Cạnh tranh không gian trong chiến lược nước lớn

Chủ Nhật, 16/01/2022, 13:07

Không gian vũ trụ có tầm vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của con người về chính trị, kinh tế, xã hội, tài chính và quân sự v.v... Sự phát triển các lĩnh vực trong không gian giờ đây trở thành vấn đề chiến lược trong cuộc cạnh tranh quốc tế.

Công nghệ vũ trụ đã trở thành một yếu tố chính ảnh hưởng đến trật tự không gian và nó cũng ảnh hưởng đến sự quản lý không gian, liên quan đến việc sử dụng bền vững không gian trong tương lai.

Sự phát triển của công nghệ vũ trụ

Sự xuất hiện của công nghệ vũ trụ ban đầu hoàn toàn do nhu cầu quân sự. Năm 1946, để phá thế độc quyền vũ khí hạt nhân của Mỹ và loại trừ ưu thế của Mỹ trong việc triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu, Liên Xô đề xuất một chương trình nghiên cứu tên lửa đạn đạo tầm xa,  đó là sự kết hợp vũ khí hạt nhân và tên lửa để tạo thành “tên lửa đạn đạo”.

Năm 1949 và 1953, Liên Xô đã nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm thành công bom nguyên tử và bom khinh khí. Năm 1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử loài người. Những thành công này cho thấy Liên Xô đã giải quyết được vấn đề “tên lửa đạn đạo” và có thể quẳng vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ Mỹ và báo hiệu một thời đại không gian đã đến.

Mặc dù Hoa Kỳ nhận được nguồn lực chất xám dồi dào từ Đức sau chiến tranh và tăng nhanh việc nghiên cứu tên lửa nhưng tiến độ đã bị tụt hậu so với Liên Xô. Năm 1957, vệ tinh của Liên Xô bay lên bầu trời đã làm cho nước Mỹ kinh hoàng nhưng lại là điều kích thích họ. Thế nhưng về mặt lý thuyết, không gian phục vụ trực tiếp cho quân sự thì Hoa Kỳ là nước dẫn đầu thế giới.

Năm 1946, không quân Hoa Kỳ và tập đoàn RAND đã thảo luận về vai trò của vệ tinh trong thông tin liên lạc, chỉ huy và trinh sát. Họ sử dụng vệ tinh cho mục đích quân sự, tạo tiền lệ cho việc sử dụng vệ tinh trong lĩnh vực quân sự và mở ra quá trình quân sự hóa và vũ khí hóa không gian. Tóm lại “sự phát triển của công nghệ vũ trụ gắn liền với chiến lược hạt nhân và xuyên suốt toàn bộ thời đại vũ trụ”.

Cạnh tranh không gian trong chiến lược nước lớn -0
Trạm không gian vũ trụ Quốc tế ISS.

Công nghệ vũ trụ tạo ra từ cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đã đưa nhân loại bước vào thời đại vũ trụ. Kể từ đó, ngoài cạnh tranh quân sự và cạnh tranh ý thức hệ, Hoa Kỳ và Liên Xô đã phát triển mạnh công nghệ vũ trụ và phóng các vệ tinh với các chức năng và sứ mệnh khác nhau. Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, số vệ tinh do Hoa Kỳ và Liên Xô phóng lên đã vượt xa số vệ tinh của các nước khác và tổng số vệ tinh của Liên Xô nhiều hơn của Hoa Kỳ.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh, không gian thể hiện mô hình hai cường quốc tranh giành quyền bá chủ là Hoa Kỳ và Liên Xô, là hình chiếu của mô hình lưỡng cực của Trái đất trong không gian. Trong cấu trúc này có sự khác biệt rõ ràng giữa phe Đông và Tây. Về khối liên minh Liên Xô mà nói, ngoài Trung Quốc, quốc gia có quan hệ căng thẳng với Liên Xô sở hữu một vài vệ tinh thì Liên Xô chiếm ưu thế trong không gian. Trong khối liên minh Hoa Kỳ, không chỉ Hoa Kỳ sở hữu nhiều vệ tinh mà các đồng minh của họ như Anh, Pháp, Tây Đức và Israel v.v... Ở đây cũng cần nhắc lại rằng Ấn Độ, quốc gia sáng lập ra Phong trào Không liên kết cũng đã trở thành thành viên của “Câu lạc bộ không gian”.

Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ vũ trụ, ngày càng nhiều quốc gia có khả năng phóng vệ tinh độc lập, chẳng hạn như CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc và Iran. Trong tương lai gần, Úc và Nam Phi cũng sẽ có phương tiện phóng vệ tinh riêng. Ngoài ra, có hai tổ chức độc lập đó là Công ty phóng vệ tinh trên biển và công ty dịch vụ phóng vệ tinh quốc tế do Mỹ, Nga cùng một số quốc gia thành lập để cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh thương mại.  

Theo thống kê của các nhà khoa học, tính đến tháng 9 năm 2019, tổng cộng có 2.218 vệ tinh trên quỹ đạo thuộc sở hữu của hơn 70 đơn vị chủ thể, trong đó Hoa Kỳ có 1.007 vệ tinh, Trung Quốc có 323 vệ tinh, Nga có 164 vệ tinh còn 724 vệ tinh là của các chủ thể khác.

So với thời kỳ chiến tranh Lạnh, khoảng không vũ trụ đã xuất hiện các công ty tư nhân. Thời kỳ chiến tranh Lạnh, một số tổ chức quốc tế và công ty tư nhân sở hữu vệ tinh để cung cấp các dịch vụ liên lạc và cứu hộ. Sau thời kỳ chiến tranh Lạnh, ngày càng có nhiều công ty tư nhân bước vào không gian bằng cách mua vệ tinh để cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp, chẳng hạn như thông tin liên lạc và dịch vụ viễn thám. Điều quan trọng hơn là một số công ty tư nhân không chỉ có thể chế tạo vệ tinh mà còn có thể phóng các vệ tinh lên quỹ đạo. Ví dụ Tập đoàn thám hiểm không gian (Space X), đã phát triển các phương tiện phóng có thể tái sử dụng, giúp giảm đáng kể chi phí phóng.

Tóm lại, sau chiến tranh Lạnh, do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ vũ trụ, trật tự không gian quốc tế do các chủ thể nhà nước chi phối đã có những thay đổi sâu sắc, hình thành nên cấu trúc không gian kép, đa phân cực đan xen giữa các đơn vị nhà nước và các công ty tư nhân.

Cạnh tranh không gian trong chiến lược nước lớn -0

Chi phối trật tự không gian

Do sự phát triển của công nghệ vũ trụ, trật tự không gian quốc tế đã có một mô hình khác hẳn so với thời chiến tranh Lạnh.

Đầu tiên, về số lượng vệ tinh mà nói, mô hình không gian có cấu trúc như một kim tự tháp. Ở dưới đáy của kim tự tháp có không đến 10 vệ tinh, bao gồm của Đài Loan, Indonesia, Pakistan,... Tầng thứ hai có từ 10 đến 30 vệ tinh bao gồm của Israel, Argentina, Brazil, Hàn Quốc... Tầng thứ ba có từ 40 đến 100 vệ tinh gồm của Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Canada, v.v.. Tầng thứ tư có từ 100 đến 200 vệ tinh gồm của Nga và châu Âu. Tầng thứ năm là của Trung Quốc với 323 vệ tinh. Trên đỉnh kim tự tháp là của Hoa Kỳ với 1.007 vệ tinh. Mặc dù Trung Quốc ở vị trí thứ hai có hơn 300 vệ tinh nhưng chỉ bằng một phần ba của Hoa Kỳ.

Nói chung, Hoa Kỳ có  số vệ tinh thống trị thế giới và là siêu cường không gian duy nhất. Nếu công ty thám hiểm vũ trụ hiện thực hóa kế hoạch "Starlink" vào năm 2020 có khoảng 12.000 mạng thì số lượng vệ tinh mà Hoa Kỳ sở hữu sẽ tăng lên đáng kể. Các công ty vũ trụ khác của Hoa Kỳ cũng có kế hoạch phóng hàng trăm vệ tinh. Nếu đạt được tất cả, vệ tinh của các quốc gia khác sẽ gần như không đáng kể. Cấu trúc kim tự tháp về số lượng vệ tinh trong không gian nói chung phản ánh trình độ công nghệ vũ trụ của các quốc gia trên trái đất.

Cạnh tranh không gian trong chiến lược nước lớn -0
Tên lửa Ariane-5 tại bãi phóng, chuẩn bị mang vật liệu lên Trạm vũ trụ quốc tế.

Thứ hai, cạnh tranh không gian quốc gia với cạnh tranh công ty tư nhân đan xen lẫn nhau. Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã phóng hơn 5.000 tàu vũ trụ, điều đó cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai cường quốc. Sau chiến tranh Lạnh, ngày càng có nhiều quốc gia tiến vào vũ trụ và phóng nhiều loại vệ tinh, đặc biệt là tàu vũ trụ thám hiểm mặt trăng tạo thành một cuộc đua mặt trăng quốc tế.

Năm 1990, Nhật Bản đã dẫn đầu trong công cuộc khám phá Mặt Trăng. Cho đến nay Hoa Kỳ, châu Âu, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác đã thực hiện hoặc đang tiến hành các hoạt động thăm dò Mặt Trăng. Nếu Hoa Kỳ và Liên Xô tỏ ra “cô đơn” trong cuộc chạy đua không gian (bao gồm cả cuộc đua Mặt trăng) trong chiến tranh Lạnh, thì trong cuộc đua không gian mới, đặc biệt là cuộc đua trên Mặt trăng, không quốc gia nào cảm thấy “cô đơn bóng chiếc” mà người ta cảm thấy rằng sự cạnh tranh đang “như hình với bóng”. 

Ngoài ra, các công ty không gian tư nhân cũng đã tham gia cuộc đua không gian. Mục đích cơ bản là thương mại đã mở ra “cuộc vận động không gian mới" bắt đầu ở Hoa Kỳ đang lan rộng ra toàn cầu, gây ra làn sóng thương mại hóa không gian. Các công ty này nhằm mục đích phát triển tài nguyên không gian để kiếm lợi nhuận thương mại hoặc tham gia vào hoạt động viễn thám thương mại, truyền thông thương mại và các dịch vụ khác, tham gia vào việc phát triển tài nguyên tiểu hành tinh gần Trái đất, hoặc thậm chí là tài nguyên mặt trăng. 

Cuộc chạy đua không gian sau chiến tranh Lạnh thể hiện một cảnh tượng trăm hoa đua nở, về bản chất là phản ánh sự đa cực của không gian và trên thực tế là kết quả của sự phát triển và phổ biến của công nghệ vũ trụ. Mặc dù nhiều công ty không gian tư nhân sẽ ra đời trong tương lai để tham gia vào phát triển và sử dụng không gian nhưng hầu hết các tổ chức không gian tư nhân hiện đang do Hoa Kỳ thống trị, trong khi Nhật Bản, Ấn Độ, Israel và các quốc gia khác có tương đối ít. Trung Quốc và Nga hiện không có công ty tư nhân về tài nguyên không gian, đặc biệt là sự phát triển các nguồn tài nguyên như Mặt Trăng. 

Quản lý không gian

Sự phát triển và sử dụng không gian được hưởng lợi từ sự xuất hiện của công nghệ vũ trụ nhưng đồng thời sự phát triển của công nghệ vũ trụ đã làm gia tăng khó khăn trong việc quản lý không gian, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự không gian và gây ra việc sử dụng không gian không bền vững trong tương lai.

Cơ chế không gian quốc tế được thành lập trong chiến tranh Lạnh chủ yếu nhắm vào các chủ thể nhà nước và dường như có ít ràng buộc đối với các thực thể tư nhân. Điều nghiêm trọng hơn là cơ chế không gian quốc tế hiện tại không thể thích ứng với sự phát triển của công nghệ vũ trụ và vấn đề quản lý an ninh không gian đặc biệt nổi cộm. Các cơ chế pháp lý không gian quốc tế hiện có nghiêm cấm vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng không cấm rõ ràng các loại vũ khí không gian khác. Trên thực tế, cộng đồng quốc tế chưa đạt được sự đồng thuận về định nghĩa “vũ khí không gian”.

 Điều đáng chú ý là tháng 4 năm 2018, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua "Đạo luật doanh nghiệp tự do thương mại không gian Hoa Kỳ”, tuyên bố rõ ràng rằng, không gian không còn là “đất chung toàn cầu”, điều này ngụ ý rằng Hoa Kỳ có thể chiếm giữ các thiên thể theo cách “chiếm trước, được trước” và tuyên bố nó thuộc chủ quyền của Hoa Kỳ. Chính quyền Trump cũng chính thức thành lập Quân đội không gian và phục vụ quyền bá chủ quân sự không gian chỉ là một trong những mục đích của họ và mục đích sâu rộng hơn có thể là bảo vệ vòng vây không gian của họ.       

Để giải quyết vấn đề quản lý không gian, ngoài việc tuân thủ các cơ chế quốc tế hiện có, cộng đồng quốc tế cũng cần giải quyết vấn đề kiểm soát vũ khí không gian để đạt được một hiệp ước Quốc tế công bằng và chính trực, đồng thời cũng đòi hỏi một giải pháp công bằng và chính trực cho vấn đề quỹ đạo không gian, tài nguyên tần số nhất và xem xét đầy đủ các mối quan tâm của các quốc gia đang phát triển và các quốc gia có vị trí đặc định (như các quốc gia vùng xích đạo).

Nguyễn Đình Thiêm (Theo “Xinhuanet.com”)
.
.