DE M-SHORAD) sử dụng tia laser công suất 50-kilowatt để đốt cháy các drone, làm tan chảy linh kiện hoặc gây nổ các đầu đạn của chúng.
Một thiết kế không chính thống khác là Leonidas, sử dụng năng lượng vi sóng công suất cao để phát ra xung điện từ (EMP), vô hiệu hóa hệ thống điện tử của drone, khiến chúng rơi xuống đất. Hệ thống này đặc biệt hiệu quả trong việc chống lại các bầy đàn drone lớn, có thể tấn công toàn bộ đội hình chỉ bằng một xung điện duy nhất.
Drones nhỏ, nhanh, và có khả năng hoạt động theo bầy đàn đã chứng minh là mối đe dọa khó đối phó ngay cả với những quân đội tiên tiến nhất. Tuy nhiên, các nỗ lực phát triển vũ khí chống drone đã bắt đầu tạo ra những hệ thống phòng thủ hiệu quả, thậm chí thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ như laser và sóng vi ba.
Nếu những chiếc drone xuất hiện ở New Jersey hoặc trong tương lai có liên quan đến các thế lực thù địch hoặc khủng bố và đe dọa an ninh quốc gia, Lầu Năm Góc chắc chắn có phương tiện để đối phó. Nhưng hiệu quả của chúng đến đâu vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ và drone còn ám ảnh những bộ óc trong giới quân sự Mỹ trong một thời gian dài nữa.